Ngữ pháp tiếng Việt: những vấn đề lí luận

  • Lượt đọc : 13
  • Kích thước : 58.20 MB
  • Số trang : 640
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 242
  • Số lượt xem : 2.181
  • Đọc trên điện thoại :
Ngay từ những năm 80 của thế kỉ trước, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam), Viện Ngôn ngữ học đã tiến hành hàng loạt các hoạt động khoa học chuyên theo hướng chuẩn mực hoá tiếng Việt hiện đại.
Về phương diện ngữ pháp, thời kì này được đánh dấu bằng cuốn Ngữ pháp tiếng Việt, khi đó là một công trình trọng điểm của nhà nước, do một tập thể các chuyên gia ngữ pháp hàng đầu biên soạn, dưới sự chỉ đạo của một Hội đồng Quốc gia gồm những nhà văn hóa, khoa học rất có uy tín, đã được Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam cho ấn hành lần đầu tiên năm 1983. Đây là công trình ngữ pháp ở cấp quốc gia đầu tiên của nước ta, tổng kết lại những nhận thức và tri thức của giới ngữ pháp học nước nhà về chuẩn mực hoá, về lí luận ngữ pháp và về các đặc điểm của ngữ pháp tiếng Việt vào thời điểm dó.
Cho đến nay, sau 23 năm, cuốn sách vẫn được dư luận chung - đặc biệt là giới ngôn ngữ học - đánh giá là cuốn ngữ pháp tiếng Việt phổ thông tốt nhất, xét từ nhiều phương diện.
Về mặt khoa học, các tác giả đã rất coi trọng việc xuất phát từ bản ngữ để mô tả, phân tích một cách hệ thống các hiện tượng ngữ pháp tiếng Việt; đồng thời có tiếp thu lí luận ngôn ngữ học thế giới đương thời (nhất là những thành tựu của ngành Đông phương học Xô viết). Về mặt thực tiễn, các tác giả cuốn sách đã lựa chọn những giải pháp hợp lí, coi trọng sự đồng thuận về những vấn đề đang còn tranh luận, với một cách trình bày rảnh mạch và khá đầy đủ về những đặc điểm cơ bản nhất của ngữ pháp tiếng Việt.
Tuy nhiên. trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội, với sự phát triển mạnh mẽ của tiếng Việt và đặt trong bối cảnh lí luận ngôn ngữ học hiện nay có nhiều thay đổi, đã đến lúc phải khẩn trương chuẩn bị một cuốn Ngữ pháp tiếng Việt mới, để đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo bạn đọc, nhất là của các giáo viên trong nhà trường, đang rất cần một cuốn ngữ pháp tiếng Việt như vậy.
Để tiến tới biên soạn cuốn ngữ pháp tiếng Việt mới này trong vòng vài năm tới thì việc nhìn lại những kết quả đã làm được và suy ngẫm về những gì sắp làm - đặc biệt là những cơ sở lí luận - là một công việc hết sức cần thiết.
Với nhận thức trên, Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức một để tài khoa học nhằm nghiên cứu, đề xuất những vấn đề lí luận về ngữ pháp tiếng Việt. Thực hiện nhiệm vụ này, Viện đã tổ chức hai cuộc Hội thảo về ngữ pháp tiếng Việt, một ở Hà Nội (29 - 30/06/2002), một ở Tp. Hồ Chí Minh (26 – 27/08/2002). Sau đó trên cơ sở kết quả thu được từ hai cuộc Hội thảo này, Viện đã mời các nhà nghiên cứu ngữ pháp viết chuyên để về lĩnh vực chuyên sâu của mình và nhiều vị đã hưởng ứng lời mời, viết bài cho tập sách (rất tiếc là một số vị vì những lí do riêng đã không tham gia được).
Sau một thời gian thu thập và biên tập để đưa xuất bản, cuốn sách mà quý bạn đọc đang cầm trên tay chính là “tập đại thành" các bài viết nói trên, ghi nhận những thành quả nghiên cứu của đông đảo giới nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt trong những năm qua.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.