Trang chủ

Góp mặt cho đời

Làm việc chuyên cần

Mọi người thường hỏi tôi tại sao - ở tuổi tám mươi ba - tôi vẫn thức dậy sớm mỗi sáng và lái xe đến văn phòng để làm việc.

Tôi thường đáp bằng một câu trả lời ngắn gọn và không khó đoán: tôi thích làm việc.

Tôi thích sự thách đố khi phải đưa ra quyết định và cũng có nguy cơ thất bại chờ chực sẵn. Tôi thấy trạng thái đó rất phấn khích. Tôi cảm thấy sẽ sảng khoái hơn khi lao vào công việc thay vì ngồi trên một bãi biển đâu đó.

Tôi cho rằng có nhiều lý do tại sao giờ đây tôi vẫn làm việc hăng say như thời trai trẻ đang hành nghề luật.

Một trong các lý do đó có liên quan đến bố tôi.

Công việc mùa hè đầu tiên của tôi thời trung học là làm “bốc xếp” ở cửa hàng vật dụng nội thất của bố tôi - lo xếp dỡ các thứ như nệm, ghế sofa và ghế bành lên xuống các xe tải và khiêng vào nhà người ta để giao hàng. Tôi miệt mài biết bao giờ đồng hồ với công việc chân tay mệt nhoài này. Và bố tôi hài lòng khi thấy tôi lao vào làm việc.

Năm 1912, ông nội tôi, William Henry Gates, đồng ý trả 733 Mỹ kim để mua lại kho hàng của cửa hàng vật dụng nội thất trên đường Front ở khu trung tâm thành phố Bremerton. Lúc tôi ra đời thì cửa hiệu này, mang tên là U. S. Furniture Store, đang được kinh doanh bởi bố tôi và con trai người bạn làm ăn của ông nội tôi, Roy Morrison.

Tôi vẫn còn nhớ trong ký ức rằng cuộc sống của bố tôi xoay quanh cửa hiệu này, nhưng ông không bao giờ xem mọi chuyện là nghiễm nhiên.

Ký ức xa xôi nhất của tôi về bố là hình ảnh ông đi bộ về nhà mỗi tối sau giờ làm việc và nhặt nhạnh những mẩu than đá ông nhìn thấy trong ngõ hẻm. Những viên than này rơi vãi từ các xe tải giao than đến cho các gia đình láng giềng. Thời đó người ta còn dùng than để sưởi ấm trong nhà. Bố tôi nhặt những mẩu than ấy về và bỏ vào một thùng than trong nhà.

Cử chỉ hằng ngày này nói lên mức độ âu lo của bố về sinh kế.

Dĩ nhiên là ông có lý do để quan ngại. Năm 1929, khi tôi lên bốn, thị trường chứng khoán sụp đổ và cuộc Đại suy thoái bùng lên. Thế là tôi lớn lên với một nỗi sợ hãi mà tôi không nghĩ rằng con cái của tôi có bao giờ trải qua, nỗi sợ trở nên nghèo túng.

Nhưng bố tôi đã hiểu ý nghĩa của sự nghèo khó từ lâu trước cuộc Đại suy thoái. Lên tám ông đã phải đi bán báo trên đường phố rét cóng của vùng Nome, tiểu bang Alaska để giúp nuôi gia đình trong lúc bố mình đi tìm vàng. Đến lớp tám ông đã phải nghỉ học hoàn toàn để phụ giúp gia đình.
 
Tôi cho rằng kinh nghiệm cuộc đời cộng với thời cuộc gian nan lúc ấy đã khiến bố tôi trở nên như thể lúc nào cũng sợ hãi.

Ông chẳng hề đến rạp hát hay đi xem các trận đấu bóng. Ông chẳng đi câu, đi săn, đi chèo thuyền hay leo núi. Ông hiếm khi đi nghỉ mát cho đến lúc về hưu. Bố làm việc.

Vào những ngày đầu của Microsoft, con trai tôi, Trey và cộng sự của nó, Paul Allen, làm việc, ăn và ngủ trong văn phòng đầu tiên của chúng tại Albuquerque, nơi chúng ngồi viết các chương trình phần mềm.

Lúc ấy chúng cũng chẳng có ngày nghỉ.

Trey làm việc với nhịp độ không ngừng nghỉ như thế suốt nhiều thập niên. Bất kỳ thành tựu có ý nghĩa nào trong đời cũng đòi hỏi làm việc chuyên cần.
Bố tôi đã bán cửa hiệu của ông năm 1940 cho một gia đình gốc ở nơi khác và sở hữu một cơ ngơi kinh doanh vật dụng nội thất lớn hơn nhiều.

Số tiền bố mẹ tôi có được do bán cửa hiệu này không phải là nhiều nếu so với chuẩn mực ngày hôm nay, nhưng số tiền ấy dư dật để ông bà sống thoải mái vào thời ấy. Nhưng tinh thần làm việc của bố tôi vẫn không chút suy giảm.

Thậm chí sau khi về hưu, ông còn phụ cho một cửa hiệu nội thất khác trên phố, cũng như nhúng tay vào các dự án trong câu lạc bộ của ông.

Lúc còn bé, Kristi, con gái lớn của tôi, thỉnh thoảng lại đi phà từ Seattle đến Bremerton với ông bà nội.

Kristi vẫn còn nhớ những lúc đi bộ với bà nội để đón ông nội đi làm về cuối ngày, dọc trong ngõ hẻm nơi ông đã từng nhặt những mẩu than đá để sưởi ấm ngôi nhà trong những ngày thăm thẳm của cuộc Đại suy thoái. Cũng như ngày xưa, ông vẫn đi bộ về nhà sau giờ làm.

Bình luận