Thợ Cạo Thành Xêvin

Tác giả : Bômacse
  • Lượt đọc : 46
  • Kích thước : 6.64 MB
  • Số trang : 163
  • Đăng lúc : 8 tháng trước
  • Số lượt tải : 19
  • Số lượt xem : 290
  • Đọc trên điện thoại :
K. Mác đã từng viết: "Lịch sử không làm cái gì nửa chừng, và chính nó đã trải qua nhiều giai đoạn khi nó muốn dẫn một hình thức xã hội già nua đến bước cáo chung. Giai đoạn cuối cùng của một hình thái lịch sử, đó là tấn hài kịch của nó... Vì sao lịch sử diễn tiến như vậy? Vì để cho loài người đoạn tuyệt với quá khứ của nó một cách vui vẻ…).

Thế cho nên, nếu như, sau kịch Prômtê bị xiềng của Éxkhin tác phẩm Đối thoại của những người chết của Luyxiêng” đã vui vẻ tống tiễn thời đại các vị thần của nước Hy-lạp cổ, thì ở nước Pháp, sau những hài kịch của Môlie, đã có hài kịch của Bômase (Beaumarchais) để vui vẻ tống tiễn bọn vua chúa của nền Quân chủ chuyên chế lỗi thời trước khi nổ ra cuộc Đại cách mạng tư sản (1789 - 1794). Và cũng vì vậy muốn hiểu kịch Bômacse, không thể không biết đến bối cảnh lịch sử và đời sống xã hội nước Pháp lúc bấy giờ.

Trong lịch sử nước Pháp từ thời Phục hưng cho đến hết thế kỷ XVI diễn ra một quá trình hình thành một Quốc gia dân tộc thống nhất và tập trung với nền Quân chủ chuyên chế mà đỉnh cao của nó là triều vua Luy XIV. Ông vua này tự xưng là Vua Mặt trời và tuyên bố: "Quốc gia, chính là ta!" Sự hình thành Quốc gia dân tộc thống nhất đó là kết quả của sự liên minh, hỗ trợ, dựa vào nhau giữa tập đoàn phong kiến trung ương và giai cấp tư sản Pháp mới sinh ra từ tầng lớp thị dân vào thời kỳ Phục hưng. Tập đoàn phong kiến trung ương phải dựa vào giai cấp tư sản để đánh bại những lực lượng phong kiến cát cứ ở địa phương và thiết lập nền Quân chủ chuyên chế trên cơ sở một quốc gia thống nhất và tập trung; còn giai cấp tư sản thì chưa đủ mạnh về kinh tế và văn hóa nên phải dựa vào và ủng hộ tập đoàn phong kiến trung ương xây dựng một quốc gia thống nhất và tập trung để phát triển chủ nghĩa tư bản. Song, về cuối đời vua Luy XIV, nền quân chủ chuyên chế lại trở thành sức cản chủ nghĩa tư bản phát triển. Một mặt, triều đại Buốcbông đưa nước Pháp vào những cuộc chiến tranh liên miên và thất bại, mặt khác bọn vua chúa phong kiến lâm vào bước thoái hoá, sa đoạ, sống cực kỳ hoang dâm xa xỉ; tất cả mọi đau khổ lầm than, thuế khoá chồng chất lên vai nhân dân lao động; quyền tự do con người bị chà đạp, (với chế độ mật thư, bọn vua chúa có thể bắt bớ bất cứ ai vào bất cứ lúc nào theo ý chúng).

Xã hội Pháp chia ra làm ba đẳng cấp: đẳng cấp quý tộc và đẳng cấp tăng lữ là những tầng lớp trên; những tầng lớp dưới họp thành đẳng cấp thứ ba gồm giai cấp tư sản, nhân dân lao động thành thị và thôn quê. Giai cấp tư sản, sau khi ủng hộ giai cấp quý tộc trong công cuộc thống nhất quốc gia, bước sang thế kỷ XVIII đã có đủ sức mạnh về kinh tế và văn hóa để tập hợp quần chúng, và lãnh đạo họ đánh đổ nền quân chủ chuyên chế. Cuộc Đại cách mạng tư sản Pháp 1789 nổ ra tạo nên một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của nước Pháp cũng như của châu u và có thể nói của loài người lúc bấy giờ.

