Người Nhật

Tác giả : V. Pronikov
  • Lượt đọc : 220
  • Kích thước : 2.06 MB
  • Số trang : 189
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 169
  • Số lượt xem : 1.431
  • Đọc trên điện thoại :
Việt Nam đang mở cửa về kinh tế. Giới doanh nhân và du khách Nhật hiện tiếp xúc với nước ta ngày càng đa dạng hơn. Chúng ta cần tìm hiểu về người Nhật để góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác và tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Tập sách này được biên soạn theo công trình YAPONTSY (“Người Nhật”) của hai học giả từng dày công tìm hiểu về người dân Phù Tang từ hàng chục năm qua là V. Pronikov và I. Ladanov, do Nhà xuất bản “Khoa học” của Liên bang Nga ấn hành lần thứ 2 vào năm 1985, có lược bớt một số phần không cần thiết. Hy vọng bạn đọc sẽ có được trong tay một tài liệu tham khảo phong phú về một dân tộc đã từng làm nên những kỳ tích về kinh tế và canh tân đất nước.
***
Vấn đề nguồn gốc người Nhật hiện vẫn đang gây nên nhiều cuộc tranh cãi, bởi lẽ tuy nhiều giả thuyết và lý thuyết trái ngược hẳn nhau đã được đề ra, nhưng chưa có một giả thuyết hoặc một lý thuyết nào đủ sức lý giải một cách thỏa đáng toàn bộ những dữ kiện khoa học đã tích lũy được từ trước tới nay.

Theo giới Nhật học Xô viết, sắc dân Ainu là nền tảng cổ xưa nhất của toàn bộ cư dân Nhật đương đại. Cách sống chính của sắc dân này là săn bắt muông thú, tôm cá và hái lượm hoa quả trong các cánh rừng nằm sâu trong nội địa hoặc ven biển trên các đảo ở phía bắc nước Nhật hiện thời. Người Ainu trên đảo Hokkaido về sau đã hỗn huyết cùng các sắc dân từ duyên hải Đông Á di cư sang. Còn tại Kyushu, Shikoku và Nam phần Honshu, họ hỗn huyết và bị đồng hóa bởi các bộ tộc Nam Đảo (Austronésie) tràn lên.

Vào giữa đệ nhất thiên kỷ trước CN, một dòng người nữa (vẫn được mệnh danh là các bộ tộc tiền Nhật) từ Nam phần Triều Tiên vượt qua eo biển Triều Tiên bắt đầu di trú tới các đảo lớn nhỏ trên đất Nhật. Họ mang theo vào nhiều giống gia súc - ngựa, bò, cừu, - và cả nền văn hóa lúa nước bản địa. Quá trình phát triển và ảnh hưởng qua lại giữa nền văn hóa bản xứ (Ainu - austronésie) và nền văn hóa của các bộ tộc di trú đó vẫn tiếp diễn tới đầu thế kỷ thứ V. Nghề trồng lúa nước từ đó bắt đầu là phương thức sống chính của cư dân tại các đảo Nhật Bản.

Sang giai đoạn từ thế kỷ VI tới thế kỷ VII, cư dân Nhật còn tiếp nhận thêm nhiều yếu tố văn hóa cả của Triều Tiên lẫn Trung Hoa. Thế kỷ thứ VIII là giai đoạn đánh dấu sự đồng hóa hoàn toàn các tàn tích Nam Đảo tại Nam phần Kyushu và mở đầu quá trình di dân lên Bắc phần đảo Honshu rừng rú bạt ngàn từ thời bấy giờ. Người Ainu bản địa một phần bị đồng hóa bởi các bộ tộc di trú, một phần bị đuổi ngược trở lên mạn Bắc.

Nhật Bản hiện là quốc gia thuần nhất cao độ về phương diện sắc tộc: người Nhật chiếm tới 99% số cư dân. Còn sắc dân Ainu giờ chỉ còn chưa đến 20 ngàn người, sinh sống chủ yếu trên đảo Hokkaido. Ngoài ra, tại đây còn có gần 600 ngàn dân Triều Tiên, đa phần di cư sang trong những năm thế chiến II, và trên dưới bốn mươi ngàn người Nhật gốc Hoa. Số nhân khẩu Âu - Mỹ thường trú tại Nhật chiếm một tỷ lệ hết sức ít ỏi trong cơ cấu cư dân Nhật Bản.