Tên Kẻ Cắp Và Những Con Chó

Thể loại: Tiểu Thuyết
Tác giả : Naguib Mahfouz
  • Lượt đọc : 311
  • Kích thước : 0.91 MB
  • Số trang : 148
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 81
  • Số lượt xem : 1.030
  • Đọc trên điện thoại :
Saít Maran ra khỏi nhà tù với hy vọng làm lại cuộc đời để bình yên sống với đứa con yêu quý của mình. Nhưng Saít phát hiện ra một xã hội khác trước, đã thay đổi đến mức anh không còn chỗ đứng. Bị lừa dối và bị từ chối khắp nơi, kể cả những người thân nhất của mình là vợ con anh. Thất vọng và bị lừa phản bởi chính người thầy tôn kính, Saít đã nổi loạn chống lại xã hội ấy trong đoạn đường sôi nổi trong thành phố Cairô mà cuốn truyện dẫn người đọc chúng ta đi theo từng bước chân, từng suy tư, từng nỗi băn khoăn và hy vọng trong nhiều cuộc tiếp xúc và gặp gỡ: với Nua, cô gái làm tiền xinh đẹp vốn là bè bạn với anh từ nhỏ, với Giáo trưởng Ghêniđi, với Tácgiăng, tên chủ quán rượu kiêm trộm cướp…

Tác giả Mahfouz viết cuốn sách này từ 1961 bằng tiếng Ả rập tại Cairô, đến 1985 được dịch ra tiếng Pháp và được nhiều nước in lại và phát hành rộng rãi, được dựng thành phim. Năm 1988, cuốn sách được giải thưởng Văn học Nô-ben một cách xứng đáng.
***
Nhà văn Ai Cập Naguib Mahfouz sinh trong một gia đình viên chức nhỏ, năm 1934 xuất bản tập truyện Tiếng thì thầm cuồng dại và các tiểu thuyết lịch sử Radobis và Cuộc đấu tranh của Phib. Sau thế chiến II, ông chuyển sang đề tài hiện đại, về đời sống của tầng lớp của tầng lớp dân chúng thủ đô Cairo. Từ năm 1947 – 1956, ông viết tiểu thuyết ba tập Bộ ba Cairo, trong đó hai tập đầu được tặng giải thưởng quốc gia Ai Cập năm 1957. Năm 1959, tiểu thuyết ám chỉ bóng gió đến Muhammad và Jesus của ông được coi là phạm thượng và cấm xuất bản. Từ đầu những năm 60, ông thay đổi bút pháp: viết ngắn, phát triển nhanh, đề tài gay cấn, ngôn ngữ cô đọng gần với tiểu thuyết hiện đại Châu Âu. Ông còn hoạt động điện ảnh, làm chủ tịch Hội phê bình văn học nghệ thuật, và cố vấn Bộ văn hóa cho đến năm 1971 về hưu. Năm 1972, ông xuất bản tiểu thuyết Tấm gương, gồm 55 chương cũng là 55 bộ mặt đại diện cho các tầng lớp người khác nhau của Ai Cập được nhìn qua lăng kính nhà văn. Năm 1988, ông là nhà văn đầu tiên của Ai Cập nhận giải Nobel. Quá trình sáng tạo và ý thức công dân của ông trải qua những hoàn cảnh phức tạp và nhiều thay đổi chính trị của đât nước, các sáng tác của ông tỏ ra lo lắng cho số phận của đồng bào, thức tỉnh nhận thức đại chúng, giúp họ nhận biết vị trí của mình trong xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Với khối lượng tác phẩm đồ sộ, Ông được coi là nhà văn hiện đại lớn nhất của Ai Cập thế kỷ XX.
***
Nhà văn Naguib Mahfouz năm nay đã gần 80 tuổi. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng và chuyển thành phim. Nhà xuất bản Sindbad – Pari đã xuất bản ba cuốn của ông: Cái ngõ lắm điều kỳ lạ, Câu chuyện phố tôi và Tên kẻ cắp và những con chó. Ông được tặng thưởng giải thưởng Nôben về văn học năm 1988.

Ba cuốn truyện với nội dung và phong cách khác nhau có thể coi là một bức tranh toàn cảnh về xã hội Ai Cập đương đại với nhiều chân dung phong phú, sinh động từ thầy tu, bác sĩ, giáo sư, đến các chủ hiệu, gái điếm, kẻ ăn mày, người thất nghiệp…

Kỳ lạ nhất là câu chuyện về một bác sĩ chuyên làm cái “dịch vụ” biến người lành thành tàn tật theo yêu cầu của khách. Khỏe mạnh, lành lặn không có việc làm kiếm sống. Đành phải nhờ bác sĩ biến thành mù lòa hoặc què quặt để đi ăn xin thì người ta mới cho! Một câu chuyện tưởng như không thể có lại là sự thật.

Tên kẻ cắp và những con chó được xuất bản năm 1961 ở Cai Rô, đã phản ánh xã hội Ai Cập trước và sau chiến tranh Ai Cập – Israel. Nhân vật chính là Said Mahbrane. Từ chỗ rất tin ở Thượng đế, ở nhà thờ, ở công lý và lương tâm – sau khi ra tù, anh đâm nghi ngờ và căm thù tất cả vì anh khám phá ra rằng xã hội đã từ bỏ anh, người ta đã phản bội anh.

Chính Aliebe, người bạn nghèo mà anh giúp đỡ đã âm mưu tố cáo với cảnh sát, đẩy anh vào tù và cướp vợ anh. Raouf Sluane là một giáo sư đại học mà đã có thời anh rất kính phục (nay là giám đốc một tờ báo lớn) đến bây giờ cũng chỉ là một tên đạo đức giả đáng khinh bỉ.

Niềm tin nơi anh bị đổ sụp khiến anh sinh tuyệt vọng và quyết định phải trả thù những kẻ phản bội. Nhưng không có nỗi đau và tuyệt vọng nào bằng việc chính con gái anh, nó không nhận anh. Như vậy đời anh còn ý nghĩa gì nữa? Nếu bọn phản bội không bị trừng phạt!

Cuốn truyện hấp dẫn không chỉ bằng những vụ án ban đêm, sự săn lùng của cảnh sát như một tiểu thuyết trinh thám. Cái hay và chiều sâu của truyện là ở những đoạn hồi tưởng, tường thuật xen kẽ những ý nghĩ, động cơ, tâm lý của nhân vật, mỗi người một vẻ rất sâu sắc. Mối tình của Noar cô gái điếm đối với Said trong ngôi nhà giữa những nấm mồ cũng thật là đẹp và kỳ lạ!

Ai là kẻ cắp! – Said hay chính là những tên phản bội kia?

Bọn chúng chó má hơn cả những con chó mà chúng đã dùng để ngửi hơi và lùng bắt anh.

oOo

Nếu không kể “Nghìn lẻ một đêm”, công chúng Việt Nam chưa tiếp xúc bao nhiêu với nền văn học Ả-rập. Sự hiểu biết của chúng ta đối với lịch sử, tôn giáo và văn học Ả-rập còn rất hạn chế! Đây là cuốn sách đầu tiên của một nhà văn nổi tiếng Ai-cập mà chúng tôi dịch để giới thiệu với bạn đọc, chắc không tránh được thiếu sót. Mong bạn đọc thông cảm.

Hà Nội, ngày 15 tháng Giêng năm 1990