Bàn Về Chiến Tranh

Thể loại: Lịch Sử ;Địa lý
Tác giả : Clausewitz
  • Lượt đọc : 1.088
  • Kích thước : 2.26 MB
  • Số trang : 393
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 1.227
  • Số lượt xem : 5.252
  • Đọc trên điện thoại :
Tướng Karl Von Clausewitz sinh năm 1780 ở Burg, gần thành phố Magdeburg,nước Phổ. Họ hàng ông phần nhiều là những trí thức tư sản. Bố Clausewitz làm sĩ quan trong quân đội phong kiến Phổ.
Bấy giờ nước Phổ là một vương quốc rộng lớn và hùng mạnh nhất trong số hơn 300 nước nhỏ thuộc “Đế quốc La Mã thần thánh Germain” (sau này thống nhất lại thành đế quốc Đức. Chế độ cai trị ở Phổ là một chế độ phong kiến chuyên chế, phản động vào bậc nhất ở châu Âu. Quân đội Phổ thường được coi là một quân đội mạnh nhất châu Âu thời đó.
Theo luật của vương triều Phổ, việc giữ các chức vụ sĩ quan trong quân đội là đặc quyền của quý tộc. Không thuộc dòng dõi quý tộc thì không được làm sĩ quan. Cho nên, để được hưởng cái đặc quyền đó, ông bố của Clausewitz đã phải tìm cách điền thêm danh hiệu quý tộc “Von” của gia đình nhà vợ vào tên họ của mình. Nhưng ông không làm sĩ quan được lâu. Sau cuộc Chiến tranh Bảy năm, trong hàng ngũ sĩ quan Phổ có sự thanh trừng những phần tử tư sản. Bố Clausewitz cũng là một người trong số sĩ quan bị thanh trừng kể trên, vì một sự xúc phạm nào đấy, nhưng có lẽ chính là vì thành phần quý tộc không rõ ràng của mình.
Trở về Burg, ông xin được một chân viên chức thu thuế. Lương ít, ông rất vất vả mới nuôi nổi sáu đứa con, trong đó Clausewitz là con thứ năm. Vì sinh hoạt gia đình thiếu thốn nên ngay từ năm 12 tuổi, Clausewitz đã phải vào làm lính cầm cờ trong trung đoàn “Hoàng tử Ferdinand” đóng ở Potsdam.
Chỉ một năm sau khi vào lính (1793), Clausewitz đã có mặt trong trận bao vây quân Cộng hòa Pháp ở Mainz. Trận đánh kết thúc, người ta thấy cậu bé Clausewitz, gần như cong người đi vì phải vác một cây cờ to quá khổ, cùng đội ngũ lính Phổ ngạo nghễ tiến vào thành phố giữa những đám cháy còn nghi ngút khói và tiếng “hura” ầm ĩ của những phần tử bảo hoàng.
Tiếp đấy, cậu bé lại tham gia những cuộc tiến công của quân Phổ vào biên giới Bắc Pháp.
Đó là những trận đánh nằm trong toàn bộ âm mưu can thiệp vũ trang của liên quân Phổ – Áo – Anh để lật đổ nền cộng hòa tư sản Pháp mới được thành lập sau cuộc Đại cách mạng 1789, nhằm khôi phục lại chế độ phong kiến chuyên chế ở Pháp. Trước sức mạnh đang lên của cách mạng Pháp và tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân Pháp lúc bấy giờ, âm mưu ấy đã bị thất bại.
Vì còn bé nên Clausewitz chưa hiểu mục đích của cuộc can thiệp vũ trang kể trên thực chất là để làm gì? Nhưng, cái không khí trận mạc mà cậu bé 13 tuổi ấy được trải qua đã gây cho cậu ta những cảm giác thú vị lạ lùng. Nó bắt đầu kích thích những ham muốn về danh vọng và vinh quang trong cậu ta. Lớn lên, Clausewitz viết về chuyện đó như sau: “Bước vào đời của tôi diễn ra trên miếng đất của những sự kiện lớn quyết định số phận các dân tộc, tầm mắt của tôi không phải hướng vào khuôn khổ hạnh phúc gia đình êm ấm mà là những cổng chào chiến thắng đón mừng người thắng trận, những vòng hoa tươi làm dịu mát vầng trán nóng bỏng...”. Chẳng những thế, nó còn biểu hiện khá rõ nét khi Clausewitz trình bày quan điểm của mình về động cơ và sức mạnh tinh thần của người lính trong tác phẩm “Bàn về chiến tranh” sau này.
Trong những năm bắt đầu theo đuổi nghề lính, anh lính trẻ Clausewitz hiểu rằng: Trong xã hội Phổ đương thời, anh ta không có đủ những điều kiện để tiến lên những địa vị cao. Gia đình anh ta không phải là một gia đình sĩ quan thế tập và có tên tuổi. Cha mẹ anh ta không có ấp trại và cũng không có bạn bè vai vế trong chính quyền. Đối với anh ta, muốn tiến thân thì chỉ có một con đường là tạo ra một chỗ đứng bằng sự hiểu biết và bản lĩnh của chính mình. Bởi thế, anh ta không muốn phung phí thì giờ rảnh rỗi còn lại trong cuộc sống nhà binh vào những cuộc tiêu khiển vô
vị, mà dùng nó vào việc tự học, tự nghiên cứu. Nhờ có số vốn kiến thức tự học cộng với những cuộc vận động ráo riết, Clausewitz mới được đi học ở trường Võ bị Berlin.
Đến trường, Clausewitz được sự ủng hộ của tướng Scharnhorst là hiệu trưởng và cũng là một trong những tướng lĩnh nổi tiếng đang kêu gọi triều đình Phổ tích cực cải tổ quân đội theo hướng quân đội cộng hòa tư sản Pháp. Nhận thấy ở Clausewitz những triển vọng mà nhiều học sinh sĩ quan khác không có, Scharnhorst đã hết sức chú ý giúp đỡ người thanh niên nghèo và có chí khí này khắc phục những khó khăn do tự học thiếu hệ thống. Từ đấy giữa hai người bắt đầu có một mối quan hệ khá sâu sắc về tư tưởng và tình cảm. Clausewitz đã coi Scharnhorst như cha đẻ của mình.
Năm 1803, Clausewitz tốt nghiệp khóa học đứng đầu số sĩ quan ra trường. Theo sự giới thiệu của Scharnhorst, ông về làm sĩ quan phụ tá cho hoàng thân August, anh em họ với vua Phổ.
