Tiền Của Thế Giới

Tác giả : Nhiều Tác Giả
  • Lượt đọc : 414
  • Kích thước : 18.98 MB
  • Số trang : 85
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 1.048
  • Số lượt xem : 3.151
  • Đọc trên điện thoại :
Trên thế giới chẳng ai là không dùng đến tiền. Tiền ở mỗi nước có thể trông khác nhau, mang tên gọi và giá trị hoàn toàn khác nhau, nhưng tất cả đều có chức năng tiền tệ. Đấy là vì mỗi chính phủ sẽ quyết định loại tiền nào được dùng hợp pháp.

Chúng ta đều nhất trí
Tất cả những ai dùng tiền - nói cách khác là tất cả chúng ta - đều đồng ý với nhau những điểm sau:

Tiền là đơn vị tính giá trị tài sản.

Tiền có thể dùng đổi lấy thứ khác. Bạn có thể mua bán bằng tiền.

Tiền cũng là hàng hóa. Bạn có thể mua bán đô la hay bảng Anh y như mua bán cà phê.

Bạn có thể dùng tiền để thưởng, để tặng cho người khác, hoặc làm gì mình muốn…… nhưng mọi người đều công nhận rằng tiền có giá trị
Theo thời gian
Mọi người đều đồng ý về giá trị của tiền khi đi mua đồ. Nhìn chung, giá trị - hay sức mua - của một đồng xu hay một tờ tiền không thay đổi quá nhiều theo thời gian. Một đô la là một đô la, lượng hàng mua được nói chung là giống nhau từ ngày này sang ngày khác.

Dĩ nhiên, nếu ở đất nước đó xảy ra một sự kiện chấn động như chiến tranh chẳng hạn, giá trị của tiền xu và tiền giấy có thể thay đổi bất ngờ. Chẳng hạn nếu thức ăn khan hiếm, bạn mua một bao gạo sẽ mất nhiều tiền hơn trước. Nhưng không phải chỉ có thảm họa mới gây ra chuyện như thế!
Tin tưởng vào tiền
Chúng ta ai cũng có đồng tiền của mình. Và ta tin tưởng nó, dùng nó cũng như chấp nhận rằng nó có giá trị nhất định. Nhưng ta có tin và dùng đến tiền của người khác không? Mà tại sao cần làm thế?

Đấy là vì chúng ta có thể ở xa nhau tới hàng ngàn cây số, nhưng khi mua bán, nói chung mua ở nước nào thì phải trả bằng tiền nước ấy.

Mọi loại tiền đều là tiền của thế giới.
***
6.000 năm
Tiền của thế giới chẳng phải là chuyện mới. Bởi ngay cả thương mại cũng đã xưa như Trái Đất. Các nước đã buôn bán với nhau hàng ngàn năm, nghĩa là tiền đã được liên tục trao đổi khi các thương nhân đi khắp nơi mua bán hàng hóa.

Hàng đổi hàng
Đổi chác hàng với hàng là cách rất hiệu quả để hai người cùng có thứ mình muốn. Thật ngạc nhiên là hình thức hàng đổi hàng vẫn còn tồn tại rất lâu trong rất nhiều cộng đồng.

Kể từ thời định cư tại một vùng đất và bắt tay vào trồng trọt, người tiền sử đã nhận ra những thứ mình trồng thì có quá nhiều mà thứ không trồng lại có quá ít. Người ấy cần đổi sản phẩm thừa lấy những thứ mình cần nhưng không có. Vậy là người ấy đi ra chợ để giao dịch.



Giao dịch thương mại ban đầu chỉ có thế - đổi món hàng này lấy món hàng khác. Dĩ nhiên, cả người mua và người bán đều phải đồng ý về giá trị sản phẩm mỗi bên, và cả hai đều phải muốn thứ người kia có - một điều không phải lúc nào cũng dễ gặp.

Rộng hơn làng
Lúc đầu người ta chỉ trao đổi hàng với làng hay bộ lạc láng giềng, nhưng khi đồ làm ra nhiều hơn - cả hàng thiết yếu như đồ gốm hay vải vóc, và hàng xa xỉ như trang sức và rượu - thì các thương nhân đi mỗi lúc một xa hơn để trao đổi hàng hóa. Và khi thương mại phát triển và đổi chác dần trở nên phức tạp, người ta cần phải nghĩ ra cách nào hiệu quả hơn.



Tiền xu thế chỗ
Cuối cùng, tiền dưới dạng tiền xu - và sau này là tiền giấy - đã được đưa vào làm phương tiện trao đổi. Có nghĩa là mọi người chấp nhận coi tiền làm vật thay thế cho hàng hóa, và có giá trị riêng. Nói cách khác, đến lúc này hàng hóa đã có thể được đổi lấy, hay bán lấy tiền.



Tiền xu mang lại hòa bình
Thực ra, tiền xu đã được dùng đến từ lâu trước khi “hạ bệ” hàng đổi hàng. Tuy nhiên tiền ấy không được dùng để trao đổi buôn bán mà để xoa dịu kẻ thù. Động từ “trả tiền” trong nhiều thứ tiếng châu Âu (pay, payer, pagar, pagare v.v.) xuất phát từ tiếng Latinh pacare, có nghĩa gốc là bình định hay giảng hòa. Nếu một bộ lạc muốn dàn hòa với bộ lạc khác, họ phải “trả” cho hòa bình một đơn vị giá trị được cả hai bên chấp nhận.

Và những đồng xu đầu tiên là dùng cho mục đích này.