Quê Nhà

Tác giả : Tô Hoài
  • Lượt đọc : 519
  • Kích thước : 1.43 MB
  • Số trang : 332
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 296
  • Số lượt xem : 2.954
  • Đọc trên điện thoại :
Trong làng văn học Việt Nam rất hiếm có nhà văn nào nhận được sự yêu thương, mến mộ từ nhiều thế hệ độc giả khác nhau như nhà văn Tô Hoài. Nếu các bạn nhỏ biết đến ông như một người bạn dí dỏm, đáng yêu qua kiệt tác Dế mèn phiêu lưu ký và series truyện ngộ nghĩnh về loài vật, thì độc giả lớn tuổi biết đến ông như một cây đại thụ của làng văn với nhiều tác phẩm đã trở thành những tượng đài bất tử như Vợ chồng A Phủ, Cứu đất cứu mường, Chuyện đầm sen đền Đồng Cổ…

Quê Nhà là bức tranh tái hiện lại cuộc chiến đấu anh dũng của những anh hùng vô danh, những người mà trước đó tay chỉ quen với việc cấy việc cày việc nhà việc cửa nay lại dũng cảm đứng lên giương cờ nghĩa trong những năm đầu khi thực dân Pháp xâm lược.

Dường như với bất kỳ tác phẩm nào của mình đã xuất bản, nhà văn cũng luôn cẩn trọng đọc lại và chỉnh sửa những chi tiết chưa hài lòng. Như chính lời con trai của Cụ, nhà báo Nguyễn Phương Vũ, chia sẻ: “Đã từ lâu từ khi cầm bút bố tôi là người cẩn thận và luôn có trách nhiệm với câu chữ nên mỗi bản in dù là in lại nhưng ông luôn đọc, cắt gọt, chỉnh sửa, “uốn nắn”, tỉ mẩn như người dệt vải. Khi ông trao lại cho tôi để xử lý nhập liệu với một bản thảo chi chít màu mực, chữ, từ, câu mà ông thêm bớt đan xen ngang dọc. Cha tôi là vậy, sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong nghề viết như mối nợ tình với ông.”

***
Quê Nhà: Nhà văn Tô Hoài đã viết một bộ tiểu thuyết gồm ba tác phẩm: tiểu thuyết “Quê người”, tiểu thuyết “Mười năm”, tiểu thuyết “Quê nhà.” Mỗi tiểu thuyết, câu chuyện, hoàn cảnh và nhân vật đều khác nhau, nhưng tất cả được nối tiếp có hệ thống về các sự kiện lịch sử và xã hội của một vùng nhất định.Câu chuyện về một địa phương, đấy là các làng mạc ở Hà Đông và Sơn Tây, vùng tây bắc thành phố Hà Nội xưa kia, nơi nhà văn Tô Hoài sinh ra và lớn lên. Ở cả ba tiểu thuyết trên đều in dấu vết những nhân vật trong đó có tác giả và gia đình, bè bạn ở sự việc, ở hoàn cảnh, ở những kỷ niệm hồi thơ ấu và đương thời. Bộ ba tiểu thuyết này đã được liệt kê trong danh sách các tác phẩm của Tô Hoài vinh dự được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học đợt 1 (1996).

Tiểu thuyết Quê nhà (viết 1985) nói về sự việc hai lần quân Pháp tấn công chiếm Hà Nội cách nay đã hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, những nhân vật lịch sử của các trận đánh: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc, các tướng tá Pháp như Phơ răng xi Gácniê, Hăng ri Rivie không phải là các nhân vật chủ yếu. Mà ở đây tác giả đã miêu tả tình hình các phường xóm và làng quê trong thành ngoại nội mà nhân dân - các anh hùng vô danh, đã dũng cảm nổi lên chống quân xâm lược như thế nào.