Từ đấy, Clausewitz lại càng có điều kiện đi sâu hơn vào việc nghiên cứu khoa học quân sự. Ông rất thích môn toán học và môn lịch sử quân đội. Ông thường tỏ ra sùng bái nghị lực cứng rắn, mưu lược khôn khéo và đầu óc thực tế của Frederick đệ nhị (còn gọi là Frederick Đại đế), hết sức ca ngợi cái vinh quang mà ông vua này đã mang lại cho nước Phổ trong cuộc Chiến tranh Bảy năm. Ông đọc Machiavelli học tiếng Pháp để đọc tác phẩm của các nhà văn Ánh sáng Pháp và tìm hiểu về cuộc Đại cách mạng Pháp 1789. Được Scharnhorst khuyến khích, Clausewitz đặc biệt chú ý nghiên cứu nghệ thuật quân sự của nước Pháp sau cuộc cách mạng tư sản và bắt đầu có những ý kiến phê phán nghệ thuật quân sự Phổ đã quá lỗi thời. Đó là những cái mầm đầu tiên về tư tưởng quân sự của Clausewitz, sau này sẽ lớn lên và hình thành một cách hoàn chỉnh trong tác phẩm “Bàn về chiến tranh“.
Trong thời gian ở Berlin, Clausewitz cũng bắt đầu làm quen với triết học. Ông thường xuyên đi dự các buổi diễn giảng của giáo sư Keiseiwetter – một nhà triết học theo chủ nghĩa Kant (Người ta cho rằng: Trong khi nghiên cứu triết học ở trường Đại học Berlin, Clausewitz đã tiếp thụ được những yếu tố biện chứng duy tâm của nền triết học cổ điển Đức, bấy giờ đang phát triển tới đỉnh cao của nó, với những đại diện nổi tiếng: Fichte, Shelling và nhất là Hegel. Đọc tác phẩm “Bàn về chiến tranh” của Clausewitz, chúng ta thấy những yếu tố biện chứng duy tâm kể trên nổi lên khá rõ trong cách đặt vấn đề và giải quyết các vấn đề lý thuyết quân sự. Như Lenin nhận xét: “Tư tưởng quân sự của Clausewitz đã được Hegel làm cho phong phú thêm”.
Năm 1806, vua Phổ Frederick Wilhelm đệ tam (người nối ngôi Frederick đệ nhị) tuyên chiến với hoàng đế Napoléon nước Pháp. Thế rồi, cả châu Âu đều sửng sốt trước sự thua trận quá nhanh của quân đội Phổ – một quân đội mà chính Napoléon cũng không dám coi thường.
Chỉ sau sáu ngày giao chiến, quân Pháp đã hoàn toàn đánh tan quân Phổ và tiến vào chiếm Béclin. Vua Phổ và hoàng hậu phải chạy bạt ra biên giới. Trong trận Auerstedt, Clausewitz đã chiến đấu khá can đảm. Khi rút lui, ông cùng hoàng thân August bị quân Pháp bắt làm tù binh, rồi cả hai đều bị đưa về thành phố Nancy nước Pháp.
Theo quy chế chung của các nước châu Âu thời bấy giờ, hoàng thân August và Clausewitz tuy là tù binh, song vẫn được phép đi lại tự do ở khắp nơi, chỉ trừ một điều kiện là không được ra khỏi đất Pháp. Tính vốn phù phiếm, hoàng thân August thường tỏ ra thú vị với mọi kiểu cách sinh hoạt, ăn chơi của quý tộc và tư sản Pháp, Clausewitz thì khác. Là người thâm trầm, sâu sắc, ông luôn luôn suy nghĩ về những nguyên nhân đã đưa nước Phổ đến thất bại và trở thành một nước chư hầu của nền đế chế Napoléon. Ông muốn tìm ra một con đường giải phóng nước Phổ.
Nhưng theo ông: Để đánh thắng đối phương thì điều trước hết là phải xem đối phương đã làm thế nào để chiến thắng? Bởi vậy, trong suốt thời gian ở Pháp, Clausewitz rất chú ý xem xét, tìm hiểu tình hình nước Pháp sau cuộc cách mạng tư sản và những cái mới của nghệ thuật quân sự Pháp. Qua những bức thư của Clausewitz gửi về cho vợ chưa cưới là nữ bá tước Marie von Brühl, người ta thấy ông luôn luôn đau khổ, luôn luôn mơ tưởng đến một ngày nào đó nước Phổ

của ông sẽ hùng mạnh trở lại. Ông viết: “Tổ quốc và vinh dự dân tộc là hai thứ thiêng liêng trên trái đất, nếu không có nó thì trên đời này không còn cái gì nữa cả!” Ông muốn mình “mau chóng được trở về quân đội Phổ để chiến đấu phục thù và nếu cần, có thể chết vinh quang cho Tổ quốc...” Tháng 11 năm 1807, Clausewitz được chính quyền của Napoléon trả lại tự do.
Về tới Berlin, ông được tiếp xúc ngay với một không khí chính trị sôi nổi. Trong vương triều Phổ lúc này đã hình thành hai phe phái đối lập nhau rõ rệt: Một phái gồm vua Phổ Frederick đệ tam và bọn quý tộc phản động nhất, chủ trương “giữ quan hệ hữu nghị với hoàng đế Pháp“, thực chất là hàng phục Napoléon và hy vọng rằng nhờ đó Napoléon sẽ không đụng chạm gì đến cơ cấu xã hội Phổ, không tiến hành những cuộc cải cách dân chủ như ông ta đã từng làm khi chỉ huy đạo quân Pháp sang chiếm các tiểu bang Đức.
Phái này khiếp sợ sức mạnh quân sự của Napoléon. Nhưng điều làm cho họ khiếp sợ hơn lại là sức mạnh của quần chúng lao động nước Phổ. Họ sợ lực lượng to lớn này cũng sẽ bắt chước “đẳng cấp thứ ba”[6] ở Pháp nổi dậy lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế ở Phổ.
Một phái khác, gồm những quý tộc và tướng lĩnh “thức thời“, kiên quyết hơn như Scharnhorst, Gneisenau, Stein, Boyen..., thì chủ trương cải cách xã hội và chấn chỉnh các lực lượng quân đội để phục thù. Họ cũng gờm lực lượng to lớn của quần chúng. Song, trước xu thế lịch sử đang tiến tới mạnh mẽ, đồng thời để lôi cuốn nhân dân Đức vào cuộc vũ trang chống Napoléon, họ cũng đề ra một số cải cách dân chủ có khuynh hướng tư sản phỏng theo Pháp và buộc vua Phổ phải thực hiện.
