Các Giải Pháp Chiến Lược Nâng Cao Hiệu Quả Xuất Khẩu Gạo Việt Nam

Tác giả : Nguyễn Văn Sơn
  • Lượt đọc : 50
  • Kích thước : 13.76 MB
  • Số trang : 245
  • Đăng lúc : 8 tháng trước
  • Số lượt tải : 21
  • Số lượt xem : 296
  • Đọc trên điện thoại :
Trong lịch sử phát triển các học thuyết kinh tế người ta đã chứng minh rằng một quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có thể thông qua con đường chuyên môn hóa sản xuất vào các sản phẩm có nhiều lợi thế so sánh để xuất khẩu và nhập lại các sản phẩm không có lợi thế so sánh, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy quá trình phát triển đất nước nhanh chóng và sâu rộng hơn. Chuyên môn hóa sản xuất tất yếu dẫn đến công nghiệp hóa nền kinh tế, mà quốc gia tiên tiến nào cũng đã phải trải qua quá trình công nghiệp hóa lâu dài đầy khó khăn gian khổ. Sự tăng trưởng của công nghiệp tất yếu kéo theo sự phát triển của thương nghiệp (kể cả nội thương và ngoại thương). Mối quan hệ tương hỗ giữa công nghiệp hóa và phát triển thương mại quốc tế là điều kiện cơ bản cho việc phát huy các lợi thế so sánh của nền kinh tế quốc gia trong từng giai đoạn nhất định, làm cho nhịp độ phát triển chung của nền kinh tế ngày càng nhanh chóng hơn. Dựa theo luận điểm cơ bản nêu trên, sau này các nước công nghiệp mới (New Industrial Countries - NICs) đã kết hợp ngay từ đầu hai vấn đề công nghiệp hóa và phát triển thương mại quốc tế trong cùng một chiến lược - đó là chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu - để rút ngắn thời gian tiến lên thành quốc gia công nghiệp phát triển. Sự thành công của các nước NICs đã cổ vũ nhiều nước đang phát triển vận dụng chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu (hay chiến lược kinh tế mở) với nhận thức sâu sắc rằng trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa phải ra sức phát triển các ngành thuộc khu vực I của nền kinh tế (nông, lâm nghiệp, thủy sản...), vừa là nơi tập trung các lợi thế so sánh ban đầu, vừa là để giải quyết tốt việc cung cấp lương thực - thực phẩm cho xã hội, tạo thế ổn định hết sức cần thiết trong bước khởi đầu công nghiệp hóa. Việt Nam cũng đang tiến hành công nghiệp hóa đất nước, việc vận dụng chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu còn nhiều vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện. Song, chiến lược này đã thực sự được tiến hành kể từ năm 1986 khi Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra chủ trương tập trung sức phát triển nông nghiệp, coi đây là điều kiện tất yếu của bước đầu công nghiệp hóa. Tiếp sau đó là hàng loạt các chính sách cải cách kinh tế đã được ban hành trên căn bản chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến nay công cuộc cải cách kinh tế đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp với mức tăng trưởng khá nhanh (nhịp độ tăng GDP bình quân trong giai đoạn 1991 - 1997 là 8,9%/năm), đã chứng minh rằng trên bình diện chiến lược kinh tế vĩ mô Việt Nam đã và đang phát triển hợp qui luật.

Theo đó, xét về tính chất và trình độ phát triển thì trong thập niên qua ngành nông nghiệp Việt Nam đã có một bước tiến dài và khá mạnh mẽ (mức tăng tổng sản lượng bình quân 6,4%/năm trong giai đoạn 1991 - 1997 thuộc loại cao so với nhiều nước trên thế giới chỉ tăng phổ biến trong khoảng 2 4%/năm). Đặc biệt, lúa gạo đã chứng tỏ là một loại sản phẩm trọng yếu của nền kinh tế, với tiềm năng và khả năng phát triển sản xuất to lớn, nó không những bảo đảm đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, làm nền tảng vững chắc cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nói chung, mà còn thể hiện rõ là một sản phẩm có nhiều lợi thế so sánh của Việt Nam đối với thị trường thế giới, khả dĩ góp phần làm giàu cho đất nước thông qua việc xuất khẩu lượng gạo dư thừa so với nhu cầu nội địa. Trong thực tế, sau 27 năm làm một nước nhập khẩu ròng về lương thực, kể từ năm 1989 Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo trở lại và lập tức đứng vào top 4 quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực này (cùng với Thailand, Mỹ và Ấn Độ). Từ năm 1989 đến nay tỷ trọng mặt hàng gạo thường chiếm từ 10 - 16% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điều đó đủ để khẳng định rằng ngành lương thực có một tầm quan trọng hết sức đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia (cả trong ngắn hạn và dài hạn). Tuy nhiên, trong thời gian qua nước ta mới chỉ phát triển sản xuất và kinh doanh xuất khẩu gạo theo chiều rộng là chính, chứ chưa thực sự đầu tư phát triển theo chiều sâu, nên còn nhiều mặt hạn chế làm cho hiệu quả xuất khẩu gạo của Việt Nam chưa cao. Trong đó, điểm đáng nói nhất là do phẩm chất gạo còn thấp, qui cách không đồng đều, cộng với các loại dịch vụ phí (như: bốc xếp, vận chuyển, cảng phí...) khá cao, làm cho giá gạo xuất khẩu của ta thấp hơn nhiều so với một số nước khác, chẳng hạn so với Thailand, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam thấp hơn trên dưới 50 USD/tấn, thậm chí có lúc thấp hơn đến 100 USD/tấn. Mặt khác, tuy mức sản lượng gạo xuất khẩu của ta từ năm 1989 đến nay tăng khá nhanh (trung bình hơn 13%/năm), nhưng nếu công tác nghiên cứu tiếp thị và quản lý điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ tốt hơn, chính sách giá cả kích thích hơn đối với nông dân sản xuất lúa... thì sản lượng gạo xuất khẩu còn có thể tăng nhanh hơn nữa. Do đó, vấn đề cơ bản đặt ra là cần ph có những điều chỉnh phù hợp trong cơ chế quản lý để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng qui mô, thu nhập và hiệu quả tốt hơn so với hiện nay.