Tổng Quan Khoa Học Thông tin Và Thư Viện

Tác giả : Nguyễn Minh Hiệp
  • Lượt đọc : 80
  • Kích thước : 13.80 MB
  • Số trang : 211
  • Đăng lúc : 8 tháng trước
  • Số lượt tải : 27
  • Số lượt xem : 315
  • Đọc trên điện thoại :
"Thông tin là tất cả trong một xã hội tri thức" đã là thông điệp cho mọi người, mọi ngành để tiến đến một nền kinh tế tri thức, một xã hội tri thức. Trong đó vị trí ngành thông tin thư viện là vô cùng quan trọng vì rằng chính thư viện đóng vai trò quản lý và biến thông tin thành tri thức đồng thời giúp cho mọi người hình thành tri thức - vai trò quản lý thông tin của người cán bộ thư viện sẽ trở thành quản lý tri thức.

Ngành thông tin thư viện trên thế giới do đó đã được xã hội trân trọng. Cùng với sự phát triển như vũ bão của ngành công nghệ thông tin, ngành thông tin thư viện đang phát triển với một tốc độ nhanh chưa từng có - một sự phát triển đồng bộ, chuẩn hóa, trong đó công nghệ thông tin được áp dụng một cách triệt để. Ngành thông tin thư viện Việt Nam cũng được tác động bởi trào lưu phát triển đó đang dần dần khôi phục vị trí tương xứng của mình trong sự phát triển chung của xã hội.

