Mái trường thân yêu

Tác giả : Lê Khắc Hoan
  • Lượt đọc : 780
  • Kích thước : 0.59 MB
  • Số trang : 99
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 172
  • Số lượt xem : 3.636
  • Đọc trên điện thoại :
Mái trường thân yêu là câu chuyện của Việt. Vốn là một học sinh trường thị xã nên khi chuyển về nông thôn cậu ta tỏ ra khinh thường bạn bè và liên tiếp hết sai lầm này đến sai lầm khác. Có những lúc Việt thấy cô độc và tủi thân nhưng bạn bè và cô giáo đã giúp đỡ cậu gắn bó với “mái trường thân yêu”, với những thầy giáo và bạn bè rất đáng tin cậy. Câu chuyện quả là đơn giản. Cái hấp dẫn người đọc là ở lối kể chuyện có duyên, ở những chi tiết sinh động, nhưng trước hết là ở vấn đề mà tác giả đề cập đến.

Việt là một học sinh chậm tiến có nhiều khuyết điểm. Chúng ta thường gặp trong các sách những nhân vật chậm tiến theo kiểu lười học, ham chơi, ngỗ nghịch. Đấy là những em học sinh thường suy nghĩ và hành động theo bản năng. Việt không giống thế, cậu ta chăm học, đọc nhiều sách hay suy nghĩ, bản chất thọng minh và đã tích lũy được một số hiểu biết khá nhiều so với lứa tuổi của em. Vì vậy, mỗi hành động của Việt thường được biện hộ rất khôn khéo. Chẳng hạn, không cho bạn mượn sách, Việt có thể viện ra rất nhiều lý do, nào là bạn làm rách mép quăn bìa, vẽ kính vào mặt đàn ông, vẽ râu vào mặt đàn bà… Và Việt cũng không từ chối thẳng thừng mà lại tìm cách đánh trống lảng. Trong tâm hồn Việt cái sai cái đúng thường đan chéo vào nhau. Mổ xẻ phân tích những sai lầm của Việt, Lê Khắc Hoan đã phê phán những thói hư tật xấu của các em ở những khía cạnh tinh vi, khó thấy mà lại rất phổ biến. Thực chất ở đây là phê phán chủ nghĩa cá nhân, đề cao chủ nghĩa tập thể trong học tập, trong sinh hoạt, trong quan hệ bạn bè…

Những sai lầm của Việt có nhiều nguyên nhân trong đó các thầy giáo đã dạy Việt trước đây có phần trách nhiệm. Đây là những suy nghĩ của Việt: “…từ lớp một đến lớp sáu tôi luôn được xếp vào loại học sinh giỏi của lớp. Bạn bè gọi tôi là “vua toán” và nể tôi ra mặt. Ngay các thầy giáo cũng săn sóc tôi với một tình cảm đặc biệt. Những lời khen ngợi bùi tai, những cái nhìn khâm phục, sự săn sóc lộ liễu… Tất cả đối với tôi dần dần trở thành những nhu cầu không thể thiếu…” (tr. 94). Lê Khắc Hoan rất có lý khi anh phát hiện ra điều đó. Xung quanh chúng ta vẫn còn những thầy giáo, những bậc cha mẹ đặt trí dục lên trên đức dục; họ thường nuông chiều quá đáng những học sinh giỏi mà ít quan tâm giáo dục tư tưởng, đạo đức cho các em. Họ chưa nhận thức một cách sâu sắc: con người mới phát triển toàn diện nhưng trước hết là con người cách mạng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, gắn bó với nhân dân, với tập thể.

