Trang chủ

Góp mặt cho đời

Những điều tôi học từ các con

Rõ ràng trẻ con học được nhiều nhất bằng cách quan sát bố mẹ chúng hành động.  Nhưng điều ngược lại cũng đúng. Nếu chú tâm, các bậc bố mẹ có thể học hỏi nhiều điều bằng cách quan sát con cái. Sau đây là một số bài học mà tôi đã học được từ các con.

Tôi học về năng lực từ con gái tôi, Kristi.

Là con cả của tôi, Kristi được cho rằng sẽ giống tôi. Cả hai cha con đều thích theo đuổi những công việc âm thầm và chỉ thích nhất khi ngồi với vài người bạn thân. Chúng tôi trao đổi với các con nhiều hơn khi chúng đủ lớn để đối thoại một cách chững chạc. Chúng tôi được cho rằng khắc kỷ với bản thân hơn mức cần thiết. Trong mắt tôi, những tính cách định hình con người Kristi là năng lực phi thường của cô - một điều tiếp tục được thể hiện trong mọi mặt của cuộc sống.

Tôi nhận ra Kristi sẽ trở thành một người đề ra tiêu chuẩn cao khi nó mới lên năm. Con bé thường ngồi ở băng ghế sau và phàn nàn rằng tôi lái xe nhanh quá.

Kristi là người tỉ mỉ, tận tâm và khắc kỷ đến mức hiếm hoi đối với một đứa trẻ. Nó cũng có ý thức bẩm sinh trong việc tuân thủ luật lệ.

Mặc dù đặt ra kỳ vọng cao cho cả nhà - điển hình cho một đứa con cả - Kristi lại không quy trách nhiệm cao cho ai khác ngoài bản thân.

Chẳng hạn, ngay sau khi lấy được bằng lái, Kristi đã chuẩn bị lái xe đi đâu đó. Nó vào trong nhà để xe, lùi xe ra ngoài mà không biết rằng xe của mẹ đang đậu trên lối đi. Nó đã lùi xe thẳng vào xe của mẹ.

Con bé phiền não đến độ cảm thấy mình hoàn toàn bất tài và cất xe vào ngay trong nhà để xe, rồi quay trở vào nhà và đi vào phòng ngủ, cắt bằng lái xe ra thành từng mảnh!

Giờ đây thì tôi có thể vui mừng thông báo rằng cô ta là một người lái rất giỏi và là một trong những người giàu năng lực nhất mà tôi biết.

Với lợi thế của mình, Kristi đã chọn đúng nghề - một nghề mà vợ chồng tôi đã có ý niệm mơ hồ từ lúc nó lên mười.

Lúc bấy giờ, cả nhà cùng đi xe đến Disneyland. Kristi muốn giữ riêng tiền tiêu của mình.
Khoản này gồm mười đôla nó dành dụm và mười đôla của bà cho.

Ngoài số tiền, con bé còn cầm theo một cuốn sổ nhỏ để theo dõi chi tiêu.
 
Lúc sắp về đến nhà, con bé mở sổ ra để xem còn lại bao nhiêu tiền theo ghi chép. Thế rồi, con bé mở ví ra để đếm tiền. Hai con số khớp nhau đến từng xu. Chính lúc đó vợ chồng tôi đã nhận ra Kristi có thể lớn lên trở thành một nhà kế toán.

Và đúng là Kristi đã chọn nghề đó. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô ta làm kế toán công cho Deloitte, một trong tám công ty kế toán lớn nhất thế giới và ngày nay là một trong bốn công ty lớn nhất và sau cùng thăng tiến đến chức partner .

Kristi luôn luôn quyết tâm đi theo con đường mình chọn.

Lúc còn ở đại học, cô ta bắt đầu nhận ra rằng ở quê nhà, đi đâu cô ta cũng là “con gái của Mary Gates. ” Cô ta không muốn mọi người biết đến như con gái của mẹ mình, hoặc chị của Bill Gates. Để tạo ra một khởi đầu mới trong đời sống hôn nhân, cô ta và chồng, John Blake, đã chọn nhà tại Spokane, Washington.