Còn giai cấp tư sản Đức thì thế nào? Bấy giờ, nó còn là một giai cấp chưa phát triển và không thống nhất vì bị phân tán trong các lãnh địa cát cứ. Nó còn bị ràng buộc nhiều bởi những khách hàng chính là các lãnh chúa phong kiến và các đồn binh, chưa buôn bán rộng với nước ngoài. Giai cấp tư sản Đức cũng muốn cải cách xã hội nhưng lại sẵn sàng thỏa mãn với những cải cách nửa vời mà những phần tử quý tộc “thức thời” đề ra.
Lớp trí thức đại diện cho giai cấp tư sản Đức như Hegel, Fichte,.. vẫn nuôi hy vọng phát triển tư bản và thống nhất nước Đức bằng sự tự phát của các biến cố và sự sáng suốt của các nhà quý tộc. Khi cách mạng tư sản Pháp mới thành công, họ hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng khi phái Jacobin lên cầm quyền, đề ra những chủ trương cải cách xã hội tích cực, phù hợp với lợi ích của đông đảo quần chúng, kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, xử tử tên vua phản động Louis XVI, thì họ không tài nào hiểu nổi. Họ sợ hãi và tức giận nền “chuyên chính khủng khiếp” của những người Jacobin. Họ nêu lên luận thuyết: “Xã hội Phổ chỉ phát triển trong quá khứ và kết thúc ở chế độ quân chủ lập hiến ở nước Phổ” (Hegel).
Khi quân đội Phổ bị quân đội Napoléon đánh cho đại bại, những nhà trí thức tư sản Phổ nói trên đã cố gắng tuyên truyền đề cao tinh thần yêu nước Phổ bằng cách nêu lên luận thuyết dân tộc thượng đẳng Germain “chỉ có giống người Germain mới là dân tộc lịch sử của thế giới” (Hegel). Với luận thuyết cực kỳ sôvanh (chauvinism) phản động ấy, họ hy vọng sẽ cổ vũ được nhân dân Phổ và các tiểu bang Đức đứng dậy chống lại chủ nghĩa bành trướng của Napoléon và đại tư sản Pháp.
Quan điểm chính trị của Clausewitz cũng là quan điểm của lớp trí thức tư sản nói trên. Ông lên án bọn quý tộc, cho đó là bọn ăn bám, không có chỗ dựa trong nhân dân. Đối với ông, giai cấp tư sản là những người lao động cần cù và nắm được nông dân. Ông không chịu nổi hình thức cai trị tàn bạo của chế độ phong kiến và tán thành chủ nghĩa dân chủ tư sản, coi đó là “điều kiện làm nảy nở mọi tinh lực của dân tộc”. Nhưng mặt khác, ông lại “không muốn đi quá xa trên con đường dân chủ”. Cũng như Hegel và những nhà triết học cổ điển Đức mạt sát những người Jacobin Pháp, ông gọi những người theo chủ nghĩa Jacobin ở Đức như Gorres, d’Arndt là bọn quá khích, bọn mị dân. Clausewitz muốn duy trì nền quân chủ lập hiến ở Phổ. Theo ông, nghị viện chỉ nên giữ vai trò trợ thủ đắc lực của nhà vua, vì chỉ có như vậy mới tránh được mọi sự “hỗn

loạn“, “quá trớn” trong quần chúng.
Như trên đã nói, Clausewitz là một người yêu nước. Nhưng trong khi biểu lộ tình cảm yêu
nước, yêu dân tộc mình một cách nồng nhiệt thì đồng thời ông lại đi đến chỗ miệt thị dân tộc khác. Tư tưởng dân tộc của ông có màu sắc sôvanh khá rõ. Dưới mắt ông, “dân tộc Đức là một dân tộc rất phong phú và sâu sắc về tinh thần, có nhiều sức mạnh và ít tính toán. Còn người Pháp thì linh hoạt, nhanh nhẹn song dễ bị kích thích, huênh hoang, hời hợi, thiếu cuộc sống nội tâm, thiếu khả năng làm những việc đứng đắn và những trách nhiệm nặng nề”. Theo ông, người Đức có cá tính phong phú và tốt đẹp hơn người Pháp. Song đứng về cả dân tộc thì lại không mạnh vì dân tộc Đức còn bị phân tán, chưa có ý thức thống nhất về chính trị như Pháp.
Giải thích nguyên nhân thua trận của Phổ, Clausewitz cho rằng: Về phía Phổ, bộ máy nhà nước đã quá hư nát, quân đội thì lạc hậu, nhân dân thì bị bưng bít, không được phổ biến những tri thức quân sự cần thiết và không hay biết chút gì về những biến đổi đáng sợ của nước Pháp sau cuộc cách mạng 1789. Còn về phía Pháp, cũng theo Clausewitz, họ thắng Phổ không phải chỉ vì những nguyên nhân về quân sự mà trước hết là do tính chất nhà nước và hành chính, tính chất chính phủ và tình hình nhân dân đã thay đổi hoàn toàn.
Như Marx đã nhận xét về những người trí thức tư sản Phổ thời bấy giờ, quan điểm chính trị của Clausewitz cũng mang tính chất hai mặt: Có mặt tiến bộ, yêu nước và có mặt tiêu cực, phản động.
Quan điểm chính trị ấy đã liên kết Clausewitz với những tướng lĩnh cùng chí hướng như Scharnhorst, Gneisenau, Stein... Họ hăng hái đề xướng việc cải cách quân đội Phổ theo kiểu quân đội tư sản Pháp.
