Xây Dựng Nhà Nước Pháp Quyền Dưới Sự Lãnh Đạo Của Đảng

Thể loại: Chính Trị
Tác giả : Nguyễn Văn Thảo
  • Lượt đọc : 1
  • Kích thước : 24.58 MB
  • Số trang : 532
  • Đăng lúc : 8 tháng trước
  • Số lượt tải : 28
  • Số lượt xem : 312
  • Đọc trên điện thoại :
Cuốn sách này được biên soạn trên cơ sở tập hợp các bài viết trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1989 đến năm 2005) về vấn để xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta.

Hầu hết các bài viết được thực hiện cho chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước hoặc cấp bộ do Bộ Khoa học đặt vào chương trình nghiên cứu. Một số bài viết theo yêu cầu của các hội thảo khoa học, các tạp chí như Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Dân chủ pháp luật...

Do các bài viết rải ra trong hơn một thập kỷ nên để tôn trọng những vấn đề mang tính lịch sử ở thời điểm mà tôi viết, khi tập hợp thành cuốn sách này, tôi giữ nguyên, không thêm bớt, sửa đổi nội dung, lời văn, từ ngữ, các khuyến nghị.

Khi viết mỗi bài vào từng thời điểm, tôi phải theo yêu cầu riêng của cơ quan đặt bài. Nay nhìn lại, xếp vào một cuốn sách chung không tránh khỏi sự trùng lặp giữa các bài, về cách nhìn vấn đề, về nội dung, cách thể hiện.

Những phần trùng lặp như thế, tôi cắt bỏ từng đoạn hoặc tổng hợp vài bài thành một bài, làm cho cuốn sách không quá dài, không trùng lẫn với nhau.

Các khuyến nghị ghi ở mỗi bài gồm hai loại, một loại thuộc các khuyến nghị cụ thể, một loại thuộc các khuyến nghị về xây dựng các nhận thức, ý niệm, nguyên tắc, quan điểm mới cho cách tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước.

Một số khuyến nghị đã được chấp nhận ghi vào Hiến pháp 1992 hoặc luật, pháp lệnh như tập trung quyền lập pháp cho Quốc hội, quyền lập quy cho Chính phủ, phân rõ ranh giới lập pháp, lập quy, nhanh chóng ban hành Luật về văn bản quy phạm pháp luật, ban hành quy chế công chức, phân biệt công chức, viên chức, công nhân trong khu vực nhà nước, thiết lập Toà kinh tế, Toà hành chính, thay chế độ Thảm phản bầu bằng chế độ bổ nhiệm, thành lập Trung tâm đào tạo Thẩm phán...

Một số khuyến nghị chưa được chấp nhận như đề nghị lập Toà án khu vực thay cho Toà án cấp huyện; lập Toà án Hiến pháp hoặc cơ quan bảo vệ Hiến pháp thuộc Quốc hội; thực hiện chế độ bổ nhiệm Chủ tịch hành chính tỉnh, huyện; chế độ bầu cử trực tiếp của dân đối với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã; phân biệt rõ ràng, rành mạch nội dung và cách thức quản lý của chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn; định lại vị trí và đổi tên Viện kiểm sát thành Viện công tố; lập Toà án vị thành niên...

Các khuyến nghị dù viết đã lâu, nhưng cho đến nay vẫn còn tâm niệm nên tôi cố gắng giữ nguyên để bạn đọc tham khảo.

Cuốn sách được ấn hành vào dịp Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành tư pháp, thật là một dịp may mắn cho tôi. Bằng cuốn sách này, tôi xin bày tỏ tấm lòng biết ơn ngành tư pháp, nơi mà tôi đã được làm việc, cống hiến gần trọn cuộc đời công tác của mình. Đây cũng là dịp tôi xin được bày tỏ sự mong mỏi về sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của ngành, của nền tư pháp hiện đại, dân chủ, phù hợp với đường lối xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo ngày càng đổi mới của Đảng ta.

Rất mong nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.

Tháng 12/2005
LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN THẢO