Cuốn sách "Tổng quan khoa học thông tin thư viện" là một khái quát về những kỹ năng kỹ thuật thông tin thư viện bao gồm 12 chương. Chương Nhập môn trình bày sự phát triển ngành thông tin thư viện từ quản lý tư liệu đến quản lý tri thức, trong đó đề cập đến một sự thay đổi quan niệm quản lý quan trọng từ quản lý tư liệu là quản lý vật chất đến quản lý thông tin là quản lý phi vật chất - đánh dấu một giai đoạn thông tin không phải chỉ có trong mỗi thư viện, từ đó quan niệm chuẩn hóa rộng rãi và cởi mở hơn. Chương thứ hai Khái quát về thông tin và thư viện với việc xác định mục đích của thư viện là kết nối con người với thông tin họ muốn có, để đạt được mục đích này, người cán bộ thư viện cần có thông tin, truyền thông, và kỹ năng kỹ thuật để quản lý và truy cập thông tin. Chương thứ ba Phát triển sưu tập trình bày những kỹ năng hoạch định phương thức phát triển sưu tập để đi đến soạn thảo chính sách phát triển sưu tập nhằm hợp lý hóa và làm giàu vốn tài liệu trong thư viện. Chương thứ tư Kiểm soát thư tịch bắt đầu đi vào chuyên môn cụ thể để xử lý tài liệu và thông tin. Mở đầu công việc chính của thư viện được khẳng định - tài liệu chứa trong thư viện phải được tìm thấy bất cứ lúc nào để cung cấp thông tin độc giả cần và nêu ra những phương pháp bao gồm: (i) xếp tài liệu trên giá theo môn loại, (2) ấn định mỗi tài liệu một hay nhiều tiêu đề để mục để phản ánh nội dung và đưa vào trong hệ thống mục lục thư viện, (3) liệt kê tài liệu trong một thư mục theo yêu cầu độc giả. (4) cung cấp thông tin về tài liệu trong những cơ sở dữ liệu ngoài thư viện, và (5) tóm tắt và chỉ mục bài tạp chí. Chương này trình bày những mẫu biểu ghi thư tịch. Chương thứ năm . Biên mục gồm biên mục mô tả giới thiệu khái quát quy tắc mô tả ISBD và bảng quy tắc biên mục AACR2 cùng chi tiết các vùng mô tả, giới thiệu khái quát về MARC (Biên mục máy đọc được); biên mục đề mục trình bày việc ấn định tiêu đề để mục bao gồm kỹ thuật và nghệ thuật để giới thiệu nội dung của tài liệu, so sánh giữa tiền kết hợp và hậu kết hợp, đồng thời giới thiệu khái quát về các danh sách tiêu để đề mục. Chương thứ sáu Phân loại khẳng định nguyên tắc căn bản của việc phân loại trong thư viện là tập hợp các tài liệu trên kệ theo môn loại hay nội dung chủ đề. Trình bày sơ lược các khung phân loại đang được sử dụng tại Việt Nam và cuối cùng để cập đến khung phân loại Dewey là khung mà ngày càng nhiều thư viện trong nước sử dụng. Chương thứ bảy Hệ thống mục lục trình bày hệ thống mục lục phiếu gồm cách xây dựng bộ phiếu gồm phiếu chính, phiếu phụ và tổ chức mục lục tác giả, mục lục nhan đề, mục lục đề mục và mục lục từ điển; giới thiệu mục lục trực tuyến với vài minh họa nêu rõ sự lợi ích của mục lục đề mục, đặc biệt là việc thiết lập thư mục tự động. Chương thứ tám Tham khảo trình bày sự cần thiết của dịch vụ tham khảo trong công tác thông tin thư viện nhằm giúp độc giả tiếp cận thông tin, cách tổ chức một Ban Tham khảo trong thư viện và chuẩn bị một Sưu tập tham khảo. Chương thứ chín Lưu hành để cập đến công tác phục vụ, đặc biệt phục vụ Kho mở. Chương thứ mười Tổ chức và bảo quản kho trình bày một công việc thường xuyên và liên tục của thư viện, cách xử lý tài liệu về mặt hình thức từ khi bắt đầu bổ sung vào thư viện, cách tổ chức sắp xếp tài liệu đó trên giá kệ. Chương mười một Tự động hóa khẳng định tiến trình tất yếu của hoạt động thông tin thư viện, phạm vi tự động hóa là toàn diện, vai trò cán bộ thư viện trong vấn đề tự động hóa. Trình bày một số kiến thức căn bản về phân tích hệ thống, mạng tin học, World Wide Web, những khái niệm rõ ràng về các hình thức thư viện điện tử: thư viện số, thư viện ảo, vv... Chương cuối cùng Hiệp hội thư viện nêu rõ tính cần thiết của một hội chuyên nghiệp để phát triển nghiệp vụ thông tin thư viện, giới thiệu Liên hiệp các hội thư viện quốc tế IFLA, Hội đồng các quản thủ thư viện Đông Nam Á CONSAL, vài hội thư viện quốc gia tiêu biểu (Mỹ, Úc và Thái Lan); các sinh hoạt Liên hiệp thư viện và hội thông tin tại Việt Nam với triển vọng thành lập Hiệp hội Thư viện Việt Nam.

Toàn văn Pháp lệnh Thư viện được đăng vào phần phụ lục. Một bảng từ vựng Việt Anh gồm các thuật ngữ chuyên ngành được giới thiệu ở đây. Tài liệu tham khảo ngoài tài liệu in gồm đa số các sách giáo khoa trong các trường Thông tin thư viện còn có tài liệu điện tử trực tuyến trong đó hầu hết là những bài giảng được trình bày dạng powerpoint và các bài viết đã đăng trong Bản tin điện tử Câu lạc bộ Thư viện từ năm 1998.

Những nội dung trong cuốn sách đã được giảng dạy trong các khóa tập huấn nghiệp vụ tại Thư viện Cao học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trong vài năm qua. Nhiều thư viện đã định hướng đổi mới theo hướng trên. Chính sự định hướng này đã làm căn bản và tạo đà phát triển bền vững và đúng hướng của nhiều thư viện hiện nay - đó là hướng hội nhập. Chúng tôi mong muốn chia sẻ quan điểm của mình với bạn đọc và đồng nghiệp đồng thời rất biết ơn các đồng nghiệp quan tâm góp ý những điều . cần được sửa chữa và bổ sung, vì trong tập sách đầu tay sẽ không tránh khỏi nhiều thiếu sót.

Mọi ý kiến đóng góp xin gởi về Thư viện Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, 227 Nguyễn văn Cừ, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Email: [email protected]

CÁC TÁC GIẢ