Mặc dầu ở châu Âu đã xảy ra biết bao sự kiện mới mẻ về quân sự, song quân đội Phổ hồi đầu thế kỷ XIX về căn bản vẫn là một quân đội phong kiến cổ lỗ. Thành phần của nó vẫn giống như thành phần của các quân đội phong kiến châu Âu từ mấy chục năm trở về trước, nghĩa là vẫn bao gồm những người lính đánh thuê hoặc lính trưng tập do các chúa đất bắt nhập ngũ. Đời sống của binh lính Phổ rất khổ cực: Lương đã ít lại bị bọn sĩ quan và bọn nhà thầu ăn chặn, bớt xén . Kỷ luật trong quân đội Phổ là kỷ luật bằng roi vọt, nhục hình. Binh lính là những người nghèo khổ nên không thể nào mon men được tới chức sĩ quan. Họ bị bắt buộc phải tham gia các cuộc chiến tranh với những mục đích khác nhau: Tranh chấp quyền thừa kế giữa các dòng họ trị vì, giành giật và chia lại đất đai giữa các vương quốc, công quốc, bá quốc hoặc đàn áp các phong trào đấu tranh của nông dân. Ý thức dân tộc của người lính trong chiến tranh rất mơ hồ (bấy giờ, nhiều nước châu Âu vẫn chưa hình thành dân tộc tư sản) nên tinh thần chiến đấu rất kém. Nói chung, chiến tranh chỉ là công việc của những người lính nhà nghề. Còn nghệ thuật tiến hành chiến tranh: Đó là sản phẩm của những nội các và “trí tuệ cao siêu” của các ông hoàng, các bậc công hầu... Trong chiến đấu, quân đội Phổ vẫn còn dùng chiến thuật đánh theo tuyến hàng ngang từ thời Frederick đệ nhị để lại.
Lối đánh này nảy sinh từ khi xuất hiện khẩu súng bắn bằng kíp đá lửa và chiếc lưỡi lê. Những đội quân nông nô ô hợp, trang bị giáo mác và bố trí phân tán từng chặng trước đây, bấy giờ được trang bị súng và bố trí thành tuyến hàng ngang. Vì tốc độ bắn chậm (phải nhồi đạn) nên mỗi tuyến thường có 7-8 hàng, sau rút lại còn 3 hàng: Một hàng bắn, hai hàng nhồi đạn, cứ thế thay phiên nhau. Các tuyến được tổ chức thành tiểu đoàn để trong cùng một lúc có thể sử dụng được nhiều khẩu súng, tạo nên một hỏa lực liên tục, lấn át đối phương. Mặt khác, chỉ trong đội ngũ hàng ngang cứng nhắc, bên phải là sĩ quan, bên trái là sĩ quan, phía sau là đội đốc chiến, bọn chỉ huy mới ngăn chặn được nạn lẩn trốn của những người lính đánh thuê. Vì sợ lính trốn nên các đơn vị thường không hành quân ban đêm, không đóng quân cạnh rừng.
Chiến thuật nói trên chỉ cho phép quân đội chiến đấu ở những địa hình bằng phẳng và trống trải, toàn thể đội hình đều nằm trong tầm mắt kiểm soát của bộ chỉ huy. Khi chiến đấu, binh lính

đi nghiêm theo “bước chân ngỗng” trong đội hình, vận động lên phía trước, giữ hàng thật đều, bắn đồng loạt. Cuối cùng, khi giáp địch, tất cả đều bước vào hỗn chiến bằng lưỡi lê. Để huấn luyện một chiến thuật như vậy, người ta không cần đến ý thức và trí tuệ của người lính. Các sĩ quan chỉ việc dựa vào một thứ kỷ luật kiểu nhà tù và một quá trình huấn luyện lâu dài bằng những phương pháp rèn dạy người lính như dạy thú vật là đủ. Sau những chiến thắng của Frederick đệ nhị trong cuộc Chiến tranh Bảy năm, phương thức chiến đấu đó đã được coi là kiểu mẫu, được chi tiết hóa ra thành các giáo điều, luật lệ bất di bất dịch mà quân đội Phổ và quân đội các nước châu Âu đều đem áp dụng.
Nhưng trước sự phát triển của sản xuất xã hội cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, phương thức chiến đấu đó đã bộc lộ ra tất cả những chỗ yếu căn bản của nó.
Lối đánh theo tuyến hàng ngang trên đất bằng thường đòi hỏi cả hai bên đối địch phải chuyển đi chuyển lại mất nhiều thì giờ để tìm kiếm, lựa chọn một chiến trường mà cả hai bên đều có thể chấp nhận chiến đấu (consentement mutuel), nghĩa là đều có thể dàn quân ra đánh nhau được.
Thêm nữa, do bất cứ cái gì cũng phải tự cung cấp, không dựa được vào dân cư địa phương, nên việc tiếp tế rất nặng nề. Họ không cho binh lính đóng trong nhà dân để tránh đào ngũ. Đạo quân nào di chuyển cũng kéo theo một cái đuôi hậu cần dài lê thê. Các cuộc hành quân thường phụ thuộc vào các kho hậu cần cố định. Các chiến dịch chỉ tồn tại khi còn dự trữ lương thực, hết lương thực thì chiến dịch cũng kết thúc. Mùa đông đến là người ta ngừng chiến; tới mùa xuân, trời ấm, mới tiếp tục đánh nhau lại.
Tất cả những điều đó làm cho chiến tranh thường bị cắt ra thành nhiều thời kỳ và kéo dài liên miên. Các mục đích chiến lược trở nên mất chính xác, tính cơ động chiến lược rất hạn chế, hành động của quân đội rất chậm chạp. Việc bỏ đất và chiếm đất nối tiếp nhau không có lý do rõ ràng.
Đồng thời, do phạm vi hoạt động thu hẹp trong các tuyến cố định nên khi khẩu súng được chế tạo hoàn chỉnh hơn, người lính được huấn luyện bắn nhanh hơn thì, với đội hình dày đặc tiến lên theo kiểu duyệt binh trên đất trống, các đội quân chiến đấu thường bị thiệt hại nặng và dễ tan rã.
Những ngày đầu, các đạo quân cách mạng Pháp mới tổ chức, chưa được huấn luyện kỹ, thường không chọi nổi với đối thủ của họ là quân Liên minh Phổ – Áo, những đạo quân nhà nghề. Nhưng, dù hàng ngũ bị rối loạn, phải rút chạy, họ vẫn không bị tiêu diệt. Bởi lẽ họ là một quân đội tình nguyện, có tinh thần chiến đấu cao, giữa sĩ quan và binh lính không quá cách biệt như kẻ thống trị và người nô lệ, thường thấy trong các đạo quân phong kiến[10] . Họ cùng chiến đấu để bảo vệ những quyền lợi mà cách mạng tư sản Pháp – một cuộc cách mạng tương đối tích cực hơn cả trong số những cuộc cách mạng tư sản châu Âu – đưa lại cho họ. Lòng yêu nước khiến họ hổ thẹn khi phải rút chạy và thúc đẩy họ quay lại chiến đấu. Không thể lập lại các tuyến, họ tự động phân tán tìm địa thế ẩn nấp và tiếp tục chiến đấu trong những vòng cung, những vị trí cách xa. Đồng thời, nhờ có sự nhất trí và tinh thần dũng cảm, từ hành động phân tán ở các tuyến xạ kích, họ có thể dễ dàng tập hợp lại thành những khối người hùng dũnq, ào ạt xông lên theo nhịp bài hát “Marseille” và mở những cuộc tiến công kinh khủng bằng lưỡi lê trong tiếng hô: “Tổ quốc muôn năm! Nền cộng hòa muôn năm!”. Kết quả: Không một tuyến hàng ngang hoặc không một hình khối đội ngũ tuyệt mỹ nào của quân Phổ – Áo có thể chịu đựng nổi sức mạnh của cuộc tiến công dữ dội như vậy.
