Sa Đéc Xưa Và Nay

Thể loại: Địa lý ;Lịch Sử
Tác giả : Huỳnh Minh
  • Lượt đọc : 433
  • Kích thước : 1.99 MB
  • Số trang : 323
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 321
  • Số lượt xem : 1.904
  • Đọc trên điện thoại :
LỜI GIỚI-THIỆU CỦA GIÁO-SƯ TRẦN VĂN QUẾ
Nền văn-hóa của một dân-tộc là thước ngọc, khuôn vàng, do giá-trị của dân-tộc ấy. Nó cũng sanh tiến với dân-tộc liên-hệ trải qua ba thời-kỳ là quá-khứ, hiện-tại và vị lai. Giữa ba thời-kỳ ấy có một mối liên-quan mật-thiết được coi là bất-di, bất-dịch. Nói một cách khác, quá-khứ chuẩn-bị cho hiện-tại và vị-lai, đến phiên mình phải làm công-việc ấy đối với tương-lai. Thế thường nói : Không (xưa) làm sao có (nay) ? Những công-việc làm của các thế-hệ trước, hay hoặc dở, đều là những bài học quí giá cho thế-hệ đi sau.

Hiểu rõ căn-bản ấy, nhà Sưu-khảo HUỲNH-MINH trong nhiều năm qua, đơn thương độc mã, đã âm-thầm làm sống lại « dĩ-vãng » nước nhà bằng cách lần-lượt trình bày dưới nhiều khía-cạnh lịch sử các tỉnh miền Nam : « Kiến-Hòa Xưa và Nay », « Bạc-Liêu Xưa và Nay », « Cần-Thơ Xưa và Nay », « Vĩnh-Long Xưa và Nay », Gò-Công, Định-Tường, Vũng-Tàu, v.v… Gần đây, ông Huỳnh-Minh sắp cho ra đời thêm một đứa con tinh-thần nữa là quyển « Sa-Đéc Xưa và Nay ». Thật là một công-trình hy-hữu, đáng khích-lệ và chắc-chắn sau này sẽ được Tổ-quốc ghi công.

Suốt thời-gian trên 80 năm Pháp thuộc và hơn phần tư thế-kỷ bị nội-chiến, cốt-nhục tương-tàn, hồn nước phiêu-bạt theo mây gió, cảnh núi xương sông máu diễn ra khắp nơi trên lãnh thổ. Ngày hôm nay, ông Huỳnh-Minh nghiễm-nhiên gợi lại dĩ-vãng của dân-tộc nghìn xưa, gián-tiếp làm sống lại trong tâm-hồn người Việt, nhứt là giới thanh-niên, tình thương quê cha mến đất tổ để nhớ lại những gì mà chúng ta phải làm, hầu khôi-phục nghĩa trọng tình xưa !



Năm 1428, sau khi đã bình được giặc Ngô, thống nhứt sơn-hà, đem lại thanh-bình cho dân-tộc, Vua Lê-Thái-Tổ trong vai tựa quyển « Lam-Sơn thực-lực » phải chẳng đã nói :

« Trẫm duy : vật bản hồ thiền, nhân bản hồ tổ. Thủy như mộc, thủy tất hữu căn. Cái kỳ bản thịnh tắc diệp mậu : nguyên thâm tắc lưu-trường. Phi tiên thế chi, nhân ân chi sở bồi giả hậu, khánh trạch chi sở chung giả hồng, an năng nhược thị tai ?

« Trẫm nghĩ : Vật gốc từ Trời, người gốc từ Tổ, ví như cây và nước tất cả có gốc nguồn. (…) Vì rằng : gốc thịnh thì lá tốt, nguồn sâu thì dòng dài. Nếu không phải nhờ ở nhân ân bồi-đấp được dày dặn, phúc đức, chung đức được lớn lao của các đời trước thì đâu có được như thế ? »

Nay đến lượt trình bày lịch-sử « Sa-Đéc Xưa và Nay », nhà sưu-khảo Huỳnh-Minh đã mỹ-ý dành cái hân-hạnh cho tôi viết bài giới-thiệu. Nhân dịp thông-cảm này, chúng tôi cũng xin mạo-muội góp sức trong muôn một, bằng cách nêu lên những cảm-tưởng của tôi đối với tỉnh Sa-Đéc ngày xưa cũng như ngày nay, để chứng-minh tính-cách chính-xác của các mục đã được nêu lên trong quyển sách này.

Trước kia, dưới thời Pháp thuộc, tỉnh Sa-Đéc được tặng cho danh hiệu là : Khu vườn của xứ Nam-kỳ (Le jardin de la Cochinchine), danh hiệu ấy để nói lên tánh-cách phì-nhiêu của điền-địa, màu sắc sum-thịnh của các loài thảo mộc (nhứt là các loại cây trái của toàn hạt).

Hơn thế nữa, nhờ sông Cửu-Long bồi-đấp, gọi là sông Tiền và sông Hậu, chảy qua rộng lớn, hai bên vườn ruộng xanh tươi, có một cảnh vừa đẹp vừa thiêng-liêng, huyền bí, bao trùm không sao tả được.

Địa-linh ấy tất phải sinh-xuất ra nhiều nhân-kiệt anh-tài lẫn văn võ, về cựu học cũng như tân học, về phương diện đạo pháp thì tỉnh Sa-Đéc lại cũng là nơi xuất hiện của những bậc chân tu, thánh triết, đem đạo từ-bi tế-độ quần sanh trong đời mạt pháp.



