Cây Cảnh, Hoa Việt Nam

Tác giả : Trần Hợp
  • Lượt đọc : 6
  • Kích thước : 22.56 MB
  • Số trang : 622
  • Đăng lúc : 7 tháng trước
  • Số lượt tải : 78
  • Số lượt xem : 652
  • Đọc trên điện thoại :
Trong kho tài nguyên của hệ thực vật nước ta, nhóm cây có hình dạng kỳ lạ, hương sắc hoa độc đáo, được gây trồng làm cảnh, có lẽ là nhóm cây phong phú và phức tạp hơn cả về số lượng Taxon. Một mặt, hệ cây cỏ “bản địa” qua nhiều thế kỷ phát hiện, tuyển chọn và khai thác, đã đóng góp cho nhóm cây cảnh một số lượng loài khá dồi dào. Con số này vẫn luôn luôn được bổ sung làm giàu cho sự thống kê các loài cây có ích ở nước ta. Đây là những loài cây đã có quá trình sử dụng gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng, thẩm mỹ, tình cảm và đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Mặt khác, với vị trí địa lý - khí hậu đặc biệt của nước ta, trải qua biết bao thế hệ tiếp xúc với lịch sử trồng trọt, kiến trúc và nền văn hóa - mỹ thuật thế giới - cả phương Đông lẫn phương Tây, đã có cả một quá trình lâu dài để dẫn giống, nhập nội và thuần chủng nhiều loài “kỳ hoa, dị thảo” từ khắp các phương trời. Số Taxon ngoại lai, đang được gây trồng trên mọi miền đất nước ta cũng có một số lượng đơn vị phân loại khổ thống kê nổi. Nó không những nhiều loài mà nguồn gốc từ các vùng nguyên sản cũng rất phức tạp, vì nhiều loài cây đã đi qua nhiều vùng trái đất để sau cùng mới đến “ngụ cư ở nước ta, và trong quá trình di chuyển, các biến thái địa lý xảy ra rất mãnh liệt làm cho hình dạng, màu sắc bị thay đổi nhiều, có khi khác hẳn với “tổ tiên” của chúng. Các Taxon nhập nội này, phần chủ yếu đều do sự dẫn giống có ý thức của các nhà trồng trọt, các nhà vườn hay các nghệ nhân, các nhà tài tử nghiệp dư. Họ thường là những người tiên phong và có đầu óc ưa sưu tầm những “của hiếm vật lạ” từ khắp các nước trên thế giới. Còn một phần nhỏ khác, do cây cỏ tự tìm đến “nơi quê hương thứ hai” một cách ngẫu nhiên bằng nhiều phương thức khác nhau theo các luồng di cư.

Trải qua nhiều thế hệ chọn lọc tự nhiên và nhân tạo, tất cả các cây làm cảnh hiện đang sống hòa đồng với nhau dưới bàn tay chăm sóc của con người, đã góp phần tạo nên cảnh quan xinh tươi, đa sắc, đa hương của “hệ thực vật Việt Nam”, gắn bó với cuộc sống tinh thần nghìn năm văn hiến của dân tộc ta. Không những thế, hàng ngày hàng tháng, số lượng cây có hoa đặc sắc, cây có hình dáng hấp dẫn vẫn luôn luôn không ngừng được bổ sung do các nhà vườn, các nhà sưu tầm đầy óc tò mò và luôn đổi mới mang về. Những Taxon được gây trồng có nguồn gốc nước ngoài trong những năm gần đây, từ các nhà vườn khắp năm châu bốn biển, mang nhiều sắc thái rất đặc biệt với màu sắc, hương thơm, hình dáng kỳ lạ, trộn hơn hẳn với các loài đến trước, làm cho vườn cây cảnh nước ta vốn đã đa dạng, lại càng thêm phong phú, phức tạp. Sự tiến bộ trong nền khoa học về tạo giống đã đẻ ra nhiều sản phẩm độc đáo, vượt qua khỏi trí tưởng tượng của loài người. Nhiều thế hệ tuyển chọn gắt gao theo nhiều dòng chủng xa lạ làm cho các con cháu sau này xa cách hẳn với các dòng thuần chủng ban đầu. Các thành công về cây cảnh mới để hấp dẫn thị trường thế giới cũng đã góp phần làm giàu cho nhóm cây cảnh nước ta, làm cho việc theo dõi lý lịch của chúng gặp nhiều bối rối cho các nhà khoa học, các nhà vườn kinh doanh.

Do các đặc điểm độc đáo và riêng biệt của nhóm cây có hoa và làm cảnh hiện có ở nước ta, làm cho việc “kiểm kê” thật chính xác số lượng Taxon vô cùng khó khăn, nhất là đi sâu để ghi chép các đơn vị phân loại ở cấp bậc dưới loài. Cho đến nay, chúng tôi chỉ mới có khả năng đề cập đến đơn vị phân loại học cơ bản là LOÀI (Species) cùng với một số CHỦNG (Varietes) được biết khá chắc chắn với các đặc điểm phân biệt rành rọt. Các “tên gọi” khác, tuy khá phổ biến, do các nhà vườn hay các nhà kinh doanh đặt ra với mục đích thương mại hay để lôi kéo sự hiếu kỳ, mặc dù chúng tôi có tư liệu, nhưng cũng chưa dám đề cập ở đây. Vì các tên này được đặt ra một cách tùy tiện của các nhà vườn, thường là tên của người trong gia đình, tên các vua quan không gắn gì với cây cảnh, ít có giá trị khoa học. Ngay ở tên khoa học, những bộ “THỰC VẬT CHÍ” các nước nơi nguyên sản của các cây cảnh đã dẫn giống vào Việt Nam, cũng đa số chỉ mô tả đến các loài và chủng, hầu như chưa đề cập đến các Taxon bậc thấp hơn. Hy vọng với thời gian tới, khi có đầy đủ tư liệu tra cứu và mẫu vật hoàn thiện, sẽ có dịp bổ sung.

