Tiếng Nói Tri Âm

Tác giả : Lê Xuân
  • Lượt đọc : 4
  • Kích thước : 45.02 MB
  • Số trang : 251
  • Đăng lúc : 7 tháng trước
  • Số lượt tải : 49
  • Số lượt xem : 583
  • Đọc trên điện thoại :
Tác giả tập Tiểu luận và Phê bình văn học này - anh T Lê Xuân (tên thật Lê Xuân Bột) là một người cởi mở. Dù mới quen biết nhau, những người cùng hoạt động trong lĩnh vực văn chương, qua từng trang viết, vẫn thấy anh thân gần như là chỗ để ta mở lòng mở dạ. Ai từng tiếp xúc với anh, dễ nhận ra một tấm lòng yêu mến say mê với văn chương mà không phải mấy người đã có. Nhưng yêu mến là một việc, còn thể hiện sự say mê, yêu mến ấy bằng sự hiểu biết, bằng những trang viết sao cho xúc động, ước mong để lại những trang văn trác tuyệt cho đời, lại là một cấp độ cao hơn nữa.

Lê Xuân đã cố gắng đi theo hướng ấy. Anh đã hiện thực hóa những đam mê, những hiểu biết của mình thành những con chữ, những trang văn. Cuốn sách Lời đồng vọng, tập hợp 30 bài bình các bài thơ hay do Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2005, và tập tiểu luận phê bình Tiếng nói tri âm này là những thí dụ.

Lê Xuân đến với văn học đã lâu, từ thuở theo học khoa Văn Đại học Sư phạm cho tới khi là giáo viên văn học của trường Sư phạm Nghĩa Lộ (Tây Bắc) hay trường chuyên Lý Tự Trọng Cần Thơ, anh là chiếc cầu nối cái hay, cái đẹp của văn chương với những tâm hồn trẻ của các thế hệ học sinh Trung học phổ thông, hay sinh viên Sư phạm. Nhưng bạn đọc văn nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước đã quen thuộc với bút danh Lê Xuân hay Lê Xuân Bột ký dưới các bút ký, bài thơ, điểm sách, và nhất là những bài bình thơ sâu sắc, tinh tế.

Tiếng nói tri âm là sự tích lũy của Lê Xuân không phải ngày một ngày hai. Nhiều năm giảng dạy văn học trong nhà trường đã cho anh những chiêm nghiệm sâu sắc, có thêm cơ sở để hiểu người, hiểu đời và đặc biệt là hiểu sâu hơn về văn hóa, văn chương dân tộc. Từ những trưởng thành trong nhận thức, anh tìm thấy những nét đặc sắc trong tâm hồn lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những bài hát, câu ca dao viết về Người. Đọc những trang bình luận, người đọc dễ dàng thấy được tấm lòng cảm kích của anh trước công ơn to lớn mà Bác đưa lại cho đất nước này, dân tộc này, và từ trong sâu thẳm tấm lòng kính yêu ấy, anh đã khám phá, phát hiện ra những điều kỳ diệu, chất nhân văn sâu sắc trong những vần thơ trữ tình của Bác mỗi khi chúc Tết đồng bào nhân dịp năm mới, hay ở tính trào phúng đa dạng khi tự giễu bản thân hoặc khi đả kích, châm biếm kẻ thù. Anh cũng tinh tế phát hiện nhiều điều thú vị từ mối liên hệ mật thiết giữa những ý thơ Quốc âm giản dị mà sâu sắc của Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV với những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ bình dẫn, để từ đó, cắt nghĩa sự vĩ đại của phẩm chất tâm hồn và tính độc đáo về tài năng văn chương nghệ thuật của người anh hùng, nhà thơ lớn dân tộc, cũng là danh nhân văn hóa được cả thế giới suy tôn, ngưỡng mộ.

Là một cán bộ giáo dục tăng cường, khi có cơ hội định cư tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau ngày đất nước giải phóng, Lê Xuân rất có ý thức tìm hiểu về văn hóa nơi mình đang sinh sống. Và anh đã thấy ở đây những tấm gương văn hóa mà anh yêu mến. Từ vốn hiểu biết về ca dao chung của dân tộc, anh đi sâu tìm hiểu tính độc đáo trong ca dao Nam Bộ, cùng với những phát hiện khá thú vị về miền đất chằng chịt kênh rạch nên nhiều gắn bó với những cây cầu. Và ở đó, những con người mộc mạc có lối phô diễn tâm hồn thật bộc trực, dễ thương nhưng không phải không ẩn giấu nhiều tinh tế. Những bài viết về các danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị... toát lên lòng yêu mến, sự cảm phục của anh trước những con người giàu tinh thần trung nghĩa, vị tha, bất khuất, can trường. Phẩm chất cao đẹp ấy thể hiện trong tâm hồn, trong lời thơ, trong ký ức của công chúng, đã được Lê Xuân phân tích khá kỹ lưỡng, giàu sức thuyết phục và ấm áp ngọn lửa nghĩa tình của một tấm lòng ngưỡng mộ người xưa. Năng lực phân tích cái hay cái đẹp của văn chương thơ ca truyền thống còn được Lê Xuân triển khai trong nhiều bài viết về thơ mới, về thơ ca những năm đầu Cách mạng tháng Tám thành công...Dường như đây cũng là sở trường, là thế mạnh của anh khi cầm bút. Những lúc như thế, tôi có cảm giác ngòi bút anh phải lia nhanh cho kịp cảm xúc tuôn trào, ý tưởng nảy sinh, và những liên tưởng nhiều chiều nối nhau trong dòng tư duy cuộn chảy. Một ngòi bút phê bình như vậy là đáng quý lắm.

Tất nhiên, tập sách không chỉ có những điều mà tôi đề cập trên đây, mà Lê Xuân còn triển khai ý tưởng trên nhiều phương diện khác, như những trăn trở đầy tâm huyết của anh, đề xuất những ước mong mà thơ ca hiện nay cần hướng đến, hoặc biểu thị thái độ không bằng lòng khi phê phán những thứ thơ lố lăng, dung tục mà đây đó xuất hiện trên báo chí, ảnh hưởng không nhỏ tới cảm xúc thẩm mỹ người đọc và làm ô nhiễm đời sống văn hóa hôm nay. Với những cố gắng và thành công như thế, tôi xin trân trọng giới thiệu tập sách này cùng bạn đọc.

Lê Quang Trang
(Nhà thơ, nhà phê bình văn học)