Trang chủ

Góp mặt cho đời

Cháy mãi lửa trại Cheerio

Khi hai đứa con đầu vẫn còn bé, vợ chồng tôi đã phát hiện ra một ý tưởng để gây dựng truyền thống gia đình mà các con tôi bảo rằng đã ảnh hưởng lớn lao đến nhân sinh quan của chúng.

Mùa hè 1957, một đồng sự luật sư của tôi đã mời Mary và tôi đến thăm gia đình anh tại Hood Canal - trên bán đảo Olympic của Washington - để ăn tối bên lửa trại với họ và sáu gia đình khác.

Các gia đình này đều có con ở tuổi thiếu niên và đã đi nghỉ mát với nhau trong nhiều mùa hè ở Hood Canal tại một khu nghỉ mát nhỏ tên là “Cheerio. ”

Trong bữa ăn tối, lắng nghe họ kể lại các chuyến đi chung, Mary đã nghĩ rằng vợ chồng tôi nên noi theo truyền thống của họ và tự tổ chức nghỉ hè tại Cheerio.

Chúng tôi đã tổ chức như vậy vào mùa hè năm sau - khi Kristi lên bốn và Trey lên ba - bằng cách mời sáu gia đình khác cùng tham gia.

Mọi người đều thích thú đến độ chúng tôi quyết định tổ chức tiếp vào mùa hè năm kế tiếp và lại năm kế tiếp và kế tiếp, cho đến khi 14 mùa hè trôi qua. Trong suốt thời gian đó, chúng tôi lại mời thêm các gia đình, để rồi cuối cùng có 11 gia đình cả thảy mỗi năm nghỉ hè cùng nhau 2 tuần.

Cheerio nằm tại một khu vực rộng lớn, có một phần là rừng, với một dãi đất mênh mông bên bờ kênh.

Cả đất đai và nhà cửa tại Cheerio đều hết sức mộc mạc.

Có tám căn nhà gỗ, sau này là mười căn, cộng với một chòi gỗ có chỗ đốt lửa trại và trở thành chỗ chúng tôi ưa thích tụ tập. Có một cái sân quần vợt hoang phế, cỏ mọc lên từ các kẽ nứt trên mặt sân xi-măng.

Cheerio thiếu những tiện nghi xa hoa nhưng bù lại thì chi phí rất rẻ và có cả một không gian ngoài trời mà chúng tôi cần đến để tổ chức các trò có một không hai cho cả nhóm.

Mỗi gia đình có một số trò sở trường. Các trò chúng tôi tổ chức tại Cheerio là dịp cho các tài năng được thể hiện và cũng là dịp để khám phá năng khiếu của mọi người.

Có một ông bố giỏi môn quần vợt. Thế là mỗi mùa hè ông ta đều bày ra một giải quần vợt cho cả trẻ con lẫn người lớn thi thố môn này và nâng cao trình độ.

Một số bậc cha mẹ khác thì bày ra Thế vận hội Mùa hè Cheerio, gồm các môn như chạy đua ba chân và chạy đua ngậm muỗng với trứng. Thế vận hội này kết thúc bằng một buổi lễ
 
trao giải theo kiểu Olympic. Chúng tôi kết ruy-băng và làm bục lễ đài theo kiểu sân khấu thực thụ của Olympic. Khi người chiến thắng leo lên bục để nhận giải thì đám đông tung hô.

Một số môn chơi của trẻ em - như quần vợt, bơi và trượt nước - đòi hỏi phải phối hợp đồng đội. Một số môn khác chỉ đòi hỏi ý chí cá nhân.

Trong những môn loại này có trò diễu hành đằng sau một biểu ngữ lớn mạ vàng với chữ “Cheerio” rồi tham gia “Cướp cờ” hay một trò mà các bà mẹ gọi là “Đá tròn. ”

Lũ trẻ chẳng bao giờ biết rằng mục tiêu của trò “Đá tròn” là để cho các bà mẹ có thời gian xả hơi với nhau trên bờ kênh trong khi trẻ con thi nhau tìm kiếm viên đá tròn nhất.

Một chú bé lon ton chạy đến chỗ mẹ - với một viên đá trong tay - và hỏi: “Viên này được không mẹ?”

Bà mẹ tinh khôn sẽ đáp lại bằng cách xem xét kỹ càng viên đá, ngợi khen mấy câu, rồi bảo: “Nhưng thế nào con cũng tìm ra viên tròn hơn. ” Thế là chú bé lại chạy đi tìm viên khác.

Bọn trẻ sẽ loay hoay như thế suốt mấy giờ đồng hồ mà không hay biết. Một bà mẹ trong nhóm vẫn còn nhớ: “Bọn trẻ mê trò đó!”

