Mỹ Thuật Và Kiến Trúc Phật Giáo

Tác giả : Robert E. Fisher
  • Lượt đọc : 4
  • Kích thước : 17.42 MB
  • Số trang : 265
  • Đăng lúc : 8 tháng trước
  • Số lượt tải : 115
  • Số lượt xem : 743
  • Đọc trên điện thoại :
Phật giáo đã chiếm được vị trí độc tôn trong lịch sử Ph châu Á với tư cách là một kinh nghiệm duy nhất, được chia xẻ với phân nửa dân số thế giới. Không có một trào lưu, một tôn giáo nào, hoặc một sự kiện nào khác có thể sánh được với mức độ mà Phật giáo đã ảnh hưởng hầu như khắp mọi ngõ ngách ở châu Á. Trong suốt 2500 năm lịch sử của tôn giáo này, nó đã được người ta hân hoan đón nhận, sự thắng lợi của nó là chủ yếu, nhưng nó cũng đã gánh chịu nhiều sự đàn áp và cạnh tranh của đạo Khổng, phát triển mạnh ở các nước Đông Á, cũng như sự đồng hóa dần dần bởi sức ép bền bỉ của Ấn giáo. Thành công lớn nhất của Phật giáo diễn ra trong suốt thiên niên kỷ đầu sau công nguyên, nó hội nhập hoàn toàn vào nền văn hóa Nhật Bản và liên tục ảnh hưởng mạnh tại những khu vực như Miến Điện, Sri Lanka và vùng nội địa Đông Nam Á.

Sự phát triển Phật giáo ở châu Á lại lệ thuộc vào sự phân chia của địa lý tự nhiên. Ở quê hương Ấn Độ, Phật giáo phát triển mạnh trong suốt một nghìn năm đầu tiên, nhưng vào các thế kỷ thứ 6, thứ 7, nó đã bị Ấn Giáo hồi sinh lấn át - ngoại trừ một vài vùng đất hẻo lánh, heo hút. Tại các khu vực tiếp giáp như Nê Pan, Tây Tạng và các vùng núi Hy Mã Lạp Sơn khác, Miến Điện và hòn đảo Sri Lanka, ảnh hưởng của Phật giáo vẫn còn mạnh mẽ, nhất là hiện tại. Sự phức tạp lớn lao nhất về nghi thức và hình tượng đã xuất hiện trong lĩnh vực văn hóa Tây Tạng, nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc về mặt địa lý và mặc dù chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ nhưng lại tự thúc thủ dưới quyền bá chủ của Trung Quốc. Nói chung, trong khi Phật giáo suy yếu tại Ấn Độ, các vùng phía Nam của châu Á đã giữ lại những truyền thống cổ xưa hơn; trong khi mà các vùng phía Bắc, bắt đầu từ vòng đai Hy Mã Lạp Sơn, cấu tạo nên biên giới tự nhiên ở phía Bắc của Ấn Độ, đã đi theo các tông phái cúng tế và Mật giáo, xuất hiện muộn hơn. Sự phân chia này thật rõ ràng trong nghệ thuật của hai khu vực. Ở các vùng phía Bắc của châu Á, phần lớn hình tượng tập trung mô tả sự phân cực giữa sự trọng thưởng thiên giới và sự đày đọa khổ ải cá nhân; trong khi đó thì nghệ thuật của Đông Nam Á chú trọng về những đề tài cổ xưa và có tính truyền thống hơn, nhất là những đề tài liên quan đến đức Phật và những lời giáo huấn của Ngài.

