Lãng Du Trong Văn Hóa Việt Nam

Tác giả : Hữu Ngọc
  • Lượt đọc : 214
  • Kích thước : 14.35 MB
  • Số trang : 1084
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 678
  • Số lượt xem : 3.696
  • Đọc trên điện thoại :
Cuốn sách có độ dày 1.030 trang (in khổ lớp 15 x 22,7), nó giống như một “bách khoa toàn thư” thu nhỏ, một cẩm nang văn hóa Việt Nam tiện lợi và bổ ích không chỉ cho bạn bè quốc tế muốn hiểu văn hóa Việt Nam mà còn tối cần thiết cho chính mỗi người Việt Nam chúng ta nếu muốn hiểu rõ cội nguồn, truyền thống và tương lai văn hóa dân tộc.

Trước khi “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” với vai trò là “sứ giả văn hóa”, Hữu Ngọc đã chu du tới các nền văn hóa lớn như Pháp, Mỹ và các nước Bắc Âu. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Hữu Ngọc là người Việt Nam, nhưng ông cũng là công dân của cả một thế giới rộng lớn. Ông kết hợp và tận dụng được cùng một lúc hai “nguồn lực” đó (vài nét về Hữu Ngọc - Lời đầu sách).


“Lãng du trong văn hóa Việt Nam” không phải là một công trình nghiên cứu văn hóa theo lối hàn lâm, cũng không phải là một cuốn sách chuyên khảo dạng chuyên đề mà có thể coi như là một tập bút ký hoành tráng với tổng số 357 bài (mỗi bài chỉ khoảng 2,5 trang và ngót 1.000 chữ).

Cuốn sách được cấu tạo bởi 3 mảng lớn: Đất Việt (103 bài), Lịch sử - Truyền thống (150 bài) và Văn hóa - Bản sắc dân tộc - Văn học - Nghệ thuật (122 bài). Một cuốn sách đồ sộ, “nặng ký”, nhưng đọc không mệt, không chán vì lối viết của Hữu Ngọc vốn “chữ ít nghĩa nhiều”, nói một cách khác là chữ ít nhưng lượng thông tin nhiều.

Thật không quá lời và có lẽ cũng không làm nhà văn hóa, “sứ giả văn hóa” Hữu Ngọc tự ái khi Trần Đăng Khoa nhận xét đây là kiểu “văn chương điện tín. Mỗi chữ là một thông tin”. Đúng là một cuộc lãng du chữ nghĩa trong thế giới văn hóa Việt Nam qua bàn tay nghệ nhân Hữu Ngọc với những “bí kíp” tuyệt chiêu. Bạn bè quốc tế và cả người Việt Nam sẽ làm một cuộc lãng du trên một đất nước có hàng nghìn năm lịch sử, có bề dày văn hóa như Việt Nam.

Đặc sắc nhất của “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” của Hữu Ngọc, theo tôi, tập trung rõ nhất ở phần thứ ba cuốn sách với tựa đề: Văn hóa - Bản sắc dân tộc - Văn học - Nghệ thuật.

Như chúng ta biết, văn học nghệ thuật là bộ phận quan trọng của văn hóa, qua văn học nghệ thuật mà người ta nhìn thấu và cảm thức được văn hóa của một dân tộc khác. Mặt khác giao lưu văn hóa của nhân loại cũng có nhiều cách thức, con đường khác nhau nhưng qua và nhờ văn học nghệ thuật là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất (chẳng hạn mấy chục năm đầu thế kỷ XX người Việt Nam đã hiểu được thần thái văn hóa Pháp qua Victor Hugo).

Trong phần quan trọng này, khi bàn về bản sắc văn hóa dân tộc nếu chú ý chúng ta thấy Hữu Ngọc đã tiến hành phương pháp so sánh A với B để thấy rõ A hơn.

Vì thế không có gì lạ Hữu Ngọc đã viết một loạt để so sánh, để tìm ra cái giống cũng như cái khác của văn hóa Việt Nam so với thế giới: Giao lưu văn hóa Đông Tây, Cái nhìn của hôm nay, Giao thoa văn hóa Đông Tây, Kết hợp những giá trị văn hóa Đông Tây, Gặp gỡ văn hóa phương Tây, Sợi dây vô hình Đông Tây, Giao thoa văn hóa...

