Boomerang – Bong Bóng Kinh Tế Và Làn Sóng Vỡ Nợ Quốc Gia

Thể loại: Kinh Tế – Quản Lý
Tác giả : Michael Lewis
  • Lượt đọc : 911
  • Kích thước : 1.09 MB
  • Số trang : 164
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 921
  • Số lượt xem : 4.645
  • Đọc trên điện thoại :
Có nhiều người nghĩ rằng “nước Mỹ mạnh đến nỗi Tổng thống Mỹ đôi khi cũng quan trọng như Tổng thống họ”, điều đó liệu có đúng không? Và tại sao họ lại có những sự so sánh như vậy? “Boomerang – Bong bóng kinh tế và làn sóng vỡ nợ quốc gia” – cuốn sách này sẽ cho bạn câu trả lời xác đáng nhất về điều đó.

Cuốn Boomerang – Bong bóng kinh tế và làn sóng vỡ nợ quốc gia của Michael Lewis bắt đầu với một bản điều tra về những bong bóng vượt ra ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Nó tuyệt vời và bi hài đến mức các độc giả người Mỹ khi đọc sẽ thốt lên một cách thoải mái và tự mãn rằng: ồ, những người ngoại quốc này thật ngu ngốc. Nhưng ngay sau đó, khi Lewis chuyển ánh nhìn không khoan nhượng về California và Washington, họ sẽ biết rằng sự hài hước chỉ là một miếng mồi dẫn họ đến một cái bẫy để họ hiểu được rằng những khoản nợ của quốc gia là con nợ lớn nhất và tham lam nhất thế giới này sắp đến hạn thanh toán.

Với giọng văn hài hước, lối hành văn súc tích, mạch lạc, dẫn chứng rõ ràng của Michael Lewis đây sẽ là cuốn sách gối đầu giường tuyệt vời cho những ai yêu thích thể loại sách kinh tế.

Phi vụ ăn non lớn nhất

Ý tưởng viết cuốn sách này đến với tôi một cách tình cờ, khi tôi đang viết dở một cuốn sách khác về Phố Wall và cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008. Lúc đó, tôi đang quan tâm tới một nhóm nhỏ các nhà đầu tư vừa kiếm được bạc tỉ từ sự sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn. Quay trở lại năm 2004, các ngân hàng đầu tư lớn Phố Wall đã tạo ra một thứ vũ khí tự sát: dịch vụ bảo hiểm nợ xấu đối với các trái phiếu thế chấp dưới chuẩn. Dịch vụ này cho phép nhà đầu tư đánh cược giá trị của bất kỳ loại trái phiếu nào – để “ăn non”. Đây thực ra là một hình thức bảo hiểm song có chút biến tướng: người mua không cần phải là chủ sở hữu của món tài sản được bảo hiểm. Xét về mặt pháp lý, các công ty bảo hiểm không được phép bán cho bạn bảo hiểm hỏa hoạn trên ngôi nhà của người khác, ấy thế mà các thị trường tài chính lại có thể làm được điều đó, và họ sẵn lòng bán cho bạn bảo hiểm vỡ nợ trên các khoản đầu tư của người khác. Hàng trăm nhà đầu tư đã lao vào thị trường bảo hiểm nợ xấu – nhiều người đã nghĩ, hoặc chí ít là chợt nghĩ, rằng bong bóng nhà đất vốn đang trương phồng bởi nợ của Mỹ sẽ không tồn tại được lâu – nhưng chỉ có khoảng 15 nhà đầu tư đặt hết niềm tin vào đó, và đặt những khoản cược khổng lồ rằng nền tài chính Mỹ sẽ ra tro. Phần lớn trong số họ đang điều hành các quỹ đầu cơ ở London hay New York; và thường thì họ đều muốn tránh né báo giới. Nhưng về chủ đề này, vào lúc này, họ lại cởi mở một cách đáng ngạc nhiên. Tất cả đều từng trải qua cảm giác cô lập đến kỳ lạ của một con người tỉnh táo sống trong một thế giới điên rồ, và, khi kể về trải nghiệm đó, họ kể theo giọng kể của một người từng đơn độc ngồi lặng im trên một con thuyền nhỏ mà trông con tàu khổng lồ Titanic chìm dần dưới lớp băng.

Một vài người trong số họ có bản tính không hề phù hợp với sự tách biệt và im lặng, trong đó có vị quản lý của một quỹ đầu cơ có tên Hayman Capital ở Dallas, Texas. Tên anh là Kyle Bass. Bass là người gốc Texas, khi đó đã gần 40 tuổi. Những năm đầu sự nghiệp – trong đó có 7 năm với Bear Stearns – Bass đi bán trái phiếu cho các công ty ở Phố Wall. Cuối 2006, anh dùng một nửa trong số 10 triệu đô-la tiết kiệm được trong thời gian làm việc tại Phố Wall cùng với 500 triệu đô-la quyên góp từ những người khác để lập ra một quỹ đầu cơ riêng, và đặt một canh bạc lớn cho sự sụp đổ của thị trường thế chấp trái phiếu dưới chuẩn. Sau đó, anh bay tới New York để cảnh báo cho những người bạn cũ biết rằng họ đang đứng ở sai phía trong rất nhiều vụ cá cược ngu ngốc. Những nhà buôn của Bear Stearns không mảy may ngó ngàng tới điều anh nói. Một người trong số họ bảo Bass: “Anh hãy cứ lo cho việc quản lý rủi ro của mình, còn tôi sẽ tự lo việc của chúng tôi”. Cuối năm 2008, khi tôi tới Dallas thăm Bass, thị trường thế chấp trái phiếu dưới chuẩn đã sụp đổ, kéo theo cả Bear Stearns. Lúc này, Bass đã giàu có và thậm chí còn có chút tiếng tăm trong giới đầu tư, nhưng anh không còn quan tâm tới đống trái phiếu thế chấp dưới chuẩn đổ nát nữa. Sau khi đã thu lợi nhuận về, giờ đây anh lại toàn tâm toàn ý với một sở thích mới: các chính phủ. Lúc này, chính phủ Mỹ còn đang tối mặt đón nhận những khoản cho vay dưới chuẩn của Bear Stearns và các ngân hàng khác ở Phố Wall. Cuối cùng thì Cục Dự Trữ Liên Bang, theo hình thức này hay hình thức khác, sẽ là nơi tiêu thụ đống rủi ro đó cùng với ngót 2 nghìn tỷ chứng khoán bấp bênh. Những hành động này của họ cũng tương tự hành động của các chính phủ thuộc các quốc gia giàu có, phát triển khác: các khoản nợ xấu do những nhà tài phiệt lương cao bổng hậu của khu vực tư nhân tạo ra sẽ gặm nhấm vào các ngân khố quốc gia và ngân hàng trung ương.

Kyle Bass cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính chưa tới hồi kết, thực ra nó chỉ đơn giản là được che đậy bằng niềm tin tuyệt đối cũng như uy tín của các chính phủ phương Tây giàu có. Tôi đã dành nguyên một ngày ngồi lắng nghe anh và các đồng nghiệp bàn luận sôi nổi về hệ quả của nó. Họ không còn nói về sự sụp đổ của một vài loại trái phiếu đơn lẻ nữa. Họ nói về sự sụp đổ của các quốc gia.