Một trong số các bí quyết dẫn tới sự thành công của Phật giáo là khả năng thích nghi và nó chuyển hóa bên trong các nền văn hóa khác nhau, trong niềm tin hiện có của các cộng đồng dân tộc này. Điều này được thể hiện qua sự giao thoa hài hòa với các tập tục có trước với yêu cầu có một nguồn gốc chung với các thần linh bản xứ và sự nhấn mạnh những khía cạnh sâu sát của Phật giáo tồn tại song hành với các phong tục tập quán hiện có. Bên trong nước Ấn, cả những thần linh nông nghiệp mang tính chất phồn thực “Khả năng sinh sản và sự màu mỡ đất đai" và ngay cả các thần linh có trước đó của kinh Vệ Đà đều được tích hợp vào tôn giáo vừa mới thành lập. Thậm chí các vị hung thần cũng đã tìm thấy một chỗ đứng mới là các vị thần hộ thủ được cải đạo, trong khi các thần đã được thiết lập của Ấn giáo, nhất là đấng Shiva, thì xuất hiện về sau với một chút ít sửa đổi trong điện thờ các vị thần Phật giáo mang tính chất Mật giáo. Khi Phật giáo đời gót tới vùng Đông Châu Á, hình tượng của đức Phật đã đạt được vẻ quang minh : tính chất sung mãn của xu hướng nhục cảm, vốn là thị hiếu nghệ thuật đã thành nếp của người Ấn, cũng đã bị tẩy trừ. Ở Nhật, Phật giáo đã có khả năng đồng hóa các khía cạnh của tín ngưỡng bản xứ, Thần đạo, bằng cách định rõ các vị thần bản xứ như là các sự biểu lộ của các thần linh Phật giáo. Các thần tượng Phật giáo cổ xưa hơn được gắn liền với những tín ngưỡng thờ tự nhiên, chẳng hạn như vị Bồ Tát Ấn Độ Kshitigarha (Địa Tạng), đã trở nên nổi bật bên nước Nhật ngang với thần Cứu độ Tizo, tuy nhiên vẫn còn giữ lại phần lớn nguồn gốc nguyên ủy của mình bên trong niềm tin Phật giáo.

Nghệ thuật Phật giáo có mục đích làm nhớ lại, hỗ trợ và củng cố những chân lý bất diệt của tôn giáo; cũng như phong cách Phật giáo luôn cần thiết góp phần phát triển trong lịch sử tôn giáo, cả hai không thể nào dễ dàng tách rời nhau được. Bởi vì mục đích tối thượng của Phật giáo là sự siêu việt hóa thế giới ảo tưởng này, còn gọi là niết bàn hoặc chân như, nó đòi hỏi một nghệ thuật về những hình tượng được lý tưởng hóa cao, tinh tế gấp vạn lần hơn những hình tượng cụ thể trong kiếp sống trần tục của chúng ta. Bởi vì các vật cúng dường cho những ngôi chùa là một trong các phương tiện chính yếu dễ dàng cho các tín đồ bình thường có thêm công đức, vô số kinh sách, hình tượng, cơ sở xây dựng và các pháp khí được tạo ra, thường được sản xuất hàng loạt để đáp ứng yêu cầu của những người sùng đạo. Kết quả là có một số lượng của cải vật chất lớn lao có liên quan tới những tín lý vừa liên quan tới cuộc sống hàng ngày lẫn sự giải thoát cuối cùng. Nghệ thuật Phật giáo tập trung vào khía cạnh con người, làm nổi bật lên các hình tượng của sự tinh tấn, chúng sinh và của mỗi cá nhân với những nấc tu tập, tất cả nhằm cô đúc lại thành một thông điệp cao cả về một thế giới kham nhẫn đầy khổ đau.

Phật giáo dựa vào một số sự việc quan yếu hơn hoặc “những giáo huấn” để trợ giúp người tín đồ trong việc quán triệt được đạo pháp lắm lúc phức tạp. Những thứ này bao gồm các đồ vật hoặc các di tích mang tính chất thực sự hữu dụng, chẳng hạn như một bình bát khất thực hoặc một phù đồ (một hũ cốt) được làm bằng vàng hoặc làm bằng pha lê có thể chứa đựng những xá lợi của Đức Phật hoặc một vài vật riêng lẻ biểu thị điều lành hay những đồ vật gợi ý khác, như là cây Bồ đề, là cây được tin rằng đó là những hậu duệ của cây bồ đề nguyên thủy tại Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya). Hệ thống các đồ vật nhắc nhở này cũng bao gồm các bản kinh, vô số các dụng cụ nghi lễ và nhiều công trình kiến trúc khác nhau, chẳng hạn như các toà chính điện, các thư viện, các trú phòng cho các tu sĩ cũng như các phù đồ (tháp) và cuối cùng là vô số tượng, các bức họa và các bản sao của những sự kiện và nơi chốn quan trọng. Thật ra việc sao lại các bức tượng được xem là phúc lành đặc biệt và các ngôi đền chứa dựng một nghìn bức tượng riêng lẻ các hang động - điện thờ với các phù điêu chạm trổ một vạn vị Phật hoặc là những sự cúng dường của một triệu phù đồ, lễ tạ được biết tới. Những sự lặp lại như thế đã đóng góp vào sự phát minh việc in ấn, được các Phật tử sử dụng, bao gồm những ví dụ của các tờ in bằng bản gỗ từ thế kỷ thứ 8, được tìm thấy trong một ngôi đền Hàn Quốc.

