Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về Vai Trò Lãnh Đạo Và Sức Chiến Đấu Của Đảng Trong Điều Kiện Đảng Cầm Quyền

Thể loại: Chính Trị
Tác giả : Lê Văn Lý
  • Lượt đọc : 62
  • Kích thước : 5.27 MB
  • Số trang : 272
  • Đăng lúc : 9 tháng trước
  • Số lượt tải : 40
  • Số lượt xem : 342
  • Đọc trên điện thoại :
"Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại". Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta, đã và đang soi đường cho cách mạng Việt Nam phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh từng bước được hình thành, phát triển trải qua nhiều thời kỳ. Ngay từ khi hình thành về cơ bản, tư tưởng Hồ Chí Minh đã đóng vai trò quyết định trong việc thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Tư tưởng đó được Người thể hiện trọng Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng.

Từ đó, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng được bổ sung, phát triển và cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2- 1951) khẳng định: đường lối, tác phong và đạo đức của Hồ Chí Minh là đường lối chính trị, nền nếp làm việc và đạo đức cách mạng của Đảng, trong Đảng phải ra sức học tập đường lối, tác phong và đạo đức Hồ Chí Minh. Năm 1960, Đảng ta lại đặt vấn đề đẩy mạnh việc học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong Hồ Chí Minh. Nội dung này được nhắc lại nhiều lần và được đưa vào Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3-1982): toàn Đảng phải học tập một cách hệ thống tư tưởng, đạo đức và tác phong của Hồ Chí Minh. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6-1991), Đảng ta xác định: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động".

Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm toàn bộ những di sản quý giá, trong đó có một nội dung trọng yếu là tư tưởng về đảng và xây dựng đảng cộng sản cầm quyền. Cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện đảng cầm quyền là kết quả của đề tài khoa học mang mã số KHXH 05.01 là một trong bảy đề tài thuộc Chương trình khoa học cấp Nhà nước: "Tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện nền kinh tế nhiều thành phần với cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" mã số: KHXH 05.

Mục tiêu nghiên cứu của cuốn sách là: Thứ nhất, hệ thống, khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện đảng cầm quyền.

Thứ hai, khẳng định một số nội dung xây dựng đảng được Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về đảng cộng sản cầm quyền ở nước ta.

Thứ ba, đề xuất những giải pháp cơ bản để quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm phát huy vai trò lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng ta trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Các tác giả đã cố gắng kế thừa những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về vấn đề này trong những năm trước đây, đồng thời đi sâu vào một số vấn đề, nhất là những vấn đề liên quan đến việc thực hiện mục tiêu thứ hai và mục tiêu thứ ba.

Sau một thời gian tiến hành nghiên cứu, chúng tôi đã sưu tầm, khai thác tài liệu, trao đổi, tham khảo ý kiến các cán bộ lão thành cách mạng, các chuyên gia, các đồng chí cán bộ lãnh đạo và tiến hành hội thảo khoa học. Càng đi sâu nghiên cứu, chúng tôi càng thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và xây dựng Đảng có nội dung rất toàn diện, phong phú, sâu sắc. Còn nhiều vấn đề chưa thể hiểu hết và kết luận được, nhất là khi khẳng định cụ thể những vấn đề nào Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là những vấn đề còn những ý kiến khác nhau.

Tuy đã cố gắng, nhưng những vấn đề mà chúng tôi nghiên cứu mới đạt kết quả bước đầu, do vậy còn nhiều hạn chế. Chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đồng chí lão thành cách mạng, các cán bộ khoa học, các đồng chí lãnh đạo cùng đông đảo bạn đọc.