Thực tế đó được những người lãnh đạo quân đội cộng hòa Pháp tiếp thu, và sáng tạo nên một chiến thuật mới: Bỏ các tuyến hàng ngang cố định mà dùng lối kết hợp các tuyến tán binh với đội hình hàng dọc khít nhau, kết hợp xạ kích phân tán với tiến công tập trung bằng những đơn vị mạnh.
Quân đội cộng hòa Pháp có số lượng rất lớn . Tuy nhiên, họ vẫn giải quyết được vấn đề tiếp tế nhanh chóng vì nguồn cung cấp chủ yếu dựa vào chính sách động viên, trưng thu tại chỗ, không phải bố trí quá nhiều kho tàng cố định hoặc đem theo những đoàn xe hậu cần dài lê thê.

Phần lớn các đơn vị đều trú quân trong nhà dân. Ngay cả khi đóng quân ở các tiểu bang Đức, do thực hiện một số cải cách dân chủ, họ cũng được nhân dân địa phương tiếp đãi khá tử tế.
Tất cả những điều kiện trên đã làm cho quân đội cộng hòa Pháp có khả năng cơ động cao và mở những chiến dịch tiến công với quy mô lớn, liên tục trên các địa hình, cả ban ngày lẫn ban đêm, cả mùa xuân, mùa hè lẫn mùa đông. Sức cơ động cao và tư tưởng tích cực tiến công cho phép họ tổ chức những cuộc hiệp đồng giữa các đạo quân lớn, buộc kẻ địch phải chấp nhận chiến đấu trong những điều kiện bất lợi, kẹp nó trong những gọng kìm lớn rồi đồng loạt tiến công mạnh mẽ.
Thừa hưởng những kinh nghiệm của cách mạng tư sản Pháp, Napoléon – với thiên tài quân sự của mình – đã kết hợp những kinh nghiệm ấy với những cái gì còn có lợi của phương thức chiến đấu cũ, thông qua thực tiễn chiến đấu để hoàn chỉnh những cái còn thô sơ và nâng nghệ thuật quân sự tư sản lên đến đỉnh cao của nó. Ông ta ít khi dàn đều lực lượng mà kiên quyết tập trung ưu thế lực lượng đánh vào những chỗ yếu của địch. Ông ta cũng ít khi đánh vỗ mặt mà thường nhanh chóng vận động đánh vòng sang bên sườn, đánh vào sau lưng địch, khiến địch bối rối bằng những đợt pháo kích như mưa, rồi đến lúc quyết định thì tung lực lượng dự bị ra để kết thúc trận đánh. Bởi vậy, ông ta đã tạo ra được những trận đánh tiêu diệt lớn, những đòn chiến lược quyết định cả bộ mặt chiến tranh.
Rõ ràng, trước lực lượng hùng mạnh và nghệ thuật quân sự mới mẻ của quân đội tư sản Pháp, sự tan rã của quân đội phong kiến Phổ là chuyện tất nhiên phải xảy ra. Và nghệ thuật quân sự cổ lỗ của nước Phổ cũng theo đó mà phả sản hoàn toàn.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh để cải cách quân đội Phổ cũng không phải là dễ dàng, Nó vẫn diễn ra một cách gay gắt.
Năm 1808, trước sức ép của phái “đổi mới“, vua Phổ buộc phải cử tướng Scharnhorst làm bộ trưởng bộ chiến tranh. Trong quân đội bắt đầu thực hiện một số việc chấn chỉnh như: Cho về hưu những tướng lĩnh bất lực, cổ hủ; mọi sĩ quan dù là quý tộc hay không cũng được lên cấp cao; ban hành chế độ trưng binh và huấn luyện quân sự cho toàn dân... Tướng Scharnhorst gọi Clausewitz – người học trò cùng chí hướng và có khả năng lý luận nhất – về làm phụ tá cho mình. Clausewitz được phong cấp thiếu tá và được chỉ định làm giáo sư về khoa chiến lược, chiến thuật ở Học viện quân sự. Ông hăng hái giúp Scharnhorst cải tổ quân đội, đồng thời cũng thử viết ra những kiến thức mới của mình về khoa học quân sự một cách có hệ thống.
Song, ông vẫn luôn luôn bực bội vì công cuộc cải cách thường bị những phần tử đầu hàng và thủ cựu cản trở. Ông cũng rất khó chịu trước cảnh ăn chơi đàng điếm, xa hoa của bọn con buôn mới phất và bọn vương hầu trong cung đình.
Năm 1809, chịu ảnh hưởng cuộc kháng chiến của nhân dân Tây Ban Nha, nước Áo phát động chiến tranh để tự giải phóng khỏi sự lệ thuộc vào Napoléon. Phái “đổi mới” ở nước Phổ vận động vua Phổ tham chiến cùng với Áo. Nhưng, chỉ bằng một hiệp ước, Napoléon đã trung lập được bọn thống trị Phổ, thậm chí còn gạt được những nhà cải cách tích cực nhất ra khỏi chính quyền. Clausewitz rất bất mãn. Ông gọi bọn đầu hàng và bảo thủ là “những kẻ hèn hạ, ích kỷ, không thể nào xa rời được đồng lương và chức vị nhà vua ban cho, những kẻ yêu nước giả dối, chỉ muốn duyệt binh hơn là ra chiến trường“. Ông muốn bỏ sang Áo để chiến đấu nhưng chưa kịp thực hiện ý định thì Áo đã bị thua Napoléon rồi.