Thêm vào phương tiện dụng cụ quen thuộc bằng đồng, đá, gỗ, đất sét và chất sơn, các nghệ nhân đã sử dụng các vật liệu độc nhất ở một số khu vực, như là sơn mài, lá cọ, vỏ cây bulô, lụa thêu, ngà voi, ngọc thạch, vàng và sành sứ, thậm chí họ còn lao vào chạm trổ trên bơ và họa trên cát. Các đồ vật được sản xuất có kích cỡ to lớn khác nhau : từ các bản viết tay được mạ vàng bé xíu cho đến những pho tượng khổng lồ và các công trình kiến trúc đồ sộ bằng gỗ và bằng đá có thể sánh với các kim tự tháp Ai Cập về kích thước. Những kinh viết tay quan trọng đến nỗi chúng có thể trở thành những đồ thờ cúng, độc lập với nội dung của các bài văn của chúng. Tại các ngôi đền Tây Tạng ngày nay, các nhà sư vẫn còn sử dụng các bản viết tay mang phúc lành như thể chúng là những di tích hoặc hình tượng được trân trọng quý báu. Và ở thế kỷ thứ 13, các vị vua Koryo của Hàn Quốc ủy nhiệm việc in ấn hàng nghìn bản viết tay với niềm tin là chúng có thể phù hộ họ chống lại quân xâm lăng Mông Cổ.

Được tôn kính nhất là các di vật hoặc địa danh trực tiếp gắn với cuộc đời đức Phật lịch sử, kết thúc vào khoảng năm 481 trước công nguyên. Các di vật hiện tại chẳng hạn như xã lợi của đức Phật hoặc một vật dụng mà Phật đã sử dụng, chiếc bình bát hoặc chiếc gậy, cũng như những nơi chốn diễn ra những sự kiện lớn trong đời đức Phật - có tâm trong số các nơi đã trở thành thánh hóa như những địa điểm diễn ra các sự kiện được kể trong Phật thoại quen thuộc chẳng hạn như sự giác ngộ của Ngài tại Bồ Đề đạo tràng (Bodh Gaya) hoặc quang cảnh buổi thuyết pháp đầu tiên của Ngài tại Sarnath - vẫn còn là trọng tâm của sự tôn kính. Có nhiều trận chiến xảy ra để dành lấy quyền sở hữu của những cái răng của đức Phật và sự phát triển cùng sự nổi bật của niềm tin đã thừa hưởng trực tiếp từ việc phân phối các xá lợi của đức Phật của Vua A Dục (Ashoka), mà thể theo truyền thuyết, đã đặt vào trong 84.000 phù đồ. Hệ thống các thánh địa được mở rộng thêm nữa để bao gồm các khu vực không trực tiếp gắn liền với đời sống lịch sử của đức Phật, chỉ giới hạn ở vùng Đông Bắc nước Ấn, nhưng bao gồm như là kết quả của niềm tin Phật giáo vào sự đầu thai. Những câu chuyện về những tiền kiếp của đức Phật, được biết dưới dạng các câu chuyện trong kinh Bổn Sanh Jataka, được ấn định cho các khu vực cách xa lưu vực sông Hằng và những địa điểm này sau đó đã được coi là thánh địa, là những chốn hành hương với các tu viện và đền thờ. Điều này đặc biệt dành riêng cho các vùng núi Hy Mã Lạp Sơn, như vùng Suat ở phía Bắc Pakistan, thể theo các hồi ký của nhà hành hương Trung Quốc Trần Huyền Trang. Một biểu tượng tôn kính được mọi người đều biết đến chẳng hạn như dấu chân của đức Phật, thường có kích thước vĩ đại và được tô điểm với các biểu tượng có thể đảm nhiệm một vai trò tương đương với một di tích, được xác lập trên niềm tin rằng đức Phật, trong tiền kiếp, đã có lần đặt chân lên tới nơi này, thế nên nó linh thiêng và được đồng nhất với biểu tượng này. Sự trưng bày có thứ lớp và hoành tráng của các di tích và các địa danh mang điểm lành này được gia tăng thêm bởi vô số bản sao các đồ vật linh thiêng cùng với các hình tượng, bức họa và công trình kiến trúc, hoặc nhắc nhớ lại các sự kiện đã qua hoặc cung cấp một khung cảnh để thờ phượng. Như thế Phật giáo, mặc dù có một vị sáng lập không ủng hộ việc tạo nên các hình tượng và trong lời thuyết giảng đã bài xích sự sở đắc tài sản vật chất, lại có được hệ thống hỗ trợ về thị giác phong phú và đa dạng nhất thế giới. Tập họp khổng lồ về các công trình nghệ thuật vật thể vẫn tiếp tục làm say mê các Phật tử lẫn những người không phải Phật tử.