Như vậy thế kỷ XVIII - cho đến năm 1789 - chính là thời kỳ chuẩn bị cho cuộc cách mạng, nó được đánh dấu bởi một trào lưu tư tưởng mãnh liệt nhằm giải phóng đẳng cấp thứ ba. Thế kỷ đó thường được mệnh danh là "Thế kỷ ánh sáng" bởi nó nhằm, như Ăngghen nói, soi sáng mọi trí óc và chuẩn bị về mặt tư tưởng cho cuộc cách mạng. Người ta cũng gọi thế kỷ đó là "Thế kỷ triết học" bởi quy mô của trào lưu tư tưởng thật rộng lớn: các nhà "triết học" Pháp không chỉ biểu thị nguyện vọng của giai cấp tư sản mà còn tự biến thành những người phát ngôn của toàn bộ nhân dân bị áp bức, thậm chí, nói như Ăngghen, "của cả loài người đau khổ thời bấy giờ". Các nhà "triết học" đó gắn bó mật thiết với phong trào dân chủ của quần chúng nhân dân, cho nên đã tạo được một sức mạnh chưa từng thấy, dẫn nó tới cao trào đấu tranh không khoan nhượng với chế độ cũ đã lỗi thời.

Trong những điều kiện lịch sử đó, văn học trở thành diễn đàn chính của các nhà triết học Pháp thế kỷ XVIII. Nó thấm nhuần sâu sắc mọi tư trào đặc biệt của thời đại: sự suy tôn lý trí, chủ nghĩa lạc quan lòng tin ở tiến bộ, niềm khao khát quyền tự do chính trị và bình đẳng công dân. Nó mang tính chiến đấu rất cao, đả kích không thương xót xã hội phong kiến dựa vào nền quân chủ và tôn giáo. Các nhà triết học tiến bộ, mặc dầu có phần lý tưởng hoá sự "thống trị của lý trí" thật sự đã, không đứng về phía quyền lợi ích kỷ của bọn tư sản bóc lột. Ta có thể xem họ như những kiểu mẫu đầu tiên của những "nhà văn công dân" gắn mình chặt chẽ vào phong trào quần chúng, vào cuộc vận động giải phóng của đẳng cấp thứ ba: những người tiêu biểu nhất và có ảnh hưởng rộng rãi nhất trong các triết gia kiêm nhà văn đó là Vonte, Môngtexkiơ, Rutxô và Điđơrô, người cầm đầu nhóm các nhà Bách khoa toàn thư mà phạm vi ảnh hưởng lan rộng ra toàn châu u.

Văn học Pháp thế kỷ XVIII có bộ mặt khá phức tạp. Giai cấp quý tộc xuống dốc đi vào thứ văn chương phóng túng lấy cái tao nhã tinh vi che đậy cái nghèo nàn trống rỗng về tư tưởng, còn phái nhà văn bảo thủ thì muốn lặp lại: bắt chước một cách nô lệ thế kỷ trước được mệnh danh là "đại thế kỷ". Lịch sử văn học Pháp đang đứng trước sự tan rã của chủ nghĩa cổ điển - hay, nói đúng hơn, thứ chủ nghĩa cổ điển cung đình được thay thế bằng chủ nghĩa cổ điển tư sản mà cảm hứng đi vào đả kích Nhà nước và Nhà thờ. Về đại thể người ta vẫn phân biệt, như ở thế kỷ trước, các thể loại văn học thành thể loại cao thượng như bị kịch, anh hùng ca, đoản thi (odes) và thể loại hạ đẳng với hai thể loại chủ yếu là hài kịch và tiểu thuyết. Hai thể loại này cùng với các loại văn chính luận, trào phúng nói chung mang tính chiến đấu cao và thích hợp với cuộc vận động của đẳng cấp thứ ba nên phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò xung kích trong trào lưu văn học cách mạng đương thời.

