Trang chủ

Truyện ngụ ngôn Việt Nam

Mượn Thóc Giống

Ngày xưa, có hai anh em đồng hao cùng đến nhà bố vợ để mượn thóc giống. Người anh vốn là người chăm chỉ, biết làm ăn và có lễ độ. Người em thì thường lơ đễnh, làm ăn không sành, cả hai đều ở xa nên bố vợ cũng chẳng biết ai hay ai dở.

Đến nhà, vừa bày tỏ việc mượn thóc giống, bố vợ cũng vui lòng ngay. Đến bữa cơm, ông bố xới cơm cho hai con rể, mỗi bát cơm đều bỏ một hạt thóc. Người em nhai phải một hạt thóc liền nhổ cả miếng cơm đi. Người anh nhai phải hạt thóc liền khẽ nhằn lấy, bỏ ra ngoài. Cơm xong, bố vợ bảo hai con rể hãy cứ về nhà, chưa cho ai mượn thóc hết.

Lần sau hai con rể lại đến mượn trâu cày. Bố vợ lại dọn cơm cho ăn.
Nhưng lúc chia đũa, ông có ý chia mỗi đôi đều có chiếc ngược chiếc xuôi. Lúc ăn, người anh so lại, đổi đầu đũa cho đúng rồi mới ăn, người em cứ nghiễm nhiên, bố vợ đưa cho thế nào cứ thế và cơm, chẳng so chẳng đổi lại đầu đũa gì hết.

Cơm nước xong xuôi, bố vợ mới bảo hai con rể:

- Thóc giống và trâu cày của bố chỉ để cho những người biết làm ăn, biết quý tiếc hột gạo, biết phải trái biết lễ độ. Còn những người ăn không biết quay đầu đũa ắt hẳn ở không biết đầu đuôi, trên dưới; hạt thóc không nhai được thì bỏ một hạt thóc ra, nếu vì một hạt thóc mà vứt bỏ bao nhiêu cơm gạo, không biết tiếc của thì còn đâu mà biết làm ăn nữa.

Nói xong, bố vợ đóng thóc và dắt trâu cho người anh. Người em đành lủi thủi về không.

Bình luận