Ngữ Văn 11 Tập Hai – Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Thể loại: Lớp 11 ;Giáo dục
Tác giả : Bùi Mạnh Hùng
  • Lượt đọc : 12
  • Kích thước : 32.47 MB
  • Số trang : 134
  • Đăng lúc : 8 tháng trước
  • Số lượt tải : 42
  • Số lượt xem : 388
  • Đọc trên điện thoại :
Các bạn thân mến!

Các bạn vừa trải qua năm học đầu tiên của cấp Trung học phổ thông – một năm học có nhiều thử thách đầy ý nghĩa cùng bao hoạt động, trải nghiệm thú vị. Là môn học có tính công cụ và nhân văn, được quy định dạy học bắt buộc trong chương trình, môn Ngữ văn chắc hẳn đã có nhiều đóng góp vào bước trưởng thành của các bạn trong năm học qua.

Với sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10, các bạn đã được làm quen một mô hình tổ chức bài học hiện đại và hấp dẫn; được tiếp xúc, khám phá không ít tác phẩm thuộc nhiều loại, thể loại của sáng tác ngôn từ; được thực hành tìm hiểu và sử dụng tiếng Việt một cách hiệu quả; được tập viết những kiểu bài cần cho bước đường trưởng thành của mỗi cá nhân; được tập thuyết trình và thảo luận về những vấn đề gần gũi với cuộc sống. Qua việc tham gia tích cực những hoạt động học tập, các bạn đã bồi đắp được cho mình nhiều phẩm chất tốt đẹp cần có ở con người Việt Nam trong thời kì phát triển mới.

Với sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, các bạn vẫn tiếp tục hành trình khám phá, sáng tạo và trưởng thành cùng 9 bài học mang nội dung mới nhưng không xa lạ: Câu chuyện và điểm nhìn trong truyện kể, Cấu tử và hình ảnh trong thơ trữ tình, Cấu trúc của văn bản nghị luận, Tự sự trong truyện thơ dân gian và trong thơ trữ tình, Nhân vật và xung đột trong bi kịch, Nguyễn Du – “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, Ghi chép và tưởng tượng trong kí, Cấu trúc của văn bản thông tin, Lựa chọn và hành động. Nhìn vào hệ thống nhan đề trên, hẳn các bạn nhận thấy giữa hai cuốn sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 và Ngữ văn lớp 11 không chỉ có sự tương đồng về cấu trúc bài học mà còn có sự tương đồng trong cách sắp xếp trình tự các bài. Bài 6 – Nguyễn Du – “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” đi sâu tìm hiểu tác gia Nguyễn Du – đại thi hào dân tộc được thế giới vinh danh. Bài 9 – Lựa chọn và hành động gồm một tổ hợp văn bản và hoạt động xoay quanh chủ đề "lựa chọn và hành động", khơi gợi những suy nghĩ nghiêm túc về mối quan hệ giữa việc khẳng định bản sắc cá nhân và tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng. Nếu sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 ưu tiên đem đến cái nhìn bao quát về đặc điểm các loại văn bản và thể loại văn học, thực hiện một bước tổng hợp những gì đã được đề cập ở môn Ngữ văn cấp Trung học cơ sở, thì sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 lại tập trung làm sáng tỏ một số yếu tố cốt lõi khác của loại văn bản và thể loại văn học như: hệ thống điểm nhìn (trong truyện), cấu tử và các hình ảnh có tính tượng trưng (trong thơ), cách phối hợp yếu tố phi hư cấu và hư cấu (trong kí), cách tổ chức văn bản (trong văn bản nghị luận và văn bản thông tin). Hệ thống ngữ liệu trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 tạo cơ hội tích hợp một số kiến thức về lịch sử, văn hoá, xã hội trong sách giáo khoa Ngữ văn, góp phần tăng cường sự kết nối giữa môn Ngữ văn với một số môn học khác trong chương trình.

Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 được thiết kế theo định hướng hỗ trợ giáo viên và học sinh đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập. Với sách này, các bạn cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, từ đó, phát triển các phẩm chất và năng lực mà chương trình yêu cầu. Đặc biệt, sách chú trọng giúp các bạn nắm được cách đọc để đọc hiểu một văn bản mới; có kĩ năng viết, nói và nghe nhằm đạt được các mục đích giao tiếp cụ thể trong những ngữ cảnh đa dạng. Nhờ vậy, học sách này, các bạn sẽ đáp ứng được yêu cầu đánh giá kết quả học tập dựa trên ngữ liệu mới và cảm thấy vững tin trong quá trình học tập, rèn luyện.

Đi theo định hướng tổ chức hoạt động của sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, chắc hẳn các bạn sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp trong năm học mang ý nghĩa bước ngoặt này của cấp học.

CÁC TÁC GIẢ

Thuộc bộ sách