***
Nhà văn Tô Hoài đã viết một bộ tiểu thuyết gồm ba tác phẩm: Quê người, Mười năm, Quê nhà. Mỗi tiểu thuyết, câu chuyện, hoàn cảnh và nhân vật đều khác nhau, nhưng tất cả được nối tiếp có hệ thống về các sự kiện lịch sử và xã hội của một vùng nhất định.

Câu chuyện về một địa phương, đấy là các làng mạc ở Hà Đông và Sơn Tây, vùng Tây Bắc thành phố Hà Nội xưa kia, nơi nhà văn Tô Hoài sinh ra và lớn lên. Ở cả ba tiểu thuyết trên đều in dấu vết những nhân vật trong đó có tác giả và gia đình, bè bạn ở sự việc, ở hoàn cảnh, ở những kỷ niệm hồi thơ ấu và đương thời. Bộ ba tiểu thuyết này đã được liệt kê trong danh sách các tác phẩm của Tô Hoài vinh dự được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học đợt 1 (1996).

Tiểu thuyết Quê nhà (viết 1978) nói về sự việc hai lần quân Pháp tấn công chiếm Hà Nội cách nay đã hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, những nhân vật lịch sử của các trận đánh: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc, các tướng tá Pháp như Phơ răng xi Gácniê, Hăng ri Rivie không phải là các nhân vật chủ yếu. Mà ở đây tác giả đã miêu tả tình hình các phường xóm và làng quê trong thành ngoại nội mà nhân dân - các anh hùng vô danh đã dũng cảm nổi lên chống quân xâm lược như thế nào.

Tiểu thuyết Quê người (viết 1941) cũng một khung cảnh ấy, những vùng Hà Nội đã bị chiếm đóng. Cảnh điêu linh và khốn cùng diễn ra, biết bao nhiêu người đã phải tha hương. Đi phu, đi làm đường, vào Nam, sang Tân Đảo và các thuộc địa Pháp ở ngoài châu Đại Dương, làm cu li đồn điền. Trong cảnh khốn đốn, phải đi “đất khách quê người”. Tiểu thuyết Quê người đã được tác giả viết trước nhất, cách đây nửa thế kỷ, từ khi nhà văn Tô Hoài mới bắt đầu cầm bút. Điều đó chứng tỏ đề tài của vấn đề đã nung nấu lâu dài trong tâm tư và tình cảm tác giả theo bước với sự phát triển của số phận cuộc sống và lịch sử.

Tiểu thuyết Mười năm (viết 1957) cũng vẫn quang cảnh và tình hình ở vùng ấy, nhưng bước sang một giai đoạn quyết liệt nhất, mười năm 1935 - 1945. Nước Pháp đã bại trận ngay khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Phát xít Nhật can thiệp vào Đông Dương. Đất nước ta bị hai tròng áp bức và bóc lột, nạn đói vô cùng thảm khốc đã xảy ra mà mỗi con người chỉ còn có con đường một sống một chết.

Trong khốn cùng ấy, lá cờ nghĩa đánh Pháp đuổi Nhật cứu nước do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo giương cao đã tung bay khắp nước, từ rừng núi xuống đồng bằng. Tiểu thuyết Mười năm ấy là thời gian mười năm toàn dân chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tiến tới Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.

Đến nay, hơn năm mươi năm đã qua, để thấy được nguyên nhân sâu xa những điều tâm huyết của Tô Hoài với một vùng đất ông từng gắn bó. Trải ba mươi năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ngày nay đương bước vào giai đoạn xây dựng đất nước hùng vĩ chưa bao giờ từng có, xin được in lại trọn bộ cả ba tiểu thuyết: Quê nhà, Quê người và Mười năm.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

***
KHÔNG AI CÒN NHỚ TỪ NĂM NÀO - loạn lạc lâu quá rồi, con đường quan từ trấn Sơn[1] xuống Kẻ Chợ vắng ngẩn vắng ngơ đến đỗi cả các làng ven đồng xưa rày có lối ra đường cái cũng như không biết có nữa. Những ngày phiên chợ Gạch, chợ Nhổn, chợ Phùng, không thấy một bóng qua đường về chợ.

