An Ninh Tôn Giáo Ở Việt Nam Hiện Nay: Thực Trạng, Dự Báo Và Tư Vấn Chính Sách

Thể loại: Tôn Giáo – Tâm Linh
Tác giả : Đỗ Lan Hiền
  • Lượt đọc : 0
  • Kích thước : 22.33 MB
  • Số trang : 366
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 148
  • Số lượt xem : 1.241
  • Đọc trên điện thoại :
Tôn giáo là niềm tin của con người, tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức liên quan đến tín ngưỡng không đơn thuần chỉ là vấn đề thuộc về đời sống tâm linh, tinh thần, mà còn là vấn đề văn hóa, đạo đức, có chức năng điều chỉnh hành vi xã hội của con người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Đây cũng là lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm, dễ thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế, dễ bị lợi dụng vào các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo, bởi vậy vấn đề an ninh tôn giáo ngày càng được quan tâm, nghiên cứu nhiều hơn, trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của an ninh quốc gia. Chủ trương “tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo” được đề ra ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập và xuyên suốt trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng. Nhà nước đã tăng cường kiện toàn khung pháp luật và các văn bản quy phạm liên quan tới tôn giáo, đặc biệt là đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Luật số 02/2016/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018) và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 của Chính phủ về “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo”. Vì vậy, trong thời gian qua, tình hình tôn giáo ổn định, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng, bảo đảm. Các tổ chức tôn giáo được công nhận đã xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc theo phương châm đúng đắn “tốt đời, đẹp đạo”. Cơ quan chức năng làm tốt công tác hướng dẫn, quản lý, từng bước đưa hoạt động tôn giáo đi vào nền nếp, đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, với tác động của tình hình quốc tế, mặt trái của toàn cầu hóa và cơ chế thị trường, âm mưu “chính trị hóa tôn giáo” của các thế lực thù địch đã và đang làm cho đời sống tôn giáo tại Việt Nam bị tác động, tiềm ẩn nhiều “nguy cơ”, nổi lên các vấn đề như: lợi dụng hoạt động tôn giáo để vi phạm pháp luật, thậm chí mang “màu sắc chính trị”; lợi dụng một số bất cập trong quản lý tôn giáo để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mâu thuẫn nội bộ, tranh giành chức quyền, hoạt động tôn giáo xa rời chuẩn mực đạo đức và văn hóa truyền thống dân tộc, trục lợi, sa sút đạo hạnh... trong một số tổ chức tôn giáo; xuất hiện một số loại hội, nhóm mang danh tôn giáo, đạo lạ... Những vấn đề nêu trên không chỉ gây khó khăn cho công tác tôn giáo mà còn là nguyên nhân và điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành các hoạt động gây chia rẽ giữa tôn giáo với chính quyền, giữa người theo đạo và người không theo đạo, cũng như tiến hành các hoạt động chống phá, gây mất ổn định chính trị - xã hội.

Cuốn sách An ninh tôn giáo ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng, dự báo và tư vấn chính sách do PGS.TS. Đỗ Lan Hiền - Viện trưởng Viện Tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm chủ biên đã dựa trên những nghiên cứu mở, mới, nhiều chiều về sự phát triển của tôn giáo nói chung trên thế giới; phân tích và rút ra kinh nghiệm từ tình hình an ninh tôn giáo tại một số nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam; thực trạng an ninh tôn giáo ở Việt Nam hiện nay để dự báo và đưa ra một số tư vấn chính sách nhằm vừa bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nâng cao đời sống tinh thần của người dân, vừa củng cố và giữ vững trận địa an ninh tôn giáo, an ninh - quốc phòng ở Việt Nam, kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả sự chống phá của các thế lực thù địch, góp phần ổn định và phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Đây là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, nhiều ý kiến nhận xét của các tác giả có giá trị tham khảo tốt, song cũng còn có ý kiến cần tiếp tục được thảo luận trao đổi. Chúng tôi giữ nguyên ý của tác giả để bạn đọc rộng đường tham khảo.

Trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.

Tháng 7 năm 2021
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT