Mười Hai Sứ Quân

Thể loại: Tiểu Thuyết ;Lịch Sử
Tác giả : Vũ Ngọc Đĩnh
  • Lượt đọc : 118
  • Kích thước : 10.52 MB
  • Số trang : 3194
  • Đăng lúc : 9 tháng trước
  • Số lượt tải : 145
  • Số lượt xem : 898
  • Đọc trên điện thoại :
Vũ Ngọc Đĩnh viết 'Mười Hai Sứ' từ đầu thập niên 1970 và khi cuốn sách được Sóng Thần xuất bản đã được nhiều độc giả ca ngợi, vì qua truyện người ta có thể nhận diện một xã hội (Nam) Việt Nam với những tranh giành quyền bính, có những tướng lãnh ‘hùng cứ’ một phương, chưa kể những thế lực khác dùng chức quyền, tiền bạc thao túng xã hội. Công trình dài hơi này sau đó đã được Vũ Ngọc Đĩnh hoàn toàn viết lại thành một bộ đại tiểu thuyết cho tới tháng 4/1997 mới hoàn tất và được xuất bản năm 2003. Tác phẩm này được tác giả đặt cho tên ‘Mười Hai Sứ Quân’.

Một cuốn tiểu thuyết lịch sử dày dặn (2 tập khổ lớn) được viết theo kiểu chương hồi nhưng cấu trúc hiện đại. Với 119 hồi của “Mười Hai Sứ Quân” tác giả không chỉ tìm lời giải cho các bí ẩn lịch sử mà còn lý giải câu chuyện dựng nước của dân tộc dưới nhãn quan sử học và xã hội học của riêng mình.

Loạn mười hai sứ quân là một trang hấp dẫn của lịch sử Việt Nam. lTranh giành quyền lực, cát cứ, lũng đoạn xã hội bằng thủ đoạn, chức quyền, tiền bạc, là những tình tiết, tuyến truyện, nhân vật vừa lịch sử vừa văn học. Thật là một trang sử vừa bi vừa tráng của dân tộc, lại có chất chính trị hiện đại của xã hội Việt trong giai đoạn định hình.

Giai đoạn lịch sử này, một sử gia đã viết:
“Xem cuộc đời 12 Sứ quân tranh nhau thì biết nghĩa hợp quần là khó, nhưng cũng biết cái trí não của dân tộc ta về hồi ấy đã đến độ tiến hóa. Lúc ấy hai vua Ngô tuy mất, Xương Xí là dòng dõi Thiên hoàng, cũng như Đông Chu Quân nhà Chu, Hoài Dương Vương nhà Hán, nếu các thổ hào cùng nhau phục tùng hợp hơn mười bọn nhỏ làm một bọn lớn, tôn Ngô Xương Xí làm thiên hạ cộng chủ để nối dòng họ Ngô, mà các bộ Sứ quân thì tự trị lấy bộ mình, khi quốc gia vô sự thời áo xiêm ngọc bạch như Tần – Tấn liên hoàn, khi quốc gia hữu sự thì môi hở răng lạnh, giữ gìn nhau nhu Ngu, Quắc kết nghĩa, thế thì Hợp Chúng Quốc ở Bắc Mỹ và hai mươi lăm liên bang ở Nhật Nhĩ Man há chẳng xuất hiện vào nước ta về thế kỷ thứ 10 rồi ư?

… Lúc bấy giờ các Sứ quân mỗi người xưng hùng xưng bá một phương. Sau Đinh Bộ Lĩnh cả thắng xưng Vạn Thắng Vương thì thế lực không Sứ quân nào chống nổi, người Nam làm vua nước Nam, tưởng 12 Sứ quân có linh thiêng cũng ngậm cười ở nơi chín suối…”

Còn lời tựa của Vũ Ngọc Đĩnh cho tác phẩm “Mười hai sứ quân” của mình, cũng có nói:

“Cuối thời Bắc thuộc lần thứ ba, Ngô Quyền ở Đường Lâm hưng binh rửa hận cho nhạc phụ là Dương Diên Nghệ, giết phản tướng Kiều Công Tiễn, thừa thắng nương vào sóng nước Bạch Đằng Giang mà phá tan quân Nam Hán, mở ra cho ‘nước ta’ thời đại tự chủ đầu tiên. Vận nước vừa mới sáng đã lại mờ, Ngô Vương ở ngôi chỉ được 6 năm, qua đời năm Giáp Thìn (944) để lại đằng sau Vương cả một thời đại hỗn loạn.

Năm sau, Ất Tỵ (945), Giao Châu thực sự đại loạn. Khắp nơi giặc cướp nổi lên, cường hào chiêu mộ binh lính mạnh ai người nấy chiếm giữ một vùng. Lớn và mạnh hơn cả có mười hai nhân vật xưng hùng, sử gọi là ‘Mười Hai Sứ Quân’, trong số đó có cả Tướng cũ của Triều Ngô, và một ‘vị Vua’ bỏ triều đình cùng với thiên hạ tranh hùng. Loạn Mười Hai Sứ kéo dài đến 23 năm mới cáo chung (Mậu Thìn, 968) với những trận đại thắng của ‘Động chúa Hoa Lư là Đinh Bộ Lĩnh’.
...
Giả sử, loạn Mười Hai Sứ ở Giao Châu tiếp tục kéo dài thêm nữa, không có ‘chàng mục đồng ở Động Hoa Lư’ vốn mang trong người sẵn máu ‘anh hùng thuở nhỏ’ đứng lên quét sạch, thì làm gì còn có việc Lý Nhân Tông sai hai tướng Lý Thường Kiệt và Tôn Đản mang binh đánh Tống (Ất Mão 1075) được nữa? Mười Hai Sứ tranh hùng, quả thật đã đưa Giao Châu vào cái thế nguy hiểm vô cùng, mà việc Bộ Lĩnh đứng lên tiêu diệt được cả cũng lại là một kỳ tích của Sử nước ta.”

“Như vậy, thời lịch sử còn non trẻ ấy, việc Mười Hai sứ quân nổi lên, nên được xem là nguyên nhân và cơ hội để cho dân tộc ta bừng tỉnh, đứng dậy lập quốc đúng với những đòi hỏi của một dân tộc còn đang ở chặng đầu dựng nước. Mười Hai Sứ tiêu biểu cho sự khắc khoải, ôm ấp giấc mộng độc lập của dân tộc ta, nhưng giấc mộng ấy mới chỉ tượng hình chứ chưa có hướng đi nhất định, và sự loanh quanh đã làm cho dân tộc ta lầm than một phần tư thế kỷ, sau mới tiến tới được cái thế hợp quy.
...
Sự hợp quy này, chính là trọng điểm của lịch sử dân tộc, chỉ bao giờ nó thể hiện được thì lúc ấy dân tộc ta mới toàn thắng. Chiều dài lịch sử nước ta, vô cùng súc tích với những thăng trầm làm rung động lòng người.”