Những bà mẹ ở Cheerio không chỉ chia nhau giám sát bọn trẻ mà mỗi người còn là một tấm gương về ứng xử đối với bọn trẻ. Nếu cư xử không đúng đắn hoặc nói bậy trước mặt  bất kỳ một bà mẹ nào thì một đứa trẻ sẽ được chỉnh đốn ngay.

Các trò buổi tối tại Cheerio cũng vui hệt như những trò ban ngày.

Một vài gia đình có năng khiếu âm nhạc; họ mang theo nhạc cụ như clarinet và trumpet đến Cheerio và biểu diễn quanh đống lửa trại nơi mọi người ngâm thơ và ca hát.

Các con tôi vẫn còn nhớ lời của một bài hát được sáng tác tại Cheerio. Chúng tôi hát nhại theo nhạc nền trong bộ phim “ Cầu sông Kwai ”.

Các bậc cha mẹ cần một trò để đưa lũ trẻ về ngủ. Thế là mọi người cùng hát vang bài đó bên đống lửa trại và trong tiếng nhạc đó, mỗi gia đình bước đều trở về căn nhà gỗ của mình, vừa đi vừa vẫy chào tạm biệt.

Là người đầu trò tại Cheerio, nhiệm vụ của tôi là dẫn đầu đoàn diễu hành. Đây là một trong những mục mà chúng tôi lặp lại mãi tại Cheerio.
Một tiết mục nữa được ưa thích là “Dạ tiệc giao lưu. ” Tiết mục này được bày ra để lũ trẻ có dịp ăn tối với bố mẹ nhà khác thay vì bố mẹ của mình. Mở đầu trò này là một màn rút thăm để mỗi đứa trẻ biết được tên của cặp vợ chồng sẽ đón tiếp mình đến ăn tối. Trò này được bố trí để những trẻ em là anh chị em với nhau sẽ không ngồi ăn chung. Các con tôi đều nhớ trò này là một phương cách lý thú để học cách nói chuyện với người lớn ngoài bố mẹ mình.

Còn có các trò khác tại Cheerio như điểm tâm bánh kếp chủ nhật và dạ tiệc dành cho bố mẹ, tổ chức vào tối thứ bảy và tất cả trẻ em đều phải về nhà lúc 8 giờ.

Mỗi năm trở lại Cheerio, bọn trẻ lại càng thạo hơn những trò chúng học được - trượt nước một ván thay vì hai ván, hoặc chơi quần vợt giỏi hơn. Chúng cũng thân nhau hơn.

Người lớn cũng vậy.

Vào các ngày thường, hầu hết các ông bố đều lái xe đến bến phà tại Bremerton để qua vịnh Puget đến Seattle đi làm và đến tối lại quay về trong tiếng reo hò chào đón của các bà mẹ và lũ trẻ.

Ban đầu, các ông bố chúng tôi chỉ ở lại Cheerio vào các kỳ cuối tuần. Rồi qua những năm sau, các ngày nghỉ cứ thế lấn dần ra cả ngày thường. Chúng tôi nâng niu quãng thời gian ở cùng nhau cũng hệt như bọn trẻ.

Tôi tin rằng Cheerio là một ví dụ tiêu biểu cho sức mạnh của truyền thống trong việc nuôi dạy trẻ.

Một trong những điều tuyệt vời về mặt truyền thống là Cheerio mang lại cho bọn trẻ cảm giác của sự ổn định và tạo ra cho chúng những kỷ niệm. Chúng tôi nhớ mãi một dịp đến Cheerio - ngồi quây quần quanh chiếc TV trong căn nhà gỗ - vào đúng khoảnh khắc phi hành gia Neil Armstrong đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng.

Từ những mùa hè sinh hoạt tập thể đó, những đứa trẻ tại Cheerio đã học được nhiều bài học.

Chúng có thể nhìn thấy rõ những cuộc hôn nhân hạnh phúc và quan sát thấy rằng không phải mọi cuộc hôn nhân - hoặc gia đình - đều giống nhau. Chúng học được rằng những gia đình khác nhau sẽ có cách sống khác nhau.

Chúng cũng học được rằng mọi người đều có sở trường. Và chúng ta hãy tìm kiếm điều đó ở người khác và ở chính mình.

Chúng học được rằng dù không giỏi một môn nào đó, ta vẫn có thể làm được. Và, nếu hôm nay ta thi thố mà thất bại, thì còn có ngày mai.
Khi bọn trẻ đến tuổi thiếu niên và việc lập kế hoạch nghỉ hè chung trở nên hết sức khó khăn, chúng tôi thôi không cùng đi nghỉ hè tại Cheerio nữa. Nhưng thật sai lầm nếu nói rằng Cheerio đã chấm dứt.
 
