Suy nghĩ chín chắn trước khi hành động bao giờ cũng khó khăn và thường khiến chúng ta tốn nhiều thời gian. Nhưng đơn giản ta không thể trở thành một người chính trực nếu không làm thế.
- Stephen Carter, tác phẩm Sự chính trực.
Tôi có được những ý niệm đầu tiên về tầm quan trọng của tinh thần cởi mở khi quan sát sự tương phản giữa cách tư duy của mẹ tôi và bố tôi - và hiệu quả đôi khi từ lối nghĩ của người này đối với người kia.
Mẹ tôi là một người cởi mở và chẳng có mấy ý hướng rõ rệt sau này chị em tôi sẽ theo nghề gì.
Bố tôi, với tâm thức phần nào bất an do không được ăn học đến nơi đến chốn, đã tìm cách tạo ra tâm lý bình an bằng một số tiên đề bất di bất dịch. Tầm quan trọng của sự làm việc chuyên cần, chẳng hạn, là một tiên đề hoàn toàn ổn. Nhưng một số tiên đề khác của ông đã khiến tôi đôi lúc sớm nhận ra những tác hại ngoài ý muốn của lối tư duy bó hẹp đó.
Một trong các tiên đề của ông là “con gái không cần học đại học” và tư duy đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc đời của chị tôi.
Mark Twain đã chí lý khi nói rằng: “Dấu hiệu chắc chắn nhất của sự thông minh là tinh thần cởi mở. ”
Suốt cuộc đời mình, tôi luôn bị cuốn hút trước những con người có đầu óc cởi mở. Dĩ nhiên, tôi cũng gặp những tác động khác ngoài bố mẹ.
Một trong những người đó là thầy giáo kiêm huấn luyện viên bóng rổ ở trường trung học tên Ken Wills, người đã mời tôi và các bạn học của tôi đến nhà thầy để thảo luận hằng tuần. Thầy có quan điểm mạnh mẽ về thể thao và chính trị, nhưng trên hết là về tôn giáo. Thầy không tin vào Thượng đế hay tôn giáo.
Mặc dù ý niệm của thầy phần nào gây sốc, lời giảng của thầy lại gieo vào đầu chúng tôi tư tưởng phải cởi mở tiếp thu các quan điểm khác biệt của mọi người thay vì chỉ chấp nhận những gì mình được truyền bá.
Một nhân vật gây ảnh hưởng khác là giáo sư tâm lý dạy tôi năm thứ nhất đại học, giáo sư William Wilson. Giờ của thầy là một sự trải nghiệm sôi động đối với tôi.
Điều làm cho nó sôi động chính là nhiều sự giả định, quan điểm và niềm tin căn bản của đa số chúng ta đều được đem ra phân tích và mổ xẻ chi ly. Thầy yêu cầu chúng tôi phải bảo vệ ý kiến của mình bằng chứng cứ xác đáng và phải nghi vấn các giả định bằng cách đưa ra luận điểm phản biện.
Tôi đã học được một số bài học từ giờ của thầy:
Một điều gì đó được trình bày trên sách, báo hay tạp chí (hoặc là trên web, như ngày nay) không có nghĩa điều đó nghiễm nhiên đúng; và bất cứ chủ đề gì cũng có thể có nhiều quan điểm phù hợp - và thường có không dưới hai góc nhìn.
Tôi có thể đoan chắc rằng chính giờ học của giáo sư Wilson là lúc mà tôi thoạt trở thành con người biết tư duy.
Lúc bấy giờ có một cuộc chiến đang nổ ra, Thế chiến thứ II. Vào cuối năm thứ nhất đại học, tôi được lệnh trình diện để tham gia quân đội. Biết cách tư duy độc lập là bài học quan trọng của một chàng trai ra trận. Và quả thật tôi không nghĩ ra được bài học nào quý giá hơn thế trong đời.
Những gì học được từ giáo sư Wilson đã chắp cánh cho tôi biết tư duy để thách đố hiện tại, bớt chú trọng đến quá khứ của cõi đời này để hướng đến tương lai.
Kể từ lúc ấy, tôi đã cố gắng sống như thế.
Trong những năm gần đây tôi đã chu du đến một số nơi nghèo khó nhất thế giới và một lần nữa nhận ra rằng nhiều thứ đã không được như chúng ta mong đợi.
Ở những nơi như thế, hiện trạng tồi tệ dễ choán hết tâm trí của người ta và khiến họ không còn đủ nghị lực để hòng thay đổi mọi chuyện.
Tôi phải thú thực rằng tôi hầu như luôn nhìn thấy những cơ may. Những cơ may bất tận.
Cách đây vài năm tôi đã nhận được một trong những lời chúc tụng hân hoan nhất bởi các thành viên kỳ cựu của Quỹ Rockefeller và Đại học Rockefeller.
Tôi đã được mời đến diễn thuyết tại một hội nghị về phúc thiện để đánh dấu dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Rockefeller.
Sau bài diễn thuyết, người ta bảo một người bạn của tôi rằng dường như tôi là một “con người khoan dung, thông minh và cởi mở với mọi chuyện. ”
Tôi hy vọng họ nói đúng.
Dĩ nhiên, lúc ấy tôi mới có 74 tuổi.