Hoàn toàn tự lực, cô ta đã trở thành một nhân vật trong cộng đồng của mình và là chủ tịch của United Way trong khi vẫn đảm đương công việc kế toán, lo sổ sách cho em trai, nuôi dạy hai con - Kerry và Sully - và sống trọn vẹn với chồng.

Nhờ năng lực và uy tín trong kinh doanh và tài chính mà cô ta đã trở thành giám đốc  của một công ty dịch vụ công ích và ba công ty khác. Cô cũng nằm trong hội đồng quản trị Đại học Washington, cùng với tôi. Tôi biết chắc bất kỳ bố mẹ nào cũng hiểu được niềm tự hào của tôi khi nhìn thấy Kristi tài giỏi, đảm đương công việc quan trọng này.

Kristi và chồng, John Blake, xây dựng cuộc sống tại Spokane, Washington, cách Seattle năm giờ, một khoảng trời cách biệt với nơi cô lớn lên. Ảnh chụp hai người vào ngày cưới, năm 1987.


Tôi cũng rất xúc động nghe cô nói rằng cô được truyền cảm hứng mỗi ngày bởi ký ức về người mẹ luôn cần mẫn và đầy ý thức tự giác trong công việc hằng ngày.

Năng lực một người chị của Kristi được thể hiện ở chỗ cô trung tín một cách ghê gớm với các em và rất giỏi giữ kín những gì các em tin tưởng mà tâm sự.

Kristi con gái tôi đầy tinh thần cầu toàn nhưng cũng không quên tận hưởng những ngày vui.
Ảnh chụp năm 1957.

Khi vào trung học, cậu em trai Trey thường lẻn ra khỏi nhà vào ban đêm để vào học xá của Đại học Washington mày mò máy tính với người bạn Paul Allen.

Cả hai tìm được chỗ làm tại một công ty gần nhà. Họ trả tiền cho chúng thử nghiệm độ bảo mật của hệ thống máy tính bằng cách thử đột nhập vào hệ thống.

Mary và tôi không hề biết con trai mình vắng nhà khuya để hoạt động như một hacker.
Kristi biết điều đó nhưng không bao giờ phản bội niềm tin của em trai.

Gần đây Kristi mới bảo tôi: “Tầng hầm dưới nhà lẻn ra dễ lắm. Con chưa thử lần nào thôi. ”

Tôi cũng có thể hỏi Libby xem cô nàng có lẻn ra vào ban đêm không, nhưng hỏi để làm gì nếu mình không thích nghe câu trả lời nhỉ?

Như mọi bố mẹ khác, có lúc tôi cũng lo âu về khả năng làm bố của mình. Quá nhiều thứ diễn ra - và rõ ràng có nhiều điều tôi không biết.
 
Tôi trăn trở về việc hầu hết chúng ta hiếm khi tìm kiếm một sự hướng dẫn nào để làm bố mẹ cho hiệu quả trong khi người ta vẫn giảng dạy và truyền đạt rất nhiều thông tin bổ ích.

Mary và tôi đã cùng theo học một khóa huấn luyện dành cho các bậc phụ mẫu muốn chu toàn, tại nhà thờ. Nhưng chẳng thấm vào đâu. Thậm chí, tôi còn nhớ một bài học trong lớp ấy rất đáng để lưu truyền. “Dù gì đi nữa, chớ bao giờ hạ thấp con trẻ. ”

Tôi thường nói rằng thành tựu lớn nhất trong đời tôi - cho đến giờ - là nuôi dạy các con và vun đắp gia đình. Tôi không biết điều đó có đúng với nhiều người khác không, nhất là nếu chúng ta định nghĩa gia đình một cách rộng hơn, bao gồm cả những thành viên cùng huyết thống, cha mẹ và con nuôi và thậm chí cả những người mà chúng ta có mối liên hệ tình cảm đặc biệt.

Vậy nên lời khuyên của tôi đối với những ai đang cân nhắc vai trò làm cha mẹ là hãy cố gắng hết mình để làm tốt vai trò đó.

Hãy cống hiến bằng cách học hỏi mọi điều có thể để làm cha mẹ. Hãy cống hiến bằng cách suy nghĩ cẩn trọng xem mình muốn làm một bậc cha mẹ như thế nào và phải làm gì để đạt được mục tiêu đó.

Trở thành một bậc cha mẹ đích thực có lẽ công việc quan trọng nhất trên đời.

