Chàng Kỵ Sĩ

Thể loại: Tiểu Thuyết ;Lịch Sử
Tác giả : Lan Khai
  • Lượt đọc : 253
  • Kích thước : 0.51 MB
  • Số trang : 79
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 124
  • Số lượt xem : 1.203
  • Đọc trên điện thoại :
Trước cổng dinh Tổng Trấn Gia định, buổi sáng mùa xuân ấy, giữa lúc Tả quân Thống chế Lê Văn Duyệt, kiêm Tổng trấn lục tỉnh vừa thăng đường, một chàng kỵ sĩ gò cương ngựa nhảy xuống đất, vơ dùi vụt lia lịa lên mặt chiếc trống cái mà người ta, theo lệnh quan Tổng trấn đã treo sẵn để dân gian ai có việc gì oan khuất muốn kêu thì cứ việc đánh to lên.

Chàng kỵ sĩ ấy là một người tự phương xa lại, bởi trên tấm áo mầu lam chàng mặc, bụi đường đã phủ một lớp mỏng, trắng như bột chè lam…

Chàng có một thân hình vạm vỡ, một chiều cao khác thường và một dáng điệu rất uy nghi.

Gương mặt chàng vuông chữ điền, mầu da đỏ thắm như da gạch ; hai mắt chàng sắc như dao dưới cặp lông mày nét mác. Miệng chàng rộng, môi dầy đỏ thắm thường điểm một nụ cười tươi…

Ngoài tấm áo lam, vành khăn đầu rìu và đôi giày cỏ, chàng chỉ có một gói hành lý và một thanh gươm ngắn đeo thõng cạnh sườn bên trái.

Con ngựa chàng cưỡi là một con ngựa quý, sắc lông trắng, điểm những nốt hoa mai. Nó câu đầu, phóng vĩ, cổ rô, mình hổ, bốn chân gày như bốn chân nai, mỏng úp như chén.

Người ấy, vật ấy, thoạt trông ai cũng biết không phải là cái hạng hèn đụt để ai có thể bắt nạt đến nỗi chịu oan khuất không nổi, phải khua trống khiếu oan.

Không, phải có một cớ gì khác !

Một cớ gì quan trọng và bí mật.

Ta hãy chờ xem.

Thì kìa, một tên lính hầu đã từ trong tiến ra.

Hắn nhìn chàng tuổi trẻ từ đầu đến chân.

Và, chắc hẳn, cái hình dung Từ Hải của chàng đã khiến hắn phải kinh sợ. Hắn cất tiếng hỏi một cách mềm mỏng, trái hẳn thói thường của bọn lính hầu.

Chú ở mô, có việc chi mà khua trống dữ vậy ?

Tráng sĩ nghiêng mình chào :

Tôi là một kẻ giang hồ không quê hương, từ một nơi vô định đến. Tôi muốn vào hầu quan tướng có chút việc ; vậy phiền chú bẩm dùm cho…

Nhưng mà tên chi, phải nói rõ, ba tui mới biết đàng vô bẩm chứ.

Chú cứ nói có tên Nguyễn văn Khôi xin vào ra mắt quan Tổng trấn !

Nên coi chừng ! Quan tướng bữa nay đương ở vào một thế khó nói chuyện lắm đó…

Chàng cười :

Sao gọi là một thế khó nói chuyện ?

Ồ, chú không hiểu sao ?

Không, tôi có hiểu gì đâu.

Mà phải, chú vừa ở nơi xa đến, hiểu sao đặng…

Bởi vậy, tôi muốn phiền chú giảng dùm cho tôi nghe…

Quan tướng ngài lạ lắm. Hình như ngài chiến trận nhiều quá, chém giết nhiều quá, nên mắc phải cái bệnh điên khát máu thì phải… Cứ thỉnh thoảng ngài lại phải một hôm như thế, và gặp những hôm ấy thì ta hãy coi chừng kẻo mất đầu như bỡn.

Thật à ?

Chính thế đó.

Nhưng làm cách nào mà biết được ?

Ấy, bữa mô ngài ra hầu mà không bới tóc tử tế, cứ xõa đầu ngồi giữa sập, hai tay chống xuống chiếu, mắt gườm gườm nhìn mọi người và không nói không rằng chi, ấy chính là những hôm ta phải coi chừng, nghe chưa ?

Thế hôm nay cũng vậy sao ?

Đúng !

Càng tốt !

Ồ…

Chú ngạc nhiên.

Coi bộ người yêu em chán sống, muốn tìm cái chết chơi ?…

Tráng sĩ lại cười :

Tôi vẫn nghe nói cái chết nó ghê gớm lắm mà tôi chưa biết nó ra sao hết. Hôm nay, nếu được thấy nó, tưởng cũng là một sự đáng công chứ sao.

Hừ !…

Tên lính hừ một tiếng, đoạn nhìn chàng tuổi trẻ một lần nữa. Và chừng ngờ chàng tuổi trẻ mắc chứng điên, va có ý thương hại :

Nầy, tôi biểu thiệt, không phải chuyện đùa đâu. Người yêng em hãy nghe tôi đi nơi khác đi…

Muộn rồi.

