Thời Xa Vắng

Tác giả : Lê Lựu
  • Lượt đọc : 534
  • Kích thước : 0.75 MB
  • Số trang : 263
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 275
  • Số lượt xem : 1.950
  • Đọc trên điện thoại :
Thời xa vắng là một tiểu thuyết tiêu biểu trong đời viết văn của nhà văn Lê Lựu. Tác phẩm ông chứa một dung lượng lớn chặng đường lịch sử 30 năm oai hùng của dân tộc, từ buổi lập nước đến lúc giải phóng toàn bộ đất nước. Lịch sử được khái quát bằng tiểu thuyết thông qua số phận của anh nông dân Giang Minh Sài: học giỏi, là niềm hy vọng, tự hào của cả gia đình và dòng họ. Nhưng cũng chính niềm tự hào đó cũng đã đặt lên vai cậu bé Sài một thứ áp lực vô hình, lúc nào cũng phải học phải làm theo những điều mà mọi người xung quanh cho là "tốt nhất". Lấy vợ cũng phải do cha mẹ chọn, ngủ với vợ cũng vì để tránh cái án kỷ luật làm ô nhục danh tiếng gia đì Là một người lính với vẻ ngoài thô mộc, khô khan nhưng thực chất bên trong con người Sài lại là một người đang vùng vẫy với niềm khao khát được yêu, được sống với cảm xúc thực sự của mình. Hơn nữa tác phẩm còn có nhiều tầng nhiều lớp với nhưng trăn trở rất đáng suy ngẫm của tác giả.

***

Lê Lựu là một trong số những nhà văn ra đời và trưởng thành từ giai đoạn đất nước còn đang kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Ông sinh năm 1942 tại Hưng Yên và đến năm 1974 thì ông là hội viên trong Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn khởi đầu sự nghiệp viết văn của mình từ những năm 60 của thế kỷ XX, và từ đó ông là một trong những nhà văn đã để lại ấn tượng trong giới văn học với những tác phẩm nổi bật như truyện ngắn Tết làng Ma (1964), tiểu thuyết Mở rừng (1977), tiểu thuyết Thời xa vắng (1986), tiểu thuyết Chuyện làng Cuội (1993), tiểu thuyết Sóng ở đáy sông (1994),… Và đặc biệt với tiểu thuyết Thời xa vắng đã tạo nên tên tuổi của Lê Lựu và làm khuấy động làn sóng văn học nước nhà, có thể nói Thời xa vắng là tác phẩm đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn và nó đã trở thành một hiện tượng trong văn học thu hút nhiều nhà nghiên cứu phê bình bàn luận về nó. Vị thế của Lê Lựu được khẳng định qua tác phẩm này với một hướng khai thác đề tài mới mẻ, đánh đúng vào tình hình của con người – đất nước – dân tộc, và đặc biệt là dấu mốc lịch sử của đất nước lúc bấy giờ, lúc xã hội đang tiến hành công cuộc “đổi mới đất nước”.

Tác phẩm Thời xa vắng được tác giả hoàn thành vào năm 1984 và xuất bản vào năm 1986, đúng vào thời điểm đất nước mới bắt đầu đi vào thời kì đổi mới đất nước sau khoảng thời gian của xã hội “bao cấp”. Và chính vì vậy, bối cảnh mà tác phẩm muốn đề cập đến là những năm tháng trước đó, những năm tháng đất nước trong giai đoạn “bao cấp”. Tác phẩm ra đời đã tạo nên tiếng vang lớn trong văn học nước nhà, có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đất nước vận động phát triển của văn học từ sau năm 1975. Chính vì vậy năm 1990, tác phẩm này đã đạt giải A của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm Thời xa vắng của Lê Lựu là một tiểu thuyết với nội dung chính xoay quanh câu chuyện về cuộc đời của nhân vật tên là Giang Minh Sài. Và tác phẩm này có thể khái quát chia thành hai phần chính dựa trên cuộc đời của nhân vật Sài.

