Trang chủ

Góp mặt cho đời

Những con người ta gặp trên đường cống hiến

Những người thầy vĩ đại dạy môn gì không quan trọng bằng chính con người họ. - Frederick Buechner, tác phẩm Lắng nghe cuộc sống (Listening to Your Life).

Một trong các phần thưởng của sự cống hiến là ta được gặp những người tài.  Một thí dụ sống động về một con người như vậy trong đời tôi là tiến sĩ Bill Foege.
Ông lớn lên trong cảnh nghèo tại một thị trấn nông trang nhỏ ở Đông Washington.

Lúc còn nhỏ, bị thôi thúc bởi các tác phẩm của tiến sĩ Albert Schweitzer, ông mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh tại châu Phi. Giấc mơ ấy đã dẫn đường cho ông đến Nigeria, nơi ông làm một mục sư y khoa và giờ đây trở thành nhà dịch tễ học lừng danh thế giới, người đã dẫn dắt con người tiêu diệt bệnh đậu mùa.

Bill Foege đã cống hiến trong nhiều vai trò.

Những cuộc phiêu lưu của ông trên địa cầu nghe như một cuốn tiểu thuyết. Với tư cách giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch, ông tập trung vào việc phòng chống và điều trị HIV/ AIDS. Với tư cách người đứng đầu Chương trình Đặc nhiệm Cứu sống Thiếu nhi, ông đã giúp cứu mạng hàng triệu trẻ em. Tiến sĩ Foege đã nhận những danh hiệu cao quý nhất trong ngành y và gần đây được mệnh danh là một trong những “Nhà Lãnh đạo tài giỏi nhất của Mỹ” bởi tạp chí News and World Report.

Trong những ngày đầu quỹ của chúng tôi mới thành lập, tiến sĩ Foege đã giúp chúng tôi hình thành một chiến lược cho mạng lưới y tế toàn cầu, hướng dẫn chúng tôi khảo sát khả năng tham gia vào việc tiêm chủng và miễn dịch. Ông luôn là một cố vấn đáng tin cậy.

Tuy nhiên, riêng đối với cá nhân tôi, trên hết, Bill Foege là một vị thầy. Sau tất cả, ông đã dạy cho tôi hiểu hơn về ý nghĩa của từ láng giềng.
Ông nói, những người láng giềng của chúng ta gồm một trăm triệu bậc cha mẹ mà mỗi tháng đau khổ mất đi một đứa con bởi một căn bệnh mà có thể dễ dàng phòng chống được. Và ông gợi ý rằng những người láng giềng của chúng ta gồm cả những người sẽ ra đời hai trăm năm sau này.

Ý niệm sau, phát xuất từ ông, không có gì ngạc nhiên, bởi ông dường như có liên hệ với những người đã sống 200 năm trước cũng như liên hệ với tôi trong khi nói chuyện.
 
Khi ông kể lại những câu chuyện từ những thời kỳ đã qua, ta gần như cảm nhận được sự hiện diện của chúng - sự hiện diện của nhà khoa học người Anh, tiến sĩ Edward Jenner, người vào cuối thế kỷ 18 đã lấy bạch huyết từ mụn mủ trên bàn tay của một cô gái vắt sữa đang bị bệnh đậu mùa để làm vắcxin ngừa đậu mùa cho một cậu bé; sự hiện diện của Louis Pasteur, người về sau đã đề nghị thế giới vinh danh tiến sĩ Jenner bằng cách gọi phương pháp chủng ngừa là tiêm vắcxin; sự hiện diện của Thomas Jefferson, người đã nỗ lực duy trì sự sống của virus để tiêm chủng đậu mùa trên suốt quãng đường vượt Đại Tây Dương để có thể tiêm ngừa cho mọi người trong gia đình.

Với những thành tựu của mình, tiến sĩ Foege là một tên tuổi lẫy lừng, thế nhưng, khi  tiếp xúc ở ngoài đời, ông là một con người khiêm nhường.

Bất chấp đã chứng kiến tất cả những khổ đau của con người, ông mang trong người một tinh thần lạc quan sáng ngời. Ông nói rằng đó là vì thậm chí trong những cảnh ngộ khó khăn nhất, những người theo nghề của ông đều có thể nhìn thấy phải làm gì để mọi chuyện tươi sáng hơn.

Một bài học tôi rút ra được từ ông là nếu ta cảm thấy mình có một sứ mệnh đặc biệt trong đời, hãy theo đuổi. Bạn có thể không giàu, nhưng bạn sẽ gìn giữ được tâm hồn của mình và có thể thậm chí làm thay đổi thế giới.

Có lẽ điều đáng khích lệ nhất mà tôi học được từ Bill Foege là mặc dù danh tiếng thường lấn át chủ nghĩa anh hùng, trong chúng ta vẫn luôn có những vị anh hùng đích thực.

Bill Foege dạy tôi bài học đó bằng phương pháp tốt nhất của một người thầy - bằng cách làm gương.

Bình luận