Các khía cạnh ấy sẽ được trình-bày đầy-đủ chi-tiết trong quyển « Sa-Đéc Xưa và Nay » mà chúng tôi được vinh-hạnh giới-thiệu cùng chư-tôn đọc-giả.

Giờ đây xin tóm-tắt cảm-tưởng của chúng tôi, trân-trọng trình lên mấy dòng thơ như sau :

« Thủy-trường » đặc-sắc đất Long-Giang.

Định, Vĩnh, Kiến, Sa hiệp một đàng.

Tú khí anh-linh đều hội đủ.

Miên tràng cảnh vật cõi Nam bang ».

TRẦN-VĂN-QUẾ

Giáo-sư 1

***

Vốn sinh trưởng nơi mảnh đất miền Nam yêu mến, hoài bão đến công nghiệp của tiền nhân.

Cưu mang mối duyên tình với non nước nhà, dù trăm ngàn khổ nhọc trên đường sưu khảo, dù muôn vàn tủi cực khi tìm phương tiện cho đứa con tinh thần được chào đời, chúng tôi vẫn dấn thân tiến mãi trên đường đã vạch.

Kiểm điểm đoạn đường đã trải qua, suốt thời gian trên 15 năm âm thầm tích cực phục vụ Văn-hóa Dân-tộc, chúng tôi đã cố gắng ấn hành xong các tác phẩm đầu tiên. Loạt sách học làm người :

- Danh-Nhân Tư-Tưởng, Luyện-Chí, Sống Tranh-Đấu, Sống Vui, Sống Khổ, và các loại sách sưu khảo từng tỉnh của miền Nam : KIẾN HÒA xưa và nay, BẠC LIÊU xưa và nay, CẦN THƠ xưa và nay, VĨNH LONG xưa và nay, GÒ CÔNG xưa và nay, ĐỊNH TƯỜNG xưa và nay, VŨNG TÀU xưa và nay.

Và hôm nay đến lượt SA-ĐÉC Xưa và Nay ra mắt bạn đọc :

- Sa-Đéc, nơi Vua Gia-Long trong cơn tẩu quốc đã dừng gót mông trần, lập đại-bản-dinh, xây đắp đồn lũy để tranh hùng với Tây-Sơn. Đến nay hãy còn biết bao di-tích lịch-sử.

- Sa-Đéc, nơi làng Tòng-Sơn là chốn phát tích của Đức Phật-thầy Tây-An, khai sáng giáo phái Bữu-Sơn Kỳ-Hương, nơi Đức Tông sư Minh-Trí tuyên dương giáo-lý, nơi Đức Huỳnh Giáo-chủ từng giảng đạo dìu dắt tín đồ, là nơi Đạo giáo được sinh khí phát huy tốt đẹp hơn đâu cả.

- Sa-Đéc, đất hoạt động của các nhà Chí-sĩ, các nhà Cách-mạng, các Anh-hùng kháng Pháp. Chí-sĩ như Cụ Nguyễn-Quang-Diêu sinh trưởng tại đây. Chí-sĩ như Cụ Võ-Hoành đã bị đưa an trí chốn nầy.

- Sa-Đéc, nhân tài thịnh phát : nào Bác-vật Lưu-Văn-Lang, Danh-sĩ Đặng-Thúc-Liêng, Phòng Biểu, v.v…

Lại là nơi đầu tiên phát huy bộ môn kịch nghệ sân khấu, Sa-Đéc qui tụ cũng nhiều ngôi sao sáng kịch trường, nghệ thuật cầm ca. Và trên mọi lãnh vực đáng kể của Sa-Đéc, chúng tôi đề cập có thể nói nếu không đầy đủ hoàn toàn, quyết cũng không để thiếu sót nhiều.

Lòng đầy nhiệt huyết hăng say phục vụ Văn-hóa, ý nguyện dần-dần thực hiện những hoài bão của chúng tôi về sự hình thành được những bộ sách sưu khảo qua các tỉnh miền Nam, chúng tôi luôn luôn tận tâm, cố gắng vượt mọi nỗi khó khăn, chua xót. Nghị lực có thừa, nhưng phương tiện hằng thiếu thốn.

Ai bạn tri âm ? Mỗi khi tiếp đón một tác phẩm của chúng tôi chào đời, xin cảm thông cho những điều đau khổ mà chúng tôi đã cưu mang.

Tuy nhiên, đã tự nguyện phục vụ, thì hy sinh vẫn là lẽ sống của chúng tôi. Với quyển « SA-ĐÉC Xưa và Nay » đây, rất mong được sự ủng hộ nồng nhiệt của quí vị bạn đọc tri-kỷ bốn phương. Hầu cho chúng tôi những khích-lệ quí báu, để càng tiến xa hơn nữa. Luôn luôn nguyện không phụ lòng quí bạn nâng đỡ.

Tằm nặng nợ dâu. Thọ ân đất nước, đồng bào, chúng tôi hằng rút ruột nhả tơ đáp tạ ơn lòng trong muôn một.

Hân hoan và chân thành trao bạn đọc một đoạn tơ lòng nữa của chúng tôi : SA-ĐÉC Xưa và Nay.

HUỲNH MINH

Thuộc bộ sách