Hồng Lâu Án

Tác giả : Robert Van Gulik
  • Lượt đọc : 372
  • Kích thước : 1.38 MB
  • Số trang : 179
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 238
  • Số lượt xem : 1.243
  • Đọc trên điện thoại :
Hồng lâu án là tác phẩm thứ 8 trong bộ tiểu thuyết trinh thám quan án Địch Công kỳ án viết về Địch Nhân Kiệt – vị thần thám danh tiếng lẫy lừng dưới thời Đường - Chu.

Sau khi phá giải thành công vụ án chiếc vòng ngọc xuyến của Tam Công chúa, Địch Công được triệu về kinh để thẩm án. Trên đường quay lại huyện Phổ Dương, khi nghỉ dừng chân ở Đảo Bồng Lai – một chốn ăn chơi hưởng lạc nổi tiếng với các song bạc, tửu lâu và kỹ viện, Địch Công được đồng liêu nhờ điều tra vụ án liên quan đến một vị Trạng Nguyên trẻ tuổi tự sát ở Hồng Lâu. Dưới giàn hoa tử đằng, Địch Công tình cờ gặp nàng Hoa khôi xinh đẹp nhưng không lâu sau đó nàng cũng bỏ mạng.

Đây có phải là vụ án tự tử vì tình đơn thuần hay có liên quan đến vụ án xảy ra cách đây 30 năm trước? Ân tình khó trả, tri kỉ khó tìm? Liệu Địch Công có thể phá giải được ba vụ án kì lạ, giải đáp bí ẩn của Hồng Lâu?
***
Robert Van Gulik (1910-1967) là một nhà Đông phương học uyên thâm, từng học Pháp luật và Ngôn ngữ phương Đông tại Hà Lan; năm 1935 nhận học vị tiến sĩ nhờ công trình nghiên cứu về Ấn Độ, Tây Tạng (Trung Quốc) và Viễn Đông. Những năm tiếp theo, liên tục làm công việc của một quan chức ngoại giao tại Trùng Khánh, Nam Kinh (Trung Quốc), Tôkyô (Nhật Bản) và một số nước khác; cuối đời trở thành đại sứ Hà Lan tại Nhật Bản. Ông là tác giả của hàng loạt cuốn sách nổi tiếng về văn hóa phương Đông, như “Trung Quốc cổ đại cầm học”, “Kê Khang cầm phú”, “Trung Quốc hội họa giám thưởng”, “Địch công án”, “Xuân mộng tỏa ngôn”, “Bí hí đồ khảo”, Trung Quốc cổ đại phòng nội khảo”…

Celebrated Cases of Judge Dee (Địch Công Án/ Những cuộc điều tra của quan Địch) gồm 16 tập. Một loại tiểu thuyết trinh thám - công án về quan án Địch Công được xây dựng dựa trên nguyên mẫu của tể tướng Địch Nhân Kiệt (630 - 700) một nhân vật có thật sống vào đời nhà Đường thế kỷ thứ VII. Sinh tại Tĩnh Châu, phủ Thái Nguyên (Sơn Tây) Địch Nhân Kiệt đã làm quan tại các địa phương dưới các chức vụ huyện lệnh, Pháp tào Tham quân, Tuần phủ,Thứ sử. Năm 47 tuổi ông về kinh đô Trường An làm Đại lý thừa Tự khanh rồi lần lượt được thăng lên Thị ngự sử, Thị lang bộ Công, thượng Thư tả thừa, hai lần làm Trung thư lệnh (tể tướng) và đô đốc dưới quyền nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên. Phẩm chất đạo đức và tài phá án của ông đã được người đời ca tụng sủng ái đến mức như huyền thoại. Không những là người có hiểu biết về pháp luật, về tâm lý con người, Địch Công còn biết cả kiếm thuật, võ thuật lẫn chữa bệnh, một quan toà cổ đại Trung Quốc mang dáng dấp của Sherlock Holmes... Cùng với bốn hộ vệ mưu trí, dũng cảm, xả thân vì chủ như Hồng Lương, Mã Tôn, Triệu Thái và Tào Can - những giang hồ hảo hán được ông giác ngộ và cho đi theo, Địch Công đã phá được rất nhiều vụ án ly kỳ. Robert Van Gulik cũng khéo léo đưa vào bộ tiểu thuyết trinh thám này những nét văn hóa, lịch sử, phong tục của Trung Quốc.
***
Địch Công kỳ án là bộ tiểu thuyết 16 tập thuộc dòng trinh thám quan án. Nội dung tác phẩm xoay quanh nhân vật Địch Nhân Kiệt và các trợ thủ thân tín, cùng những vụ kỳ án muôn màu muôn vẻ ông đã phá giải trên hành trình thăng tiến từ một Huyện lệnh lên đến chức Tể tướng.