Tôi học hỏi từ Trey rằng tinh thần ham hiểu biết của tuổi ấu thơ có thể tồn tại suốt đời.

Khi Trey còn nhỏ, tôi thường đưa cậu ta đến thư viện. Cậu thích đọc và thường xuyên đòi đi trả sách để mượn thêm.

Tôi biết nhiều bậc cha mẹ rất thích chiêu dụ con cái đọc sách. Cho nên tôi muốn nói là ngay cả một thói quen tốt cũng có thể trở nên thái quá. Một trong những hậu quả ngoài ý muốn của những chuyến đi đến thư viện ấy là Trey đã mê đọc sách đến độ vừa ăn vừa đọc sách!

Mary và tôi đã cố hết sức để thuyết phục cậu ta rằng, xét theo quy tắc lịch sự trong xã hội thì đọc sách trong khi đang ăn với người khác là một hành vi không hay.

Một trong những tác nhân khiến Trey đọc sách không ngừng nghỉ là vì mỗi kỳ hè, giáo viên ở nhà trường lại đưa cho học sinh một danh sách dài các sách để đọc trong mùa hè và lại có một cuộc thi để xem ai đọc được nhiều sách nhất. Trey luôn tranh đua bởi nó muốn chiến thắng và thường thắng cuộc.

Thế nhưng tôi vẫn cho rằng lý do chính khiến Trey đọc đến mức ám ảnh như vậy là bởi cậu ta quá tò mò. Cậu ta không chỉ muốn biết về một điều gì đó. Cậu ta muốn biết mọi thứ.

Chúng tôi đã cố gắng nuôi dưỡng tính ham hiểu biết của con cái theo những cách mà nhiều bậc cha mẹ vẫn làm.
 
Chúng tôi không cho phép các con xem TV nhiều, mà cho chúng mua nhiều sách. Và chúng tôi không ép chúng đi ngủ đúng giờ nếu chúng đọc sách trễ.

Nếu có một từ lạ nào đó xuất hiện trong bữa ăn tối, một người trong gia đình sẽ bước sang phòng bên cạnh, lật cuốn từ điển to kềnh ra, tra tìm từ đó rồi đọc to định nghĩa ấy lên. Trong trí óc của Trey, thói quen này khiến cậu củng cố ý niệm rằng, nếu ta có một câu hỏi thì câu trả lời sẽ nằm đâu đó. Ta chỉ việc đi tìm kiếm.

Trey học tốt ở trường. Thật ra, các giáo viên đều hài lòng với cậu. Và tôi không nghĩ rằng vợ chồng tôi biết được cậu ta đã học hỏi được nhiều đến đâu từ những kinh nghiệm của mình. Một trường hợp có thể kể là kinh nghiệm cọ xát đầu tiên của cậu với thế giới thương mại - bán hạt dẻ.

Khi Trey tham gia hướng đạo, nhóm của cậu quyên tiền cho các hoạt động bằng cách bán hạt dẻ sống vào các ngày lễ. Các nhóm cạnh tranh với nhau xem ai quyên được nhiều tiền nhất. Trey đã dành biết bao tiếng đồng hồ đến từng nhà để mời mua hạt dẻ.

Vào các buổi tối và cuối tuần, tôi đi cùng cậu, lái xe đưa cậu đến các khu dân cư khác và chờ ngoài xe trong khi cậu đi đến từng nhà.
 

Với Trey, hướng đạo không chỉ là tụ tập, đốt lửa trại và ăn uống. Mỗi năm, các nam hướng đạo đi gõ cửa từng nhà, bán hạt dẻ để quyên tiền cho các hoạt động của chúng. Đây là trải nghiệm đầu đời của Trey đối với thế giới thương mại. Ảnh chụp năm 1966.

Hóa ra từ lúc ấy Trey đã ghi nhớ ấn tượng về những lúc đi gõ cửa bán hàng, các yếu tố tác động đến quyết định mua hàng và trong chừng mực nào đó, tìm ra thị trường phù hợp cho sản phẩm để đạt được thành công chung cuộc.

Đến lúc bước vào tuổi thiếu niên, tính ham hiểu biết của Trey đã dẫn dắt cậu vào một hoạt động khác mà cậu học hỏi được rất nhiều - mày mò trong phòng máy tính với anh bạn Paul Allen.

