Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam

Tác giả : Nguyễn Thanh Xuân
  • Lượt đọc : 3
  • Kích thước : 85.45 MB
  • Số trang : 454
  • Đăng lúc : 5 tháng trước
  • Số lượt tải : 75
  • Số lượt xem : 539
  • Đọc trên điện thoại :
Việt Nam là một quốc gia đa dạng về các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo và nhiều người theo tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu tính cả tín ngưỡng và tôn giáo, Việt Nam có đến trên 90% dân số có tín ngưỡng và tôn giáo, trong đó có 24 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm gần 27% dân số. Trong quá trình vận động cách mạng và quản lý điều hành đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến tôn giáo và luôn có chính sách phù hợp đối với tôn giáo trong từng thời kỳ của cách mạng, trên căn bản tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi to lớn của dân tộc. Đó là Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, Kháng chiến chống Pháp, Kháng chiến chống Mỹ thắng lợi và tái thiết đất nước sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề nhận thức còn hạn chế, nhất là tư tưởng chủ quan duy ý chí nên công tác đối với tôn giáo còn những tồn tại cần được khắc phục.
Bước vào thời kỳ đổi mới, với phương châm nhìn lại và đổi mới đối với tôn giáo và công tác tôn giáo, đồng thời đặt trong điều kiện mở cửa và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước đã ban hành chủ trương chính sách mới đối với tôn giáo. Đảng và Nhà nước đã xác định tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, thực hiện thật tốt chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực về đạo đức và văn hóa của tôn giáo; đồng thời tiếp tục đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực hiện chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, công tác đối với tôn giáo đã đưa lại những kết quả rất quan trọng, làm thay đổi đời sống tôn giáo ở Việt Nam đi theo hướng tích cực và tiến bộ góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của đất nước.
Để giúp cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị hiểu cơ bản về tôn giáo và chính sách tôn giáo nhằm thực hiện tốt chính sách đối với tôn giáo, cùng với sự cộng tác của PGSTS Nguyễn Thanh Xuân, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tôn giáo Chính phủ biên soạn và phát hành tập sách Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Nội dung sách chia làm hai phần:
- Phần một: Giới thiệu về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh về Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo,...
- Phần hai: Giới thiệu về chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ và việc thực hiện chính sách tôn giáo, nhất là từ khi đổi mới đến nay.
Do tính chất của hai vấn đề tín ngưỡng và tôn giáo có sự khác nhau nhất định nên trong tập biên khảo này chúng tôi tập trung viết về tôn giáo và chính sách đối với tôn giáo ở Việt Nam.
Đến nay đã có khá nhiều ấn phẩm viết về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam dưới các góc độ và phạm vi khác nhau, trong đó có những ấn phẩm quy mô lớn của: GS. Đặng Nghiêm Vạn, GS.TS. Đỗ Quang Hưng, PGS.TS. Nguyễn Đức Lữ, PGS.TS. Ngô Hữu Thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương... Biên khảo Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam cố gắng kế thừa, thể hiện tính chất tổng quan, nhưng cũng không thể tránh khỏi những khiếm khuyết, kính mong sự góp ý của các đồng chí và các bạn.

Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 2015