Năm 1811, Napoléon chuẩn bị tiến công nước Nga. Nắm được âm mưu đó, Gneisenau và Clausewitz vạch ra những kế hoạch đề nghị triều đình Phổ liên minh với Nga và bắt chước Tây Ban Nha phát động nhân dân nổi dậy chống Napoléon. Nhưng vua Phổ vẫn tiếp tục đường lối chính trị đầu hàng, và mọi đề nghị trên đều không được chấp nhận.
Năm 1812, Napoléon khởi quân sang đánh Nga. Vua Phổ Frederick đệ tam run sợ ký hiệp ước liên minh với Pháp. Frederick cung cấp cho Napoléon 2 vạn lính và ra lệnh mở hết cửa các pháo

đài cho quân Napoléon tiến vào, với lý do “mượn đường đánh Nga“. Hiệp ước đầu hàng đó đã gây ra sự phẫn nộ trong hàng ngũ sĩ quan Phổ, Clausewitz cùng hơn 20 sĩ quan Phổ khác lập tức bỏ Phổ sang Nga tham gia kháng chiến. Do tướng Stein và những sĩ quan Phổ sang trước tiến cử, ông được tiếp nhận vào quân đội Nga hoàng với cấp trung tá.
Trước sức kháng chiến dẻo dai, quyết liệt của nhân dân Nga, đạo quân xâm lược của Napoléon càng tiến sâu vào đất Nga thì càng bị tiêu hao, kiệt quệ, và cuối cùng bị đánh đuổi ra khỏi đất nước Nga. Clausewitz đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu trong các trận Vitebsk, Smolensk và Borodino. Sau đó, ông được cử làm tư lệnh “Binh đoàn Nga- Đức” gồm những người bỏ Phổ sang Nga chiến đấu và những hàng binh Đức từ phía Napoléon bỏ chạy sang. Khi tàn quân Pháp rút lui, một binh đoàn quân Phổ dưới quyền Napoléon, do tướng Yorck chỉ huy sang đánh Nga, bị cắt rời khỏi đám tàn quân Pháp. Clausewitz được cử đến thương lượng. Ông đã kiên trì thuyết phục được tướng Yorck vứt bỏ lập trường trung thành mù quáng với vua Phổ, đưa cả đạo quân của mình quay súng chống lại Napoléon.
Trong quá trình chiến đấu ở Nga, Clausewitz rất chú ý theo dõi chiến lược kháng chiến của Kutuzov. Khi “Binh đoàn Nga – Đức” tiến về Đông Phổ, Clausewitz liền đi gấp tới Königsberg để phát động nhân dân địa phương nổi dậy vũ trang chống Napoléon theo kinh nghiệm vừa học được của Nga. Ở đây, dựa trên ý kiến của Gneisenau và Stein, ông vạch ra một kế hoạch xây dựng lại các lực lượng quân sự Đông Phổ theo quan điểm “toàn dân làm lính” mà trước đây ông đã từng kiến nghị với vua Phổ, song hồi ấy không được chấp nhận. Ngoài các đơn vị chính quy, ông đề nghị tổ chức thêm hai loại quân địa phương. Loại thứ nhất là tiểu đoàn quân bổ sung (land-wehr) gồm những người từ 18 đến 40 tuổi, có nhiệm vụ thường xuyên bổ sung cho các trung đoàn chính quy, khiến chúng luôn luôn giữ được đầy đủ quân số. Loại thứ 2 là các đơn vị dân binh (land- sturn) gồm tất cả những người còn lại, trang bị giáo mác, gậy gộc, cuốc xẻng,... làm nhiệm vụ đánh du kích ngay tại địa phương, khiến kẻ địch chiếm đóng không được yên ổn. Kế hoạch này được Bộ chiến tranh Phổ hoan nghênh.
Năm 1814, “Binh đoàn Nga – Đức” sáp nhập vào quân đội Phổ. Clausewitz được triều đình Phổ phong chức đại tá. Trong thời kì “100 ngày” của Napoléon, Clausewitz chỉ huy quân đoàn Phổ thứ ba, đánh kìm chân quân đội Napoléon ở gần Waterloo. Sau đó, binh đoàn ông cùng với quân Liên minh Châu Âu tiến vào Paris – thủ đô Pháp – kết thúc vĩnh viễn chế độ Napoléon. Từ đấy cho đến năm 1818, ông làm tham mưu trưởng đạo quan sông Rhine do Gneisenau làm tư lệnh.
Trở lại quân đội Phổ, Clausewitz bị nhà vua và bọn cận thần đối xử lạnh nhạt vì họ cho rằng ông đã rời bỏ nước Phổ. Tuy buồn những Clausewitz vẫn rất tự hào về sự trung thành của mình với Tổ quốc Phổ, và cho rằng: Trong cuộc kháng chiến của nhân dân Nga chống Napoléon, ông đã phục vụ tổ quốc mình một cách xứng đáng.
Chiến thắng 1814-1815 của Liên minh châu Âu đã giải phóng nhiều nước khỏi chủ nghĩa bành trướng của Napoléon và đại tư sản Pháp. Nhưng mặt khác nó lại tạo điều kiện ổn định tạm thời cho các lực lượng phong kiến chuyên chế. Ở nước Phổ, khi thế lực phản động, bảo thủ trở lại chiếm ưu thế, thì chúng liền tìm cách gạt các phần tử “đổi mới” ra khỏi những cương vị quan trọng, trong đó có cả những tướng lĩnh nổi tiếng như Gneisenau. Năm 38 tuổi, Clausewitz được phong chức thiếu tướng và được cử về làm giám đốc Học viện quân sự Berlin. Bề ngoài, điều đó có vẻ như một sự khen thưởng, nhưng thực chất chỉ là một cách hạn chế ảnh hưởng. Chức vụ giám đốc là một chức vụ hoàn toàn hành chính. Mọi việc giảng dạy, tổ chức đều do một hội đồng gồm toàn những phần bảo thủ nắm hết. Những thí nghiệm mới của ông về việc sửa đổi công việc giảng dạy đều vấp phải sự phản đối kịch liệt. Một lần, ông đã có tên trong danh sách phái đoàn ngoại giao ra nước ngoài, những sau đấy lại không được đi nữa. Thái độ của vua Phổ đối với ông trước sau vẫn là thái độ bạc đãi, không ưa.
Tất cả những điều đó khiến Clausewitz ngày càng buồn rầu và trở nên cô độc, lạnh lùng. Bị

tước mất mọi điều kiện thi thố tài năng trong các hoạt động thực tiễn về quân sự, ông lặng lẽ sử dụng mọi thì giờ rỗi rãi của mình vào công trình khoa học lớn: Nghiên cứu bản chất và quy luật của chiến tranh.
