Trang chủ

Góp mặt cho đời

Nguy cơ của nước Mỹ

Nếu một thế lực ngoại bang thù địch âm mưu cài đặt cho nước Mỹ một hệ thống giáo dục với hiệu quả tầm thường như những gì chúng ta có hôm nay, có lẽ chúng ta sẽ xem đó như một hành vi gây chiến.
Ủy ban Quốc gia về Giáo dục Ưu việt.
Kể từ khi tốt nghiệp trường luật năm 1950, tôi đã tham gia vào vấn đề giáo dục công.
Tôi đã tham gia các chiến dịch, các ủy ban thỉnh giảng của đại học và các ủy ban của các tập đoàn kinh doanh và đã phục vụ hơn một thập niên trong hội đồng quản trị của Đại học Washington.
Tôi quan ngại về chất lượng giáo dục của Mỹ.
Một báo cáo nổi bật năm 1983 của Ủy ban Quốc gia về Giáo dục Ưu việt, với tựa đề “Nước Mỹ trước rủi ro”, đã nhấn mạnh quan ngại của tôi.
Có một đoạn đầy kịch tính trong bản báo cáo đó, mà tôi đã trích lại ở đầu phần này.
Nguyên văn của phần trích như sau:Chúng ta đã cho phép tình trạng này xảy ra với chính mình.
Chúng ta đã lãng phí những lợi thế mà giới sinh viên đạt được trong làn sóng thức tỉnh sau thách đố từ sự kiện Sputnik.
Chưa hết, chúng ta đã làm hủy hoại hệ thống hỗ trợ quan trọng để đạt được những lợi thế đó.
Thực chất, chúng ta đã hành động thiếu suy nghĩ trong việc đơn phương tự giải trừ quân bị về mặt giáo dục.
Khi xem xét điều này, một yếu tố tôi thấy thú vị là chất lượng nền giáo dục bậc cao của chúng ta lại được xem là tốt nhất thế giới.
Tôi nghĩ tôi hiểu được một lý do quan trọng của tình trạng này.
Là một ủy viên hội đồng quản trị của một trường đại học, tôi đã quan sát thấy các cơ sở đại học như cơ sở của tôi cạnh tranh với các nơi khác một cách mạnh mẽ như đối thủ trong bất kỳ ngành nào.
Họ cạnh tranh với nhau trực diện để giành sinh viên giỏi nhất, để đạt được khoa giỏi nhất và có cơ sở vật chất tốt nhất.
Việc xếp hạng các trường đại học và các học hiệu, phân khoa trực thuộc - mặc dù đôi khi bị xem nhẹ - hầu hết được tiến hành rất nghiêm túc và người ta luôn nỗ lực không ngừng để cải thiện các thứ bậc này.

