Từ khi Việt ngữ được đặt trở về địa vị của nó ở Tiểu học, rồi Trung học, rồi Đại học, thì việc soạn một bộ Ngữ pháp Việt Nam thành ra khẩn thiết nhất.
Một số người đã lưu tâm đến vấn đề đó, và đã nhận thấy rằng không thể theo đúng phương pháp cổ điển của phương Tây được (tức là phương pháp hiện nay còn dùng trong các sách giáo khoa Anh, Pháp. .........) vì hai lẽ: lẽ thứ nhất, phương pháp đó đã lỗi thời, không uyển chuyển, không tự nhiên; lẽ thứ nhì, là Việt ngữ ở trong một hệ thống khác xa hệ thống Ấn u: Việt ngữ là một ngôn ngữ cách thể (langue isolante) chứ không phải là ngôn ngữ tiếp thể (langue affixante), phần từ pháp (morphologie) của nó rất đơn giản, không như trong ngôn ngữ Anh, Pháp, chẳng hạn; cho nên bất kì phương pháp nào của phương Tây cũng phải sửa đổi nhiều rồi mới có thể áp dụng vào Việt ngữ được.
Hai ông Trương Văn Chỉnh và Nguyễn Hiến Lê thuộc trong số người có nhận định đó, đã tốn công tham khảo nhiều sách khảo về ngữ pháp Anh, Pháp, Hán, để tìm một phương pháp thích hợp với Việt ngữ, và hai ông trình bày phương pháp đó với độc giả trong cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam này.
Về ngữ học, phương pháp coi là tiến bộ nhất là phương pháp nghiên cứu theo cách cấu tạo (structuralisme). Nhưng những học giả theo phương pháp đó cũng chia làm hai phái chủ trương khác nhau: một bên căn cứ vào “mặt chữ” (structure formelle), một bên căn cứ vào sự cấu tạo của tư tưởng (structure de la pensée) mà nghiên cứu.
Tác giả Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam theo chủ trương thứ nhì, vì nghĩ rằng nó hợp với Việt ngữ hơn cả. Vả lại, có căn cứ vào ý tử thì học môn ngữ pháp, cũng như dạy môn ngữ pháp, mới có hứng thú và bổ ích. Học sinh và sinh viên học ngữ pháp là để tập suy nghĩ, rèn luyện chí phán đoán, nâng cao khả năng vận dụng ngôn ngữ.
Theo phương pháp nghiên cứu ngữ pháp căn cứ vào sự cấu tạo của tư tưởng, nhưng tác giả Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam không câu nệ, không có thành kiến; phương pháp chỉ căn cứ vào “mặt chữ” mà có điểm nào tiện lợi thì cũng vẫn dùng. Hơn nữa, hai ông chỉ theo cái tinh thần thôi, không tôn hẳn một nhà nào, lại biết đưa những ý kiến riêng của mình ra: coi là mở đầu, Độc giả sẽ nhận thấy ngay đâu là phần của hai ông cống hiến.
Việc phán đoán về phần độc giả, chúng tôi chỉ xin thêm rằng tinh thần của tác giả hợp với chủ trương của Viện Đại Học Huế: tìm hiểu cái hay của người, rút kinh nghiệm của người để bồi bổ cho nền văn hóa của mình, mà vẫn giữ bản sắc của mình, vẫn rán có sáng kiến của mình, chứ không theo đúng người để mong đồng hóa với người. Vì chỗ hợp nhau đó, chúng tôi vui lòng giới thiệu cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam với độc giả, để coi nó là một gắng sức theo một hướng mới trong việc nghiên cứu ngữ pháp Việt Nam, công việc mà chúng ta phải tiếp tục nữa, không bao giờ có thể gọi là hoàn thành được.
Huế, ngày 1 tháng 4 năm 1963
L.M. Cao Văn Luận
Viện trưởng
Một số người đã lưu tâm đến vấn đề đó, và đã nhận thấy rằng không thể theo đúng phương pháp cổ điển của phương Tây được (tức là phương pháp hiện nay còn dùng trong các sách giáo khoa Anh, Pháp. .........) vì hai lẽ: lẽ thứ nhất, phương pháp đó đã lỗi thời, không uyển chuyển, không tự nhiên; lẽ thứ nhì, là Việt ngữ ở trong một hệ thống khác xa hệ thống Ấn u: Việt ngữ là một ngôn ngữ cách thể (langue isolante) chứ không phải là ngôn ngữ tiếp thể (langue affixante), phần từ pháp (morphologie) của nó rất đơn giản, không như trong ngôn ngữ Anh, Pháp, chẳng hạn; cho nên bất kì phương pháp nào của phương Tây cũng phải sửa đổi nhiều rồi mới có thể áp dụng vào Việt ngữ được.
Hai ông Trương Văn Chỉnh và Nguyễn Hiến Lê thuộc trong số người có nhận định đó, đã tốn công tham khảo nhiều sách khảo về ngữ pháp Anh, Pháp, Hán, để tìm một phương pháp thích hợp với Việt ngữ, và hai ông trình bày phương pháp đó với độc giả trong cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam này.
Về ngữ học, phương pháp coi là tiến bộ nhất là phương pháp nghiên cứu theo cách cấu tạo (structuralisme). Nhưng những học giả theo phương pháp đó cũng chia làm hai phái chủ trương khác nhau: một bên căn cứ vào “mặt chữ” (structure formelle), một bên căn cứ vào sự cấu tạo của tư tưởng (structure de la pensée) mà nghiên cứu.
Tác giả Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam theo chủ trương thứ nhì, vì nghĩ rằng nó hợp với Việt ngữ hơn cả. Vả lại, có căn cứ vào ý tử thì học môn ngữ pháp, cũng như dạy môn ngữ pháp, mới có hứng thú và bổ ích. Học sinh và sinh viên học ngữ pháp là để tập suy nghĩ, rèn luyện chí phán đoán, nâng cao khả năng vận dụng ngôn ngữ.
Theo phương pháp nghiên cứu ngữ pháp căn cứ vào sự cấu tạo của tư tưởng, nhưng tác giả Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam không câu nệ, không có thành kiến; phương pháp chỉ căn cứ vào “mặt chữ” mà có điểm nào tiện lợi thì cũng vẫn dùng. Hơn nữa, hai ông chỉ theo cái tinh thần thôi, không tôn hẳn một nhà nào, lại biết đưa những ý kiến riêng của mình ra: coi là mở đầu, Độc giả sẽ nhận thấy ngay đâu là phần của hai ông cống hiến.
Việc phán đoán về phần độc giả, chúng tôi chỉ xin thêm rằng tinh thần của tác giả hợp với chủ trương của Viện Đại Học Huế: tìm hiểu cái hay của người, rút kinh nghiệm của người để bồi bổ cho nền văn hóa của mình, mà vẫn giữ bản sắc của mình, vẫn rán có sáng kiến của mình, chứ không theo đúng người để mong đồng hóa với người. Vì chỗ hợp nhau đó, chúng tôi vui lòng giới thiệu cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam với độc giả, để coi nó là một gắng sức theo một hướng mới trong việc nghiên cứu ngữ pháp Việt Nam, công việc mà chúng ta phải tiếp tục nữa, không bao giờ có thể gọi là hoàn thành được.
Huế, ngày 1 tháng 4 năm 1963
L.M. Cao Văn Luận
Viện trưởng