Chữ văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc

Tác giả : Nguyễn Văn Trung
  • Lượt đọc : 530
  • Kích thước : 0.77 MB
  • Số trang : 174
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 500
  • Số lượt xem : 2.885
  • Đọc trên điện thoại :
Ở đây, chúng tôi không nói tới thời kỳ đầu chữ quốc ngữ trước khi người Pháp can thiệp và xâm chiếm Việt-Nam, mà chỉ muốn nói tới thời kỳ đầu chữ quốc ngữ lúc người pháp đã đặt guồng máy cai trị của họ tại Nam Kỳ kể từ khi chữ quốc ngữ vượt khỏi cánh cửa Nhà Chung, họ đạo sang lãnh vực hành chánh, học chánh, văn hóa…

Từ trước tới nay, nói về thời kỳ ban đầu này, các nhà biên khảo lịch sử, văn học thường đưa ra một số luận điệu quen thuộc như :

1. Những Pétrus Ký, Paulus Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh là những người tiền phong của nền văn học quốc ngữ thuở ban đầu.

2. Nhờ những nhà văn tiền phong trên mà chữ quốc ngữ đã đắc thắng chữ Nho, chữ Nôm, đồng thời đưa chữ quốc ngữ từ lãnh vực thuần túy tôn giáo sang lãnh vực xã hội, văn học.

3. Những người trên cũng đã chủ trương những tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên hoặc đã đề xướng việc dịch những tác phẩm cổ văn (hán, nôm) ra quốc ngữ.

4. Do đó, những nhà văn trên được coi như những người có công rất lớn với nền văn học chữ quốc ngữ lúc ban đầu : họ được suy tụng như những ông tổ văn học cận đại, những nhà cách mạng vĩ đại…

5. Nhận định về sự ngưng đọng nghèo nàn Văn chữ quốc ngữ ở Nam kỳ sau Pétrus Ký, nguyên nhân được nêu lên là vì những nhà văn như Pétrus Ký quá tiến bộ đi trước thời đại, nên dân chúng không theo kịp nhất là dân chúng đất Nam kỳ là đất mới, không thuận tiện cho việc phát huy văn chương.

6. Coi chữ quốc ngữ như một thứ chữ không những giải thoát cho văn chương mà cả cho văn hóa, xã hội vì nhờ chữ quốc ngữ mà xứ sở có điều kiện bước vào văn minh, hiện đại hóa bằng cách âu hóa. Trên cơ sở quan trọng hóa một cách tuyệt đối vai trò chữ quốc ngữ, một ý tưởng được đề ra : coi tương lai dân tộc hay dở hoàn toàn tùy thuộc vào chữ quốc ngữ. Câu nói của Nguyễn Văn Vĩnh « Nước Nam ta mai sau hay dở tùy như ở chữ quốc ngữ » được kể như một câu nói tiên tri, bất hủ, được nhắc đi nhắc lại, bó buộc phải nhắc tới mỗi khi nói tới chữ quốc ngữ.

Trong bài biên khảo dưới đây, chúng tôi muốn nhắc lại xem những luận điệu quen thuộc trên có đúng với sự thực lịch sử hay không và ý kiến coi tương lai dân tộc tùy thuộc vào chữ quốc ngữ có phải là một lời nói tiên tri bất hủ không ?

Để đánh đổ những luận điệu trên, chúng tôi không dùng lý luận suông vì chúng tôi coi việc tìm hiểu này như một công tác nghiên cứu lịch-sử văn học, nghĩa là một công tác khoa học mà lý luận phải dựa vào sự kiện tài liệu lịch sử xác thực, có thể kiểm chứng được !

Vậy phải đặt việc tìm hiểu chữ quốc ngữ vào hoàn cảnh lịch sử của nó nghĩa là lúc người Pháp mới thiết lập guồng máy cai trị của họ ở Nam kỳ. Sự kiện chữ quốc ngữ, văn quốc ngữ xuất hiện sớm nhất và trước hết ở Nam kỳ vào đúng thời kỳ đầu người Pháp mới thiết lập chế độ thuộc địa ở Nam kỳ gợi cho chúng tôi một ý tưởng : có liên hệ giữa sự xuất hiện chữ quốc ngữ, văn quốc ngữ với chính sách cai trị của thực dân Pháp. Ý tưởng này tạm coi như một giả thuyết.

Nếu giả thuyết đúng thực, nghĩa là có một chính sách lợi dụng chữ quốc ngữ của thực dân Pháp cho những mục tiêu chính trị, chính sách đó chắc chắn đã được ghi lại trong các thông tư, nghị định, quyết định của các nhà cầm quyền thời đó, còn vì những lý do nào, nhằm những mục tiêu gì, dĩ nhiên thực dân không thể ghi trong các nghị định thông tư nhưng trong các báo cáo chính trị mật… Nếu có, những hồ sơ hành chánh trên phải tìm ở đâu ? Ở các công báo thời đó, ở các văn khố Đông dương, Bộ thuộc địa bên Pháp…

Theo những chỉ dẫn giả thuyết trên, chúng tôi đã đi tìm và đã tìm thấy hầu hết những nghị định, thông tư, quyết định về việc cưỡng-bách dùng chữ quốc ngữ trong giấy tờ hành chánh, học chánh, trong các tập san chính thức về hành chánh của Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ hồi đó… Chúng tôi cũng tìm thấy một vài báo cáo chính trị, có những đoạn liên quan đến chữ quốc ngữ của Thống đốc Nam kỳ, của Thống sứ gởi Toàn quyền, hoặc của Toàn quyền gởi Tổng trưởng thuộc địa ở văn khố, Bộ thuộc địa cũ bên Paris. Những tài liệu đó cho chúng ta thấy nhà cầm quyền thực dân thời đó đã quan niệm thế nào về chữ quốc ngữ, đã muốn cưỡng bách dùng chữ quốc ngữ trong giấy tờ hành chánh và trong nhà trường nhằm những mục tiêu chính trị nào. Đó là những sự thực lịch sử mà mọi độc giả đều có thể kiểm chứng khi đọc những tài liệu mà chúng tôi trích dịch nguyên văn…

Căn cứ vào chính sách lợi dụng chữ quốc ngữ trên của thực dân, độc giả sẽ thấy tất cả những luận điệu quen thuộc kể trên là không đúng sự thực và do đó phải nhìn những vấn đề nêu lên trong những luận điệu đó theo một viễn tưởng khác hẳn. Chẳng hạn những Pétrus Ký, Paulus Của không phải là những người tiền phong, chủ động, đề xướng gì cả, mà chỉ là những tay sai viên chức ăn lương của thực dân để thực hiện một chính sách do thực dân chủ động đề xướng ; hoặc những chống đối của trí thức đương thời gồm các nhà nho, sĩ phu chống đối Pháp và cả những thân hào nhân sĩ theo Pháp đã giải thích tại sao văn học chữ quốc ngữ nghèo nàn, ngưng đọng ở Nam-kỳ thời Pétrus Ký… Và sau cùng những câu nói được coi là bất hủ của Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh trình bày một thứ chủ nghĩa quốc gia bằng ngôn ngữ văn tự, một đường lối yêu nước, cứu nước, xây dựng tương lai dân tộc bằng cách bảo vệ tiếng nói, phát huy chữ viết (chữ quốc ngữ) lừa bịp ở chỗ nào và tại sao những người như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh lại có một chủ trương như trên…

Chúng tôi mong rằng những tìm kiếm, suy luận sau đây sẽ góp một phần vào việc duyệt xét những thiên kiến sai lầm được coi như những chân-lý hiển nhiên, giáo điều giảng dạy trong các lớp Việt văn nhằm phục hồi sự thực lịch sử, đồng thời làm sáng tỏ yêu cầu cấp bách cần phải nhìn lại toàn bộ lịch sử văn học đặc biệt thời cận đại, hiện đại theo một quan-điểm dân tộc.

Thuộc bộ sách