Trách Nhiệm Của Chính Quyền Cơ Sở Trong Tiếp Công Dân, Giải Quyết Khiếu Nại, Tố Cáo Và Phòng, Chống Tham Nhũng, Lãng Phí

Thể loại: Chính Trị
Tác giả : Nguyễn Tuấn Khanh
  • Lượt đọc : 49
  • Kích thước : 3.52 MB
  • Số trang : 218
  • Đăng lúc : 7 tháng trước
  • Số lượt tải : 6
  • Số lượt xem : 229
  • Đọc trên điện thoại :
Trong những năm gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo, tham nhũng, lãng phí diễn ra rất phức tạp trên nhiều lĩnh vực. Nhiều vụ khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp đã ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tham nhũng, lãng phí đã gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế, làm tăng các khoản chi phí không chính thức, trở thành vật cản đối với quá trình phát triển đất nước, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Để góp phần giải quyết tốt các vụ việc khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả đòi hỏi phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các cấp chính quyền nói chung và chính quyền cơ sở nói riêng. Chính quyền cơ sở là cấp chính quyền gắn bó mật thiết nhất với đời sống của Nhân dân, thường xuyên giải quyết công việc liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vì vậy, đó cũng là nơi dễ xảy ra khiếu nại, tố cáo, tham nhũng, lãng phí. Giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo sẽ hạn chế được những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp. Phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở cơ sở có hiệu quả sẽ là biện pháp trực tiếp nhất để củng cố lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Trong thời gian qua, việc thực hiện pháp luật ở cơ sở nói chung còn nhiều hạn chế, nhất là trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều quan điểm của Đảng trong các lĩnh vực này đã đề cập cụ thể, trực tiếp đến trách nhiệm của chính quyền cơ sở và yêu cầu phải nâng cao hiệu quả đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật về các lĩnh vực này như: Luật tiếp công dân năm 2013, Luật khiếu nại năm 2011, Luật tố cáo năm 2011, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2012, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 v.v.. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương cũng ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Những văn bản quy phạm pháp luật nói trên phải được thực hiện nghiêm túc ở tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là ở cấp chính quyền cơ sở, áp dụng vào giải quyết có hiệu quả những tình huống phát sinh từ thực tế.

Nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cuốn sách do TS. Nguyễn Tuấn Khanh - Viện Phó Viện Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ biên soạn trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học của tác giả và kinh nghiệm trong quá trình tham gia trực tiếp vào xây dựng thể chế và hoạt động thực tiễn trong các lĩnh vực này.

Cuốn sách giới thiệu những nội dung cơ bản của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật hiện hành; xác định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nói chung và của chính quyền cơ sở nói riêng trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Xin giới thiệu cuốn sách với bạn đọc!

Tháng 9 năm 2015
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - SỰ THẬT