Sự Hưng Thịnh Và Suy Tàn Của Athens

Thể loại: Lịch Sử ;Tiểu Thuyết
Tác giả : Plutarch
  • Lượt đọc : 418
  • Kích thước : 3.34 MB
  • Số trang : 1015
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 442
  • Số lượt xem : 2.513
  • Đọc trên điện thoại :
NGÀI THOMAS NORTH đã đặt nhan đề cho bản dịch lừng danh tác phẩm của Plutarch là The Lives of The Noble Grecians and Romans(7) (Cuộc đời của những người La Mã và Hy Lạp cao quý). Noble (cao quý) là từ được ông bổ sung thêm vào, nhưng đó là một tính ngữ đặc biệt đắc địa, vì nó góp phần nêu bật những phẩm chất khiến Plutarch khác biệt với các sử gia Hy Lạp thời kỳ hoàng kim. Nó gợi cho chúng ta về khoảng cách giữa tác giả với các chủ đề của mình và phong vị anh hùng toát ra xung quanh chúng trong thời gian đó. Như vẫn vậy, Plutarch là một tác giả hướng vọng quá vãng đứng trên miền cuối cùng phân chia nền văn minh ngoại giáo với Ki-tô giáo. Ở ông không có tính độc đáo gây sửng sốt và phẩm chất phi cá tính của văn phong Pericles,(8) giống như văn phong của Pericles một mặt thiếu sự thân tình, mặt khác thiếu chiều sâu của sự khoan dung và lòng bác ái với người khác như của Plutarch. Ông không phải là Thucydides,(9) người vận dụng quyết liệt phép phân tích khách quan để khám phá tiến trình lịch sử. Ông là một người yêu truyền thống, mục tiêu hàng đầu của ông là nuôi dưỡng và hiểu thấu sự vĩ đại của quá khứ và tái khẳng định nó như một lý tưởng sống động.

Quãng đời khoảng 75 năm của Plutarch trải dài từ giữa những năm 40 đến khi bắt đầu triều đại Hadrian. Đó là thời kỳ mà sự hòa trộn giữa văn hóa Hy Lạp và La Mã lên tới đỉnh cao phát triển của nó: gần như tất cả các tác giả lớn đã làm xong phần việc của mình, và tác phẩm của Plutarch trên nhiều phương diện là một sự tổng kết của nền văn hóa đó. Ông xuất thân từ một gia đình Thebes(10) cổ xưa và ông chưa bao giờ thoát ly quá xa quê nhà Chaeronea, một thành phố nhỏ nằm giữa vùng đồng bằng Boeotia bao la mà người Hy Lạp gọi là “sàn khiêu vũ của Ares,”(11) nơi từng chứng kiến những trận đánh quyết định như Haliartus, Leuctra, Chaeronea, và nhiều nữa. Nói vậy không có nghĩa là nhãn quan của ông mang tính tỉnh lẻ theo một nghĩa hạn hẹp nào đó. Ông nghiên cứu triết học ở Athens hồi còn thanh niên, chu du khắp Hy Lạp và Ai Cập, nổi tiếng với tư cách là một học giả và nhà ngoại giao ở Rome, kết giao với nhiều bạn bè quyền thế trong quá trình đó, và thậm chí có thể đã từng được phong chức chấp chính quan danh dự.