Phương Thức Amazon - 10 Nguyên Lý Internet Vạn Vật Thay Đổi Doanh Nghiệp Hiện Đại

Tác giả : John Rossman
  • Lượt đọc : 608
  • Kích thước : 0.57 MB
  • Số trang : 177
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 631
  • Số lượt xem : 3.027
  • Đọc trên điện thoại :
Có thể có một triệu hoặc vài triệu phương pháp nhưng nguyên lý lại rất ít ỏi. Người thấu hiểu các nguyên lý có thể tự lựa chọn những phương pháp thành công cho riêng mình. Người thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau mà quên đi các nguyên lý chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều vấn đề.

— Harrington Emerson, kỹ sư tối ưu hóa hiệu suất sản xuất, nhà lý thuyết kinh tế nổi tiếng

Rất có thể bạn mua cuốn sách này (rất cảm ơn bạn vì điều này) vì bạn đã đọc dòng tít ở đâu đó về việc Internet Vạn vật (Internet of Things – IoT) sẽ thay đổi doanh nghiệp và xã hội như thế nào. Hoặc đơn giản là bạn tò mò về Amazon, nhà bán lẻ hùng mạnh nhất thế giới hiện nay và cách công ty này tiếp cận các công nghệ cũng như những chiến lược cao cấp về IoT.

IoT đang trong giai đoạn sơ khởi, thực sự vẫn ở “Ngày đầu tiên” (Day 1). Các công ty lớn như Amazon, Microsoft, IBM, Google và General Electric đang cố gắng thiết lập vị trí chiến lược và nhanh chóng thâu tóm công nghệ này. Rất nhiều thiết bị đang được kết nối. Tuy có những thiết bị hữu dụng và đem lại giá trị cho người dùng nhưng cũng có nhiều thiết bị không được đón nhận hoặc không được triển khai tốt. Thực trạng này khiến tôi nhớ về những ngày đầu của thương mại điện tử, khi mà các website và công nghệ thế hệ đầu tiên vào cuối những năm 1990 là nguyên nhân chính châm ngòi cho bong bóng Internet.

Một loạt cơ hội và thách thức mà IoT tạo ra đã được ghi lại cũng như dự báo từ nhiều góc độ.

Đến năm 2020 sẽ có gần 20 tỷ thiết bị trên IoT, tại thời điểm đó các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ sẽ đạt doanh thu vượt mức 300 tỷ đô-la.1
Tiết kiệm được từ 4 đến 11.000 tỷ đô-la mỗi năm nhờ các năng lực mới vào năm 2025.2
“Ranh giới ngành sẽ được định nghĩa lại để làm cơ sở cho cạnh tranh, chuyển giao từ sản phẩm riêng lẻ sang các hệ thống sản phẩm.”3
Với các dữ liệu rõ ràng như vậy, IoT sẽ là một công nghệ và chiến lược kinh doanh làm thay đổi cuộc chơi hiện tại.

Tôi đã dành bốn năm để ra mắt sản phẩm và sau đó là vận hành mảng kinh doanh thương mại điện tử của Amazon Marketplace, một nền tảng cực kỳ thành công dành cho các nhà bán lẻ bên thứ ba. Tôi cũng từng điều hành mảng kinh doanh dịch vụ doanh nghiệp của Amazon (Amazon Enterprise Services). Những kinh nghiệm đó đã dạy tôi rằng điều quan trọng không phải là cơ hội lớn như thế nào mà là bạn tiếp cận nó ra sao.

Kể từ cuốn sách trước của tôi, The Amazon Way: 14 Leadership Principles Behind The World’s Most Disruptive Company (Phương thức Amazon: 14 nguyên tắc lãnh đạo của một công ty đột phá bậc nhất thế giới)*, được xuất bản vào năm 2014, tôi đã có cơ hội thảo luận với hàng trăm nhà lãnh đạo và các đội nhóm về đổi mới sáng tạo và những phương thức để đạt được nó. Tôi đã tìm hiểu về cách mà các công ty vĩ đại tạo ra sự thay đổi và cải tiến mang tính hệ thống cũng như những thất bại mà họ từng trải qua trên con đường chinh phục sự đổi mới và tăng trưởng.

* Cuốn sách được Alpha Books mua bản quyền và xuất bản năm 2018. (BTV)

Tôi cũng đã nói chuyện với các công ty thuộc nhiều lĩnh vực, với đủ loại mô hình kinh doanh, quy mô, hình thức sở hữu và sứ mệnh khác nhau, từ các công ty bảo hiểm, công ty cơ sở hạ tầng công nghệ cho tới các tổ chức phi lợi nhuận – tất cả đều nhìn Amazon với ánh mắt vừa ngưỡng mộ vừa sợ hãi.

Trong cuốn sách này, tôi xây dựng một lộ trình cụ thể mô tả cách các công ty và nhà lãnh đạo nên tiếp cận với cơ hội mang tính cách mạng này. Nhưng càng nghĩ sâu về nó, tôi càng nhận ra rằng việc đưa ra một hướng tiếp cận cụ thể là mù quáng. Ngay cả khi cách tiếp cận đó cực kỳ đúng đắn và phù hợp thì nó không chắc sẽ đem lại kết quả như mong đợi cho công ty bạn.

Tại sao vậy? Bởi vì các các phương pháp chỉ mang tính tình thế. Ở các công ty mà tôi đã có dịp trò chuyện, gần như không tồn tại các quy tắc chuẩn mực, nhưng có những động lực mạnh mẽ từ tinh thần lãnh đạo đã trở thành nền tảng cho các phương pháp tiếp cận của mỗi tổ chức. Những động lực đó đã ảnh hưởng lớn tới sự thành bại của một tổ chức.

Tuy nhiên, những triết lý lãnh đạo nền tảng làm nên các công ty này có thể ứng dụng được trong nhiều trường hợp. Chúng sẽ trường tồn với thời gian. Và quan trọng nhất, có một phương pháp rõ ràng, hiệu quả với các công ty – một tập hợp các nguyên lý phổ biến giúp các công ty đạt được thành công và giảm thiểu thất bại.

Các nguyên lý đều có tầm nhìn của nó. Các nguyên lý thích ứng với nhiều tình huống hơn và giúp đơn giản hóa vấn đề hơn. Nguyên lý có thể truyền cảm hứng. Nguyên lý mang tính bền vững.

XÂU CHUỖI CÁC ĐIỂM VỚI NHAU

Năm 2005, Steve Jobs đã có bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của trường Stanford. Ông chia sẻ rằng, trong cuộc sống, sự nghiệp và sở thích của một người là rất khác nhau và ngẫu nhiên; họ sẽ không thể lên kế hoạch một cách rõ ràng từ trước đó. Tuy nhiên, có những mối quan hệ khó nhận ra giữa những sở thích tưởng chừng không có điểm tương đồng của chúng ta với những trải nghiệm làm nên sự nghiệp.

“Bạn không thể kết nối các điểm khi nhìn về tương lai; bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại quá khứ. Do vậy, bạn hãy tin rằng các điểm mốc, bằng cách nào đó, sẽ kết nối với nhau trong tương lai. Bạn phải tin vào thứ gì đó – bản lĩnh, số mệnh, cuộc sống, nhân quả hay bất cứ điều gì khác.”4

Nhìn lại sự nghiệp của mình, tôi thấy rằng các điểm mốc đã kết nối ba niềm đam mê khác biệt: hiệu quả, hoặc tạo ra các quy trình mang lại chất lượng tốt hơn với chi phí thấp hơn; tích hợp thông qua các quy trình, dữ liệu, hệ thống và hệ sinh thái khác nhau để đem lại các năng lực thống nhất; và sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới cùng khả năng làm hài lòng khách hàng.

Những điểm mốc đó được bắt đầu với tấm bằng ngành kỹ sư công nghiệp, một ngành mà yêu cầu cốt lõi nhất là tính kỷ luật trong việc xây dựng các quy trình hiệu quả và sử dụng dữ liệu cho các quyết định về quản lý. Các điểm mốc này kết nối với 15 năm tôi làm việc trong lĩnh vực tích hợp hệ thống, thiết kế, kiểm thử và triển khai các dự án lớn. Tôi đã thực hiện các công việc này suốt 15 năm qua, tập trung vào đổi mới chiến lược và kỹ thuật số tại Amazon.com, tư vấn cho khách hàng tại Alvarez & Marsal.

