Thời đại chúng ta đang sống là thời đại diễn ra cuộc chạy đua quyết liệt về khoa học – công nghệ giữa các quốc gia. Trong bối cảnh đó, quốc gia nào không phát triển được năng lực khoa học – công nghệ của mình thì quốc gia ấy khó tránh được sự tụt hậu, chậm phát triển. Do vậy, một nền giáo dục tiên tiến tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng đóng góp cho sự phát triển năng lực khoa học – công nghệ quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững là cái đích mà tất cả các quốc gia đều nhắm tới. Mục tiêu của nền giáo dục đó là mang đến cho học sinh niềm say mê học tập, khát khao được vươn tới những chân trời mới của tri thức với một niềm tin mãnh liệt rằng mình có thể thực hiện được khát vọng đó. Nói cách khác, giáo dục phải đặt trọng tâm vào việc khơi dậy sự say mê học tập, kích thích sự tò mò và sáng tạo của học sinh để các em có khả năng kiến tạo kiến thức từ những gì nhà trường mang đến cho họ, để họ thực sự thấy rằng mỗi ngày đến trường là một ngày có ích. Như vậy, một nền giáo dục tiên tiến không đặt trọng tâm vào việc giúp người học tiếp thu các tri thức khoa học mà nhà trường đưa lại cho họ. Ngược lại, mục tiêu của nền giáo dục đó là giúp người học nhận ra được những năng lực trí tuệ của mình để đi tìm tiếp những lời giải cho những vấn đề chưa hẳn hoàn toàn đã biết theo con đường phù hợp nhất với năng lực trí tuệ của cá nhân.
Sự hiện diện của một nền giáo dục như vậy phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quyết định nhất là quan niệm về vai trò của người thầy. Quan niệm không đúng về vai trò trung tâm của người thầy đối với chất lượng giáo dục rất dễ đưa nền giáo dục đến chỗ sai lệch. Đặt người thầy lên vị trí quyền uy tuyệt đối về chân lí khoa học là một sai lầm, nhưng sai lầm sẽ lớn hơn nếu hạ thấp hoặc thậm chí phủ nhận vai trò then chốt của người thầy đối với chất lượng giáo dục. Giáo sư Hoàng Tụy đã nói rất đúng rằng: “Với cách hiểu giáo dục thô sơ nặng về cảm tính, khi thì nhấn mạnh một chiều học sinh làm trung tâm, khi khác tôn chương trình, sách giáo khoa lên địa vị linh hồn giáo dục, nhận định chất lượng đại học thấp không phải do thầy mà do chương trình, v.v... dẫn đến hoàn toàn xem thường việc xây dựng đội ngũ thầy giáo theo chuẩn mực chuyên môn và đạo đức hiện đại".
Sự hiện diện của một nền giáo dục như vậy phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quyết định nhất là quan niệm về vai trò của người thầy. Quan niệm không đúng về vai trò trung tâm của người thầy đối với chất lượng giáo dục rất dễ đưa nền giáo dục đến chỗ sai lệch. Đặt người thầy lên vị trí quyền uy tuyệt đối về chân lí khoa học là một sai lầm, nhưng sai lầm sẽ lớn hơn nếu hạ thấp hoặc thậm chí phủ nhận vai trò then chốt của người thầy đối với chất lượng giáo dục. Giáo sư Hoàng Tụy đã nói rất đúng rằng: “Với cách hiểu giáo dục thô sơ nặng về cảm tính, khi thì nhấn mạnh một chiều học sinh làm trung tâm, khi khác tôn chương trình, sách giáo khoa lên địa vị linh hồn giáo dục, nhận định chất lượng đại học thấp không phải do thầy mà do chương trình, v.v... dẫn đến hoàn toàn xem thường việc xây dựng đội ngũ thầy giáo theo chuẩn mực chuyên môn và đạo đức hiện đại".