Trong lúc còn đi học, Trey, Paul và một người bạn khác đã cùng lập ra công ty kinh doanh đầu tiên cho mình: một công ty chế tạo và tiếp thị một thiết bị do các cậu sản xuất, tên là Traf-O-Data.
 
Thiết bị này được thiết kế để thu thập và hiển thị thông tin lấy được từ các thiết bị đếm lượng xe cộ lưu thông, thường gắn trên đường phố.

Thiết bị Traf-O-Data nhận dữ liệu thô từ các chiếc hộp nhỏ màu đen gắn trên đường và vẽ ra biểu đồ mô tả lưu lượng xe cộ mỗi ngày, tính theo giờ. Đó là một công cụ hữu ích cho bất kỳ ai muốn đưa ra quyết định về phân luồng giao thông hoặc xây dựng cầu đường.

Sau khi tập dượt nhuần nhuyễn nhiều lần tại bàn bếp, con trai tôi đã thuyết phục được một số viên chức của thành phố Seattle đến nhà nghe cậu trình bày.

Mọi chuyện hôm ấy tại nhà của Gates diễn ra không như dự tính. Thiết bị Traf-O-Data không hoạt động.
Trey phản ứng ra sao khi cuộc thuyết trình đầu tiên về hệ thống thiết bị của mình gặp thất bại?

Cậu chạy vào trong bếp, vừa chạy vừa hét: “Mẹ, mẹ... mẹ ra đây kể cho họ nghe là thiết bị này chạy tốt như thế nào đi!”

Chắc cũng không có gì ngạc nhiên khi cậu không chào bán được máy vào ngày hôm đó! Máy Traf-O-Data rốt cuộc đã kinh doanh không thành công, mặc dù nó cũng báo trước được điều gì đó liên quan đến Microsoft.

Có lẽ một bài học ở đây chính là trước mỗi thành công đều có một vài lần khởi sự vấp váp.

Dường như ở đâu cũng luôn có những con người ham hiểu biết. Nhiều năm trước khi  lập ra Microsoft, Trey và Paul Allen đã nghiên cứu bài học thành công của những người thành đạt.

Trey thu thập thông tin về đề tài đó ở nhà quanh bữa ăn tối. Khi cậu lớn lên, Mary và tôi có bạn bè mà nhiều người trong số đó là bạn học từ thời đại học và đang thành đạt trong nhiều lĩnh vực - từ khoa học và y tế, cho đến kinh doanh. Khi chúng tôi mời những người bạn ấy đến ăn tối, họ nói say sưa về những thử thách và bọn trẻ học được rất nhiều bằng cách lắng nghe và, trong trường hợp của Trey, đặt câu hỏi.

Dĩ nhiên, những câu hỏi của Trey không chỉ dành cho khách.

Khi Mary làm việc trong ủy ban United Way chuyên lo phân phối tiền cho các tổ chức phi lợi nhuận, Trey truy vấn mẹ: “Mẹ, nhu cầu gì sẽ không được đáp ứng? Điều gì gây ra vấn đề này? Ai sẽ đáp ứng những nhu cầu đó? Họ được kết quả gì? Làm sao mẹ đánh giá được?”

Trey chẳng bao giờ đánh mất sự ham hiểu biết và lối tư duy phân tích một cách sâu sắc.
 
Khi cậu và Paul sáng lập Microsoft, cậu đề ra một truyền thống gọi là “Tuần lễ Tư duy. ” Đây là thời gian mà Trey hầu như ở một mình để có những suy nghĩ sáng tạo nghiêm túc nhất về công ty.

Tôi nói “hầu như ở một mình” bởi vì khi bà ngoại của cậu còn sống, cậu thường trải qua Tuần lễ Tư duy với bà, tại nhà bà ở Hood Canal. Bà nấu cho cậu ăn và ở bên cạnh khi cậu cần.

Ngày nay Trey vẫn là một người đọc sách say mê như lúc còn nhỏ. Cậu không đọc trong lúc ăn nữa - và đó là một điều tốt vì một số sách cậu quan tâm ngày càng trở nên không hợp với các bữa ăn. Chẳng hạn, có những cuốn như Tiêu diệt các bệnh truyền nhiễm, Muỗi, sốt rét và người , hoặc Chuột, chấy và lịch sử.