Sao muộn ?

Đánh trống rồi chứ sao ?

Tôi chưa hiểu.

Đánh trống rồi tức là quan Tổng Trấn ngài nghe biết rồi. Nay bỏ mà đi không nói năng chi thì lại càng dễ chết lắm…

Mà phải !…

Thế thì chú vào bẩm hộ tôi.

Được ! chú đứng chờ, nghe !

Tên lính chạy vào một loáng đã ra ngay. Chàng lạ mặt hỏi :

Thế nào ?

Lại còn thế nào ! Ngài nổi hung ghê quá, truyền chú vào hầu ngay tức khắc.

Thì vào chứ sao !

Hai người qua cổng, tiến vào sân rộng. Chàng tuổi trẻ bỗng nắm tay tên lính hầu mà rằng :

Này chú ?

Tên lính hất hàm :

Chi ?

Ồ…

Nói chi mới đặng chứ ?

Sao, ở đây, lại có nhiều hùm thả rông như vậy ?

Tên lính có vẻ đắc chí :

Rứa mới ngộ !

Nó không cắn người sao ?

Cắn sao đặng !

Lạ quá !

Thì có chi lạ. Quan tướng ngài đã vặn hết móng và răng nó rồi còn đâu ! Ngài ra lệnh cho dân gian hễ đâu có hùm phải báo cho ngài biết. Thế rồi ngài đến tận nơi lừa bắt sống đem về bẻ răng bẻ móng thả nuôi như chó vậy.

Thiếu niên tráng sĩ lắc đầu :

Thế thì ghê thật !

Chàng để lộ ra mặt một vẻ vui mừng, và lẩm bẩm : « Cái công lặn lội tìm chủ tướng của ta quả thực không đến nỗi là công uổng ! »

Hai người đi qua tấm bình phong bằng gạch thì tới trước thềm.

Tráng sĩ vừa dừng bước, tự phía trong đã đưa ra một xâu dài những tiếng quát tháo ầm ĩ :

Tên kia ở đâu mà dám tới trước dinh ta khua trống ầm ĩ. Nay vào đây lại không quỳ lạy ?

Tráng sĩ vẫn đứng yên không nhúc nhích.

Tướng quân Lê văn Duyệt nổi trận lôi đình, vỗ tay xuống sập mà rằng :

À, quân này lớn mật ! Võ sĩ đâu, chém !

Võ sĩ dạ vang.

Nguyễn văn Khôi liếc, mắt nhìn hai hàng võ sanh cắp gươm trần đứng hầu hai bên tả hữu thềm son, mủm mỉm cười.

Quan tướng truyền các chú chém, các chú còn đợi gì !

Một tên đao phủ nói :

Muốn người ta chém thì quỳ xuống, chứ anh cao như sếu vườn mà đứng vậy thì ai chém đặng !

Mặc các chú ! Làm cách nào chém được đầu ta đem nộp quan tướng thì làm !

Lê tướng quân thét :

Ồ, những quân này ra toi cơm cả sao ! Có một thằng ngỗ nghịch mà chém không nổi… Đã thế, cho chúng bay xúm cả lại mà đánh chết nó đi ta xem nào.

Bọn vũ sĩ được lệnh liền ùa nhau vào đánh túi bụi.

Nhưng, chàng áo lam đã nhanh như một làn chớp, nhẩy tọt ra ngoài vòng vây, đoạn chàng cứ nắm cổ bọn võ sĩ mà quật anh này vào anh khác làm cho chúng ngã lỏng chỏng…

Lê tướng quân ngồi trên sập ngó xem, bỗng cười lên sằng sặc. Ngài xua tay nói :

Thôi !

Như cái máy, cả bọn võ sĩ lập tức lùi ra.

Quan tướng gật gù bảo chàng tuổi trẻ :

Giỏi… Ta khen nhà ngươi quả thực là một tay Phàn Khoái, Hạng Vũ tái sinh. Nhà ngươi tên họ là gì, ở đâu đến đây, vào ra mắt ta có việc chi ?

Lúc này tráng sĩ mới chắp tay quỳ lạy mà rằng :

Bẩm tướng quân, mạt tốt tên gọi là Nguyễn văn Khôi, quê ở tận ngoài Bắc hà. Mạt tốt nghe uy danh của tướng quân như nghe tiếng sấm, lòng riêng rất lấy làm kính mộ. Bởi thế, mạt tốt chẳng quản đường xá xa xôi ngàn dặm, cố lặn ngòi noi nước vào đây, mục đích để xin theo hầu tướng quân làm một tên lính cầm roi ngựa.

Lê tướng quân mừng hớn hở :

Thế ra cái việc ngang bướng của tráng sĩ vừa rồi chỉ là một cách để tỏ cho ta thấy cái thủ đoạn vạn nhân địch đấy, có phải không ?

Bẩm tướng quân, chính vậy !

Tốt lắm ! Ta vui lòng thu dụng tráng sĩ.

Chàng tuổi trẻ lạy tạ :

Được thế, mạt tốt dù gan óc lầy đất cũng lấy làm mãn nguyện.