Lại cho đến cái năm quan ba Ngạc Nhe[2] sang bị chết trận ở đầu làng Thủ Lệ thì đường cái từ Sơn Tây xuống tưởng như tuyệt nhiên không còn ai dám qua lại. Đến mùa cỏ may, chỉ thấy từng quãng trắng mờ hút mắt. Thỉnh thoảng, giữa đám cỏ hoang ấy, một cuộn bụi đỏ bốc lên, cuốn dài, như những tổ mối đương đùn. Biết đấy là có ngựa trạm chạy thư lên ngược. Chỉ có thế, rồi đồng đất càng vắng lặng hơn.

Nhưng không phải như thế. Ở trong những khoanh tre kín mít các làng cuối cánh đồng xa tít kia, chợ nào cũng vẫn đông. Người tự xa cũng về chứ chẳng phải chỉ có làng xóm gồng gánh quanh. Thế mới lạ. Chỉ vì người qua lại, người đi chợ ngại ra đường quan gặp giặc, gặp kẻ cướp. Làng nào cũng đi tắt đồng. Từ Sơn xuống toàn đường tắt. Cả sang bên kia sông Cái cũng đi quanh co xó xỉnh, lên đê ra Vân, ra Cốc, xuống Bồng Lai, Bá Giang rồi mới trở ra, sang đò ở một bến lẻ nào đấy.

Bởi vậy, cái cảnh quen thuộc người ta thường gặp bấy giờ, đôi khi chợt tới đầu đồng, chân đê, dưới bóng một cây đề, một cây trôi tán lá tròn xoe, xanh mướt, cứ tưởng đến chỗ khuất nẻo quá như thế này mà nhỡ độ đường thì chỉ còn cách ba chân bốn cẳng chạy thục mạng thêm một thôi nữa, bỗng nhiên lại thấy lúp xúp một quang cảnh yên vui, đôi ba chiếc lều chợ, một quán nước, có khi có cả hàng cơm chứa trọ.

Qua sông Đáy đến Phùng, tạt xuống cánh đồng Gối, đi một đỗi, theo đường bờ ruộng vào đầu ô Cầu Giấy, hay tạt ngang sang sông Cái. Nhưng dù sang sông hay vào Kẻ Chợ cũng không ai dám đi thẳng đường Phùng. Chỉ ở những chỗ không ngờ mới có đò ngang sang sông. Có lối tắt vòng sau lưng phủ Hoài ra đầu ô. Và có hàng quán. Người đi đường dừng chân lại ở chỗ khuất nẻo, làm hớp nước, hoặc nếu nhìn ra thấy đã vàng mặt trời thì nghỉ lại. Trước mặt, chỉ thấy lũy tre và bãi ngô vàng thăm thẳm, xa làng xóm quá. Người đi đã ròng rã mấy ngày đường lại càng ngại.

Chỗ ấy kín đáo đầu đồng, tựa lưng vào mấy gò đất cao, bên cạnh một dãy ba cây đề cổ thụ. Từ cuối đồng đằng kia đã trông thấy những cành lá đề lưa thưa đan lên khoảng trời.

Có một cái cầu ngói, nơi người đi làm đồng sâu đến nghỉ trưa. Không biết rồi mùa hạ tới, mấy quán kia có còn đứng được ở chỗ chơ vơ này không. Bây giờ mới chớm gió heo mà đã thấy mái rạ tơi tả, như những mái lều phải chúi vào gốc cây và lưng gò đất mới tránh được những làn gió giật từ cuối đồng lên lùa vào vòm lá đề cứ reo à à suốt đêm.

Người xuống Kẻ Chợ hay sang sông qua đây đã quen gọi nơi dừng chân này là chỗ Ba Cây Đề đầu lối xuống bãi Cốc.