Một trong những niềm vui đối với Trey và Melinda là họ có thể làm cho nhau cười. Đây là ảnh chụp ngày cưới của đôi vợ chồng, khi Trey cắt bánh. Ảnh của Lynette Huffman Johnson.

Cậu dường như ghi nhớ mọi thứ đã đọc và có lúc rất hăm hở muốn chia sẻ những gì đã đọc với người nào mình gặp.

Vợ của Trey, Melinda, kể rằng một bất lợi của việc này là đôi khi cậu tiến đến chỗ ai đó trong một bữa dạ tiệc cocktail thì họ liền né vì ngại rằng cậu sắp sửa nói về bệnh lao!

Bill và Melinda gặp nhau sau khi Melinda vào làm việc tại Microsoft, khi vừa tốt nghiệp Đại học Duke với bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Hai vợ chồng có ba đứa con - Jennifer, Rory và Phoebe.

Trey có bằng đại học mãi sau khi cậu và Melinda đã cưới nhau. Cậu bỏ học ở trường Harvard năm 1975 khi đang là sinh viên năm thứ 2. Nguyên cớ là do một cú điện thoại cậu
 
gọi từ phòng ký túc xá đến một công ty tại Albuquerque, bang New Mexico, một công ty đã khởi sự chế tạo máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới.

Paul Allen, lúc ấy đang sống gần Boston và làm việc cho hãng Honeywell, đã đọc thấy một bài báo về chiếc máy tính mới trên tạp chí Điện tử Phổ thông ( Popular Electronics ) và lao đến đưa cho Trey xem. Hai cậu đã mong chờ chiếc máy tính cá nhân ấy ra đời và khi đó, phần mềm sẽ trở thành một phần quan trọng.

Cho nên khi gọi điện đến công ty chế tạo chiếc máy tính ấy, cậu đã chào bán cho họ phần mềm. Công ty ấy ngay lập tức tỏ ra quan tâm, mở cửa cho Trey và Paul bắt đầu cuộc phiêu lưu với Microsoft.

Dĩ nhiên, Mary và tôi phát hoảng khi Trey bảo rằng cậu định nghỉ học để khai thác một cơ hội mà cậu cho rằng sẽ biến mất khi cậu tốt nghiệp Harvard. Tuy nhiên, cậu hứa với chúng tôi rằng cậu sẽ trở lại Harvard, “sau”, để lấy bằng.

Từ “sau” ấy rốt cuộc là 32 năm sau, vào ngày 7/6/2007, ngày mà Harvard trao cho Trey danh vị tiến sĩ danh dự. Tôi đã đến Cambridge cùng với cậu và Melinda để chứng kiến cậu nhận bằng danh dự và đọc diễn văn.

Sau những lời cảm ơn, Trey nói với cử tọa: “Tôi đã chờ hơn 32 năm để nói những lời này. ” Rồi cậu nhìn vào cử tọa, nhìn thẳng vào tôi và nói: “Bố, con luôn nói với bố là con sẽ trở lại để lấy bằng mà. ”

Có lẽ có một bài học nữa qua chuyện này cho các bậc cha mẹ của những trẻ em ham hiểu biết và ngay từ đầu đã cần có tự do để sống cuộc đời theo ý chúng. Bạn có quyền theo đuổi những giấc mơ về con cái mình mà chẳng có một giới hạn nào. Và cũng chẳng có cách nào để biết được niềm vui của chúng ta khi những giấc mơ ấy trở thành hiện thực nhưng lại theo một cách khác xa với những gì chúng ta tưởng tượng.

Vào dịp sinh nhật thứ 50 của Trey, tôi đã viết cho cậu một lá thư. Trong thư, tôi viết rằng tôi tin tinh thần ham hiểu biết đã đóng góp rất nhiều cho thành công của cậu.