Quan hệ giữa Việt và bà nội cũng là một vấn đề mà tác giả muốn nhấn mạnh. Bà nội Việt là một người cần cù tháo vát và rất mực thương yêu con cháu. Việt đã thừa hưởng được những tính tốt của bà. Nhưng bà chưa phải là một người phụ nữ kiểu mới; thói quen hẹp hòi, tư lợi của một người buôn bán nhỏ cũng đã để lại trong tâm hồn Việt những dấu vết không lành mạnh. Chỉ ra được điều đó bằng những hình tượng cụ thể, những cảm xúc chân thực, không những tác giả đã làm cho câu chuyện có thêm ý vị trữ tình mà tính chiến đấu, tính giáp dục của các tác phẩm cũng được nâng lên một mức. Cũng cần nói thêm: mái trường thân yêu viết cho lứa tuổi thiếu niên mới lớn. Ở lứa tuổi này khả năng suy nghĩ của các em đã phát triển, giúp các em nhận rõ cái đúng cái sai của lứa tuổi mình và nhất là của những người thân thích là một điều rất cần thiết.

Lê Khắc Hoan tập trung sự chú ý của mình vào việc phê phán sai lầm nhưng anh không nhìn một chiều. Trung thành với cuộc sống, bên cạnh những điều cần phê phán anh đã cố gắng biểu dương những mặt tốt đẹp vốn là bản chất của nhà trường và nông thôn ta hiện nay. Thông qua những hoạt động: xây dựng trường tự giác, dự báo thời tiết, lao động giúp đỡ bạn… chúng ta thấy ở đây nhà trường và đội thiếu niên tiền phong đã phối hợp với nhau và có một tác dụng lớn lao trong sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ. Cô giáo Mùi là chủ nhiệm lớp đồng thời cũng là chị phụ trách công tác Đội. Cô vừa dạy giỏi, vừa lao động giỏi. Trong quan hệ với các em, cô không mô phạm một cách cứng nhắc mà cởi mở, thân mật. Cô biết nói những lời nói đùa đúng lúc, biết khêu gợi những ưu điểm và phê bình một cách khéo léo những khuyết điểm. Phương pháp giáo dục của cô có cái gì nhẹ nhàng mà thấm thía. Đây là đoạn đối thoại giữa cô giáo và Việt trong một buổi gặt lúa:

“- Thưa cô, sao cùng một khoảng đất mà lúa ở thửa bên kia không đổ ạ?

- Em đoán thử xem vì sao?

- Em chắc là mỗi một thửa một giống lúa, đúng không cô?

- Thứ cây nào cũng có những giống khác nhay cô nhỉ. Vườn nhà em có một cây ổi lớn bị bão quật bật cả rễ, thế mà rừng ổi ngay bên cạnh đấy lại chẳng đổ một cây nào. Giống ổi rừng quen chịu mưa gió, cứng cáp nên nó chống được bão, nó không đổ, cô nhỉ.

- Ừ, em nói đúng, nó không đổ vì nó cứng cáp hơn. Cúi xuống gặt được một lượm, cô giáo lại ngẩng lên, nói tiếp:

- Còn vì nó biết dựa vào nhau nữa Việt ạ.

Giọng cô rất nghiêm trang. Chắc hẳn không phải cô chỉ nói tới những cây ổi trong rừng…” (tr.100)

Bên cạnh cô giáo Mùi, tác giả đã xây dựng được một lớp thiếu niên rất đáng yêu: Loan sắc sảo, Chiến chịu thương, chịu khó, Mạnh lém lỉnh, San nghịch ngầm… Các em là hình ảnh cụ thể, chân thực của lớp thiếu niên lớn lên trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Đấy là những cậu, những cô bé hồn nhiên, tinh nghịch, những đội viên thật thà, dũng cảm, những học sinh đã có một trình độ tương đối khá. Thành công của Lê Khắc Hoan chứng minh: anh đã yêu mến các em và có một vốn sống khá phong phú về nhà trường. Nhưng nhiều chỗ anh đã lạm dụng. Có những chương người đọc thấy thú vị vì lối kể chuyện tươi tắn, giàu hình tượng nhưng đọc xong thấy nó ít dính líu đến cốt truyện, đến chủ đề.

Thành công của Lê Khắc Hoan là kết quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài. Thiếu sót của anh rất dễ khắc phục nếu anh nghiêm khắc với mình hơn nữa.