Bấy giờ, mặt trời đã khuất lưng núi Ba Vì. Chỉ còn thấy một vùng hửng trên đầu lũy tre xanh đen giăng ngang cuối đồng. Có hai người đương tất tả đi lên. Từ bờ tre cuối làng qua một dải đồng cao rồi lại xuống đồng sâu, men theo bờ đìa - những lối kín qua làng. Đàn chim choi choi, chập tối rồi mà còn bay như vãi thóc, vụt lên vụt xuống, ở từng quãng chợt có người đi qua.

Lên tới được đầu đồng, đã nhọ mặt người. Bấy giờ mới trông rõ đấy là một ông già và một người trẻ tuổi - dáng như hai bố con. Cái nón bứa cũ kỹ - cả tàu lá cọ uốn khum, để nguyên đầu vấu, cũng khiến người ta đoán được ông con nhà này hẳn từ vùng chân núi Ba Vì ra thăm ai hay có việc về Kẻ Chợ. Ông già đeo khăn gói và người trẻ tuổi gánh hai tay nải nhỏ, trông chừng như bên trong đựng mấy lẻ gạo và chiếc mền để tiện ngủ đêm đâu sẵn có cái đắp.

Lều hàng cơm anh Đề Cụt ở ngay gốc đề ngoài cùng. Thoạt trông như một cây rơm to được đánh đống lại. Hay bảo đấy là cái lều ép mía cũng được. Những lều cây rơm, lều ép mía như thế cứ vào cữ gặt ba giăng xong thường thấy được dựng tùm hum lên ngoài đồng. Những lều hàng cơm ấy thật sự là một cây rơm rỗng ruột, có cửa tò vò vào qua cái mành những cuộng rạ lướp tướp xuống. Người vừa bước chân vào đã cảm thấy ấm áp mùi rơm, bỏ lại ngoài kia một cánh đồng ào ạt gió.

Mới chập tối mà nhiều người các ngả đường đã đến rồi. Không phải vì nghe tiếng lào xào trong nhà hàng và thấy ánh lửa các nhà trọ phía trong, mà chỉ mới trông trước cửa các quán thấy ngổn ngang từng cuộn những gánh song mây gác bếp ám khói, đã lên nước cánh gián sẫm bóng, người ta cứ để nguyên cả chiếc đòn ống như vừa lẳng xuống. Các phường Hàng Tre, Hàng Mây dưới Kẻ Chợ vẫn ăn hàng song mây của lái chợ Nghệ. Những sọt củ nâu lóc nhóc chất ngập hai đầu đòn xóc, chắc mai gánh vào Hàng Vải Thâm hay các lò nhuộm ở Đồng Lầm. Những vò rượu Kẻ Sấu trát bùn ngoài giả như thùng sơn để che mắt kẻ trộm, cũng bỏ lăn lóc cả đấy. Rượu Sấu Giá vào Kẻ Chợ đường ô Cầu Rền. Rượu Thụy Chương, Võng Thị qua đằng trại Hàng Hoa đương được khách hơn. Cả những gánh đĩa bát buôn ở Bát Tràng bên kia sông đem lên ngược, xếp ngay ngắn như những gồng cỏ khô. Rồi lại những thùng tre ghép to gấp đôi thùng gánh nước, chít kín nắp, đấy là thùng dầu sở, dầu lạc mang vào các thổ mua buôn ở phường Đồng Xuân, phường Đình Ngang, phường Đông Tác - những nhà ở phường này lại quảy dần đi bán lẻ rao khắp các phố. Những thứ hàng cồng kềnh ấy để ngoài cửa, cả trên những vè rễ đề. Riêng những dãy tơ Phùng mang vào Sài Bái, Nghĩa Đô hay chợ tơ đình hàng Đào, những thúng cau khô, những buộc trầu vỏ đỏ chóe bọc lá chuối khô, những cửa hàng hoa ấy được người ta đem vào chất cẩn thận sát vách cuối ổ rơm.