Nhiều thập niên sau khi thông lệ Cheerio đã không còn và bọn trẻ đã trưởng thành, chúng lại đưa gia đình từ các nơi bay về để họp mặt. Chứng kiến bọn trẻ ở bên nhau mới thấy rõ ràng tình cảm thân mật hình thành từ thời thơ ấu đã không phai theo thời gian.

Các con tôi bảo rằng khoảng thời gian hai tuần sống chung với các gia đình khác vào mỗi mùa hè là một trong những trải nghiệm có ý nghĩa nhất với chúng trong thời thơ ấu.

Giờ đây chúng đã có con cái, tôi lại quan sát chúng đi nghỉ hè cùng nhau tại Hood Canal, tái hiện lại với các con mình những khoảnh khắc như thời Cheerio.

Bất chấp năm tháng trôi qua, bọn trẻ bảo tôi rằng chúng vẫn còn cảm nhận được sự ấm áp của tình cảm có được trong những ngày hè bất tận đó và những đêm không bao giờ quên quanh đống lửa trại tại Cheerio.

Tình bạn lâu bền

Đối với tôi, một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc sống là tình bạn.

Tôi vẫn còn có những người bạn học từ tấm bé. Thật ra, tôi và người bạn thân thiết đầu tiên của tôi (sống cạnh nhà tôi khi tôi còn bé) vẫn còn đi lại thăm viếng nhau.

Và một, hai lần mỗi năm, tôi lại cùng ăn trưa với năm người bạn thời trung học để hồi tưởng lại những ngày tháng tươi đẹp đó.

Tôi cho rằng điều quan trọng là phải chú tâm gìn giữ tình bạn.

Mary rất giỏi trong việc thỉnh thoảng bày ra những trò thú vị để có dịp tụ tập với bạn bè
-    có thể là một trận bóng chuyền trong công viên gần nhà, một buổi đi săn hoặc dạ tiệc hóa trang.

Cách đây gần 60 năm, Mary đã lập một câu lạc bộ chơi bài brit (bridge club) để giao lưu với các bạn hữu.

Câu lạc bộ hoạt động từ ngày ấy và vẫn tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay, kể cả sau khi Mary đã qua đời.

Theo thời gian, chúng ta sẽ có được một mức độ thông hiểu và tin cậy với những bạn bè thân thiết nhất. Ta biết họ, biết thành kiến của họ và tính khí của họ. Ta chấp nhận họ và thậm chí có thích thú họ. Rồi ta cũng cảm nhận rằng chính họ cũng chấp nhận ta, con người và tính khí của chúng ta.

Nụ cười giữa bạn bè không nhất thiết phải cần đến những câu chuyện hài hước. Bạn bè chỉ cần nói nửa câu để hiểu nhau.

Tình bạn có nhiều điều không thể diễn tả bằng lời. Và đây chính là niềm an lạc lớn lao khi có một người bạn.
 
Trong thời gian Mary chống chọi trong cuộc chiến sinh tử với căn bệnh ung thư, chính sự chăm sóc và tình cảm của những người bạn cũ như thế đã giúp tôi vượt qua. Và sau khi nhà tôi ra đi, chính những người bạn ấy đã lấp đầy khoảng trống đau thương trong đời tôi. Những người bạn ấy đã cần mẫn và chủ động dành thời gian đến với tôi.

Trong số những người bạn ấy có một vài cặp vợ chồng đã từng đi nghỉ chung trong những kỳ hè tại Cheerio và cùng chơi trượt nước với gia đình chúng tôi. Sau khi con cái khôn lớn, các gia đình vẫn tiếp tục dành thời gian qua lại với nhau. Chúng tôi vẫn đi nghỉ mát chung. Chúng tôi vẫn rủ nhau đi du lịch và cùng thưởng ngoạn thế giới.

Một số người bạn thân trong những người này cũng tham gia câu lạc bộ bài brit. Sau bao nhiêu năm, chúng tôi vẫn đều đặn gặp nhau, mặc dù về sau này chúng tôi quyết định sẽ không đánh bài khi gặp nhau nữa. Tình bạn bao giờ cũng quan trọng hơn những trò chơi.

Tôi phát hiện ra rằng để tình bạn được vun đắp, chúng ta phải bỏ công để làm cho những người ta quan tâm thấy rằng ta đang nghĩ đến họ và họ quan trọng với chúng ta. Đối với tôi, để làm điều đó, tôi thường gửi thư hoặc gọi điện.

Tôi đã nghiệm ra rằng sự quan tâm ấy quả là một cái giá nhỏ nhoi phải trả để có được tình bạn sâu sắc và bền vững trọn đời.

Bình luận