Trang chủ

Góp mặt cho đời

Ý chí cộng đồng

Dần dà tôi đã thấy chủ nghĩa lạc quan chiến thắng chủ nghĩa bi quan.
Trong cuộc Đại suy thoái trong những năm 1930, bạn chẳng cần là một người bi quan cũng vẫn thấy lo âu cho giấc mơ Mỹ về một cuộc sống tươi đẹp phía trước.
Nhưng chúng ta đã học được từ những năm tháng u ám đó rằng tinh thần con người có tính dẻo dai và chủ nghĩa lạc quan, hy vọng có thể chiến thắng chủ nghĩa bi quan.
Sau Thế chiến thứ II, thông qua một đạo luật, tôi đã vào đại học với học bổng của quân đội, cùng với hàng ngàn người lính khác từ mặt trận trở về.
Không phải ai cũng ủng hộ đạo luật này để cấp học bổng cho binh lính; người ta e rằng quốc gia không thể đủ tiền và việc để cho những người Mỹ bình thường bước vào đại học sẽ làm giảm chất lượng học thuật của các trường đại học.
Lịch sử đã chứng minh những người đó sai về mọi lẽ: các trường đại học phát triển mạnh mẽ bởi làn sóng tân sinh viên với tinh thần mới mẻ và đầu óc năng động và doanh thu thuế của quốc gia gia tăng - do thu nhập tăng cao của một xã hội công dân được ăn học, đã vượt gấp nhiều lần những gì người Mỹ đầu tư cho chính mình thông qua đạo luật này.
Chẳng bao lâu sau khi kết thúc Thế chiến thứ II, Mỹ đã khởi xướng kế hoạch Marshall, một chương trình chưa từng có trong lịch sử để đầu tư hàng triệu đôla giúp đỡ đồng minh - và cả cựu thù - khắc phục hậu quả chiến tranh.
Kế hoạch Marshall giờ đây được xem là một hành động thiện chí lớn lao, nhưng ban đầu cũng không được đông đảo người ủng hộ bởi tốn kém.
Những lợi ích của việc hồi phục nhanh chóng tại châu Âu và sự phát triển sau đó của thương mại thế giới, đã vượt xa cái giá phải trả.
Và, có lẽ điều quan trọng hơn nữa, nước Mỹ đã được khắp nơi nhìn nhận như một cường quốc hào phóng.
Sau đó, tôi đã sống qua những năm tháng mà giờ đây lịch sử gọi là Chiến tranh lạnh - Bức tường Berlin, vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba, những thập niên chạy đua vũ trang.
Một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba dường như hiển hiện với người Mỹ rõ đến độ một số người đã xây hầm tránh bom trong nhà; trẻ em học cách ẩn nấp ở trường khi bị tấn công bằng bom nguyên tử...
Thế giới tự do đã vượt lên trong cuộc chiến tranh lạnh đằng đẵng đó bằng sức mạnh của lý tưởng và giá trị.
Và một trong những chiến thắng vĩ đại nhất mà tôi đã chứng kiến trong đời là phong trào dân quyền, mà ngày nay vẫn tiếp diễn.
Những con người dũng cảm đã lên tiếng và tuần hành và hy sinh cho chính nghĩa của công lý.
Công việc họ khởi xướng vẫn chưa hoàn tất, nhưng tấm gương của họ đã soi rọi cho chúng ta vô số cơ hội để một xã hội mang đến cho con người bình đẳng về quyền, bình đẳng công lý và bình đẳng cơ hội.
Tinh thần lạc quan của tôi về sự tiến bộ của toàn cầu được đặt cơ sở trên con người và nơi chốn mà tôi đã nhìn thấy khắp thế giới.

Trong các chuyến đi của tôi cho Quỹ Bill & Melinda Gates, tôi đã gặp nhiều người thực sự đã làm thay đổi thế giới - các bác sĩ và y tá đã dành những ngày phép ở các nước phát triển để mang đến y tế và hy vọng cho các khu vực nghèo khổ.
Tôi đã gặp những bác sĩ sinh ra ở những nước nghèo, học hành và tốt nghiệp tại Mỹ, rồi trở về quê nhà để làm nên sự thay đổi.
Qua nhiều năm, tôi đã gặp rất nhiều người tốt, trong đó có vô số các nhà đại diện cho các quỹ khác, tận tâm làm việc mỗi ngày trong hoàn cảnh khó khăn để xóa đói giảm nghèo, để cải thiện y tế, để đẩy mạnh quyền của phụ nữ, để đảm bảo quyền lợi đất đai cho các gia đình nông dân, để đem lương thực đến cho người đói.
Trong những năm gần đây, công việc của những cá nhân và tổ chức này đã khích lệ một ý thức trách nhiệm toàn cầu.
Tháng 9/2000, 147 nguyên thủ các nước đã tụ họp tại Liên hợp quốc để bày tỏ quyết tâm xóa bỏ nghèo đói, bệnh tật và sự xuống cấp của môi trường.
Họ bày tỏ hy vọng rằng các công nghệ mới, ý thức được nâng cao trên toàn cầu và sự thịnh vượng gia tăng, có thể được khai thác để giải quyết các vấn đề này và họ đã nhất trí về tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và thời điểm để đạt được.
Các mục tiêu này được đề ra để thúc đẩy giảm nghèo, cải thiện giáo dục, tăng cường sức khỏe cho bà mẹ và bình đẳng giới và chiến đấu với tỉ lệ tử vong ở trẻ em, HIV/AIDS và các bệnh khác.
Các nước nghèo có mặt tại Đại hội đồng đã cam kết hoạt động tốt hơn và đầu tư vào con người thông qua chăm sóc y tế và giáo dục.
Các nước giàu cam kết trợ giúp họ thông qua viện trợ, xóa nợ và thương mại công bằng hơn.
Đối với Mỹ và các nước phát triển khác, sự cam kết là 0,7% tổng sản phẩm quốc dân sẽ dùng để thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Những người bi quan hãy lưu ý: trong những năm tháng Đại suy thoái, hoặc trong thời đại đáng sợ của Chiến tranh lạnh, hoặc những ngày khó khăn nhất của phong trào dân quyền, ai trong chúng ta dám đặt cược rằng 147 quốc gia trên thế giới sẽ có ngày hội họp, quyết tâm và đề ra một loạt các mục tiêu phát triển quốc tế với thời hạn cụ thể?Tôi đã suy nghĩ nhiều về những thời điểm lịch sử như thế này - làm thế nào các sự kiện, các nền văn hóa và ý tưởng hợp lại vào đúng lúc để tạo nên sự thay đổi.
Trong một nền dân chủ và trong một thế giới ngày càng dân chủ, tôi cho rằng lực tạo nên thay đổi là cái được gọi là ý chí cộng đồng.
Đó là một khái niệm trừu tượng, một thứ mà bạn không thể sờ được, chụp ảnh được, hay mua được ở cửa hiệu.
Nhưng có những điều quan trọng đã xảy ra do ý chí cộng đồng thúc đẩy.
Và khi không có điều gì xảy ra, đó là do cộng đồng chưa có ý chí ấy.
Ý chí cộng đồng là lý do mà các phong trào dân quyền đã xảy ra trong thập niên 1960 tại Mỹ, chứ không phải trong thập niên 1940.

Ý chí cộng đồng là tổng hợp hành động công dân của từng cá nhân.
Bạn gia nhập một câu lạc bộ.
Bạn đọc một tờ báo.
Bạn ký một thỉnh nguyện thư.
Bạn viết một lá thư.
Bạn đi bầu.
Bạn đóng góp tiền.
Bạn tranh luận một cách tích cực.
Nếu các câu lạc bộ và báo chí, thỉnh nguyện thư và lá phiếu hay tiền quyên góp và những tranh luận của bạn chủ yếu nhắm vào cùng một hướng, thì đó chính là ý chí cộng đồng.
Ý chí cộng đồng sẽ thể hiện khi mọi người đồng lòng về mục đích đúng đắn phải hành động và khi mọi người bắt đầu thể hiện niềm tin chung ở mọi việc họ làm.
Đó chính là những gì đã xảy ra khi những người đại diện cho các quốc gia tụ họp và đề ra các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Họ làm điều đó bởi vì ý chí cộng đồng toàn cầu đã phát triển để ủng hộ các mục tiêu đó.
Thế hệ lớn lên ngày nay trên thế giới đang ngày càng nhận thức rõ về các sự kiện toàn cầu.
Tôi hy vọng họ sẽ gánh vác trọng trách tạo lập bình đẳng toàn cầu cũng như thế hệ chúng tôi đã gánh vác phong trào dân quyền.
Tôi sẽ nói cho bạn biết tại sao tôi tin các bạn trẻ sẽ làm điều đó.
Tám năm sau khi các nước tụ họp và đề ra Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, một đứa cháu gái của tôi đã đi học về với một bài tập làm cho tôi sửng sốt và vui mừng.
Bài tập của cô bé là tìm hiểu về Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Bình luận