Có thể nói, tác giả đã hội tụ và đúc kết những gì tinh hoa nhất của hai dòng trinh thám phương Đông và phương Tây vào kiệt tác Địch Công kỳ án. Bộ tiểu thuyết được viết theo phong cách đậm chất duy lý, đồng thời cũng là tác phẩm trinh thám phương Tây đầu tiên đi theo mô tuýp trinh thám quan án và mang lại sức sống mới cho dòng trinh thám đậm chất phương Đông này. Nhờ vậy mà đến tận bây giờ, Địch Công kỳ án vẫn giữ vị trí độc tôn đặc biệt, là tác phẩm thành công nhất trong dòng trinh thám quan án.
***
Lữ khách nghỉ chân tại Hồng lâu
Huyện lệnh gặp gỡ vị Hoa khôi


“Chư vị khách quan, hiện vẫn đang là lễ Xá tội vong nhân, đây cũng là tháng bận rộn nhất của bản quán trong mùa hè. Xin lỗi các ngài.” Chủ khách điếm nói.

Gã nhìn vị khách râu dài đứng trước quầy bằng ánh mắt đầy tiếc rẻ. Mặc dù vị khách kia mặc áo choàng nâu và đội chiếc mũ đen chẳng cho thấy phẩm tước, nhưng khí chất quyền quý vẫn cho thấy ông hẳn phải là một quan viên, loại khách trọ mà gã có thể tính giá cao hơn chút đỉnh.

Ánh mắt thất vọng thoáng xuất hiện trên khuôn mặt nam nhân râu dài. Ông đưa tay lau mồ hôi trên trán, sau đó khẽ nói với nam nhân lực lưỡng phía sau, “Ta đã quên mất lễ Xá tội vong nhân! Lẽ ra ta nên lưu tâm tới những bàn thờ đặt ở hai bên đường. Đây đã là khách điếm thứ ba chúng ta hỏi thăm. Tốt hơn hết chúng ta không nghỉ chân nữa mà phi ngựa đến thẳng Quyên Thành luôn tối nay. Sẽ mất bao lâu mới tới nơi?”

Viên trợ thủ nhún đôi vai rộng. “Bẩm đại nhân, rất khó để nói vì thuộc hạ không biết rõ khu vực phía bắc Quyên Thành lắm. Hơn nữa, đêm cũng sắp xuống rồi và mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn. Chúng ta sẽ phải vượt qua hai hay ba thủy lộ nữa. Có thể khi vào được thành đã là nửa đêm, nếu chúng ta may mắn đón được đò.”

Một lão gia nhân đang dọn dẹp những cây nến trên quầy hàng chợt bắt gặp ánh nhìn của gã chưởng quỹ. Lão cất giọng the thé, “Lão gia, sao ngài không để những quan khách kia thuê ở Hồng lâu?”

Gã chưởng quỹ xoa xoa chiếc cằm tròn và đáp với vẻ nghi ngại, “Gian phòng đó tất nhiên là tốt. Nó quay mặt về hướng tây và luôn mát mẻ trong suốt mùa hè. Nhưng nó đã bị bỏ trống lâu ngày và chưa được thông gió…”

“Có phòng trống thì bọn ta thuê!” Nam nhân râu dài vội ngắt lời và quay sang nói với trợ thủ, “Chúng ta đã ròng rã trên đường từ sáng sớm. Lấy mã yên bao xuống rồi giao ngựa cho giám mã đi!”

“Mời các ngài lên phòng. Nhưng tiểu nhân cũng cần nói trước...”

Gã đang nói thì bị ngắt lời, “Ta không ngại trả thêm tiền, cứ cho chúng ta thuê!”

