Xã hội học gia đình

Tác giả : Mai Huy Bích
  • Lượt đọc : 2
  • Kích thước : 114.09 MB
  • Số trang : 228
  • Đăng lúc : 7 tháng trước
  • Số lượt tải : 91
  • Số lượt xem : 642
  • Đọc trên điện thoại :
"Gần dây trong xã hội ta rất nhiều người bàn bạc về vấn để gia đình, ở nông thôn vấn đề gia đình, họ hàng nổi lên khá rầm rộ (...) nhiều chương trình nghiên cứu trong nước và hợp tác quốc tế (...) cũng thường gặp nhau ở một điểm chung là gia đình" . đó là nhận xét xác dáng của một cố học giả đáng kính (Trần Đình Hượu, 1996:49). Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên gia đình thu hút được nhiều quan tâm, và việc nghiên cửu gia đình hiện đang trở nên sôi động. Điều này có nhiều lý do sâu xa.
Thứ nhất, theo truyền thống, gia đình vẫn được coi là một trong những thể chế then chốt của xã hội Việt Nam. Gần như mọi người trong độ tuổi kết hôn đều lấy vợ lấy chồng, hoặc mong muốn như vậy. Gia đình thỏa mãn hầu như mọi nhu cầu cơ bản của con người từ khi lọt lòng đến khi nhắm mắt xuôi tay. Sự gắn bó với gia đình khăng khít đến nỗi mọi thứ đều đứng sau gia đình (Đào Duy Anh, 1938/1992:364; Wooclside. 1976:28). Theo lời một nhà nghiên cứu gốc Việt, đặc điểm cơ bản của Việt Nam là ảnh hưởng nổi trội của gia đình trên tất cả mọi lĩnh vực: tôn giáo, văn hóa và xã hội (trích theo Le Thi Que, 1986:3).
Thứ hai, nửa sau thế kỷ XX chứng kiến những biến đổi sâu sắc và lớn lao của gia đình Việt Nam. Sự biến đổi đó là kết quả của nhiều nhân tố, trước hết do những chương trình cải cách kinh tế xã hội mà Đảng và Nhà nước tiến hành ban dầu ở miền Bắc, sau đó trên phạm vi toàn quốc. Nhưng quan trọng hơn. xuất phát từ quan niệm mác xít về gia đình, vào cuối những năm 1950. Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra và thực hiện nhiều chính sách và biện pháp nhằm thay đổi gia đình một cách triệt để. Hình thái kinh tế xã hội mới tạo ra gia đình mới, phù hợp với nó. Mượn lời một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết "Mùa lá rụng trong vườn" của Ma Văn Kháng (xuất bản năm 1985, và được chuyển thể lên màn ảnh nhỏ chiếu trên VTV tháng 3/2001), đã có một thời, chúng ta nghĩ rằng các quan hệ cha con, vợ chồng và anh chị em không còn vấn đề gì cần bàn bạc nữa. Nhưng thực ra, kể từ công cuộc đổi mới và chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhiều người nhận ra tầm quan trọng ngày càng tăng của gia đình và sự cần thiết của việc bảo vệ, củng cố nó, và muốn vậy, trước hết cần tìm hiểu nó.
Nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu xã hội học gia đình, cuốn sách này được viết ra với tư cách là tài liệu tham khảo cho học viên cao học lại Viện Xã hội học, Hà Nội. Do nhằm vào những đối tượng đã ít nhiều làm quen với xã hội học gia đình ở bậc đại học, cuốn sách không nhắc lại những kiến thức cơ bản, và không tham vọng đưa ra một tổng quan bao quát rộng về gia đình. Mục đích của tài liệu tham khảo này là trang bị cách nhìn nhận đối tượng, cách tiếp cận gia đình theo nhãn quan xã hội học, chứ không cung cấp mọi hiểu biết về xã hội học gia đình. Người học được khuyến khích sử dụng tri thức và cách tiếp cận ở đây để nhằm rèn luyện kỹ năng và cách nhìn, cũng như mở mang hiểu biết.
Cao hơn nữa, họ nên dùng các lý thuyết được giới thiệu trong cuốn sách này để tìm hiểu kỹ và sâu về các lý thuyết đó, rồi kiểm nghiệm trong những khảo sát thực nghiệm trong tương lại của mình.
Cuốn sách cố gắng kết hợp chặt chẽ tư duy lý thuyết với nghiên cứu thực nghiệm trong xã hội học gia đình. Về lý thuyết, thay vì trình bày một và chỉ một lý thuyết duy nhất đúng (như cách làm quen thuộc của nhiều giáo trình và sách tham khảo ở ta), cuốn sách đưa ra nhiều cách xem xét, lý giải và cắt nghĩa khác nhau, thậm chí đối lập nhau về cùng một chủ đề. Những cách tiếp cận nổi tiếng, và với thời gian, đã trở thành cổ điển được giới thiệu cùng những cách tiếp cận xuất hiện gần đây (ví dụ cách tiếp cận đường đời quan điểm giới, thuyết kiến tạo xã hội v.v..). Những khái niệm mới được giới thiệu và sử dụng thay thế khái niệm cũ đã lỗi thời (như "gia đình cha mẹ đơn thân" thay cho "gia đình không đầy đủ", "đường đời" thay "chu trình sống" v.v..). Mỗi lý thuyết trong xã hội học gia đình thường dược nêu rõ tên và tác giả, nội dung chính của lý thuyết được tóm tắt, đồng thời cuốn sách cũng phân tích những điểm mạnh và điểm yếu, những đánh giá ca ngợi và cả những phê phán nó từ các góc độ khác nhau. Việc này là để giúp người đọc làm quen và rèn luyện kỹ năng phân tích, đánh giá một lý thuyết, và tránh quan niệm sai lệch mà tác giả cuốn sách này từng có dịp bàn đến (Mai Huy Bích, 2001b) rằng áp dụng lý thuyết trong nghiên cứu chỉ có nghĩa là đồng ý với nó.