Tự Học Thổi Sáo Và Ngâm Thơ

Thể loại: Âm Nhạc
Tác giả : Tô Kiều Ngân
  • Lượt đọc : 8
  • Kích thước : 19.88 MB
  • Số trang : 110
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 110
  • Số lượt xem : 1.460
  • Đọc trên điện thoại :
Nếu muốn có một cao độ đạt tới độ u hoài thì cây sáo quả là một phương tiện giúp ta dễ dàng đạt tới nỗi u hoài đó, nhất là cây sáo Việt Nam. Tôi nói sáo Việt Nam vì rằng sáo phương Tây được chế tạo phức tạp, có rất nhiều bộ phận nhưng thổi lên ta không nghe thấy âm thanh u buồn, lả lướt như tiếng sáo Việt Nam. Phải chăng cây sáo Việt Nam, với cấu trúc giản dị thô sơ, đã phản ánh cái tâm hồn trầm lắng nhiều hoài cảm của một dân tộc mà lịch sử là một chuỗi đấu tranh gian khó, lâu dài với thiên nhiên, giặc ngoại xâm, đau buồn không ít, vinh quang cũng nhiều.

Tiếng sáo vắng lên là ta đã thấy nhớ nhà, nhớ người thân yêu, nhớ bờ tre đầu ngõ, nhớ bụi chuối sau vườn, nhớ những kỷ niệm mến thương, nhớ hồi đầm ấm tươi vui cũng như ngày khổ đau, nước mắt. Tiếng sáo gợi dậy thời thơ ấu, tiếng sáo vẽ nên những đêm trăng, tiếng sáo gọi hồn những mối tình dang dở, tiếng sáo làm ta gắn bó với quê hương. Dầu không được sử dụng bởi đôi tay của người nhạc sĩ lành nghề, tiếng sáo của những buổi trưa hè vẳng lên từ khoảng đồng không lộng gió, nghe sao vẫn véo von gợi buồn man mác mơ hồ. Tiếng sáo khởi lên từ đâu không ai biết. Người nào thổi ta cũng không hay. Có thể là một chàng nông dân, dưới bóng mát gốc cây hay một chú mục đồng trên mình trâu đang thả điệu véo von theo từng mây lơ lửng. Cái hồn sầu Đông Á hắt hiu nhưng dễ dàng cất lên từ những chiếc sáo tre, sáo trúc của Việt Nam, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản hay của những thổ dân hải đảo ven biển Thái Bình Dương mà sáo Tây phương không thể thực hiện được.

Người ngư phủ chèo thuyền trên sông, ven bờ lau sậy mọc đầy, với tay bứt một ống sậy, khoét sáo lỗ là có ngay một ống sáo để hòa điệu với tiếng nước chảy, chim kêu. Người tiều phu vào rừng, cắt một ống trúc, khoét sáo lỗ là đã thổi lên được âm thanh giống như hồi âm của suối reo, lá hát và ngàn muôn tiếng vọng của rừng thiêng. Người thổi sáo đã đi vào lòng tạo vật, diễn tả thiên nhiên cũng như nói lên lòng mình qua nhạc cụ thô sơ ; lòng mình thì sâu kín, rối rắm tơ vò những cây sáo chỉ có sáu lỗ mà tài tình làm sao, nghe như khóc như than, khi thì như phượng hoàng xoè cánh đùa giỡn trong đêm trăng, như mưa khuya thánh thót, như chim hót, như gió lùa, như tiếng thủ thỉ ân tình, mật rót vào tai, như nỗi lòng ai dàn trải trong không gian, gởi về muôn hướng. Thật vậy, không có âm thanh của nhạc cụ nào lại vang xa, càng xa càng trong vắt, càng mơ hồ như tiếng sáo. Người chơi đàn, rung nắn phím tơ bằng gân tay. Người thổi sáo ngoài mười ngón tay ra, còn dùng hơi thở của mình để tạo nên âm thanh. Tiếng sáo gắn với tiếng người, nó đích thực là tiếng lòng. Hơi thở thổi vào lòng trúc, đôi tay uốn nắn hơi thở ấy để phát ra âm thanh của sự sống.

Tiếng sáo còn tồn tại với văn chương, sách sử đó là tiếng sáo của Trương Lương trên núi Cối Kê đã làm xiêu lòng tám nghìn quân Hạng Võ, là tiếng sáo rợ Khương hoang dã hắt hiu, là tiếng sáo trúc của Cao Tiệm Ly não nùng bên bờ Dịch Thủy, là khúc Lạc Mai Hoa trong thơ Lý Bạch, tiếng sáo nổi lên đủ cho hoa mai buồn bã mà rụng xuống đầy sân...

Trở lại với quê hương Việt Nam, tiếng sáo là âm thanh thân thiết, gần gũi nhất với tâm hồn người Việt. Không ai nghe tiếng sáo mà không bồi hồi. Chơi sáo không mất nhiều tiền, cũng không cồng kềnh bất tiện. Bất cứ ở đầu, bên đồng, trong rừng, trên bãi biển, trong khách thính, chỉ cần nâng sáo lên là đủ hấp dẫn người nghe.

Thổi sáo dễ nhưng thổi cho hay là một nghệ thuật. Có người có tài trời cho nhưng thiên tài nhiều lúc chỉ là kết quả của lòng kiên nhẫn, luyện lập mà nên. Bạn cứ thổi đi, chịu khó luyện tập, đặt hết lòng say mê vào đó, bạn sẽ thành công, điều đó không có gì lạ cả.