Gã chưởng quỹ mở cuốn sổ đăng kí ra, lật đến trang có ghi ‘ngày 28 tháng Bảy’ và đẩy sổ về phía khách. Vị khách chấm mực rồi viết lên đó dòng chữ ‘Địch Nhân Kiệt, Huyện lệnh Phổ Dương, trên đường từ kinh đô trở về nhiệm sở. Đi cùng là trợ thủ tên Mã Vinh’. Khi đưa trả cuốn sổ, ông đưa mắt nhìn tên khách điếm được viết lớn trên bìa sổ, ‘Khách điếm Vĩnh Lạc’.

“Thật vinh dự cho thảo dân khi được đón tiếp huyện lệnh đại nhân huyện bên!” Gã chưởng quỹ nói bằng giọng mềm mỏng.

Nhưng lúc nhìn theo bóng lưng của hai vị khách, gã lại lẩm bẩm, “Nguy thật! Người kia nổi tiếng là hay chõ mũi vào mọi sự. Hi vọng ông ta sẽ không nhận ra điều gì!” Nói rồi, gã lại lắc đầu đầy lo lắng.

Lão gia nhân đưa Địch huyện lệnh đi dọc theo hành lang vào sân trong. Hai bên là các dãy nhà lớn hai lầu. Tiếng nói cười ồn ào vọng ra từ phía sau những khung cửa giấy đang sáng đèn.

“Tất cả các gian phòng đều đã bị thuê hết, từng gian một!” Lão gia nhân râu bạc khẽ hắng giọng khi đưa ông đi qua cánh cổng cao tráng lệ chỗ cuối sân.

Bấy giờ, đoàn người bước vào một hoa viên xinh đẹp có tường bao quanh. Ánh trăng chiếu xuống những khóm hoa được sắp xếp khéo léo và đọng trên mặt ao cá phẳng lặng như gương. Địch huyện lệnh nâng ống tay áo rộng lau mồ hôi trên mặt. Không khí nơi đây thật nóng bức và ngột ngạt, ngay cả khi họ đang đứng ở nơi thoáng khí như thế này. Tiếng nói cười và đàn hát vẫn cứ văng vẳng vọng sang từ phía dãy phòng bên phải.

“Ở đây, mọi cuộc vui bắt đầu sớm quá!” Ông nhận xét.

“Bẩm đại nhân, buổi sáng là thời điểm duy nhất trong ngày mà đảo Bồng Lai này thôi vang tiếng đàn ca!” Lão gia nhân trả lời bằng giọng đầy tự hào. “Tất cả các hoạt động trên đảo bắt đầu trước bữa trưa. Bữa trưa kéo dài đến chiều, bữa chiều kéo dài tới tối, còn bữa tối lại kéo dài tới lúc dùng điểm tâm sáng hôm sau. Thưa đại nhân, hẳn ngài cũng thấy đảo Bồng Lai là một nơi vô cùng phồn hoa náo nhiệt.”

“Mong rằng sự ồn ào đó sẽ không làm phiền đến ta. Hôm nay đã rong ruổi cả một ngày trên lưng ngựa, sáng mai lại phải khởi hành, ta muốn đi nghỉ sớm. Phòng ta thực sự yên tĩnh chứ?”

“Dạ thưa, chắc chắn rồi, vô cùng yên tĩnh là đằng khác!” Lão gia nhân lẩm bẩm.

Sau đó, lão gia nhân rảo bước, dẫn Huyện lệnh đi qua một hành lang dài và mờ tối. Cuối hành lang là một cánh cửa cao. Lão nâng đèn lồng lên, để ánh sáng rọi vào một cánh cửa được chạm trổ tinh xảo và được thếp vàng.

Đẩy cánh cửa nặng nề ra, lão nhấn mạnh, “Thưa đại nhân, gian phòng này ở ngay phía sau khách điếm. Từ đây có thể nhìn ra lâm viên tuyệt đẹp. Và cũng rất yên tĩnh.”

Địch huyện lệnh được dẫn tới một tiền sảnh nhỏ, hai phía đều có lối đi. Lão gia nhân kéo tấm rèm phía bên phải sang một bên và dẫn ông vào một gian phòng rộng rãi. Sau đó, lão đi thẳng tới phía chiếc bàn kê giữa phòng, thắp hai ngọn nến bạc đặt trên bàn, rồi ra mở cửa chính và cửa sổ ở vách tường phía trong.

