Khoa Học Và Công Nghệ Thế Giới - Thách Thức Và Vận Hội Mới

Tác giả : Tạ Bá Hưng
  • Lượt đọc : 52
  • Kích thước : 2.18 MB
  • Số trang : 370
  • Đăng lúc : 8 tháng trước
  • Số lượt tải : 41
  • Số lượt xem : 415
  • Đọc trên điện thoại :
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, thế kỷ XXI sẽ hứa hẹn nhiều biến đổi xã hội sâu sắc với sự tiếp diễn của các cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ, được bắt đầu từ cuối thế kỷ XX. Các cuộc cách mạng này, với các ngành công nghệ cao như công nghệ nano, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng mới, công nghệ vũ trụ. v.v., đã và đang làm thay đổi tận gốc lực lượng sản xuất, khiến nền kinh tế thế giới phát triển, biến hoá cực kỳ mạnh mẽ, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, với tốc độ và quy mô ngày càng lớn. Nhiều đột phá công nghệ quan trọng, như kỹ thuật vi-điện tử, lade, bán dẫn, siêu dẫn, cáp quang, truyền thông và viễn thông hiện đại, siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật ADN, rôbốt công nghiệp, mạng Internet, v.v., đã tạo nên những tác động có tính cách mạng tới sự phát triển trên toàn cầu.

Trên phương diện kinh tế, nền kinh tế thế giới đang có thay đổi căn bản về cơ cấu, phương thức tổ chức và sản xuất. Cách tiếp cận hệ thống linh hoạt của từng cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp tới tri thức, giải trí, việc làm, nghiên cứu khoa học, sản xuất-kinh doanh cũng như việc sáng tạo ra những thị trường mới, ngành nghề mới, những giá trị mới đang là những thách thức đối với toàn thế giới. Trên quy mô hành tinh, quá trình quốc tế hoá đã được đẩy lên một mức mới nữa về chất và chuyển thành một xu thế mới - đó là xu thế toàn cầu hoá và phi địa phương hoá. Trong đó, mọi loại hàng hoá, dịch vụ, các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực và lao động, cùng với những yếu tố của nền sản xuất đang luân chuyển và vận động xuyên qua mọi đường biên giới quốc gia, khu vực, hàng ngày, hàng giờ với khối lượng khổng lồ và tốc độ cực nhanh.

Trên phương diện địa-chính trị, các đường biên giới quốc gia và các khu vực trên toàn cầu không còn mang ý nghĩa lớn như trước, do bức tường rào không gian-thời gian bị dỡ bỏ bởi những đột phá có tính cách mạng trong công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại ở cuối thế kỷ XX.

Trên phương diện xã hội, khoa học và công nghệ đem lại cho nhân loại những vận hội phát triển nhanh, mạnh (mặt sáng của khoa học và công nghệ) nhưng cũng tiềm ẩn những thách thức nghiệt ngã, thậm chí những hậu quả khôn lường (mặt tối của khoa học và công nghệ) đối với nhận loại.

Vào đầu thế kỷ XXI, nhân loại đang quá độ sang nền kinh tế tri thức và tiến dần vào Ký nguyên thông tin. Trong quá trình đó, việc dành ưu tiên phát triển khoa học và công nghệ, cũng như nâng cao hiệu quả của khoa học, công nghệ và tận dụng những ưu thế lớn nhất của chúng để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ngày nay đã trở thành nhiệm vụ then chốt và hết sức cấp bách đối với mọi quốc gia và khu vực trên thế giới.

Để có thể tìm hiểu sâu thêm về những xu thế phát triển cũng như những thách thức đặt ra cho khoa học và công nghệ, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, trân trọng giới thiệu cuốn sách "Khoa học và công nghệ thế giới-thách thức và vận hội mới". Những thông tin được giới thiệu trong cuốn sách này, chắc chắn sẽ bổ ích đối với các độc giả có quan tâm tới đổi mới quản lý khoa học và công nghệ và chính sách phát triển nhanh, bền vững bằng khoa học và công nghệ trong thời đại hiện nay.

TRUNG TÂM THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUỐC GIA