Phần thứ nhất, cuộc đời Sài trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh. Lúc Sài 10 tuổi thì đã bị gia đình bắt ép lấy một cô vợ lớn hơn mình 3 tuổi là Tuyết. Tuy rằng ngoài mặt thì Sài chấp nhận mình có một cô vợ như thế, nhưng trong lòng Sài không hề công nhận cô ta là vợ của mình. Trong một lần cùng vợ giã ngô do sơ ý nên Tuyết giã vào tay Sài và cộng thêm nỗi uất ức bấy lâu trong lòng, Sài đã đánh vợ và đuổi cô đi. Gia đình Sài là một gia đình mang nặng những tư tưởng phong kiến và những hủ tục lạc hậu, mặc dù Sài không yêu vợ nhưng trước mặt mọi người thì Sài vẫn là một người chồng đúng mực. Sài là một người học giỏi, trong mắt mọi người rằng học giỏi thì phải cộng thêm đạo đức tốt, sống đúng chuẩn mực thì mới được gọi là một đội trưởng tốt và gương mẫu. Nhưng bên trong Sài phản kháng quyết liệt chống đối và tránh xa cô vợ của mình mặc cho người nhà tạo mọi điều kiện cho họ ở bên nhau. Thời gian như thế cứ trôi qua, cuộc sống của Sài với cô vợ vẫn cứ tiếp tục như không có gì và Sài vẫn không chấp nhận cô vợ của mình. Bước ngoặt cuộc đời Sài thay đổi khi anh gặp được tình yêu cuộc đời mình là Hương. Họ yêu nhau say đắm mãnh liệt, nhưng vì sĩ diện của gia đình nên Sài đã im lặng chạy trốn vào chiến trường chiến đấu nhằm trốn tránh cuộc sống ngột ngạt của gia đình và tình yêu đầu đời của mình. Khi Sài vào quân ngũ, anh lại là một người dẫn đầu về thành tích học tập giỏi và gương mẫu, tuy nhiên trong môi trường quân đội anh vẫn không có được sự tự do, cuộc sống của anh đều bị giám sát, sống phải theo ý định của mọi người nếu không thì sẽ bị xem là có “tư tưởng phản động”. Vì thế từ lúc vào quân ngũ, Sài đã sống theo ý định của mọi người chứ không theo ý định của mình.

Phần thứ hai, cuộc đời của Sài từ lúc đất nước hòa bình. Khi Sài trở về với cuộc sống của một người bình thường, đồng thời với anh bây giờ một cuộc sống mới đã bắt đầu khi anh được phép ly hôn Tuyết. Từ đây anh được quyền lựa chọn tình yêu cho chính bản thân mình. Không ngờ rằng, khi anh quyết định cưới Châu làm vợ một cách vội vàng để che đậy đứa con trong bụng mà anh tưởng là của anh, cuộc đời lại đẩy Sài bước vào một bi kịch mới. Châu là một cô gái Hà Nội đã yêu một người trước đó, có con với hắn nhưng hắn không chịu cưới cô nên cô đành phải lừa Sài cưới cô như một tấm bình phong bảo vệ sĩ diện. Sài từ khi lấy vợ thì lao vào những thứ vặt vãnh mỗi ngày anh phải làm, mọi thứ nó lặp đi lặp đi hết ngày này qua tháng nọ. Quần quật suốt ngày với những thứ như: cơm, áo, gạo, tiền đè nặng trên vai để rồi anh dần lãng quên đi những người thân đã từng giúp đỡ và cưu mang anh vượt qua khó khăn. Cuộc sống với Châu ngày càng có nhiều đổ vỡ rạn nứt giữa hai người để rồi cả hai phải quyết định ra tòa ly hôn. Những tưởng rằng anh sẽ được nuôi đứa con đầu còn Châu nuôi đứa con thứ 2 nhưng nào ngờ một sự thật phũ phàng mà bấy lâu nay anh bị lừa dối, anh đã nuôi đứa con không phải là con ruột của mình mà là con của Châu với người yêu của cô ấy trước khi đến với anh. Mọi thứ của anh dường như đã mất tất cả chẳng còn điều gì thuộc về anh, rồi anh quay trở về ngôi làng Hạ Vị nơi được sinh ra và nuôi dưỡng, anh dốc sức để xây dựng quê hương mình phát triển hơn. Cuộc sống như thế trôi qua với niềm hạnh phúc của Sài khi nhìn thấy quê hương đất nước mình đang đổi mới từng ngày.