Tôi bảo rằng niềm vui khi có một người con như cậu thật quá lớn để trải ra trên một trang giấy. Tôi kết thư bằng một đoạn mô tả cô đọng cảm xúc của tôi về việc làm bố của cậu. Đoạn thư như sau:

Từ xưa đến nay, bố đã nhắc nhở con và mọi người dè chừng việc lạm dụng từ “tuyệt trần” đối với những gì chưa đạt đến chuẩn mực cao thật sự. Đây là một từ hàm chứa ý nghĩa lớn lao để dùng riêng cho những ngữ cảnh đặc biệt. Ở đây, bố chỉ muốn nói rằng, làm bố của con là một trải nghiệm... tuyệt trần.

Tôi đã học về niềm tin và tình thương từ cô con gái Libby của tôi.

Một ai đó đã nói rằng mục đích của cuộc đời là mang lại ngạc nhiên cho chúng ta. Sự ra đời của thứ nữ của tôi, Libby, là một trong những điều ngạc nhiên của cuộc sống.
 
Khi biết rằng Mary có mang, cả nhà đều phấn khích. Kristi và Trey hoàn toàn chú tâm vào việc em bé mới sắp ra đời.

Bởi Kristi lên mười và Trey gần chín tuổi khi Libby ra đời nên chúng đỡ đần em như thể chú dì - như thêm một cặp bố mẹ nữa - hơn là như anh chị em.

Mary và tôi luôn cho rằng sự góp sức của các con trong việc nâng niu Libby đã khiến cô bé phát triển một khía cạnh tính cách nổi bật: sự tự tin.

Sự tự tin của Libby được thấy rõ nhất khi cô chơi bóng đá. Libby là thủ môn.

Mary và tôi đã dành nhiều giờ đứng bên sân bóng quan sát các trận đấu của Libby và chúng tôi nhận thấy một điều là nhiều thủ môn trẻ đã phát khóc khi bị đồng đội chỉ trích nếu để lọt lưới. Libby không như thế. Thậm chí khi bắt trượt bóng, cô vẫn điềm tĩnh vượt qua áp lực. Cô ta biết mình là một thủ môn giỏi.

Giống như mẹ mình, Libby là một vận động viên có năng khiếu và duyên dáng trong thi đấu. Cô được 12 giải thưởng trong trường trung học, giành chức vô địch đôi nữ quần vợt và là người dẫn dắt các đội tuyển bóng mềm, bóng rổ và quần vợt.

Khi lên đến năm thứ hai tại Đại học Pomono ở California, cô đã là thủ quân của đội tuyển bóng trường đại học và giữ vị trí đó suốt những năm đại học.

Quan hệ của Libby với bà ngoại có lẽ cũng góp phần củng cố ý thức tự tin đó. Những năm trung học, mùa hè nào Libby cũng về với bà ngoại tại Hood Canal. Tại đó, cô ta tự kết bạn và - khi đủ lớn - bắt đầu làm các công việc mùa hè như rửa chén đĩa trong tiệm café và phụ giúp trong nhà hàng của một resort tại địa phương. Mary và tôi đến thăm cô vào các dịp cuối tuần nhưng Libby thích thú được tự lập.

Libby và chồng, Doug Armintrout đã hợp thành một mái gia đình mà tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người đều thích làm láng giềng. Tôi cảm thấy may mắn khi hai vợ chồng sống gần với tôi. Ảnh chụp tại Hood Canal, 1990.

Sau khi tốt nghiệp đại học và tham gia hoạt động trong Đại hội Thể thao Thiện chí Seattle năm 1990, Libby lập gia đình với Doug Armintrout. Doug và Libby đã có ba con - Emmy, Steve và Mary - sống chỉ cách nhà tôi một quãng.

Niềm đam mê thể thao hiện tại vẫn tiếp tục vun đắp cho lòng tự tin của Libby.

Cô dạy cho con trai chơi bóng rổ và khiến các ông bố của các cậu bé trai khác phải nể phục. Cô chơi quần vợt với anh trai, Trey, một kẻ tranh đua khốc liệt và thi tài một cách đầy mưu mô và quyết liệt.

Mặc dù tự đánh giá mình bơi không giỏi, cô cũng thi đấu ba môn phối hợp và chạy một chiếc xe đạp “rất xoàng” (giá rẻ) mà không có trang bị công nghệ cải tiến nào để tăng cường hiệu năng thi đấu.

Tinh thần tiết kiệm của Libby khi mua sắm dụng cụ thể thao không phải khởi sự từ chiếc xe đạp mà đã là một huyền thoại trong gia đình.