Khi IoT xuất hiện và nhanh chóng phát triển, tôi đã đọc sách báo, nghe các cuộc phỏng vấn liên quan và suy nghĩ về quỹ đạo của IoT. Chẳng bao lâu tôi nhận ra rằng “các thiết bị kết nối” là một điểm giao thoa giữa ba niềm đam mê trong sự nghiệp của tôi: hiệu quả, tích hợp và các mô hình kinh doanh mới.

Cuốn sách này kết nối ba niềm đam mê đó để giúp bạn khám phá sức mạnh của IoT. Tôi sẽ trao cho bạn chiếc chìa khóa mở ra mười nguyên lý quan trọng nhất mà tôi đã trải nghiệm và học tập sau nhiều năm làm việc tại Amazon để triển khai IoT thành công.

CẤU TRÚC CUỐN SÁCH

Mặc dù không bắt buộc nhưng tôi vẫn khuyến khích các bạn đọc cuốn sách đầu tiên của tôi, Phương thức Amazon: 14 nguyên tắc lãnh đạo của một công ty đột phá bậc nhất thế giới mới được tái bản và cập nhật gần đây. Cuốn sách sẽ cung cấp những thông tin nền tảng hữu ích về Amazon và các nguyên tắc lãnh đạo đã thúc đẩy Amazon theo đuổi các cơ hội, ví dụ như IoT.

Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ cùng khám phá IoT qua mười nguyên lý. Các nguyên lý đó sẽ không giống với các nguyên lý lãnh đạo của Amazon như đã đề cập ở trên. Mỗi chương sẽ tập trung vào một nguyên lý giúp bạn tiến bước thành công vào kỷ nguyên IoT. Từng nguyên lý đều là những ý tưởng quan trọng, hoặc là cách làm mà tôi đã mày mò trong suốt nhiều năm làm việc tại Amazon và các công ty khác, cũng như theo dõi những cách thức họ làm, những sáng tạo thành công và các chiến lược IoT của họ.

Trong nguyên lý 1 và 2, chúng ta sẽ tìm hiểu về việc Amazon tập trung vào nỗi ám ảnh khách hàng và làm thế nào mà IoT trở thành công cụ chính để cải thiện trải nghiệm người dùng của Amazon. Trong nguyên lý số 3 và 4, chúng ta sẽ đào sâu tìm hiểu về quản trị xuất sắc thông qua IoT và bàn thêm về việc làm cách nào để sử dụng IoT vào việc quản lý các số liệu, phương trình và thuật toán trong công ty bạn. Trong nguyên lý số 5 và 6, chúng ta sẽ tìm hiểu phương thức để bắt đầu với IoT mà không phải mạo hiểm đặt cược quá nhiều và cách sử dụng sản phẩm hiện tại trong cuộc chơi nền tảng. Trong nguyên lý số 7 và 8, chúng ta sẽ khám phá các mô hình kinh doanh mới mà IoT tạo ra. Và trong nguyên lý số 9 và 10, chúng ta sẽ nói về cách xây dựng các chiến lược IoT đột phá trong ngành của bạn.

Kế hoạch mà tôi viết ở đây không phải là giải pháp cho bất kỳ công ty hay cá nhân nào. Để tạo ra ý nghĩa thực sự, bạn cần tự hỏi những nguyên lý này vận dụng như thế nào trong trường hợp của riêng bạn. Nhưng hy vọng tôi đã thành công trong việc biến các mảng kinh doanh liên quan tới IoT của Amazon (và một số đối thủ cạnh tranh của họ) thành một bộ nguyên lý hỗ trợ bạn khởi động hành trình của riêng mình. Tôi rất mong bạn có thể chia sẻ cho tôi biết hành trình đó diễn ra như thế nào sau khi đọc cuốn sách này.

Hãy bắt đầu bằng việc thảo luận IoT là gì và một vài mô hình đơn giản giúp nâng cao khả năng nhận diện và xây dựng chiến lược IoT thành công cho tổ chức của bạn.