Bà Chúa Chè

  • Lượt đọc : 331
  • Kích thước : 0.33 MB
  • Số trang : 68
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 242
  • Số lượt xem : 2.099
  • Đọc trên điện thoại :
Bà Chúa Chè viết về cuộc đời của tuyên phi Đặng Thị Huệ và bối cảnh đất nước thế kỉ 18. Những biến cố, những cuộc ganh đua quyền bính. Dưới góc nhìn của nhà văn Nguyễn Triệu Luật, hình ảnh của Đặng Thị Huệ hiện lên khác hẳn với rất nhiều tác phẩm đương thời.

Trong lịch sử nước ta, Tuyên phi Đặng Thị Huệ là một trong những nhân vật nữ không những được người đời sau, mà cả người đương thời cũng bình phẩm, đánh giá trái chiều nhau nhiều nhất, chắc chắn còn hơn cả nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Đó là bởi cuộc đời người đẹp này không chỉ gắn với số phận một danh thần, danh nhân như Nguyễn Trãi mà gắn với thăng trầm của phủ Chúa, cũng tức là gắn với thịnh suy một giai đoạn lịch sử của đất nước ở thế kỷ XVIII. Vì vậy trong văn học Việt Nam, Tuyên phi từ lâu đã trở thành hình tượng nhân vật không ngừng được nhuận sắc, gia công. Dưới bút của nhiếu tác giả khác nhau, nhân vật Đặng Thị Huệ ngưng tụ cảm ngộ khác nhau về đời người và về thời đại mà họ mong muốn biểu đạt bằng trí óc và con tim của mình.

Trong số những nhà văn viết về Đặng Thị Huệ, Nguyễn Triệu Luật là người viết sớm nhất qua tiểu thuyết Bà chúa Chè, xuất bản năm 1938.

Thông thường, trong sáng tác văn học và phê bình văn học về đề tài lịch sử, vấn đề chân thực lịch sử thường được nhắc tới nhiều nhất.

Bà chúa Chè không có lịch sử nguyên sinh để mà dựa, tác giả đã dựa vào hai nguồn chính là lịch sử để lại và lịch sử thuật kể. Đọc Bà chúa Chè, chúng ta thấy tác giả đã tận dụng được truyền thuyết dân gian về Tuyên phi, ý kiến đánh giá về bà được truyền lại từ người làng Bịu ở Kinh Bắc v.v…., nhưng chủ yếu là từ lịch sử thuật kể: Hoàng Lê nhất thống chí mà bản dịch tiếng Việt có từ năm 1912 do Cát Thành dịch. Chúng tôi thử so sánh một vài chương giữa đôi bên.

Tác giả sáng tác Bà chúa Chè ngoài dựng lại cuộc đời vui ít khổ nhiều của cô gái tài sắc một thời, của một Tuyên phi “quyền nghiêng thiên hạ” làm đảo lộn cả phủ Chúa ra, dường như tác giả còn muốn bày tỏ triết lý: khôn ngoan, mưu mẹo đến mấy để thỏa mãn dục vọng thì kết quả rồi cũng bằng không. Tác giả đã lẩy ra những sự kiện chính liên quan trực tiêp đến mục tiêu sáng tác ở Hoàng Lê nhất thống chí để làm khung, phần nào còn thiếu là chỗ để cho tác giả vận dụng kiến thức lịch sử và sức tưởng tượng của mình.

Ở đây, đoạn còn thiếu là đoạn đời của Đặng Thị Huệ trước khi vào phủ chúa và tác giả đã dành trọn chương I để thể hiện. Chính chương mở đầu này đã làm khởi sắc cả năm chương sau, khiến ai đã đọc hẳn không thể dừng lại. Ở chương này có sự nhào trộn khá hài hòa khéo léo giữa bút pháp của tiểu thuyết mới đương thời với cách viết của tiểu thuyết cổ điển truyền thống. Khung cảnh làng quê với cánh đồng chiêm ngút ngàn, với chợ, với cầu, với gánh bún riêu, với các cô thôn nữ hái chè yếm nhiễu đỏ, váy sồi thâm tươi xinh như nụ hoa hàm tiếu …khiến người đọc liên tưởng tới cách viết về nông thôn của tiểu thuyết mới hồi ấy. Còn ngày tháng, địa danh, nhân danh chính xác trong truyện lại cho thấy tác giả muốn làm bạn đọc tin rằng những gì mình viết là có thật như tiểu thuyết chữ Hán ở ta thường làm. Câu, chữ Hán sử dụng trong tự sự và đối thoại giữa các nhân vật ở chương này (cũng những chương sau), cũng là điều thường thấy trong các gia đình Hán học đầu thế kỷ XX, có tác dụng gây không khí cổ xưa khớp với thời quá khứ thịnh hành Hán học mà truyện phản ánh. Điều này cho thấy tác giả hiểu biết sâu rộng về cả hai phương diện Tây học và Hán học, vì vậy thỉnh thoảng kiến thức phong phú về cả hai phương diện nói trên lại vuột ra khỏi sức kìm nén của tác giả để trào ra trên trang truyện. Mặc dù không một tư liệu nào cho biết Huệ là con cái nhà ai, nhưng từ ghi chép “Việc gì chúa cũng bàn với nàng” của một vài bản Hoàng Lê nhất thống chí trong tổng số 16 dị bản, tác giả cho Huệ là con cụ đồ cũng hợp lý bởi việc chúa đem bàn chắc hẳn không phải việc nhỏ mọn thường ngày mà là những việc có tầm quan trọng nhất định, nguời dự bàn được ắt phải là người có học thức.