Cũng như tiểu thuyết, sân khấu Pháp thế kỷ XVIII nói chung phản ánh sự tan rã của chủ nghĩa cổ điển thế kỷ XVII và bộc lộ khuynh hướng hiện thực mới, kế thừa những yếu tố hiện thực chủ nghĩa của quá khứ, từ Rabole đến Môlie. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của truyện và kịch ở thế kỷ XVIII, cũng mới chỉ là bước đầu, quá độ và phải sang thế kỷ XIX mới thật sự là hoàn chỉnh. Bi kịch cổ điển chủ nghĩa lúc này đã đi vào con đường tàn tạ mặc dầu những cố gắng của một Crêbiông muốn hồi sinh nó bằng cách đưa vào bi kịch yếu tố khủng khiếp, rùng rợn thay cho yếu tố anh hùng của Cornây hay yếu tố tình yêu của Raxin. Hài kịch cổ điển chủ nghĩa cũng tan rã; người soạn kịch không gò vào những quy tắc khắt khe của chủ nghĩa cổ điển đồng thời đề cập những đề tài mới và tiếp thu những yếu tố giáo huấn nóng hổi của thời đại mới. Nhân vật gia nô láu lỉnh, gã đầy tớ hài hước kiểu Xcapanh của Môlie dần dần biến thành một gã bình dân táo bạo và khôn khéo tự nâng mình lên ngang hàng với ông chủ, chính là người phát ngôn cho đẳng cấp thứ ba và được thể hiện cao nhất trong nhân vật Figarô và Bômacse.

Có thể nói nét khái quát của sự biến chuyển của sân khấu Pháp thế kỷ XVIII là từ chỗ phân biệt hai loại kịch cao và thấp, bi kịch và hài kịch, nó đi tới chỗ hỗn hợp hai yếu tố bị và hài vào một thể loại chung cho thích hợp hơn với hiện thực đời sống xã hội. Đó là một quá trình đi từ truyền thống hài kịch Môlie ở đầu thế kỷ với Rơna, qua hài kịch đả kích phong tục của Lơ Xagiơ, hài kịch tính cách cũng gọi là hài kịch giáo huấn của Đêtusơ, rồi hài kịch tâm lý và tình yêu tố nhị của Marivô chịu một phần ảnh hưởng của Raxin, hài kịch "đẫm nước mắt" của Nivel đơ la Sôxê khai thác tình cảm tư sản, cho đến giai đoạn cuối cùng ở nửa sau thế kỷ XVIII là "kịch nghiêm trang" cũng gọi là "kịch tư sản", hay như chúng ta gọi ngày nay, "tân kịch" hoặc "đram". Nhà lý luận của tân kịch là Điđơrô và sau này những người bắt chước ông là Xơđen và Merxiê. Đây là bước ngoặt lớn của sân khấu Pháp do cuộc vận động cách mạng của đẳng cấp thứ ba quyết định. Lý luận kịch của Điđơrô, dựa trên mỹ học duy vật, nhằm giáo dục công dân cho người khán giả mới thuộc đẳng cấp thứ ba, và biến sân khấu thành vũ khí đấu tranh cho một nền nghệ thuật mới gắn liền với chính trị và đấu tranh cách mạng. Song kịch của Điđơrô, một mặt có khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa khi nó tố cáo nổi cơ cực trong đời sống hàng ngày của người dân bình thường, mặt khác lại đi xa chủ nghĩa hiện thực ở chỗ nó lý tưởng hóa nhân vật của nó, biến chúng hoặc thành kẻ phát ngôn những tư tưởng mới, hoặc thành sự thể hiện trừu tượng những thói hư hay đức hạnh công dân.

Tuy nhiên, phải nói đỉnh cao của sân khấu Pháp thế kỷ XVIII lại là hài kịch của Bômacse.