Vũ Như Tô

Tác giả : Nguyễn Huy Tưởng
  • Lượt đọc : 216
  • Kích thước : 11.33 MB
  • Số trang : 151
  • Đăng lúc : 8 tháng trước
  • Số lượt tải : 32
  • Số lượt xem : 513
  • Đọc trên điện thoại :
"Vũ Như Tô" của Nguyễn Huy Tưởng dẫu ra đời từ những năm 40 của thế kỷ trước nhưng tới nay, nó vẫn còn nguyên giá trị

Năm trăm năm trước, anh thợ Vũ Như Tô tuân lệnh vua mà xây Cửu Trùng đài, một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ mọc giữa Hoàng Thành Thăng Long mà nếu được hoàn thiện và tồn tại đến ngày nay, chắc chắn nó trở thành một công trình kiến trúc đáng để người Việt hiện đại nào dẫu chỉ vô ý ngước nhìn lên vẫn phải trầm trồ thán phục; mới biết vua Lê Tương Dực chịu hao tài tốn của của đất nước buổi ấy thế nào, chưa kể thời gian công sức bỏ ra, nhân lực tổn hao khôn xiết.

Chống lại vương quyền

Vua Lê Tương Dực khi làm chủ một vùng đồng bằng trù mật, thiếu vắng những ngọn núi cao nên dễ sinh cảm giác lúc nào mình cũng đang ở tầm thấp, cho nên cái khát vọng muốn vươn lên bao giờ cũng mạnh, đài cao thành quách nguy nga chỉ là cách vật chất hóa một niềm mơ ước được ngang tầm, chỉ tiếc ước mơ không cào bằng hiện thực, Lê Tương Dực cũng đâu sống để thấy lầu Cửu Trùng mà đã bị loạn thần sát hại. Vậy que diêm đầu tiên ném vào Cửu Trùng đài là do Tương Dực thắp.

Còn Vũ Như Tô. Nghệ thuật có đứng trên đời sống được không, khi Như Tô chỉ quyết một lòng phụng sự cái đẹp, muốn mượn quyền lực của vua để tạo ra một kiệt tác để đời, tham vọng của người nghệ sĩ không sai, bởi nghệ thuật sinh ra từ đó, chỉ ham muốn vượt lên những gì sẵn có, biết khác biệt và chấp nhận bản thân khác biệt với số đông và không được số đông thấu hiểu. Nhưng số đông vẫn là số đông, một khi số đông đã phán quyết anh sai thì anh cũng đành cam chịu. Như Tô bị giết, xác chết bị lăng nhục. Ngay từ đầu đã đi ngược lợi ích số đông, ấy là Như Tô đã tiếp tay đốt Cửu Trùng đài vậy.

Sử sách ghi Nhân Dân là người phá hủy Cửu Trùng đài. Nhưng Nhân Dân là những ai, hay chỉ là một danh từ chung chỉ những người không tuổi không tên, mờ mờ nhân ảnh? Phải chịu đựng những hà khắc của vương quyền, và tuân mệnh dù sống kham khổ hay thậm chí là vong mạng. Nếu Nhân Dân ngày xưa không phá đài Cửu Trùng thì chắc hẳn giờ Việt Nam cũng có một tòa nhà trăm nóc để mà nở mặt nở mày. Nhưng Nhân Dân thiết thực lắm, Nhân Dân không cần sự phù phiếm, Nhân Dân chỉ cần ngày ba bữa cơm no áo ấm, tứ phương vô sự thái bình. Nhân Dân đốt Cửu Trùng là đốt đi một ước mơ vươn lên, một tham vọng nghệ thuật nhưng đồng thời cũng đốt lên một ngọn lửa soi tỏ các góc tối tăm của đất nước, soi tỏ những khuôn mặt người đứng lẫn khuất trong cái Nhân Dân toàn cục ấy, những con người không có tự sự, không có nhân diện, lịch sử chỉ ghi chung chung họ là Nhân Dân trùm lên tất cả.

Hóa giải mâu thuẫn

Trong vụ án đốt Cửu Trùng đài ngày đó có ba "can phạm": Tương Dực, Như Tô và Nhân Dân, ba "can phạm" vì những duyên cớ khác nhau mà tiếp sức nhau phá hủy Cửu Trùng đài, một công trình có thể rất đẹp, du khách ngày nay có thể phải bỏ tiền mua vé để chiêm ngưỡng nó, thế giới có thể công nhận nó là một trong những kỳ quan. Nhưng bao nhiêu cái có thể ấy đã không xảy ra vì đó là công trình được đặt nền móng của mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa khát vọng vươn lên với ước muốn bình yên. Mâu thuẫn giữa cố gắng của người nghệ sĩ với khả năng hữu hạn của đám đông. Đài ấy tất phải bị phá bỏ.

"Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm".

Lời đề từ của vở "Vũ Như Tô" trên là để Nguyễn Huy Tưởng giãi bày cho tình thế lưỡng nan của mình. Nhưng phải chăng trong cái bi kịch ấy Lê Tương Dực, Vũ Như Tô và Nhân Dân không thể điều hòa để xây dựng những điều tốt đẹp? Hay vì Như Tô và Tương Dực đã quên lời của Nguyễn Trãi từng thưa với vua Lê Thái Tông - tổ tiên của Tương Dực rằng: "Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm sóc muôn dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc vậy".