Trong môi trường cạnh tranh cao độ này, tài chính chi trả có liên quan trực tiếp đến chất lượng công trình học thuật và kỹ năng giảng dạy của giáo sư.
Và luôn luôn có sự cạnh tranh khốc liệt để giành tài trợ cho nghiên cứu và các nguồn quỹ khác bên ngoài.
Một câu hỏi đặt ra: Nếu các trường đại học của chúng ta tốt như thế và cạnh tranh quyết liệt như thế trong hoạt động, thì liệu cạnh tranh có làm cải thiện chất lượng? Tôi thấy dường như là có.
Thế giáo dục trước đại học thì sao? Tôi cũng đã quan sát lĩnh vực đó.
Bất kỳ phân tích nào trong hệ thống giáo dục phổ thông cũng cho thấy hầu như không có cạnh tranh gì cả.
Không có cạnh tranh giữa các thầy, giữa các trường và cũng chẳng có giữa các khu vực.
Một số thực tế về tình trạng giáo dục phổ thông tại Mỹ: các trường học được đánh giá và xếp loại theo năng lực của học sinh; giáo viên được đánh giá về khả năng giảng dạy và truyền động lực cho học sinh; các sinh viên giỏi nhất tốt nghiệp đại học đều không muốn làm giáo viên; khoảng 40% học sinh trung học kém may mắn đã bỏ học trước khi tốt nghiệp.
Thách thức ở đây là sự cải tổ phải diễn ra rất căn cơ.
Công việc giảng dạy ở bậc phổ thông phải được kích hoạt trở lại.
Hãy xem xét một lần nữa các yếu tố hiệu quả của giáo dục bậc cao, nơi mọi người đều có động lực.
Tại sao không mang động lực ấy đến cho học sinh phổ thông?Các giáo viên và các nhà quản trị giáo dục phải được tưởng thưởng với thành tích tốt và ngược lại, hiệu năng kém phải dẫn đến sa thải và giáng chức.
Một yếu tố nữa không được xem nhẹ là sự nể trọng của đồng nghiệp về chất lượng giảng dạy, như một động lực.
Tôi lạc quan rằng các nhu cầu này một ngày kia sẽ được nhận ra và chấp nhận, nhưng tôi không đánh giá thấp thách đố này.
Để giảng dạy hiệu quả cần phải có chế độ tưởng thưởng cao hơn chứ không đơn thuần áp dụng chính sách thù lao như hiện tại.
Khi một hệ thống trường học trở nên xuống dốc đến mức tệ hại, công luận sẽ đòi hỏi cải tổ và các biện pháp cải cách mạnh mẽ sẽ được chấp nhận.
Một thí dụ tiêu biểu cho hiện tượng này chính là New York City.
Tại đây, ngài thị trưởng, Michael Bloomberg, đã kết luận rằng phải cải cách trên quy mô lớn.
Ông đã đích thân giám sát các trường và tuyển mộ một cựu viên chức công tố lão luyện để giám sát cải cách.
Cuộc tái cơ cấu này sau khi hoàn thành đã chia tách nhiều trường trung học lớn với hơn hai ngàn học sinh mỗi trường thành các học hiệu nhỏ hơn và bố trí các nhà quản trị nhỏ về để tổ chức quản lý các ngôi trường mới.

Kết quả: các ngôi trường mới này, vẫn với các học sinh trước đây, đã tăng tỉ lệ tốt nghiệp từ 35% lên 77%.
Một thí dụ tiêu biểu khác là tại thủ đô Washington.
Một thị trưởng mới tại đây đã đắc cử với tỉ lệ áp đảo và trở thành ứng cử viên đầu tiên trong lịch sử thắng cử tại mọi khu vực.
Nền tảng vận động của ông chính là cải cách giáo dục.
Ông thành lập một cơ quan giáo dục và sau đó hội đồng giáo dục địa phương và hội đồng thành phố mất quyền quản lý trực tiếp đối với các trường học trong thủ đô.
Một yếu tố khác của nơi này là vị lãnh đạo ngành giáo dục, Michelle Rhee, là một nhân vật xuất sắc.
Bà đã đóng cửa một số trường có vấn đề nhiều nhất, sa thải các hiệu trưởng và ngưng việc với hàng trăm giáo viên.
Và bà bắt đầu treo thưởng cho các giáo viên tại các trường nào mà sinh viên đạt kết quả cao trong các kỳ trắc nghiệm tổ chức tại thủ đô.
Họ đã giải quyết vấn đề theo một đường hướng đầy ý nghĩa, mặc dù chưa ai sẵn sàng tuyên bố chiến thắng.
Và chúng ta đã thấy - hai thành tố cần thiết để đạt được tiến bộ: tập trung quyền lực quản lý và quản trị hiệu quả đội ngũ giáo viên.
Nhiều bậc cha mẹ, giáo viên, các nhà quản lý giáo dục và các hội đồng giáo dục đều không muốn nhìn nhận những khiếm khuyết căn bản trong hệ thống giáo dục của chính mình.
Tinh thần lạc quan của tôi dựa trên những gì tôi gọi là bài học từ việc cải cách các trường lớn trong vùng New York và thủ đô Washington.
Cải cách sẽ diễn ra chừng nào dân chúng còn đòi hỏi.
Giải pháp đối với các vấn đề của ngành giáo dục tại Mỹ đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản và biện pháp mạnh mẽ.
Đi đúng hướng không đơn giản và nhẹ nhàng.
Để làm được điều đó, phải có sự tận tâm và hỗ trợ của mỗi người và tất cả mọi người.

Bình luận