Thật thú vị khi "gặp" Nguyễn Ngọc Tư trong loạt sách kỷ niệm 15 năm ngày xuất bản số báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn đầu tiên giữa những quyển sách bàn về kinh tế như: Doanh nhân, doanh nghiệp và cải cách kinh tế, Để nông dân giàu lên, Góp vào đổi mới, Doanh nhân viết.
Vẫn là giọng điệu thủ thỉ tâm tình của nhà văn vùng Đất Mũi về những câu chuyện "nhỏ xíu" quanh mình. Vẫn là chút lòng "để gió cuốn đi" của người ăn cơm nông dân, tắm nước sông và nghĩ về nông thôn với tất cả sự thuần hậu yêu thương. Ta đã từng gặp điều ấy trong những truyện ngắn làm nên phong cách Nguyễn Ngọc Tư.
Viết tạp văn - viết những chuyện nhỏ bé, kiểu trà dư tửu hậu - tưởng như dễ nhưng thực chất lại rất khó. Làm sao để tạo một dư vị đằm sâu trong lòng độc giả vốn là việc "thiên nan vạn nan". Nói chuyện nhỏ mà vấn đề thực chất lại lớn, nói chuyện thời thế mà chạm đến đáy những tấm lòng trong thiên hạ là việc chẳng dễ dàng gì. Thế mà bằng giọng điệu nhỏ nhẹ ấy, Nguyễn Ngọc Tư đã làm được. Đọc sách, để nghe chị kể về miền quê Đất Mũi: "...Gió mùa phây phẩy, gió đưa trời lộng lên cao, phù sa bắt đầu nôn nả lấn biển rồi không lâu lắm đâu, từ bãi bồi, đất sẽ cồn lên, một rừng mắm xanh non rào rạt tiến về phía trước giữ đất lại cho người...". Đọc sách, ta cùng chị ghé những quán chợ ven đường với những buổi họp chợ dường như "chỉ để trao đổi, san sẻ với nhau những gì mình có", để trò chuyện, tâm tình. Những phiên chợ ven đường ấy thắm nghĩa đượm tình làm sao!
Nét mới lạ nổi bật trong tập tạp văn này là giọng điệu chính luận kiểu Nguyễn Ngọc Tư khi bàn về những vấn đề thiết thực, sát sườn với quê mình. Đó là Ngậm ngùi Hưng Mỹ với tôm chết, hệ thống thủy lợi trục trặc, nợ ngân hàng chất chồng lên vai người nông dân. Tính chính luận đó thể hiện nhẹ nhàng mà có phần nghiêm khắc trong Kính thưa anh nhà báo. "Đoản khúc kính thưa" này có thể làm giật mình nhiều nhà báo/nhiều tờ báo khi chị "nhắc nhở" rằng xin anh nhà báo đừng chỉ viết toàn tiêu cực về một vùng đất bởi vì vẫn còn đó những tấm lòng, những con người tốt đẹp đang vun đắp xây dựng...
Chỉ là tập hợp những bài viết của chị trên các số Thời báo Kinh tế Sài Gòn nhưng tập sách đã phác họa một chân dung quen mà lạ của Nguyễn Ngọc Tư. Ở đó, người đọc bắt gặp những ưu tư từ trách nhiệm công dân trong giọng điệu trữ tình thế sự.
Chỉ với "ngón út dính bùn vạn dặm" cuối Tổ quốc, Nguyễn Ngọc Tư cũng kịp làm chút phù sa lắng đọng trong tâm hồn người đọc. Đọc, để thương Cà Mau và những vùng nông thôn Việt Nam nhiều hơn, để sẻ chia gánh nặng của bà con và để thanh lọc một chút bụi trong tâm hồn mình - một người phố thị đôi lần trót nghĩ quê nhà như chốn lạc hậu và chỉ chực quên mình vốn lớn lên từ rơm rạ.
(theo Đọc Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư: Nguyễn Ngọc Tư - Quen mà lạ, báo Thanh Niên)
Ghi chú:
File ebook dưới đây chỉ làm dựa theo mục lục của sách của NXB Trẻ, các tác phẩm được tổng hợp lại từ các nguồn báo và trang VIET-STUDIES nên có thể sai khác với bản in của nhà xuất bản.
Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư gồm có:
Trở Gió
Đất Mũi mù xa
Xa Đầm Thị Tường
Tháng Chạp ở Rạch Bộ Tời
Quán nhớ
Chợ bên đường
Ngậm ngùi Hưng Mỹ
Nguyệt - người bạn không biết viết văn
Hiên trước nhà một bà già tốt bụng
Một mái nhà
Chơi một mình
Lời nhắn
Sân nhà
Cha và con
Một giấc mơ
Làm cho biết
Tản mạn quanh... cái cổng
Cửa sau
Thư từ quê
Kính thưa anh nhà báo
Đi qua những cơn bão khô
Chờ đợi những mùa tôm
Đôi bờ thương nhớ
Hư ảo rồi tan...
Chút tình sông nước
Bùa yêu và con nhỏ thất tình
Gió mùa thao thức
Ngơ ngác mùa dưa
Chợ của má
Lời cho má
Ngủ ở Mũi
Trăm năm bến cũ con đò
Bà già vui vẻ
Nhớ nguồn
Mơ thấy mùa đang tới
Lời bạt: Về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư
***
Trước rạng đông một ngày đầu tháng tám, tôi lên một chiếc xe van chín chỗ, từ Sài Gòn về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng tôi sẽ không kể lại từng phút giây của hai ngày đáng nhớ ấy (hôm đó và hôm sau) mà tôi gặp Tư và gia đình cô ở Cà Mau, bởi vì cuộc hành trình này (như bây giờ tôi nhận ra) không chỉ là non mười một tiếng đồng hồ ngồi xe về đất Mũi, nhưng là một chuyến trở về “quê thật”của tôi. Quê ấy chẳng phải là một nơi nào đó trên bản đồ địa lý, nhưng là một vùng tâm tưởng của một người đã ra đi hơn bốn chục năm trời. Và gặp Tư không phải vì tò mò về một tác giả mà tôi đã đọc nhiều và yêu thích, nhưng để hình tượng hoá khung cảnh sản sinh những tác phẩm có sức rung cảm tuyệt vời của một nhà văn mà tôi đã gọi là “đặc sản miền Nam”.
Xe chuyển bánh từ giữa lòng bóng tối, loà nhoà ánh đèn vàng của Sài Gòn còn ngái ngủ, vào ngoại ô trong sương lúc bình minh, qua những địa danh quen thuộc của tuổi trẻ tôi: Bến Lức, Tân An, Ngả ba Trung Lương, Cái Bè, Cai Lậy, Cầu Mỹ Thuận, Vĩnh Long (chẳng biết người tôi quen hơn bốn mươi năm trước bây giờ ở đâu?), Cần Thơ, và những nơi có thể tôi đã qua nhưng không còn nhớ: Sóc Trăng, Bạc Liêu. Càng xa Sài Gòn, đường càng xấu, khủng khiếp nhất là đoạn từ Bạc Liêu đến Cà Mau. Và rồi khoảng ba giờ chiều hôm ấy, dưới ánh nắng vừa hực lại sau một thoáng mưa to, bên vệ đường vào thị xã Cà Mau, một người trẻ (tôi còn nhớ đã thốt thầm: trời, sao trẻ vậy!) như nữ sinh trung học, quay xe Dream ngừng lại cúi chào tôi. Nguyễn Ngọc Tư.
Suốt buổi chiều hôm ấy tôi trò chuyện nhiều với Tư, dùng cơm tối với Tư và ba Tư. Sáng hôm sau đi ăn cháo cá với Tư (và, cao điểm của đời tôi: được Nguyễn Ngọc Tư chở Honda vòng quanh thị xã Cà Mau), về nhà (cũng là cửa hàng) của vợ chổng Tư, lại nhà ba má Tư ăn trưa với cả gia đình. Rồi chia tay, tôi trở lại thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi sẽ không nói về Tư nhiều hơn nữa bởi vì, tôi phát giác, Nguyễn Ngọc Tư mà tôi gặp chính là Nguyễn Ngọc Tư mà mọi người đều có thể biết rõ qua các bút ký của cô,và Cà Mau mà tôi đến là Cà Mau trong tất cả những gì Tư viết.