Vậy tác giả lại đặt nhan đề cho tác phẩm là “Thời xa vắng” nhằm ngụ ý điều gì? Có lẽ ở đây tác giả muốn nói đến thời mà Sài đã trải qua. Cuộc đời Sài từ nhỏ cho đến khi trưởng thành, anh luôn sống theo ý nguyện của người khác, như đang bị siết chặt trong một sợi dây trói buộc anh không thể nào thoát ra được, anh chấp nhận số phận mình được vạch sẵn như vậy, sống theo những ý định mà bố mẹ muốn, làm việc gì cũng phải nghĩ đến sĩ diện của dòng họ gia đình sẽ ra sao. Anh gồng mình gánh chịu hết tất cả những thứ đó ràng buộc o ép anh, ngay cả khi có tình yêu đầu đời của mình anh cũng vì đã có vợ nên không dám sống hết mình với tình yêu ấy, cuộc tình không đi đến viên mãn làm cho cả hai phải đau khổ. Cuộc đời của Sài sau khi cưới Châu cũng như thế, sống với một người vốn không thuộc về anh lại làm cho cả hai đau khổ, cái thời đó đã qua khi Sài trở về làng quê xây dựng xóm làng, tất cả giờ chỉ còn lại là dĩ vãng, là quá khứ một thời mà có lẽ chính Sài cũng không muốn nhắc đến nữa, tất cả chỉ là quá khứ xa vắng.

Với tác phẩm Thời xa vắng, trung tâm của toàn bộ câu chuyện tập trung ở hình tượng nhân vật Giang Minh Sài, trải dài theo suốt cuộc đời Sài từ khi 10 tuổi cho đến hơn 40 tuổi là cả tuổi trẻ của một con người sống gói gọn trong 13 chương (tính cả chương kết). Khi Sài được 10 tuổi, bỗng dưng bị bắt phải cưới một cô vợ lớn hơn mình 3 tuổi, lúc nào cô ta cũng có thể mách bố mẹ những chuyện của mình “tự nhiên có một con bé cứ theo nó kè kè để mách bố, mách mẹ nó, nào những lúc đi đùa nó bôi nhọ hết mặt mũi giả làm Tây đen ở đâu, lặn hụp xuống cái ao ngầu bùn của nhà chú Hào lúc nào”. Sài chỉ 10 tuổi thì làm sao có thể chống cự lại ý định của người lớn thế nên Sài đành phải chấp nhận sự thật đắng cay đó – có vợ lúc 10 tuổi. Nếu như lúc nhỏ Sài là một đứa trẻ bị gò ép như vậy thì khi anh trưởng thành, những cảm xúc, những suy nghĩ, tình cảm,…của cá nhân mình cũng không dám tự quyết định được. Không dám cưới Hương – tình yêu đầu tiên của anh, vì nghĩ đến bản thân mình đã có một người vợ rồi, gia đình sẽ mất sĩ diện với họ hàng làng xóm nên không dám quyết định một cách tự chủ tình cảm để rồi cuối cùng trong lúc uất hận thì Hương đã quyết định lấy một người yêu cô tha thiết mà cô không yêu anh ta. Thế rồi cả cuộc dời anh vỡ lỡ cũng chính bởi vì phần nào nguyên nhân Sài “yêu cái người khác yêu” và “yêu cái mà mình không có”. Lê Lựu xây dựng nên hình tượng nhân vật Sài với những nỗi đắng cay vậy một phần cũng muốn nhắn nhủ những thông điệp đến độc giả.