Một khó khăn nữa trong việc sắp xếp trong nhóm cây làm cảnh là cùng một cây lại có nhiều cách sử dụng làm cảnh khác nhau, nó tùy thuộc vào mục đích sử dụng và hoàn cảnh gây trồng, nên thường có khuynh hướng chia chúng thành các nhóm nhỏ để tiện việc thống kê, trình bày và theo dõi. Nhiều tài liệu trước đây hoặc chỉ sắp xếp theo thứ tự vần chữ cái tất cả các loài cây có khả năng làm cảnh (theo tên thường dùng hay theo danh pháp khoa học). Một số tài liệu khác nhằm mục đích phục vụ cho ý đồ của người sử dụng mà chia thành nhóm cây trồng ở vườn, cây trồng ở bao lơn, cây trồng ở cửa sổ, cây trồng trong nhà... Để tiện nhận biết cây, các nhà làm vườn lại thống kê cây làm cảnh theo các đặc điểm gây trồng như cây hàng năm, cây lâu năm, cây có củ, cây thân gỗ... Tóm lại, theo chúng tôi, việc phân chia cây làm cảnh ra các nhóm nhỏ, vừa phải thể hiện được chức năng phục vụ cơ bản của các loài cây đó, vừa phải theo một trật tự nhất định, tốt nhất có một hệ thống phân loại học. Vì, mặc dù một loài cây làm cảnh nào đó, tuy có nhiều khả năng phục vụ đời sống tinh thần của con người, nhưng vẫn nổi bật lên một đặc tính chủ yếu trong việc làm cảnh. Sau đây là phác thảo sơ bộ các nhóm cây làm cảnh trong hệ thực vật làm cảnh hiện có ở nước ta.

I. Nhóm cây leo, cây hàng rào
II. Nhóm cây làm cảnh bằng thân
II. A - Nhóm cây thân cột II. C - Nhóm cây thân mọng nước.
II. B - Nhóm cây thân rỗng.
III. Nhóm cây làm cảnh bằng lá
III. A - Nhóm cây lá xanh : Quyết thực vật
III. B - Nhóm cây lá kim : Thực vật hạt trần
III. C - Nhóm cây lá rộng : Thực vật hạt kín.
IV. Nhóm cây làm cảnh bằng hoa
IV. A - Nhóm cây thân cỏ
IV. B - Nhóm cây thân gỗ
V. Nhóm cây làm cảnh bằng quả
VI. Nhóm cây làm cảnh ở nước.

Tuy nhiên, khi trình bày các nhóm cây làm cảnh, nếu gặp một loài có thể sử dụng nhiều mặt khác nhau, thì ngoài việc mô tả công dụng chính sẽ ghi chú các công dụng khác kèm theo để các nhà kinh doanh có thể khai thác các công dụng phụ đó làm tăng tính hấp dẫn của cây cỏ trong thương mại. Để bổ sung cho phần “tên gọi” Việt Nam chưa được hoàn chỉnh ở các Taxon nhập nội, sẽ ghi kèm theo các tên thông thường bằng tiếng Anh hay Pháp để có cơ sở tra cứu trên các sách nước ngoài.

Mặt khác, trong quá trình giới thiệu các taxon hiện đang được gây trồng làm cảnh, cố gắng chừng mực nhất định sẽ kết hợp giới thiệu thêm một ít loài gần gũi hiện đang mọc hoang dại nhưng có khả năng làm cảnh, để các nhà sưu tầm, cải tạo giống có thể quan tâm. Đây là một công việc lớn, cần có sự cộng tác của nhiều nhà Phân loại học thực vật, cũng như các nhà thẩm mỹ học, kiến trúc để tuyển chọn trong hệ cây cỏ nước ta, các loài cây còn đang bị lãng quên, làm giàu thêm cho gia đình cây làm cảnh.

Do chưa có đủ điều kiện để thống kê đầy đủ các loài cây làm cảnh trên phạm vi cả nước và thiếu nhiều tài liệu tra cứu, nên cuốn sách không thể tránh khỏi nhiều thiếu sót, chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp, bổ sung của các nhà khoa học, các nghệ nhân, các nhà vườn để chỉnh lý và bổ khuyết cho lần xuất bản sau.

Trong quá trình sưu tầm nghiên cứu và định loại, chúng tôi đã được sự hỗ trợ rất lớn và đầy nhiệt tâm của các nhà khoa học và các nghệ nhân trong cả nước. Nhân dịp này, chúng tôi xin chân thành cám ơn và mong rằng sự giúp đỡ quí báu đó sẽ tạo điều kiện mãi cho chúng tôi trong công việc thống kê thật đầy đủ sau này các loài cây cảnh và các nhóm cây khác có giá trị kinh tế của đất nước ta.

TÁC GIẢ