Clausewitz đã làm việc liên tục trong 12 năm (từ 1818 đến 1830) cho công trình nghiên cứu nói trên. Để chuẩn bị viết tác phẩm chính về lý luận là cuốn “Bàn về chiến tranh”, ông đã viết tất cả 7 tập tài liệu nghiên cứu về lịch sử chiến tranh. Clausewitz đã nghiên cứu 130 chiến cục cổ kim khác nhau và đọc toàn bộ các tác phẩm về lý luận chiến tranh trong thời đại ông. Trong khi làm việc, ông luôn luôn được sự khuyến khích và giúp đỡ ý kiến của bạn thân là thống chế Gneisenau, người đã từng thảo ra những kế hoạch chiến lược đánh Napoléon. Vợ ông cũng là người ban tâm tình và là người giúp việc đắc lực. Bà an ủi, chăm sóc chồng khi ông gặp khó khăn, buồn phiền. Bà giúp ông sưu tầm tài liệu, chuẩn bị các trích dẫn và chép lại bản thảo. Tất cả những sự săn sóc của bạn và của vợ đã thường xuyên cổ vũ Clausewitz lấy lại nghị lực, mặc dầu ông bị triều đình bạc đãi.
Trong hơn mười năm, Clausewitz đã viết đi viết lại nhiều lần cuốn “Bàn về chiến tranh” nhằm làm cho tác phẩm luôn có nội dung mới. Nhưng đến tháng 8 năm 1830, khi bản thảo cuốn sách còn đang làm dở thì ông phải đi nhận chức thanh tra pháp binh ở Breslau. Sau đó, ông lại đi làm tham mưu trưởng đạo quân Phổ, do Gneisenau giữ chức tư lệnh, đóng ở một vùng giáp biên giới Ba Lan. Tại đây, đầu năm 1831, Gneisenau bị chết vì dịch tả. Đến tháng 11 cùng năm, Clausewitz cũng mắc bệnh và chết tại Breslau.
Sau khi Clausewitz chết, vợ ông thu thập các bản thảo chưa hoàn chỉnh, sắp xếp lại. Tác phẩm được xuất bản vào năm 1832.
Những sự thay đổi lớn về chính trị, kinh tế, xã hội của cuộc Đại cách mạng tư sản Pháp năm 1789 đã làm nảy sinh ra những cải cách mới về mặt quân sự. Napoléon đã kết hợp một cách sáng tạo những cải cách ấy với những gì còn dùng được của nền nghệ thuật quân sự phong kiến cổ cũng như kinh nghiệm của ông ta trong thực tiễn chiến tranh và nâng nghệ thuật quân sự tư sản lên đến mức mà từ đấy về sau không một nhà quân sự nào trong thế giới tư bản có thể vượt qua được. Nhưng Napoléon chỉ là một tướng chỉ huy. Ngoài cuốn “Hồi ký chiến tranh”, những “nhật lệnh, mệnh lệnh chiến đấu” và cuốn sách viết về cách sử dụng pháo binh, Napoléon không để lại tác phẩm nào tổng kết một cách đầy đủ nghệ thuật quân sự mà cách mạng tư sản Pháp đã sáng tạo và ông ta đã hoàn chỉnh, nâng cao. Trong khi ấy thì nước Phổ lại có điều kiện để thực hiện công việc tổng kết đó. Như trên đã nói, Phổ vốn là nước có truyền thống quân sự và có một quân đội vào loại mạnh nhất châu Âu. Sau thất bại nặng nề năm 1806, người Phổ bắt buộc phải phê phán không thương tiếc quá khứ và xây dựng một nền lý luận quân sự mới mẻ nhằm thoát ra khỏi “cái ách Napoléon” và khôi phục lại địa vị chính trị, quân sự của mình. Nền quân sự ấy đã có sẵn tiền đề của nó, nảy sinh chiến tranh thời Napoléon. Bởi vậy, người ta cho rằng, Clausewitz thực tế đã làm được công việc tổng kết nói trên trong tác phẩm “Bàn về chiến tranh” của ông. Căn cứ vào tính chất khái quát trừu tượng của cuốn sách, cũng có người lại gọi đó là một tác phẩm bàn về triết học của chiến tranh.
Khi mới ra đời, cuốn sách không gây được tiếng vang gì lớn, phần do tư tưởng bảo thủ, phần do trình độ thấp kém của số đông sĩ quan Phổ thời bấy giờ. Nhưng chỉ khoảng mười năm sau, khi cán cân lực lượng nghiêng về phía chủ nghĩa tư bản và những phần tử “đổi mới”, các tác phẩm của Clausewitz đã ngày càng được chú ý và đề lên rất cao trong hàng ngũ các tướng lĩnh Phổ.
Thống chế Montk – một học trò của Clausewitz – đã dùng những tư tưởng quân sự của thầy học mình vào việc cải tổ quân đội Phổ. Sau này, chủ nghĩa quân Phiệt và chủ nghĩa phátxít Đức đã coi Clausewitz như người đại diện của chúng, lợi dụng lý thuyết quân sự của ông để mở ra những cuộc chiến tranh dành giật thị trường và thống trị thế giới. Tướng Sliaffen – kẻ chuẩn bị chiến lược cho bọn quân phiệt Đức gây ra cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) – đã

tự nhận là học trò của Clausewitz. Hắn tuyên bố: “Nhờ có Clausewitz nên quân đội Đức mới được đào tạo cả một lớp lính cừ khôi “. Khi bạn phát-xít Đức nhảy lên cầm quyền, có tên đã xác định: “Chỉ Goering mới đáng là người cầm đầu nhà nước, vì Clausewitz muốn thế. Cố nhiên, trước hết vẫn phải kể đến Hitler” (Ý kiến của R.Blaze trong cuốn sách “Carl von Clausewitz – cuộc đời trong chiến trận” viết năm 1934, nhằm tuyên truyền cho bọn phát-xít Hitler lên nắm quyền thống trị nước Đức).