Đó là môt người phụ nữ rất trẻ, dung dị, bình thường, nhưng kiên cường và bản lĩnh. Tư sống gần ba má, anh chị. Từ thế hệ nội, ngoại, cả gia đình của Tư đều là bộ đội trong chiến tranh chống Mỹ. Chị và anh của Tư sinh ra trong chiến khu trước hoà bình, còn Tư thì sinh ra ở Bạc Liêu (năm 1976, nhưng không ai nhớ ngày nào, chỉ nhớ đêm ấy trời không trăng, tối mịt) rồi về sống ở Cà Mau từ hồi bốn tuổi. Ngoài đời, Nguyễn Ngọc Tư mà tôi đã gặp rõ ràng là Tư của Lời cho má, Sân nhà, Tắm sông, Chơi một mình, Một mái nhà, Nguyệt – Người bạn không biết viết văn, Cửa sau. Và Cà Mau mà tôi thấy chính là chợ (hãy đọc lại Chợ nổi Cà Mau, -- chút tình sông nước), là sông, là xóm làng (Đất Mũi mù xa, Nhớ đất, Tháng Chạp ở rạch Bộ Tời) trong bút ký Nguyễn Ngọc Tư.
Song tôi phải nói, đến Cà Mau, tôi mới thấy rõ hơn sự gắn bó của Nguyễn Ngọc Tư với con người, với đời sống, với đất nước quanh cô. Bối cảnh gia đình cho Nguyễn Ngọc Tư một cái nhìn mà tôi ít thấy ở ai khác. Đó là cái nhìn thật trưởng thành nhưng của một người rất trẻ, đó là cái nhìn của kẻ đã sống qua máu lửa, chứng kiến lắm đau thương, nhưng với con mắt vô tư của một người sinh ra khi đã hết chiến tranh. Đó là cái nhìn của một gia đình chân chất và trầm lặng, hãnh diện đã làm tròn nhiệm vụ đấu tranh cho đất nước, không chút nghi ngờ tương lai của dân tộc, nhưng chẳng có ảo tưởng nào về những mặt bất toàn của hiện tại. Đó là những người bị thiên tai liên miên vùi vập (Chờ đợi những mùa tôm, Đi qua những cơn bão khô, Ngậm ngùi Hưng Mỹ), nhưng bao giờ rồi cũng đứng lên và xây dựng lại. Đó là những người nặng tình với công lý, song không phải là thứ công lý khô khan, quyết liệt của kẻ bị áp bức, bốc lột thời bị trị, mà là thứ công lý đầy nhân ái, giận nhưng không oán, trách nhưng không thù (Mơ hết, Kính thưa anh nhà báo, Làm cho biết, Tản mạn quanh … cái cổng).
Và, đến Cà Mau, tận mắt nhìn sông, nhìn chợ, tận tai nghe tiếng gà gáy sớm, tiếng máy ghe bình bịch sau nhà Tư, rồi nhớ lại những bút ký của Tư (mà hầu như tôi nhớ hết!), tôi thêm một ý nghĩ: nếu là nhà làm phim, Nguyễn Ngọc Tư sẽ rất tài tình. Bạn hãy đọc, hoặc đọc lại, một sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (tỉ như Mối tình năm cũ), rồi trả lời giùm: đó là phim hay truyện? Những chi tiết trong đó làm người đọc thẩn thờ, nhưng sao ấy, chúng không tủn mủn tẩn mẩn, mà sáng và vui. Cái nhìn của cô trong Chợ nổi đúng là một cái nhìn “điện ảnh”: những gam màu thật tươi, những “cận ảnh” bất ngờ, song đôi mắt nhà văn ấy không bị vướng cái rè rè cơ động, cái xoay chuyển chậm chạp của máy quay phim, mà gần hơn với cái tung tăng của một con bướm nhỏ. Cảnh và người, lạ mà thân, xa mà gần, náo hoạt mà tĩnh yên, và đầy lòng thương mến. Nguyễn Ngọc Tư cho biết cô hay nghe nhạc khi viết, và tôi không ngạc nhiên. Đúng là văn của cô nghe như nhạc. Nhiều truyện của cô gần như một bài vọng cỗ (hay một thứ ballad, nếu nói cách kiêu kì) hơn bất cứ gì khác. Và, như bài vọng cỗ, chúng thường là những chuyện buồn, đôi khi rất buồn, kết thúc bằng một nốt trầm, một sự lửng lơ.