Nguyên nhân vì đâu cuộc đời Sài rơi vào vòng luẩn quẩn đầy bi kịch như vậy, có thể giải thích bằng hai nguyên nhân chính làm nên bi kịch này. Thứ nhất là nguyên nhân khách quan, chính bối cảnh xã hội mà Sài đang sống cũng là nguyên trực tiếp làm nên bi kịch cuộc đời Sài như thế. Gia đình Sài cả bố mẹ và anh chị em đều mang nặng tư tưởng phong kiến lạc hậu, những hủ tục cổ hủ lỗi thời như nạn tảo hôn, tục cưới xin,…áp đặt lên Sài phải thực hiện theo:“Một nề nếp, một thói quen, một thông tục cha truyền con nối từ mấy đời nay: con cái không được quyền muốn sao được vậy vì như thế là trái với phép tắc gia phong”. Danh dự của gia đình, danh dự của ông đồ Khang,… Chính những thứ này đã đè nặng lên đôi vai của Sài, anh không thể sống nếu như mình làm khác đi những gì họ muốn và như vậy sẽ bị coi là “phản động” và không tốt. Như bao người khác ở làng Hạ Vị, Sài đành gò ép chính mình sống theo ý muốn của họ và “không dám là mình” và cũng không đủ can đảm “đạp lên dư luận mà sống”. Sống ở nhà lúc nhỏ Sài luôn bị bố, mẹ, anh, chị, dòng họ bắt phải sống như thế này, không được làm cái kia, ngay cả dân làng cũng thế, nếu mà Sài làm khác những gì họ muốn thấy thì lập tức Sài bị lên án gay gắt dữ dội. Cũng chính vì thế, Sài không muốn mất danh hiệu của một liên đội trưởng tốt gương mẫu trong mắt mọi người nên anh đã cố “yêu vợ” như chuẩn mực của một người đội trưởng phải có, ép buộc mình làm những điều mà bản thân không muốn để được mắt mọi người. Thứ hai là nguyên nhân chủ quan nằm ở chính con người của Sài, nếu như mọi người áp đặt Sài phải sống và làm theo ý của họ muốn mà Sài không phản kháng thì xem như Sài chấp nhận như vậy và sẽ không có bi kịch nào xảy ra, còn Sài ở đây nội tâm luôn có một ý chỉ phản kháng mạnh mẽ, bằng chứng là những lần phải đi cùng với Tuyết thì “Sài thường chạy đi trước hoặc tụt lại thật xa”, “bao giờ Sài cũng tìm cách rời khỏi “nhà ấy” nhanh chóng”. Hay những lần Sài bị bắt ép phải vào ngủ chung với vợ, anh thà nằm ngủ dưới đất chứ không bao giờ chịu nằm ngủ chung giường với người mà mình không hề yêu. Như vậy, trong thâm tâm của Sài thì anh luôn phản đối, chống lại những hủ tục phong kiến, chống lại sự áp đặt con người theo ý muốn của bố mẹ và xã hội, chống lại những gì mà mình không muốn,…Thế mà, Sài có ý chí phản kháng, chống lại những gì đã gò ép anh vậy rồi cuối cùng anh lại lặng lẽ chấp nhận tất cả chúng như một điều tất nhiên. Rõ ràng chính Sài nhu nhược, hèn nhát, không đủ can đảm để đứng lên phản kháng lại những thứ đang gò ép mình mà lại lặng lẽ bẻ bản thân sống sao cho đúng những gì mà người khác muốn. Ngay cả khi Sài sống trong môi trường quân ngũ cũng vậy, khi những nỗi niềm riêng anh ghi vào quyển nhật ký rồi bị đồng đội phát hiện và cho là nó chứa tư tưởng bất chính, và thế là từ đó Sài không dám viết nhật ký nữa mà anh vẫn tiếp tục cuộc đời gương mẫu như: học giỏi, chăm chỉ làm việc, học đại học,…luôn là người xuất sắc nhất trường. Thêm nữa, để được kết nạp Đảng thì Sài phải ép mình sống chung với Tuyết theo sự chỉ bảo của các vị thủ trưởng chỉ định, có như vậy thì Sài mới đủ tiêu chuẩn để được kết nạp vào Đảng, nếu không thì Sài không được kết nạp vì lý do “không yêu vợ”. Và cuối cùng là Sài vẫn phải làm theo ý của thủ trưởng muốn, và có một đứa con với Tuyết như việc ban ân huệ cho cô ấy để rồi cả cuộc đời của Tuyết phải chịu những khổ đau dằn vặt vì yêu người mà không yêu mình.

