Bonsai

Thể loại: Nông – Lâm – Ngư
Tác giả : Võ Văn Chi
  • Lượt đọc : 79
  • Kích thước : 5.86 MB
  • Số trang : 235
  • Đăng lúc : 8 tháng trước
  • Số lượt tải : 58
  • Số lượt xem : 416
  • Đọc trên điện thoại :
Ở Phương Đông, quan hệ giữa con người và cây cỏ thiên nhiên xuất phát từ một truyền thống triết lý sâu xa đã đi vào tâm thức của mọi người rằng con người vốn là kẻ cư ngụ trong căn nhà lớn của vũ trụ, từ đó trong cố gắng vươn tới niềm hạnh phúc về tinh thần, con người luôn luôn biểu hiện sự khát khao tìm về nơi ăn chốn ở nguyên khởi của mình, nơi thực sự nó đã được sinh ra.

Việc thu nhỏ một góc thiên nhiên vào tầm mắt con người là việc đem cây vào trồng trong chậu. Một cây cổ thụ tượng trưng cho thiên nhiên đem trồng (tài, sai) trong một cái chậu (bồn, bọn), sự việc đó đã có cách đây khoảng 1500 năm.

Bonsai hay cây trồng trong chậu là một bộ môn nghệ thuật được sinh ra ở Trung Quốc và được đại chúng hóa ở Nhật Bản, không những chỉ truyền bá sang các nước châu Á mà còn chinh phục nhiều nước châu u và một số nước châu Mỹ bởi vẻ đẹp và tính độc đáo của chúng.
Người ta xem bonsai như là những tác phẩm nghệ thuật sống. Nghệ nhân tạo cảnh bonsai, ngoài tâm hồn nghệ sĩ và tài khéo léo của nhà điêu khắc, còn có sự hiểu biết khá đầy đủ về cách trồng cây. Họ cần hiểu về cách sinh trưởng, phát triển, nhu cầu sinh lý của từng loại cây... để có thể tạo giống, uốn sửa, tạo dáng và chăm sóc cho cây vẫn giữ được vẻ tươi tốt như ngoài thiên nhiên, lại có vẻ đẹp riêng biệt đầy quyến rũ của từng kiểu dáng, của từng loại cây.
Là cây trồng trong chậu, nhưng bonsai được thu nhỏ lại về kích thước và thể tích mà vẫn mang dáng dấp của cây thực mọc trong thiên nhiên.
Sự sai khác giữa cây cảnh và bonsai ở chỗ, nếu như cây cảnh được trồng để thưởng thức vẻ đẹp của hoa, quả và lá hay tạo dáng theo những hình thù thú vật theo ý muốn của con người, thì bonsai được tạo nên bằng cách mô phỏng thiên nhiên mà không làm biến dạng thái quá và còn là đối tượng thưởng thức vẻ đẹp trong tổng thể hài hòa giữa cây và chậu.

Một cây bonsai có giá trị thực sự, dù được thực hiện dưới hình thức hay triết lý nào, cũng có một ảnh hưởng sâu xa trên tâm hồn con người cùng với sự hòa hợp các vẻ đẹp của thiên nhiên để nói lên cuộc sống trong trời đất bao la này và lòng tôn trọng thiên nhiên của con người.
Khi ngắm cây và thưởng ngoạn vẻ đẹp của cây, con người có thể tạo cho mình những giây phút thanh thản, bớt đi sự căng thẳng sau ngày làm việc, quên đi những ưu phiền trong cuộc sống. Đối với người khác, bonsai là nhu cầu cần thiết cho việc làm vườn, với một số khác, nó tạo ra sự sáng tạo nghệ thuật, với những người khác nữa, nó lại là người bạn đồng hành thủy chung.

Như vậy, thì thú vui cây cảnh đã trở thành một nhu cầu cho tất cả những ai có lòng yêu thiên nhiên, tìm tòi những vẻ đẹp của thiên nhiên, học tập nghệ thuật từ trong thiên nhiên. Bonsai mang lại cho con người hình ảnh của thiên nhiên thu nhỏ vào trong tầm mắt. Nó không những là vật giải trí mà cũng là vật trang trí trong nhà, trong vườn, nơi hiên nhà, mang lại niềm vui cho con người trong cuộc sống.

Việc trồng cây trong chậu ở Việt Nam, tuy đã có truyền thống, nhưng vì nhiều lẽ mà việc phổ biến chưa thật sâu rộng như ở Nhật Bản. Nghệ nhân trồng cây cảnh ở nước ta ở đâu cũng có, từ những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, đến Huế, Đà Nẵng rồi thành phố Hồ Chí Minh, cho đến các tỉnh khác ở phía Bắc cũng như ở phía Nam. Nhiều cơ sở nuôi trồng bonsai nghệ thuật và bonsai xuất khẩu đã trở thành nổi tiếng. Chúng ta có khách hàng tận Pháp, Ý, Tiệp Khắc, Hunggari, một số nước Nam Mỹ và một số nước châu Á như Xinhgapo, Hồng Kông, đảo Đài Loan. Chúng ta cũng có nhiều loại cây để trồng thành bonsai như cần thăng, kim quít, si, sộp, sanh, gia, sạm, sơn liễu, sơn trà, chân chim, thông, phi lao, mai chiếu thủy…..

Việc học tập về kỹ thuật bonsai, về nghệ thuật độc đáo này cũng đã được tổ chức ở nhiều nơi. Số người quan tâm đến bonsai ngày càng nhiều
Để đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều người yêu thích bonsai cần có sách để đọc, để hiểu, để làm, chúng tôi mạnh dạn biên soạn cuốn sách này nhằm trình bày những vẫn lề cơ bản nhất từ những kiểu dáng, những bộ phận hình thành bonsai đến trồng trọt, uốn sửa, tạo dáng, chăm sóc, cùng với những loài cây cỏ của nước ta thích hợp với việc tạo ra bonsai. Với những hiểu biết cơ bản đó, những ai mới bắt đầu trồng và thưởng thức bonsai có thể có cơ sở làm quen với bộ môn nghệ thuật đang được phổ biến rộng rãi hiện nay ở nhiều nước trên thế giới.

Trong cuốn sách này, các sơ đồ đều được trích từ nhiều nguồn tham khảo, còn các ảnh chụp đều do chúng tôi thực hiện dựa trên những bonsai Việt Nam được lưu giữ tại cơ sở bonsai, cây cảnh Minh Tân và một số nơi khác tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt, Tiền Giang...

Chúng tôi đặc biệt cảm ơn Công ty phong lan xuất khẩu, Hội hoa lan cây cảnh thành phố Hồ Chí Minh, cùng các ông Nguyễn Văn Đế, Trương Thìn, Thiếu Bảo, Trương Đấu, Sơn Nam và nhiều nghệ nhân đã cung cấp cho chúng tôi những tư liệu cần thiết và khuyến khích chúng tôi biên soạn cuốn sách nhằm đáp ứng đòi hỏi của các bạn quan tâm đến bonsai.

Do thiểu nhiều tài liệu và thiểu nhiều kinh nghiệm thực tế, cuốn sách không thể tránh khỏi thiếu sót, chúng tôi mong nhận được những ý kiến xây dựng của bạn đọc để chỉnh lý cho lần xuất bản sau.

CÁC TÁC GIẢ