Có thể hình dung phần lớn cuốn-phim-bút-ký của Nguyễn Ngọc Tư như một con thuyền vượt sóng: một bên là những rộn ràng sống động của sinh hoạt đời thường, một bên là những đòi hỏi (rất nghiêm trang và chính đáng) cho công lý. Nguyễn Ngọc Tư là tiêu biểu của thế hệ Việt Nam mới, sinh ra sau thống nhất, trong thanh bình, nhưng luôn quý trọng những hi sinh, và hãnh diện chấp nhận kế thừa những người mang lại thống nhất và thanh bình ấy. Hãnh diện với quá khứ và xông vai tiếp tục đi tới. Những người như Nguyễn Ngọc Tư cực khổ mà không than phiền. Đâu đó trong nụ cuời e thẹn (và rất xinh!) của cô là sự trong sáng của một tuổi trẻ hãy còn đây. Ở Nguyễn Ngọc Tư là phong cách ngoan hiền nhưng kiên quyết, cuộc sống giản đơn nhưng thấp thoáng một nội tâm phức tạp và bí ẩn (những lúc cô chợt im lặng giữa câu chuyện, con mắt trở nên đăm chiêu, làm tôi giật mình). Nguyễn Ngọc Tư thường ví truyện của mình như trái sầu riêng: nhiều người rất thích nhưng cũng có người (“đáng thương thay!”, tôi nói) lại dị ứng. Tôi đã cự với Tư về cách ví von này bởi vì, theo tôi, văn của Tư không chỉ là một trái này hay quả nọ, mà là cả hàng chục, hàng trăm loại trái cây, hoa quả. Nhìn cảnh chợ Cà Mau, tôi tin là tôi đúng hơn Tư. Xin lỗi nha Tư!
Tôi hỏi Nguyễn Ngọc Tư có cảm thấy cô lập trong đời văn không (nhớ rằng Cà Mau dù gì cũng là hơi xa đông đảo những người viết khác) thì Tư lại bảo nếu không còn làm ở chỗ hiện tại (Hội Văn Học Nghệ Thuật Cà Mau) cô muốn sẽ về công tác ở một Hội Nông Dân ở vùng xa, vùng sâu hơn nữa, nơi không ai sẽ biết cô là nhà văn nhà báo (ít ra trong vài tháng đầu, cô nói đùa) để cô biết thêm về đời sống của họ. Nguyễn Ngọc Tư là như thế đấy.
Khi trao tặng Tư một quyển biên khảo mà tôi có tham gia, nhìn tay cô loáng thoáng lật nhanh trang giấy, tôi chợt nhớ chỉ vài năm trước đây chính bàn tay nhanh nhẹn ấy còn hái rau để má đem ra chợ bán mỗi sáng. Bàn tay hái rau, nấu cơm, rồi lật sách và cầm bút! Những chuyển biến gần như huyền thoại của một phụ nữ đảm đang, một tài năng thiên phú. Có điều tôi hơi hổ thẹn là ngồi với Tư, tôi lại nói nhiều hơn Tư! Nếu tôi là người nổi tiếng thì Tư có thể viết một bút ký “Gặp Trần Hữu Dũng ở Cà Mau” tiết lộ những “tâm sự” của tôi, chắc tôi phải độn thổ!
Vậy bạn đừng quở tôi, nghe nói đi Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư mà sao không kể gì về Cà Mau, không kể gì về cô Tư hết vậy? Bởi vì, cà-mau ở đây chính là sự bình dị của hàng trăm tỉnh làng trên mọi miền đất nước. Những tỉnh làng không hoành tráng, không nhiều danh lam thắng cảnh, thưa khách tham quan, và nghèo, nhưng là cái nôi, cái nguồn của sức sống dân tộc. Bởi vì, nguyễn-ngọc-tư ở đây là hình ảnh một phụ nữ miền Nam như rất nhiều phụ nữ khác, không phải là một trong “mười khuôn mặt tiêu biểu năm 2003” (dù cô có là), một người đàn bà còn rất trẻ, không son phấn, bận bịu chồng con, chăm lo ba má, quần qưật công việc cơ quan, và sáng tác. Và chuyến đi Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư của tôi là một cuộc trở về (vì tôi đã lớn lên ở đó) với ruộng vườn miền Nam ruột thịt, một cuộc viếng thăm (vì lại phải ra đi) những đứa em, đứa cháu, những bà con và bè bạn (mới và cũ) đang sống nơi ấy, vui, buồn, gian nan và thành đạt, nhưng trong tất cả là khí tiết của quê hương.
Trần Hữu Dũng
Dayton, 23/8/2005
Vẫn là giọng điệu thủ thỉ tâm tình của nhà văn vùng Đất Mũi về những câu chuyện "nhỏ xíu" quanh mình. Vẫn là chút lòng "để gió cuốn đi" của người ăn cơm nông dân, tắm nước sông và nghĩ về nông thôn với tất cả sự thuần hậu yêu thương. Ta đã từng gặp điều ấy trong những truyện ngắn làm nên phong cách Nguyễn Ngọc Tư.
Viết tạp văn - viết những chuyện nhỏ bé, kiểu trà dư tửu hậu - tưởng như dễ nhưng thực chất lại rất khó. Làm sao để tạo một dư vị đằm sâu trong lòng độc giả vốn là việc "thiên nan vạn nan". Nói chuyện nhỏ mà vấn đề thực chất lại lớn, nói chuyện thời thế mà chạm đến đáy những tấm lòng trong thiên hạ là việc chẳng dễ dàng gì. Thế mà bằng giọng điệu nhỏ nhẹ ấy, Nguyễn Ngọc Tư đã làm được. Đọc sách, để nghe chị kể về miền quê Đất Mũi: "...Gió mùa phây phẩy, gió đưa trời lộng lên cao, phù sa bắt đầu nôn nả lấn biển rồi không lâu lắm đâu, từ bãi bồi, đất sẽ cồn lên, một rừng mắm xanh non rào rạt tiến về phía trước giữ đất lại cho người...". Đọc sách, ta cùng chị ghé những quán chợ ven đường với những buổi họp chợ dường như "chỉ để trao đổi, san sẻ với nhau những gì mình có", để trò chuyện, tâm tình. Những phiên chợ ven đường ấy thắm nghĩa đượm tình làm sao!
Nét mới lạ nổi bật trong tập tạp văn này là giọng điệu chính luận kiểu Nguyễn Ngọc Tư khi bàn về những vấn đề thiết thực, sát sườn với quê mình. Đó là Ngậm ngùi Hưng Mỹ với tôm chết, hệ thống thủy lợi trục trặc, nợ ngân hàng chất chồng lên vai người nông dân. Tính chính luận đó thể hiện nhẹ nhàng mà có phần nghiêm khắc trong Kính thưa anh nhà báo. "Đoản khúc kính thưa" này có thể làm giật mình nhiều nhà báo/nhiều tờ báo khi chị "nhắc nhở" rằng xin anh nhà báo đừng chỉ viết toàn tiêu cực về một vùng đất bởi vì vẫn còn đó những tấm lòng, những con người tốt đẹp đang vun đắp xây dựng...
Chỉ là tập hợp những bài viết của chị trên các số Thời báo Kinh tế Sài Gòn nhưng tập sách đã phác họa một chân dung quen mà lạ của Nguyễn Ngọc Tư. Ở đó, người đọc bắt gặp những ưu tư từ trách nhiệm công dân trong giọng điệu trữ tình thế sự.
Chỉ với "ngón út dính bùn vạn dặm" cuối Tổ quốc, Nguyễn Ngọc Tư cũng kịp làm chút phù sa lắng đọng trong tâm hồn người đọc. Đọc, để thương Cà Mau và những vùng nông thôn Việt Nam nhiều hơn, để sẻ chia gánh nặng của bà con và để thanh lọc một chút bụi trong tâm hồn mình - một người phố thị đôi lần trót nghĩ quê nhà như chốn lạc hậu và chỉ chực quên mình vốn lớn lên từ rơm rạ.
(theo Đọc Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư: Nguyễn Ngọc Tư - Quen mà lạ, báo Thanh Niên)
Ghi chú:
File ebook dưới đây chỉ làm dựa theo mục lục của sách của NXB Trẻ, các tác phẩm được tổng hợp lại từ các nguồn báo và trang VIET-STUDIES nên có thể sai khác với bản in của nhà xuất bản.
Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư gồm có:
Trở Gió
Đất Mũi mù xa
Xa Đầm Thị Tường
Tháng Chạp ở Rạch Bộ Tời
Quán nhớ
Chợ bên đường
Ngậm ngùi Hưng Mỹ
Nguyệt - người bạn không biết viết văn
Hiên trước nhà một bà già tốt bụng
Một mái nhà
Chơi một mình
Lời nhắn
Sân nhà
Cha và con
Một giấc mơ
Làm cho biết
Tản mạn quanh... cái cổng
Cửa sau
Thư từ quê
Kính thưa anh nhà báo
Đi qua những cơn bão khô
Chờ đợi những mùa tôm
Đôi bờ thương nhớ
Hư ảo rồi tan...
Chút tình sông nước
Bùa yêu và con nhỏ thất tình
Gió mùa thao thức
Ngơ ngác mùa dưa
Chợ của má
Lời cho má
Ngủ ở Mũi
Trăm năm bến cũ con đò
Bà già vui vẻ
Nhớ nguồn
Mơ thấy mùa đang tới
Lời bạt: Về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư
***
Trước rạng đông một ngày đầu tháng tám, tôi lên một chiếc xe van chín chỗ, từ Sài Gòn về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng tôi sẽ không kể lại từng phút giây của hai ngày đáng nhớ ấy (hôm đó và hôm sau) mà tôi gặp Tư và gia đình cô ở Cà Mau, bởi vì cuộc hành trình này (như bây giờ tôi nhận ra) không chỉ là non mười một tiếng đồng hồ ngồi xe về đất Mũi, nhưng là một chuyến trở về “quê thật”của tôi. Quê ấy chẳng phải là một nơi nào đó trên bản đồ địa lý, nhưng là một vùng tâm tưởng của một người đã ra đi hơn bốn chục năm trời. Và gặp Tư không phải vì tò mò về một tác giả mà tôi đã đọc nhiều và yêu thích, nhưng để hình tượng hoá khung cảnh sản sinh những tác phẩm có sức rung cảm tuyệt vời của một nhà văn mà tôi đã gọi là “đặc sản miền Nam”.
Xe chuyển bánh từ giữa lòng bóng tối, loà nhoà ánh đèn vàng của Sài Gòn còn ngái ngủ, vào ngoại ô trong sương lúc bình minh, qua những địa danh quen thuộc của tuổi trẻ tôi: Bến Lức, Tân An, Ngả ba Trung Lương, Cái Bè, Cai Lậy, Cầu Mỹ Thuận, Vĩnh Long (chẳng biết người tôi quen hơn bốn mươi năm trước bây giờ ở đâu?), Cần Thơ, và những nơi có thể tôi đã qua nhưng không còn nhớ: Sóc Trăng, Bạc Liêu. Càng xa Sài Gòn, đường càng xấu, khủng khiếp nhất là đoạn từ Bạc Liêu đến Cà Mau. Và rồi khoảng ba giờ chiều hôm ấy, dưới ánh nắng vừa hực lại sau một thoáng mưa to, bên vệ đường vào thị xã Cà Mau, một người trẻ (tôi còn nhớ đã thốt thầm: trời, sao trẻ vậy!) như nữ sinh trung học, quay xe Dream ngừng lại cúi chào tôi. Nguyễn Ngọc Tư.
Suốt buổi chiều hôm ấy tôi trò chuyện nhiều với Tư, dùng cơm tối với Tư và ba Tư. Sáng hôm sau đi ăn cháo cá với Tư (và, cao điểm của đời tôi: được Nguyễn Ngọc Tư chở Honda vòng quanh thị xã Cà Mau), về nhà (cũng là cửa hàng) của vợ chổng Tư, lại nhà ba má Tư ăn trưa với cả gia đình. Rồi chia tay, tôi trở lại thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi sẽ không nói về Tư nhiều hơn nữa bởi vì, tôi phát giác, Nguyễn Ngọc Tư mà tôi gặp chính là Nguyễn Ngọc Tư mà mọi người đều có thể biết rõ qua các bút ký của cô,và Cà Mau mà tôi đến là Cà Mau trong tất cả những gì Tư viết.