Tác giả khắc họa nhân vật Sài không phải là một nhân vật hoàn toàn nhu nhược và thiếu dũng cảm, có thể thấy quá trình tự nhận thức của nhân vật bắt đầu được hình thành từ những cảm xúc, suy nghĩ, độc thoại mà tác giả chú ý khắc họa nhiều hơn. Trải dài suốt 13 chương của tiểu thuyết, chúng ta có thể bắt gặp những suy tư, trăn trở của Sài về cuộc đời, về tình yêu, về xã hội,… Qua đó, người đọc có thể hiểu được những suy nghĩ của Sài và nhận ra Sài đang khát khao những gì, đang muốn thoát khỏi sự tù túng như thế nào và nhận thức được mình cần phải àm gì để thay đổi hoàn cảnh hiện tại này. Đồng thời, mượn hình tượng nhân vật Sài tác giả muốn phản ánh chân thực những chuyển biến và thay đổi trong cách nhìn nhận, đánh giá lại thực tại vấn đề. Xã hội mà Sài sống có những tiêu cực của nó, nhưng không phải nó tiêu cực thì lên án gay gắt nó, mà thông qua đó tác giả muốn chúng ta nhìn nhận lại một thời đã qua, nó có những thiếu sót gì, có những gì chưa làm được thì cố gắng khắc phục và sửa chữa. Chẳng hạn như xã hội trước thời kỳ đổi mới có những hạn chế và tiêu cực của nó, chính vì vậy ở thời kỳ đổi mới đã sửa đổi những sai lầm và thiếu sót của xã hội giai đoạn trước. Nhìn nhận lại thời gian đã qua để định hướng cho hiện tại.

Bên cạnh việc khắc họa nhân vật Sài là chủ yếu, tác giả còn tập trung khắc họa những nhân vật khác để làm nổi bật lên tính cách của họ. Chúng ta có thể thấy nhân vật Tuyết – người vợ đầu tiên của Sài lúc 10 tuổi, Tuyết cũng có những nổi khổ của riêng mình chứ không phải cá nhân Sài mới khổ. Cô yêu chồng mình nhưng hóa ra thứ mà cô nhận lại được chỉ là sự hờ hững, lạnh lùng, oán ghét, thậm chí là xua đuổi xem cô như là một chướng ngại vật cản đường. Rốt cuộc thì cô có lỗi gì để Sài ghét cô đến như vậy? Câu hỏi luôn trực diện trong suy nghĩ của Tuyết như một bi kịch day dứt cuộc đời cô. Qua đó có thể thấy thân phận người phụ nữ lúc bấy giờ qua đại diện là Tuyết, khát khao hạnh phúc gia đình nhưng lại sống trong đau đớn cả cuộc đời như vậy. Còn nhân vật Hương cũng như vậy, cô yêu Sài hết mực và cũng muốn xây dựng hạnh phúc gia đình với anh, nhưng Sài không thể lấy cô làm vợ và cũng không có một quyết định dứt khoát trong tình cảm của mình, anh chỉ im lặng để Hương chờ, chờ mãi để rồi cuối cùng cô phải lấy một người mà mình không yêu, như vậy Hương cũng không hạnh phúc và Sài cũng không hạnh phúc. Với các nhân vật như Hiểu, Hiền, anh Tính, chú Hà,… chúng ta có thể hiểu được rõ hơn về tính cách của nhân vật Sài được thể hiện qua điểm nhìn trần thuật của tác giả.

Ngoài việc khắc họa nhân vật, Lê Lựu còn đề cập đến vấn đề về xã hội, vấn đề về tâm lý của con người trước thời đại. Cụ thể là tâm lý của dân chúng trong bối cảnh xã hội “bao cấp” và trong giai đoạn đổi mới. Xen kẽ những đoạn văn trong tác phẩm, tác giả có tái hiện nên bức tranh của dân làng Hạ Vị với tâm lý “đi làm thuê” mà không thích làm ruộng đồng. Đoạn trích dưới đây có thể thấy rõ nhà văn đã miêu tả khá chi tiết về việc dân làng chuyên “đi làm thuê”.