Huyện lệnh thấy phòng hơi có mùi ẩm mốc nhưng nhìn chung cũng khá tiện nghi. Bộ bàn ghế bằng gỗ đàn hương được chạm khắc và đánh bóng, làm lộ ra màu gỗ tự nhiên. Một tràng kỷ cũng làm từ gỗ đàn hương được kê dựa vào vách phải, đối diện với một bàn trang điểm thanh nhã. Tất cả đều là những món đồ cổ còn tốt. Những cuộn tranh vẽ chim muông hay hoa cỏ trên tường đều là hàng thượng phẩm, ông nhận thấy cánh cửa sau mở ra một khoảng hiên rộng, ba phía được bao phủ bởi những chùm hoa tử đằng rủ xuống từ giàn tre đan. Phía trước và bên dưới là một hàng rào những bụi cây cao mọc chen chúc, còn phía đằng xa là một lâm viên rộng lớn với vô số đèn lồng lụa rực rỡ treo trên những cành cây cao. Xa hơn nữa là một tòa lầu hai tầng ẩn mình trong những tán lá xanh. Nếu không kể đến tiếng nhạc văng vẳng vọng ra từ đó thì nơi này cũng khá yên tĩnh.

“Thưa đại nhân, đây là khách sảnh, còn buồng ngủ ở phía bên kia,” lão nhân râu bạc khúm núm nói.

Lão dẫn Huyện lệnh quay trở lại tiền sảnh và mở cánh cửa gỗ nặng trịch ở phía bên trái bằng một chiếc chìa khóa khá tinh vi.

“Tại sao phải dùng đến loại khóa phức tạp như vậy?” Địch huyện lệnh thắc mắc. “Ta hiếm khi thấy cửa buồng trong phải lắp khóa. Để đề phòng trộm cắp sao?”

Lão gia nhân mỉm cười ranh mãnh.

“Khách phong lưu ở đây ưa thích… sự riêng tư, thưa đại nhân!” Lão khẽ cười rồi nhanh chóng nói tiếp, “Hôm trước, ổ khóa cũ bị hỏng. Nó đã được thay thế bằng ổ khóa cùng loại, có thể mở được từ cả bên trong lẫn bên ngoài.”

Vật dụng trong buồng ngủ cũng có vẻ xa xỉ. Chiếc giường lớn có màn che gấm đỏ được đặt ở phía bên trái. Phía trước giường là một chiếc bàn và vài cái ghế, còn có chậu rửa mặt và bàn trang điểm ở góc đối diện. Chúng đều làm từ gỗ chạm và được phủ sơn đỏ. Tấm thảm dày trải sàn cũng màu đỏ. Khi lão nhân mở cánh cửa sổ duy nhất trên vách trong, Huyện lệnh mới nhìn thấy lâm viên phía sau khách điếm qua những chấn song bằng sắt nặng nề.

“Nơi này được gọi là Hồng lâu bởi vì vật dụng trong buồng ngủ đều có màu đỏ sao?”

“Đúng vậy, thưa đại nhân. Gian phòng đã tồn tại được tám mươi năm rồi, kể từ lúc xây khách điếm này. Thảo dân sẽ gọi người mang trà đến hầu ngài. Ngài sẽ dùng bữa tối bên ngoài hay sao ạ?”

“Không. Ta muốn dùng cơm tối tại đây.”

Họ quay trở lại khách sảnh vừa lúc Mã Vinh xách hai chiếc túi lớn đến. Lão gia nhân lặng lẽ ra khỏi phòng. Mã Vinh mở túi, lấy trang phục của chủ ra và đặt lên tràng kỷ. Y có quai hàm rộng, khuôn mặt nhẵn thín ngoại trừ một hàm ria ngắn. Trước đây, y từng là phường lục lâm thảo khấu nhưng vài năm trước đã cải tà quy chính, đi theo phụ giúp Địch huyện lệnh. Xuất thân con nhà võ là một lợi thế giúp y đối phó với những tội nhân cường bạo và thực thi các nhiệm vụ nguy hiểm.

Thuộc bộ sách