Chương II viết về cuộc tranh giành lòng sủng ái của chúa Trịnh Sâm, cũng là tranh giành ngôi thứ của ba bà phi Ngọc Hoan, Ngọc Khoan và Trần Thị Lộc. Tâm trạng, mưu toan, tính toán do ghen tuông, do dục vọng của đàn bà đưọc tác giả thể hiện khá trọn vẹn cả tình lẫn lý ở chương này. Trong chương này, nhân vật chính Dương Ngọc Hoan được tác giả kể từ năm 16 tuổi nàng vào Lượng phủ, được sủng ái hơn ba năm thì bị cô gái quê làng Ném Đông tuy đã 20 tuổi nhưng vẫn sắc nước hương trời là Trần Thị Lộc chiếm mất chỗ. Hoạn quan Khê Trung hầu thương Ngọc Hoan như con gái vì nàng bản tính mềm mại, thùy mị. Ông bàn với nàng tìm người hầu xinh đẹp là Ngọc Khoan, cho Ngọc Khoan lọt mắt chúa, thế là chúa bỏ quên Thị Lộc. Cái kế “lấy sắc chữa bệnh háo sắc” của Khê Trung chỉ đạt mức “không được ăn thì đạp đổ” cho bõ tức, Ngọc Hoan vẫn bị chúa bỏ quên cả năm trời, vì thế khi gặp dịp chúa chỉ truyền miệng đòi Ngọc Khoan lên hầu, Khê Trung đã “đới tội lập công” bằng cách giả vờ nghe lầm, đưa Ngọc Hoan lên thay. Ba đêm liền như thế, nàng có thai, sinh được con trai là Tông, nhưng chúa vẫn không muốn nhận là con đích. Sau đó Ngọc Hoan lại bị rơi vào quên lãng.

Sự việc diễn ra không đầy một trang dịch trong Hoàng Lê nhất thống chí đã được tác giả thêm da đắp thịt thành một chương đầy đặn và sinh động, nhưng chi tiết chính thì đã đổi khác. Ở Hoàng Lê nhất thống chí, Dương Ngọc Hoan quê Long Phúc, nhờ chị gái là cung tần của Trịnh Doanh (cha Trịnh Sâm) mà được kén vào làm cung tần của chúa, “nhưng từ sau khi vào cung. nàng vẫn ngày đêm sống cô quạnh”. Nàng kể giấc mơ được thần cho tấm đoạn vẽ đầu rồng với Khê Trung, hoạn quan này biết chắc là điềm sinh con trai nên giả vờ nghe lầm “Khoan” thành “Hoan” mà tác thành cho nàng, “trải qua một trận mưa móc liền có thai ngay”. “Chúa tự nghĩ đầu rồng tuy có khí tượng làm vua nhưng là rồng vẽ, lại chỉ có đầu không có đuôi, như vậy chưa hẳn là điềm tốt cả. Vả lại ở triều trước, Trịnh Cối, Trịnh Lệ cũng do người Long Phúc đẻ ra và đều mưu sự phản nghịch mà không thành. Do đó chúa có ý không vui”.

Chương III dành kể cái gan dám đường đột dâng hoa cho chúa Trịnh Sâm của Đặng Thị Huệ để từ người hầu của tiệp dư Trần Thị Lộc trở thành vợ yêu của chúa. Bà tiệp dư đã ngoại tam tuần vẫn còn hi vọng thả người hầu xinh đẹp của mình để “câu lại tấm lòng luyến ái của đấng quân vương”, kết quả vẫn là đi theo vết xe đổ của Ngọc Hoan. Ở chương này, đoạn viết về buổi uống trà sáng sớm của chúa được miêu tả rất hay, để lại ấn tượng sâu sắc, thú vị cho bạn đọc mà người đi trước đã bình luận rồi. Còn một đoạn nữa, mặc dù tham khảo sách Tàu để liệt kê 24 thì ứng với 24 ngọn gió làm nở 24 thứ hoa phần nào lạc ra khỏi mạch truyện, song theo tôi cũng làm sáng tỏ cái lệ mỗi sáng thị nữ dâng hoa lên chúa.

Nối tiếp là chương IV : Mưa móc tẩm nhuần và hệ quả tất yếu là chương V : Giữ Cán bỏ Tông rồi kết thúc bằng chương VI : Huy quận với Tuyên phi. Những chương này ngoài việc theo sát những sự kiện chính trong Hoàng Lê nhất thống chí ra, đều có viết thêm và sửa đổi.