Lý thuyết quân sự của Clausewitz không phải chỉ giữ địa vị quan trọng trong giới quân sự nước Đức quân phiệt và phát-xít mà còn có ảnh hưởng khá rộng trong thế giới tư bản nói chung. Từ khi tác phẩm “Bàn về chiến tranh” ra đời đến nay, nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản nhiều lần. Các tướng Mỹ như Smith, MacArthur ít nhiều đều nhắc đến hoặc trích dẫn, vay mượn những luận điểm của Clausewitz. Có thể nói: Không một tác phẩm lớn nào của các nhà lý luận quân sự tư sản là không trích dẫn Clausewitz hoặc tranh luận với Clausewitz. Chẳng những thế sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), một số nhà lý luận quân sự Tây âu còn dựa vào lý thuyết “tập trung lực lượng” của Clausewitz để dựng lên một thứ lý thuyết gọi là “chủ nghĩa Clausewitz mới”, gây ra những cuộc tranh cãi sôi nổi một thời.
Về phía chúng ta, những nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx-Lenin cũng đều đọc tác phẩm của Clausewitz và có nhận xét về ông.
Engels, trong bức thư gửi Marx ngày 7-1-1858, cho biết rằng ông “đã đọc tác phẩm “Bàn về chiến tranh” của Clausewitz”, Engels nhận xét “... đó là một phương pháp biện luận đáng chú ý, về bản chất là một công trình xuất sắc”.
Và Marx, trong bức thư trả lời Engels ngày 11-1-1858, cũng nhận xét về Clausewitz là: “Con người đôn hậu ấy có một thiên tư đạt tới mức tài năng...”.
Đặc biệt, Lenin lại có hẳn một tập bút kí, nghiên cứu tác phẩm “Bàn về chiến tranh” của Clausewitz. Lenin đã ghi những ý kiến nhận xét sâu sắc của mình ở ngay bên lề tập bút ký. Khi xảy ra cuộc Chiến tranh đế quốc lần thứ nhất (1914 -1918), Lenin đã nhiều lần trích dẫn những luận điểm có tính chất tích cực của Clausewitz về chiến tranh để phê phán và đập tan những luận điệu cơ hội, sôvanh của bọn Quốc tế 11, Lenin đánh giá Clausewitz là “một trong những tác giả vĩ đại nhất về lịch sử chiến tranh”, “một trong những tác giả sâu sắc nhất về các vấn đề quân sự”.
Nhìn chung, dựa trên những luận điểm cơ bản của Marx, Engels, Lenin, Stalin về vấn đề chiến tranh, chúng ta có thể thấy được qua tác phẩm “Bàn về chiến tranh”, tất cả những yếu tố tích cực cũng như trong chỗ lỗi thời, những yếu tố tiêu cực trong quan điểm quân sự của Clausewitz.
Như Stalin đã nêu rõ, “Clausewitz là đại biểu của thời đại thủ công nghiệp trong lịch sử chiến tranh. Nhưng, ngày nay chiến tranh đã bước vào thời đại cơ khí. Rõ ràng, thời đại mới yêu cầu phải có những nhà tư tưởng quân sự mới...”.
Những cuộc chiến tranh ngày nay đã khác và sẽ khác rất nhiều – cả về quy mô, mức độ lẫn phương thức tiến hành – so với những cuộc chiến tranh thời Napoléon. Nhiều kết luận của Clausewitz tất nhiên đã trở thành lạc hậu. Nhìn chung, những bộ phận lỗi thời trong tác phẩm đều là những nội dung cụ thể, có tính chất biến động nhất, như chiến thuật. Những nội dung còn đứng lại với thời gian phần lớn thuộc về những vấn đề có tính chất cơ bản, bàn về bản chất của chiến tranh, về chiến lược, v.v.
Chúng ta đều biết rằng, Clausewitz viết cuốn “Bàn về chiến tranh” vào thời đại cách mạng tư sản bắt đầu và giai cấp tư sản châu Âu đang đóng vai trò lịch sử của nó. Bởi thế, tác phẩm của ông đã có những yếu tố lịch sử tích cực, tiến bộ nhất định. Trong khi tìm hiểu về nền nghệ thuật quân sự tư sản mới xuất hiện và phê phán những học thuyết quân sự phong kiến đã lỗi thời, do có cách xem xét biện chứng, Clausewitz đã vươn tới được những vấn đề cơ bản, gốc rễ của chiến tranh. Ông đã phát hiện ra được một số quy luật về mối quan hệ giữa chiến tranh và chính trị,

giữa thực tế xã hội với nghệ thuật quân sự, giữa các hình thức chiến đấu, v.v. Những phát hiện ấy chẳng những được thế giới phương Tây lấy làm nền tảng hệ thống lý luận quân sự tư sản mà ngay các đại biểu của chủ nghĩa Marx-Lenin cũng khen ngợi và đánh giá cao.
Những mặt khác, lý thuyết quân sự của Clausewitz cũng chứa đựng không ít sai lầm có tính chất tiêu cực. Đó là do hạn chế lịch sử, địa vị xã hội và thế giới quan của ông quyết định. Về căn bản, ông là người yêu nước song lập trường của ông là lập trường phục vụ giai cấp tư sản. Nhìn chung, ông vẫn còn luẩn quẩn chưa thoát ra được khu rừng rập rạp của chủ nghĩa duy tâm. Tất cả những hạn chế đó khiến cho nhà lý luận quân sự có tài ấy không thể tiến lên được điểm chót của các quy luật mà ông đã phát hiện. Trong bất cứ vấn đề nào, ở Clausewitz cũng tồn tại những quan điểm, những khía cạnh tiêu cực mang dấu ấn giai cấp rõ ràng. Đồng thời, trong lập luận của ông cũng bộc lộ không ít những chỗ mâu thuẫn. Bởi vậy, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy các tướng lĩnh của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phát-xít đều hết sức đề cao những yếu tố tiêu cự trên của Clausewitz. Mặt khác, chúng cũng không quên phản đối, gạt bỏ, xuyên tạc những yếu tố tích cực, tiến bộ trong tác phẩm của ông.
Nghiên cứu tác phẩm “Bàn về chiến tranh”, chúng ta phê phán và gạt bỏ mọi quan điểm duy tâm, tiêu cực của Clausewitz. Nhưng chúng ta không phủ định tất cả, mà cố gắng chọn lọc những cái gì còn là tích cực và có ích trong tác phẩm. Cả hai mặt phê phán. Gạt bỏ và thừa nhận, tiếp thu đều nằm trong quá trình cải tạo cái cũ và đều có tác dụng bồi bổ cho tri thức khoa học quân sự của chúng ta ngày càng thêm phong phú.
Đó cũng là mục đích của việc dịch và giới thiệu tác phẩm “Bàn về chiến tranh” của Clausewitz.
Phòng Biên tập Lịch sử – Hồi ký Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân