Để con bạn giỏi như Einstein

Tác giả : Kathy Hirsh
  • Lượt đọc : 91
  • Kích thước : 1.88 MB
  • Số trang : 246
  • Đăng lúc : 7 tháng trước
  • Số lượt tải : 152
  • Số lượt xem : 914
  • Đọc trên điện thoại :
Chẳng có gì ngạc nhiên khi ngày nay, nhiều bậc huynh và giáo viên cảm thấy mệt mỗi, kiệt sức khi dạy dỗ trẻ. Chúng ta cứ bị cuốn vào những giả định của xã hội về phương thức nuôi dạy, giáo dục thế hệ tương lai. Trong chuyện học hành của con trẻ, ai cũng bảo cần thúc đáy trẻ "càng nhanh càng tốt". Mọi người cho rằng từng giây từng phút của trẻ đều cực kỳ quan trọng, rằng trẻ con như những tờ giấy trắng và người lớn phải là họa sĩ để vẽ lên đó những hình họa đặc sắc nhất. Những giả định đó và sự phát triển của trẻ hoàn toàn đi ngược lại các thông điệp rút ra từ các trường đại học, nơi các chuyên gia về sự phát triển của trẻ em đã miệt mài nghiên cứu về quá trình phát triển và học hỏi của trẻ. Quyển sách này sẽ cho bạn cái nhìn mới mẻ về sự phát triển của trẻ dưới góc độ khoa học, từ đó góp phần loại bỏ thực trạng "sống vội" của vô số trẻ em, phụ huynh và giáo viên.
Lần đầu tiên chúng tôi nghĩ đến việc viết quyển sách này là vào giữa những năm 1980, khi giáo sư David Elkind của Đại học Tufts đến Philadelphia để nói về quyển sách nổi tiếng của ông: The Hurried Child (tạm dịch: Đứa trẻ sống vội). Giáo sư Elkind đã đề cập đến vấn đề này từ rất lâu, trước khi "thập kỷ trí não" diễn ra - tức là giai đoạn các bậc phụ huynh được bảo phải đưa việc phát triển trí não của trẻ vào danh sách "những việc cần làm ngay".
Ông lo ngại khi thấy trẻ mẫu giáo bị "người lớn hóa" vì luôn phải mặc những bộ trang phục chỉnh tề, tham gia các hoạt động của người lớn như: học vi tính, nữ công gia chánh, tập đá bóng... Chỉ cần hai lần gõ phím tìm kiếm các thông tin nuôi dạy con cái trên Internet, những bậc phụ huynh sẽ đọc được ngay những lời cảnh báo của ông về vấn đề này. Lúc bấy giờ, tôi (Kathy) là giáo sư cấp dưới tại trường Haverford và đảm nhận nghiên cứu đề tài "Những đứa trẻ sống vội". Quả thật, tôi đã cực kỳ ấn tượng với giáo sư David Elkind khi đón tiếp, đồng hành cùng ông trong suốt chuyến thuyết trình.
Vào thời điểm đó, tôi cũng đang làm mẹ của hai đứa con nhỏ: bé Josh 4 tuổi và Benj mới lên 2. Vừa hiểu ra lý thuyết của giáo sư Elkind quả rất đúng đắn khi bảo rằng người lớn cần dành nhiều thời gian hơn cho trẻ và tạo điều kiện cho trẻ vui chơi nhiều hơn, tôi vừa cảm nhận rõ nỗi đau của một người mẹ "sống vội". Cứ mỗi lần nghe bạn bè mách bảo về một lớp học năng khiếu hay câu lạc bộ thể thao nào đó dành cho trẻ mẫu giáo, tôi lại thấp thỏm lo lắng con mình sẽ tụt lại phía sau trong một xã hội đang mang nặng căn bệnh thành tích.
Là một nhà tâm lý về sự phát triển của trẻ, tôi hiểu giáo sư Elkind đã nói đúng về thực trạng khốn khổ của các bậc phụ huynh và trẻ con trong xã hội hiện đại ngày nay. Ấy vậy mà tôi vẫn phải cố vận dụng tất cả hiểu biết của mình mới có thể cưỡng lại ý nghĩ thúc đẩy con phát triển thật nhanh, thật xa. Dựa trên những kiến thức về sự phát triển của trẻ, tôi cho phép các con thoải mái chơi đùa. Và 16 năm sau, tôi rất vui sướng khi thấy hai cậu con trai lớn của mình (hiện tôi có tất cả ba cậu con trai) đều trúng tuyển các trường đại học mà chúng mong muốn, đồng thời trở thành những công dân hết sức hạnh phúc, thông minh và sáng tạo.
Cùng thời điểm đó, tôi (Roberta) nuôi hai đứa con và đang là giáo sư ở Đại học Delaware. Jordy lúc đó lên 9 còn Allison mới lên 5. Tôi còn nhớ khi con trai tôi thất bại trong vòng phỏng vấn tuyển sinh vào một trường tư, tôi đã tự hỏi có phải tôi đã sai lầm khi không chịu dạy cháu biết đọc trước, dù lúc đó thằng bé mới lên 4! Tôi đã để mình bị văn hóa xã hội tác động quá nhiều, trong khi lẽ ra mình phải hiểu biết và chủ động hơn nhiều người bởi tôi là chuyên viên tâm lý về sự phát triển của trẻ. Và trong giai đoạn sau, tôi đã chống lại điều đó vì đã hiểu rằng, thúc ép trẻ chỉ càng phản tác dụng, khiến trẻ sợ hãi chuyện học hành. Nhưng điều đó không có nghĩa cứ "thả rong" trẻ ở nhà. Tôi và con đã cùng tham gia các lớp học nhạc và tôn giáo. Đồng thời, tôi cố gắng tạo cơ hội cho con thỏa thích vui chơi.
Khi các con tôi được chọn vào lớp khiêu vũ dành cho sinh viên tại một câu lạc bộ địa phương, tôi đã huýt sáo vui sướng. Thật không dễ từ chối lời mời hết sức hấp dẫn ấy! Nhiều con cái của bạn bè tôi cũng tham gia lớp này. Nhưng theo kinh nghiệm rút ra từ các con của mình (nay chúng đã 20 và 24 tuổi), tôi thấy bọn trẻ vẫn thích những khoảng thời gian được chơi đùa tại nhà với bố mẹ hay với bạn bè hơn. Mới đây, cô con gái của tôi e thẹn thú nhận rằng khi còn bé, cháu từng chơi trò dùng các ngón tay trên cùng một bàn tay đóng giả các thành viên trong một gia đình. Và cháu đặc biệt thích trò chơi đó. Còn cậu con trai của tôi thì lại thích cái cầu thang phụ cũ trong nhà trước khi sửa sang lại gian bếp, vì theo cháu, đó là nơi cực kỳ tuyệt vời để chơi trò trốn tìm. Và cả hai đứa con tôi đều nhớ đã từng biến một cái thùng giấy đựng đồ gia dụng thành thiên đường án náu.
Liệu các con tôi có thiếu sót vì đã không tham gia các lớp khiêu vũ đó và do vậy, sẽ mất đi cơ hội học cách giao tiếp với người khác phái? Hay liệu chúng có thiệt thòi trong giao tiếp xã hội vì không biết các điệu nhảy đó? Tôi không nghĩ vậy. Con trai tôi tốt nghiệp một trường đại học thuộc khối Ivy Leaguel, đã và đang có những đóng góp nhất định cho xã hội trong vai trò thành viên chương trình Teach for America. Còn cô con gái hiện đang học năm cuối đại học mỹ thuật, cũng đã góp phần cống hiến cho xã hội thông qua các hoạt động tình nguyện tại một trung tâm chống tệ nạn cưỡng hiếp. Cả hai cháu đều biết quan tâm mọi người, sống vui vẻ và hữu ích.
Chúng tôi chia sẻ như vậy để các bạn thấy rằng, ngay cả chúng tôi - những người có chuyên môn về sự phát triển và trưởng thành của trẻ - cũng có những lúc bán tín bán nghi khi cố tìm cách cân bằng cuộc sống của chính mình và của con cái. Ngoài ra, các bạn cũng sẽ thấy rằng mình không phải là trường hợp ngoại lệ khi làm theo những gì "trái tim mách bảo", dám "nói không" với những hoạt động ngoại khóa mà hầu hết những đứa trẻ ngày nay đang phải tham gia. Cuối cùng, chúng tôi chia sẻ với bạn những điều này để khi con bạn lớn lên, ngoái nhìn lại quá khứ, chúng sẽ nói cho bạn biết rằng tuổi ấu thơ được thoải mái chơi đùa cùng bạn bè và gia đình có ý nghĩa quan trọng thế nào với sự phát triển của chúng và chúng đã hạnh phúc biết bao.