Ta không những chỉ thu dụng tráng sĩ mà thôi. Ta còn sẵn sàng nhận tráng sĩ là con nuôi của ta nữa.

Phúc nhà mạt tốt thực lớn lao !

Và, từ nay, tráng sĩ tức là con ta. Tráng sĩ hãy bỏ họ Nguyễn đi, đổi lại làm họ Lê. Lê văn Khôi, nghe chưa ?

Dạ.

Võ sĩ đâu, truyền đem ghế lại đây cho công tử ngồi.

Lê tướng quân đã qua cơn điên. Ngài bới lại mái tóc, vuốt râu và hỏi Lê văn Khôi :

Hiện nay, đối với đại thế thiên hạ, con có ý gì hay không ?

Khôi chắp tay nói :

Thưa cha, thiên hạ đại thế hiện nay kể ra thì nhiều việc đáng nói, nhưng con thấy có một điều cần nhất…

Điều nào ?

Tức là cái địa vị của phụ thân lúc này.

Lê tướng quân chú ý :

Sao ?

Con thấy là…

Cho con cứ nói.

Khôi liếc trông tả hữu.

Lê tướng quân biết ý, nói luôn :

Võ sĩ, cho các người hãy lui để ta ngồi hỏi chuyện công tử !

Khi chỉ còn hai cha con, Khôi liền nói :

Lạy cha, cái địa vị của cha lúc này chính là cái địa vị của Hàn Tín Nguyên súy, sau khi Cao Tổ đã đại định thiên hạ !

Lê tướng quân giật mình :

À, con nói đúng…

Con xem ý Triều đình nghi kỵ cha lắm. Quan Tiền quân thấy thế đối với cha lại chẳng được tử tế gì…

Chính vậy !

Bây giờ, thượng sách thì là học làm theo như Phạm Lãi, Trương Lương khi xưa, từ bỏ hết quan chức mà lui về làm một tướng quân điền dã.

Lê Tướng quân lắc đầu :

Con ơi, sự ấy, Phạm Lãi và Trương Lương, có thể làm được, nhưng ta thì không sao làm được !…

Khôi nhìn nghĩa phụ.

Lê tướng quân tiếp :

Con ngạc nhiên ư ?… Có gì là ngạc nhiên ! Người ta đã đem lòng nghi kỵ cha, nếu cha treo ấn từ quan, người ta lại càng nghi lắm nữa, và như thế thì không đời nào người ta để cho cha lui về.

Con cũng nhận câu cha nói là phải. Nếu thế, ta xoay cách khác…

Xoay cách nào ?

Cha có ý gì về nước Xiêm la chưa ?

Cặp mắt Lê tướng quân sáng hẳn lên :

Có, nhưng con hãy nói cha nghe.

Khôi khẽ ngâm mấy câu Kiều :

Triều đình riêng một biên thùy,

Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương !

Ồ, con xui cha làm phản ư ?

Thưa cha không. Con đời nào dám xúi cha bỏ đại nghĩa ! Ấy chỉ là một kế phòng xa khi lâm nguy mà thôi.

Ý kiến con thế nào ?

Cha hãy đắp một con đường từ Gia định chạy thẳng sang Xiêm. Một mặt xây thành Gia định này cho cao, đào hào cho sâu để tiến lên có thể cướp lấy Xiêm la, ngồi yên có thể giữ vững được địa vị và tính mệnh.

Làm thế, Triều đình lại càng nghi mất.

Cha không lo. Cha trọng trấn ở đây, có trách nhiệm phải phòng thủ biên cương. Vậy thì những việc cha sẽ làm đều là những việc chánh đáng cả.

Con xem Xiêm la thế nào ?

Xiêm la, theo ý con, chỉ đánh một trận là lấy nghiến.

Lê tướng quân gật đầu :

Con nói phải !… chính hợp ý cha. Từ lâu, cha vẫn ngầm có cái ý thôn tính Xiêm la và cũng chắc chỉ đánh một trận là lấy hết.

Sức cha thừa đi !

Cha biết Triều đình ngờ vực cha lắm. Thỏ đã chết thì chó săn vào nồi, cổ lai vẫn thế. Có điều cha nghĩ tiếc cái công lao thập tử nhất sinh, nằm gai nếm mật của cha khi xưa đã theo giúp Thế Tổ Cao Hoàng Đế mà thôi. Nay, nếu người ta chưa ra mặt tệ mà mình đã vọng động, e mang tiếng phản thần bất trung về ngàn muôn đời, chứ những sức cha thì dù có làm đến mười lần Hoàng Đế cha cũng coi chỉ như trò chơi vậy.

Sự biến động là cái kế sách cuối cùng, bất đắc dĩ ta mới phải dùng đến. Hiện giờ, ta vẫn có thể khuếch trương thổ địa nước Việt nam bằng cách thôn tính Xiêm la được chứ.

Sự ấy chính là ý muốn của ta !

Vậy xin cha hãy sửa soạn đâu vào đấy đi, rồi sớ về Triều xin đức Hoàng Đế xuống lệnh cho cha khởi sự.

Con nói phải.