Đó là môt người phụ nữ rất trẻ, dung dị, bình thường, nhưng kiên cường và bản lĩnh. Tư sống gần ba má, anh chị. Từ thế hệ nội, ngoại, cả gia đình của Tư đều là bộ đội trong chiến tranh chống Mỹ. Chị và anh của Tư sinh ra trong chiến khu trước hoà bình, còn Tư thì sinh ra ở Bạc Liêu (năm 1976, nhưng không ai nhớ ngày nào, chỉ nhớ đêm ấy trời không trăng, tối mịt) rồi về sống ở Cà Mau từ hồi bốn tuổi. Ngoài đời, Nguyễn Ngọc Tư mà tôi đã gặp rõ ràng là Tư của Lời cho má, Sân nhà, Tắm sông, Chơi một mình, Một mái nhà, Nguyệt – Người bạn không biết viết văn, Cửa sau. Và Cà Mau mà tôi thấy chính là chợ (hãy đọc lại Chợ nổi Cà Mau, -- chút tình sông nước), là sông, là xóm làng (Đất Mũi mù xa, Nhớ đất, Tháng Chạp ở rạch Bộ Tời) trong bút ký Nguyễn Ngọc Tư.
Song tôi phải nói, đến Cà Mau, tôi mới thấy rõ hơn sự gắn bó của Nguyễn Ngọc Tư với con người, với đời sống, với đất nước quanh cô. Bối cảnh gia đình cho Nguyễn Ngọc Tư một cái nhìn mà tôi ít thấy ở ai khác. Đó là cái nhìn thật trưởng thành nhưng của một người rất trẻ, đó là cái nhìn của kẻ đã sống qua máu lửa, chứng kiến lắm đau thương, nhưng với con mắt vô tư của một người sinh ra khi đã hết chiến tranh. Đó là cái nhìn của một gia đình chân chất và trầm lặng, hãnh diện đã làm tròn nhiệm vụ đấu tranh cho đất nước, không chút nghi ngờ tương lai của dân tộc, nhưng chẳng có ảo tưởng nào về những mặt bất toàn của hiện tại. Đó là những người bị thiên tai liên miên vùi vập (Chờ đợi những mùa tôm, Đi qua những cơn bão khô, Ngậm ngùi Hưng Mỹ), nhưng bao giờ rồi cũng đứng lên và xây dựng lại. Đó là những người nặng tình với công lý, song không phải là thứ công lý khô khan, quyết liệt của kẻ bị áp bức, bốc lột thời bị trị, mà là thứ công lý đầy nhân ái, giận nhưng không oán, trách nhưng không thù (Mơ hết, Kính thưa anh nhà báo, Làm cho biết, Tản mạn quanh … cái cổng).
Và, đến Cà Mau, tận mắt nhìn sông, nhìn chợ, tận tai nghe tiếng gà gáy sớm, tiếng máy ghe bình bịch sau nhà Tư, rồi nhớ lại những bút ký của Tư (mà hầu như tôi nhớ hết!), tôi thêm một ý nghĩ: nếu là nhà làm phim, Nguyễn Ngọc Tư sẽ rất tài tình. Bạn hãy đọc, hoặc đọc lại, một sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (tỉ như Mối tình năm cũ), rồi trả lời giùm: đó là phim hay truyện? Những chi tiết trong đó làm người đọc thẩn thờ, nhưng sao ấy, chúng không tủn mủn tẩn mẩn, mà sáng và vui. Cái nhìn của cô trong Chợ nổi đúng là một cái nhìn “điện ảnh”: những gam màu thật tươi, những “cận ảnh” bất ngờ, song đôi mắt nhà văn ấy không bị vướng cái rè rè cơ động, cái xoay chuyển chậm chạp của máy quay phim, mà gần hơn với cái tung tăng của một con bướm nhỏ. Cảnh và người, lạ mà thân, xa mà gần, náo hoạt mà tĩnh yên, và đầy lòng thương mến. Nguyễn Ngọc Tư cho biết cô hay nghe nhạc khi viết, và tôi không ngạc nhiên. Đúng là văn của cô nghe như nhạc. Nhiều truyện của cô gần như một bài vọng cỗ (hay một thứ ballad, nếu nói cách kiêu kì) hơn bất cứ gì khác. Và, như bài vọng cỗ, chúng thường là những chuyện buồn, đôi khi rất buồn, kết thúc bằng một nốt trầm, một sự lửng lơ.