Một cách đặt vấn đề như thế là khoa học và nhân văn bởi vì Việt Nam đang trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, chúng ta không thể đóng cửa để tự mình “mẹ hát con khen hay” hoặc hơn thế “ta là ta mà cứ mê ta” mãi được. Từ cuối thế kỷ XX và đặc biệt ở thế kỷ XXI này, mỗi cư dân trên trái đất này đều thấm nhuần một sự thật giản dị “Trái đất là ngôi nhà chung của thế giới”. Cả nhân loại đã hát chung bài Chúc mừng năm mới, đã cùng đón Lễ Giáng sinh, Lễ tình yêu...

Hữu Ngọc trong công trình “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” cũng đã bộc lộ một thái độ khoa học trung thực khi một mặt đề cao “tính cộng đồng của người Việt” như một nét trội trong tính cách, bản sắc dân tộc nhưng mặt khác cũng đặt vấn đề nghiêm túc “tất cả mọi truyền thống đều là thay đổi”.

Đi sâu vào vấn đề này tác giả đã có sự kiến giải khá thuyết phục: “Làm thế nào để có thể bảo tồn được truyền thống dân tộc trong bối cảnh một nền văn hóa toàn cầu viễn thông tin học có khuynh hướng phá vỡ các đặc điểm dân tộc? Phải chăng phải bám một cách máy móc vào những giá trị cũ, coi như bất di bất dịch hay chỉ cần giữ cái cốt, cái tinh túy, mà biến đổi theo hơi thở của nhịp sống”.

Trên tinh thần này toàn bộ 357 bài viết của Hữu Ngọc trong “Lãng du văn hóa Việt Nam” đã làm phát lộ được “hơi thở của nhịp sống” văn hóa Việt Nam. Ai đó nhận xét đúng về cách viết về văn hóa của Hữu Ngọc là “ròng ròng sự sống” mà vẫn uyên thâm, uyên bác.

Khi bàn về bản sắc văn hóa dân tộc Hữu Ngọc cũng đã đứng trên lập trường khoa học biện chứng để bàn tới vấn đề “tiếp biến văn hóa”. Theo cách lý giải của tác giả, trong quan niệm hiện nay “đối thoại văn hóa” là một phương thức tiếp biến văn hóa.

Đã có một thời gian khá dài chúng ta diễn trò “độc thoại” trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Đã đến lúc, do hoàn cảnh lịch sử “thiên thời địa lợi nhân hòa”, sự giao lưu văn hóa của Việt Nam với thế giới đã rộng mở và chính giao lưu tạo ra hiện tượng tiếp biến (tiếp thu và cải tiến) văn hóa.

Đọc “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” thấy thêm một Hữu Ngọc nhạy cảm và tinh tế khi bàn về văn học nghệ thuật. Những bài viết của ông về lĩnh vực này vừa thể hiện một Hữu Ngọc - nhà nghiên cứu vừa thể hiện một Hữu Ngọc - người cảm thụ sành điệu. Những bài viết về thơ chữ Hán, thơ Đường, Truyện Kiều, về tranh Hàng Trống, về nghệ thuật gốm, về âm nhạc, điện ảnh... đều tránh được lối “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng cũng không quá tỉa tót tỉ mỉ.

Chủ yếu là ông đi tìm cái “thần thái” của đối tượng bằng một lối viết tung bút - nghiêng về chấm phá, gợi mở suy tư và gieo tranh luận. ở vào độ tuổi chín mươi (ông sinh năm 1918) Hữu Ngọc vẫn rất trẻ trung và dí dỏm khi viết về Thế hệ ve sầu Choai choai... ở đó tác giả thể hiện mình như một nhà sư phạm và như một nhà tâm lý học.

Thấu thị bản chất sự vật đã được coi là thành công của người viết nhưng dự cảm được bước đi và tương lai của nó mới quan trọng, nói cách khác đó là năng lực dự báo khoa học của người nghiên cứu (cũng như sáng tác).

Hữu Ngọc trong “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” cũng là một nhà dự báo khi hướng tới những vấn đề văn hóa thế kỷ XXI? Thế kỷ XXI có cần đến thơ nữa không? Văn hóa và chiến tranh văn hóa.

Đọc “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” của Hữu Ngọc có cảm giác yên tâm về cái gọi là “tương lai văn hóa đọc” trong sự cạnh tranh của “văn hóa nghe nhìn” mà xã hội đang rất quan tâm. Những cuốn sách như thế vẫn rất cần thiết, bổ ích với chúng ta, trong đó có “Lãng du trong văn hóa Việt Nam”.

Bùi Việt Thắng