Sau khi Microsoft đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, Libby đi mua một bộ dụng cụ trượt tuyết. Khi cô đưa cho người thu ngân ở cửa hiệu thể thao tấm thẻ tín dụng, anh ta nhìn thấy tên cô trên thẻ và hỏi có phải người nhà của Bill Gates.

Cô đáp: “Không. ”

Anh ta bảo: “Tôi cũng nghĩ vậy, vì nếu không thì cô đã mua một bộ gậy trượt tuyết bảnh hơn rồi!”

Vấn đề là cô không nghĩ rằng mình cần dụng cụ đắt tiền hơn.

Thể thao cũng mô phỏng cuộc đời, với những lúc thăng trầm, thắng và thua và tư duy nhạy bén kết hợp với phản xạ thể chất chớp nhoáng. Libby là một vận động viên thiên bẩm, lúc nào cũng thích thú với những thách đố tinh thần và thể chất của mọi môn thể thao - dù là bóng đá, bóng chày hay bóng rổ. Ảnh chụp Libby đang chơi bóng mềm năm 1985 .

Phong cách lãnh đạo của Libby - trước tiên thể hiện trên đấu trường - đã bắt đầu khiến cô nổi bật trong cả các lĩnh vực khác.

Cô đứng đầu ban quản trị của cơ sở nơi mình đang học, Học hiệu Lakeside và là một thành viên ban quản trị của trường Cao đẳng Pomona. Cô cũng là sinh viên  tình nguyện lãnh đạo nhiều tổ chức mà mẹ cô đã từng dẫn dắt. Và sự vững tin ở cô không ngừng bộc lộ.

Tôi đã nghe những người cùng làm việc với cô kể lại rằng, trong vai trò lãnh đạo, cô không hề nao núng trước các vấn đề gây tranh cãi. Cô lắng nghe những tiếng nói đối chọi và nỗ lực hòa hợp những ai bất đồng và tác động để họ cùng chung tiếng nói sau cùng.
 
Nhiều người nói rằng Libby làm họ nhớ rõ về Mary. Điều này chẳng có gì ngạc nhiên đối với mọi người trong gia đình vì cả nhà luôn biết rằng, cùng với năng khiếu thể thao của mẹ, Libby còn được kế thừa từ mẹ cô một trái tim.

Từ lúc còn bé, rõ ràng Libby đã giống Mary ở phong cách hòa nhã với mọi người, cũng như cách bộc lộ chân thành và niềm vui hòa đồng với mọi người. Libby cũng là người luôn kiên trì hành động theo trái tim. Một trong những sự nghiệp cộng đồng đầu tiên mà cô tham gia là Quỹ Một điều ước, hoạt động với mục đích hiện thực hóa những điều ước cho các trẻ em bệnh nặng sắp qua đời. Cô làm thân với một bé gái nhỏ tên Lissy Moore, bị bệnh u xơ nang.

Lissy ước mơ được gặp Michael Jordan. Đây là một điều ước không dễ thực hiện. Nhưng Libby đã theo đuổi Michael Jordan vì Lissy và về sau kể lại rằng cô đã chợt hân hoan đến choáng ngợp, quên mất cả bản tính trầm tĩnh thường ngày của mình, khi một ngày kia cô nhấc máy điện thoại và nghe đầu dây bên kia cất giọng: “Chào Libby, tôi là Michael Jordan. ”

Dĩ nhiên, kết quả là sau hai năm chờ đợi, Lissy đã được gặp Michael Jordan. Và anh đã viết một lá thư cho Quỹ Một điều ước để kể rằng Lissy quả đã truyền cảm hứng cho anh và anh rất cảm kích được cô bé tác động đến cuộc sống của mình.

Khi Lissy qua đời năm 15 tuổi, Libby đã được mời phát biểu trong tang lễ của cô bé.

Một bài học nữa tôi đã học được từ Libby là nếu chúng ta có đủ niềm tin để hành động theo trái tim và theo đuổi mục đích ngay cả khi bản thân có thể chịu tổn thương, chúng ta có thể làm cho rất nhiều điều ước - của chính chúng ta và của những người khác - trở thành hiện thực.

Bình luận