Trang chủ

Truyện ngụ ngôn Việt Nam

Thuồng Luồng Tị Với Rùa

Xưa, một hôm, con Thuồng luồng vào chầu tại đền Diêm vương. Nó thấy con Rồng, con Phượng, con Lân, con Rùa thì ở trên, còn bao nhiêu giống khác đều quỳ dưới đất cả.

Nó nhìn đi nhìn lại, rồi ra tâu với Diêm vương rằng:

- Chúng tôi thiết nghĩ nhà vua đặt ngôi thứ không được công bình. Như anh Rồng hay co, hay duỗi, lên trời lấy nước làm mưa cho thiên hạ nhờ, anh Phượng lông cánh vẻ vang, chỉ ở với người có đạo đức, anh Lân thì có nhân, có nghĩa, gặp giống gì còn sống, không hề giày chân lên bao giờ... Ba anh ấy, vua cho ở trên các giống chúng tôi là phải. Chớ đến như con Rùa thì nào có công đức gì, mà cũng được một hàng với ba anh ấy? Kể nó thật nhát gan hơn con Chuột, hễ thấy người ta thì co chân, rụt cổ, hình thù trông rất khốn nạn.
Tôi lại bắt được nó mấy lần ăn vụng sen trong hồ nhà vua, mà không muốn nói. Như tôi đây lưng dài, vai rộng, trạng mạo không kém gì anh Rồng và khi ai có tội, nhà vua vẫn sai tôi phải nuốt đi... Tôi có công nhường ấy, mà nhà vua lại cho Rùa ở trên tôi, thật là ức cho tôi lắm... Kìa nhà vua không trông: cái mai nó cong cong như thể mu gì, cái đầu nó đen sì thò lò như thể vật gì.
Để nó ở trên tôi bất tiện...

Diêm vương nghe tâu, phán rằng:

- Ta không phải không biết thế, nhưng con Rùa trạng mạo nó tuy có xấu, mà nó được cái ẩn tướng rất quý. Cái mai nó bát quái, xem đó mà bói toán

được. Nó lại không ăn uống gì mấy và hay biết cơ trời trước. Nó lại còn được cái tuổi già hơn các anh nhiều... Nên ta cho nó ở trên các anh là phải, còn ghen tị gì!

Thuồng luồng nghe nói phải chịu, nhưng trong bụng vẫn hậm hực không phục được anh đầu đen, cổ rụt, nặng nề chậm chạp, chịu luồn cúi dưới tấm bia hay chân hạc.

Bình luận