“Không hiểu từ thuở nào làng chỉ quen đi làm thuê. Miếng cơm thiên hạ bao giờ cũng ngon nên người sức dài vai rộng thì đi tứ chiếng bằng đủ thứ nghề: hàn nồi và cắt tóc, đốt gạch và nung vôi, thợ nề, thợ đất, thợ lặn… Dăm bữa, nửa tháng vợ hoặc con đảo qua để làm cỏ, xáo xới rồi cũng lại vội vã ra đi. Đến mùa thu hoạch lại về. Hết mùa lại đi. Cứ thế. Khi về lại nhớ cơm thiên hạ. Khi đi lại cồn cào thương từ gốc cau, bụi chuối. Họ không yêu tha thiết với đồng ruộng nhưng không đủ sức dứt bỏ những gì quen thuộc từ thuở cha sinh mẹ đẻ ở cái nơi mà ai cũng quen gọi là quê Hương…Những người còn lại hoặc tuổi già yếu, con bận con mọn, hoặc không biết nghề, không quen đi xa, cái lực lượng sản xuất chủ yếu ấy cũng chỉ chòn chọt năm một vụ ngô, tháng mười cày bừa dối dả, tháng tư bẻ bắp chặt cây vội vàng để rồi lại nô nức kéo nhau sang bên kia sông, vào nội đồng làm thuê, sáng cắp nón đi, tối cắp nón về nói cười rả rích. Dường như số trời đã định cho làng này chỉ có việc đi làm thuê. Chen lấn, tranh cướp nhau từng người chủ, và ai được chủ tin thì coi đó là một diễm phúc có thể vênh váo, hãnh diện với kẻ khác, sẵn sàng hạch sách bắt bẻ người cùng xóm, cùng làng, cùng cánh thợ làm thuê một cách nghiệt ngã độc ác hơn cả người chủ thật.

Bởi thế, cũng là tỉa ngô, rắc đỗ, ruộng nhà thì làm quáng quàng chỗ dầy, chỗ mỏng, hàng thưa hàng mau nhưng ruộng của chủ cứ đều tăm tắp. Ruộng nhà không bao giờ bón phân, cả làng không ai bón phân, cần quái gì chuồng lợn, chuồng xí. Đàn ông, đàn bà, cả người già trẻ con đều chạy toá ra đồng và lợn cũng thả rông hoặc có chuồng thì cũng chả cần phân ấy để làm gì. Chính những con người ấy lại đánh phân, rửa ráy quét dọn cả chuồng xí, chuồng lợn cho chủ rồi gánh ra đồng cứ của những người chủ tốt tươi sai quả, mấy hạt lại theo đà đâu đó, ca thán, và xỉ vả làng mình ngu si không biết đường làm ăn.”

Qua đó, tác giả đang châm biếm giễu nhại một xã hội không có tinh thần vươn lên, cầu tiến trong cuộc sống mà chỉ sống lay lắt qua ngày này tháng nọ bằng việc làm thuê làm mướn trong khi có thể kiếm sống trên chính mảnh đất quê hương của mình. Nhà văn đã vạch trần tâm lý của nhân dân trong bối cảnh đất nước đang vượt qua giai đoạn khó khăn như thế. Đồng thời, nhà văn cũng phản ánh vấn đề của người nông dân lúc này rằng họ cảm thấy chưa có sự yên ổn và đi lên trong xã hội hiện tại, xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của họ và những phương pháp cải tiến xã hội lúc bấy giờ đã thất bại. Người nông dân khi chuyển đổi thời đại xã hội bước vào một đất nước mới, họ chỉ kịp trang bị cho mình hành trang tinh thần, còn hành trang về phương tiện, vật chất cũng như cách thức thì họ không có. Như vậy thì chưa đủ cho việc thích nghi với bối cảnh mới của thời đại của đất nước. Sài cũng vậy, khi Sài bước vào một đất nước chuyển mình từ bối cảnh chiến tranh sang hòa bình xây dựng và phát triển đất nước, anh chưa trang bị kịp cho mình những thứ cần thiết để thích nghi trong một môi trường mới, để rồi kết cuộc là cái giá mà anh phải trả là khá đắt cho sự thiếu sót đó được diễn tả qua cuộc hôn nhân giữa anh với Châu. Nhà văn phản ánh những hoàn cảnh, những thói quen, những tập quán nó đã là “thuộc di sản của xã hội cũ” đó là việc đi làm thuê mãi rồi trở thành thói quen.

Tác giả xây dựng cốt truyện Thời xa vắng rất mạch lạc, cách xây dựng các tình tiết cốt truyện phát triển đơn giản, với tác phẩm Thời xa vắng Lê Lựu đã xây dựng và phát triển truyện truyền thống như tác phẩm đã có trước đó. Ở tác phẩm này nhà văn đặc biệt quan tâm đến xây dựng hình tượng nhân vật Sài để làm nổi bật lên tính cách và con người trong xã hội. Bên cạnh đó, nghệ thuật trần thuật trong tác phẩm là một bút pháp tạo nên dấu ấn với độc giả, thông qua việc trần thuật lại những sự việc diễn ra trên khía cạnh góc nhìn khách quan của nhà văn từ điểm nhìn đa diện nhiều chiều khác nhau. Nhà văn đã xây dựng nên tính cách và diện mạo của Sài từ góc nhìn của những nhân vật khác như: Hương, Châu, anh Tính,… Dần dần qua cảm nhận của những nhân vật này thì hình ảnh của Sài sẽ được hoàn thiện dần một cách khách quan hơn.

Qua tác phẩm Thời xa vắng của Lê Lựu, câu chuyện về cuộc đời bi đát của Sài được dựng nên trong bức tranh của xã hội đương thời với những đắng cay và đau đớn mà một đời người phải trải qua, nhà văn vừa thành công trong việc tái hiện những bi kịch đau khổ của con người đồng thời cũng tạo nên tiếng cười châm biếm mỉa mai với những vấn đề xã hội của thời đại. Vừa sâu lắng nhưng cũng vừa xót xa cho một thế hệ, một đời người. Lấy cảm hứng vừa bi vừa hài để lồng ghép vào nhau làm cho tác phẩm có sức cuốn hút hấp dẫn người đọc chiêm nghiệm những triết lý ẩn sau bức tranh của tác phẩm muốn đề cập đến. Với mỗi nhân vật nhà văn khắc họa là một nét điển hình đại diện cho một bộ phận hay một phương diện nào đó trong xã hội. Đó có thể là Hương hoặc Tuyết đại diện cho tầng lớp của những người phụ nữ trong xã hội, hay đó có thể là anh thủ trưởng và các chiến sĩ với môi trường quân ngũ đại diện cho tầng lớp những cán bộ chiến sĩ anh dũng bảo vệ xây dựng và phát triển đất nước với lòng nhiệt thành, hoặc đó là ông đồ Khang và mẹ của Sài là tầng lớp những người nông dân còn sót lại với tư tưởng của xã hội phong kiến cũ. Tất cả những tầng lớp đại diện này đang trong tiến trình bước vào xã hội mới và họ cần phải thay đổi để thích nghi với bối cảnh của xã hội mới.

Thời xa vắng tạo được làn sóng mạnh mẽ trong văn học Việt Nam thời kỳ bắt đầu đổi mới xã hội. Nó không chỉ đề cập đến những vấn đề của con người mà còn mở rộng ra cả xã hội, cả thời đại. Ngoài những khía cạnh mà bài viết này đề cập đến thì còn những vấn đề khác ẩn sâu trong tác phẩm, đó là sự phát hiện bổ sung của độc giả với góc nhìn cảm nhận khác nhau của từng người. Mỗi khía cạnh sẽ cung cấp cho chúng ta một cách nhìn nhận đánh giá các vấn đề của xã hội một cách khách quan hơn. Chính vì ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa trong nó và kết hợp với văn phong giản dị của tác giả, ngôn từ dễ hiểu thêm sinh động và chân thực, lôi cuốn là một thế mạnh giúp cho Thời xa vắng khẳng định được giá trị của nó trên văn đàn nói chung và trong lòng độc giả nói riêng. Và cho đến ngày nay, tác phẩm Thời xa vắng gắn với cái tên Lê Lựu vẫn còn nguyên những giá trị nghệ thuật và ý nghĩa của nó.