Có thể hình dung phần lớn cuốn-phim-bút-ký của Nguyễn Ngọc Tư như một con thuyền vượt sóng: một bên là những rộn ràng sống động của sinh hoạt đời thường, một bên là những đòi hỏi (rất nghiêm trang và chính đáng) cho công lý. Nguyễn Ngọc Tư là tiêu biểu của thế hệ Việt Nam mới, sinh ra sau thống nhất, trong thanh bình, nhưng luôn quý trọng những hi sinh, và hãnh diện chấp nhận kế thừa những người mang lại thống nhất và thanh bình ấy. Hãnh diện với quá khứ và xông vai tiếp tục đi tới. Những người như Nguyễn Ngọc Tư cực khổ mà không than phiền. Đâu đó trong nụ cuời e thẹn (và rất xinh!) của cô là sự trong sáng của một tuổi trẻ hãy còn đây. Ở Nguyễn Ngọc Tư là phong cách ngoan hiền nhưng kiên quyết, cuộc sống giản đơn nhưng thấp thoáng một nội tâm phức tạp và bí ẩn (những lúc cô chợt im lặng giữa câu chuyện, con mắt trở nên đăm chiêu, làm tôi giật mình). Nguyễn Ngọc Tư thường ví truyện của mình như trái sầu riêng: nhiều người rất thích nhưng cũng có người (“đáng thương thay!”, tôi nói) lại dị ứng. Tôi đã cự với Tư về cách ví von này bởi vì, theo tôi, văn của Tư không chỉ là một trái này hay quả nọ, mà là cả hàng chục, hàng trăm loại trái cây, hoa quả. Nhìn cảnh chợ Cà Mau, tôi tin là tôi đúng hơn Tư. Xin lỗi nha Tư!
Tôi hỏi Nguyễn Ngọc Tư có cảm thấy cô lập trong đời văn không (nhớ rằng Cà Mau dù gì cũng là hơi xa đông đảo những người viết khác) thì Tư lại bảo nếu không còn làm ở chỗ hiện tại (Hội Văn Học Nghệ Thuật Cà Mau) cô muốn sẽ về công tác ở một Hội Nông Dân ở vùng xa, vùng sâu hơn nữa, nơi không ai sẽ biết cô là nhà văn nhà báo (ít ra trong vài tháng đầu, cô nói đùa) để cô biết thêm về đời sống của họ. Nguyễn Ngọc Tư là như thế đấy.
Khi trao tặng Tư một quyển biên khảo mà tôi có tham gia, nhìn tay cô loáng thoáng lật nhanh trang giấy, tôi chợt nhớ chỉ vài năm trước đây chính bàn tay nhanh nhẹn ấy còn hái rau để má đem ra chợ bán mỗi sáng. Bàn tay hái rau, nấu cơm, rồi lật sách và cầm bút! Những chuyển biến gần như huyền thoại của một phụ nữ đảm đang, một tài năng thiên phú. Có điều tôi hơi hổ thẹn là ngồi với Tư, tôi lại nói nhiều hơn Tư! Nếu tôi là người nổi tiếng thì Tư có thể viết một bút ký “Gặp Trần Hữu Dũng ở Cà Mau” tiết lộ những “tâm sự” của tôi, chắc tôi phải độn thổ!
Vậy bạn đừng quở tôi, nghe nói đi Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư mà sao không kể gì về Cà Mau, không kể gì về cô Tư hết vậy? Bởi vì, cà-mau ở đây chính là sự bình dị của hàng trăm tỉnh làng trên mọi miền đất nước. Những tỉnh làng không hoành tráng, không nhiều danh lam thắng cảnh, thưa khách tham quan, và nghèo, nhưng là cái nôi, cái nguồn của sức sống dân tộc. Bởi vì, nguyễn-ngọc-tư ở đây là hình ảnh một phụ nữ miền Nam như rất nhiều phụ nữ khác, không phải là một trong “mười khuôn mặt tiêu biểu năm 2003” (dù cô có là), một người đàn bà còn rất trẻ, không son phấn, bận bịu chồng con, chăm lo ba má, quần qưật công việc cơ quan, và sáng tác. Và chuyến đi Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư của tôi là một cuộc trở về (vì tôi đã lớn lên ở đó) với ruộng vườn miền Nam ruột thịt, một cuộc viếng thăm (vì lại phải ra đi) những đứa em, đứa cháu, những bà con và bè bạn (mới và cũ) đang sống nơi ấy, vui, buồn, gian nan và thành đạt, nhưng trong tất cả là khí tiết của quê hương.
Trần Hữu Dũng
Dayton, 23/8/2005