Các Thành Phần Kinh Tế Việt Nam: Vấn Đề Và Định Hướng Chính Sách

Thể loại: Kinh Tế – Quản Lý
Tác giả : Trần Đình Thiên
  • Lượt đọc : 1
  • Kích thước : 16.50 MB
  • Số trang : 442
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 126
  • Số lượt xem : 1.109
  • Đọc trên điện thoại :
Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là chủ trương, chính sách nhất quán và lâu dài đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội VI (tháng 12/1986) đến nay. Đây là một luận điểm, một chính sách hoàn toàn phù hợp với yêu cầu khách quan, là quyết sách chiến lược đúng đắn, sáng tạo, góp phần vào “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” của đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã có những khái quát, phát triển mới trong nhận thức lý luận của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đó là: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

Sau gần 35 năm đổi mới, từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn mối quan hệ giữa chế độ sở hữu, hình thức sở hữu và loại hình kinh doanh. Mỗi chế độ sở hữu trong thực tiễn có thể có nhiều hình thức sở hữu mà ở đó sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và biểu hiện ra là các loại hình kinh doanh có hiệu quả cao đóng góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển đa dạng của các hình thức sở hữu là do sự phát triển của lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất càng đa dạng, trình độ kinh tế - xã hội càng phát triển, quan hệ sản xuất càng mở rộng thì tính đa dạng trong quan hệ sở hữu cũng ngày càng tăng lên. Vì vậy, Đảng ta đã khẳng định: Những nhận thức có giá trị định hướng trên đây cần được tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một bước tiến nhằm tạo một không gian mở cho quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất hoạt động, để có thể tránh giáo điều, chủ quan về số lượng, tỷ lệ các hình thức sở hữu, thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp như trước đây.

Để có thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo và góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho việc chuẩn bị các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Các thành phần kinh tế Việt Nam: Vấn đề và định hướng chính sách (Sách tham khảo) của tập thể tác giả là các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên và chuyên viên cao cấp về lý luận chính trị ở các viện, trường đại học trên cả nước, do PGS.TS. Trần Đình Thiên làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả hoạt động khoa học trong khuôn khổ thực hiện đề tài “Các thành phần kinh tế Việt Nam hiện nay: Thực trạng, xu hướng phát triển và định hướng chính sách” thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020, mã số: KX04/16-20 của Hội đồng Lý luận Trung ương.

Nội dung cuốn sách bao gồm những bài viết tập trung làm rõ những thành công và triển vọng phát triển các thành phần kinh tế ở nước ta, nhất là trong thời kỳ đổi mới; khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo và liên tục phát triển cả về nhận thức, lý luận cũng như trong chỉ đạo và tổ chức thực tiễn xây dựng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong đó, nhiều bài viết đã phân tích, gợi mở nhiều vấn đề, kiến nghị nhiều giải pháp thiết thực và toàn diện, nhằm củng cố, nâng cao năng lực phản ứng chính sách, vượt qua những định kiến và thách thức mới, tạo đột phá thể chế, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng bình đẳng và lành mạnh, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và tiềm năng kinh tế theo yêu cầu phát triển bền vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, do chủ đề của cuốn sách có nội dung rộng và luôn có xu hướng vận động, hoàn thiện, khó có thể bao quát và cập nhật đầy đủ, nên không tránh khỏi còn những hạn chế, thiếu sót. Một số nhận định, kiến nghị giải pháp của các tác giả cần tiếp tục được nghiên cứu, trao đổi thêm. Để bạn đọc thuận tiện theo dõi, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xin giữ nguyên nội dung các bài viết đó và coi đây là quan điểm riêng của tác giả. Nhà xuất bản và các tác giả rất mong nhận được ý kiến của bạn đọc để hoàn thiện nội dung cuốn sách trong lần xuất bản sau.

Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Tháng 3 năm 2020
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT