Trang chủ

Góp mặt cho đời

Càng già càng cao

Người ta có những ý niệm tức cười về sự lão hóa.
Khi các cháu của tôi còn bé - bởi vì tôi cao gần 2m và là người lớn tuổi nhất mà chúng biết - một số đứa có ấn tượng rằng người ta càng già thì càng cao.
Bọn chúng lo sợ rằng sắp sửa đến ngày mà tôi không chui vừa vào trong nhà nữa.
Ngẫm lại, tôi thấy ý nghĩ của chúng không có gì kỳ quặc lắm.
Vào những lúc hưng phấn, tôi cũng chẳng nhớ mình đã bao nhiêu tuổi.
Điều khiến tôi trở về với thực tại chính là danh vị mà những người trong quỹ đã dành cho tôi để phân biệt tôi với con trai tôi.
Khi dạo bước trong hành lang, tôi thường nghe thấy họ hỏi nhau: “Thấy bố không?” hoặc “Bố có dự họp trong đó không?”Tôi đã từng nghỉ hưu mà chẳng hề toan tính đến một công việc kế tiếp.
Thế rồi một đêm tôi tình nguyện giúp Bill và Melinda đáp lại các yêu cầu gửi đến để xin quyên góp từ thiện.
Và đó là lý do tôi đang làm công việc này.
Một cái hay khi già đi là cuộc sống có thời gian để trao cho ta những cơ hội bất ngờ.
Sống lâu là một cơ hội bất ngờ mà nhiều người Mỹ ngày nay được hưởng mà nhiều người ở các xứ sở khác chưa được.
Tôi cho rằng tuổi thọ trung bình của một công dân Mozambique rơi vào khoảng 47.
Sống đến bảy, tám mươi tuổi thường là những người sung túc và khỏe mạnh.
Vì thế lo âu cho người già là một vấn đề cao cấp của xã hội.
Người già thật ra là một nguồn lực lớn lao.
Gần nửa triệu người Mỹ hơn 55 tuổi đang làm tình nguyện viên cho Tổ chức Dịch vụ Cao niên Quốc gia, đảm đương các vai trò như trông nom cháu nhỏ họ nhận nuôi và các vai trò khác.
Hàng trăm người đang tham gia tổ chức Peace Corps.
Tất cả chúng ta đều biết rằng người lớn tuổi là những thành viên đáng tin cậy nhất trong giáo đoàn và các tổ chức phục vụ.
Nhiều người khác vẫn đang làm việc hoặc chuyển sang nghề thứ hai.
Một người bạn của tôi là một y tá về hưu.
Bà chiêu mộ các bác sĩ đi du lịch cùng mình đến nước Bhutan ở dãy núi Himalaya hai lần mỗi năm để làm phẫu thuật cho trẻ em tại đó.

Theo quan niệm của tôi, điều cản trở người già tiếp tục làm việc không phải là vấn đề sinh học, mà là quan điểm của chúng ta.
Đôi khi chúng ta chỉ giỏi nhìn thấy những giới hạn của tuổi tác mà bỏ qua các lợi điểm từ đó.
Khi nghiên cứu quan hệ giữa tuổi tác và sự hoàn thiện, tác giả Melanie Brown đã lưu ý rằng sách lịch sử đầy những con người đạt thành tựu vào lúc cao niên - như Justice William O.
Douglas, nhà điêu khắc Louise Nevelson, Marian Anderson, George Balanchine, Georgia O’Keeffe, Alfred Hitchcock, Rembrandt, Bach, Jacques Cousteau và nhiều người khác.
Tiến sĩ Brown lưu ý rằng danh họa Claude Monet bị đục thủy tinh thể và thị lực bị lệch lạc, nhưng ông đã dùng chính sự sai lệch ấy để vẽ hoa súng.
Bà nói rằng sự tinh tế, ánh sáng, vẻ đẹp và dịu dàng trong các bức họa của ông không thể xuất phát từ một người có thị lực hoàn hảo, mà phải từ một người có cảm quan hoàn hảo.
Cảm quan để nhìn vào sự tinh tế của thiên nhiên.
Ý tôi ở đây không phải là gạt bỏ những thách thức của tuổi cao niên, bởi đó là những thách thức ghê gớm.
Tôi biết sự khó chịu khi gặp một người quen trong một dịp khánh tiết nào đó và quên khuấy mất tên của người đó.
Vào những lúc như thế, tôi muốn nhắc lại câu trả lời của Bruce Bliven quá cố, một cựu biên tập viên của New Republic, khi có người hỏi ông về cảm giác trở thành người già.
Ông đáp: “Tôi không cảm thấy như một ông già.
Tôi cảm thấy như một người trẻ đang gặp vấn đề.
”Dù sao đi nữa, tôi vẫn rèn luyện các bài tập về trí nhớ (mà tôi hy vọng có ích) và thích thú với ý tưởng gần giống như các cháu tôi tưởng tượng rằng càng già người ta càng cao.
Vấn đề là chúng ta không bao giờ buộc phải ngưng lớn dậy.

Bình luận